Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BỐN MƯƠI  

Kế đến lại nói về công đức có được nhờ không nói nhiều. Đó là Tỳ Kheo khéo giữ tâm ý ngay thẳng, chỉ thích chánh pháp, chỉ biết chánh pháp, ăn nói ngay thẳng, chỉ nhớ nghĩ chánh pháp, tư duy về chánh pháp, chỉ thực hành chánh pháp và thường xuyên lễ Phật.

Hạng Tỳ Kheo này có thể thấu suốt những chỗ mà họ chưa từng gặp. Nhờ xả bỏ việc nói nhiều nên họ chỉ hành động chân chánh, sợ hãi sinh tử. Lời nói của người này có đưa đến kết quả, đó là lời nói của những người chỉ nói bốn Thánh đế.

Thân người ấy làm việc rất chăm chỉ. Thân người đó có kết quả, đó là siêng năng lễ bái Phật, Pháp, Tăng. Ý của người đó cũng có kết quả. Ý thường tư duy về tự tướng và tướng tương tợ. Kết quả của ba loại siêng năng như vậy là tiến gần đến Niết Bàn.

Nếu người nào dùng tất cả phương tiện, nỗ lực để xả bỏ việc nói nhiều, xa lìa, không thường gần gũi tri thức ác thì tâm sẽ ngay thẳng, không loạn động. Người nào làm được ba việc sau thì sẽ đến Niết Bàn.

Ba việc đó là gì?

Đó là quán hơi thở, quán bất tịnh và quán vô thường, hư hoại. Tất cả các việc này nếu giữ tâm ngay thẳng thì có thể đạt được, nếu tâm không ngay thẳng, thích nói nhiều, tâm không có chánh niệm thì sẽ ngăn ngại ba việc này. Đó chính là nẻo ác dẫn vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chúng sẽ trói buộc người dẫn vào đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Chúng sinh này bị việc nói nhiều lừa dối cho nên thích nói nhiều, việc nói nhiều như chất độc, như dao, như lửa, như rắn, như rớt từ bờ hiểm. Tỳ Kheo có trí tuệ, ngồi thiền, đọc tụng phải thường xả bỏ việc này.

Việc nói nhiều ấy hay lừa dối nhiều người khiến bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu do dư nghiệp được sinh làm người thì người ấy làm người thường ca múa, vui chơi, nhảy nhót, lực sĩ, ca kịch, ca hát đủ loại, đi xin ăn bên cửa nhà người khác ở khắp nơi hoặc là đi buôn bán kiếm lời để sinh sống, hay là bị mù lòa phải đi xin ăn ở nơi chợ quán, hoặc các đường phố có nhiều người.

Ai thích nói nhiều sẽ bị rắn độc cắn. Ai thích nói nhiều sẽ bị lửa lớn thiêu đốt. Ai rơi vào chỗ nguy hiểm là thích nói nhiều, như vậy sẽ bị nọc độc nói nhiều châm chích.

Người ngu si thích nói nhiều này bị tất cả làm mê hoặc. Tất cả sự mê hoặc là do nói nhiều. Việc thích nói nhiều là đống mờ ám lớn. Người sợ con đường ác thì phải xả bỏ việc nói nhiều. Xả bỏ rồi siêng năng tu hành theo thứ lớp liền được thấy đạo.

Vì vậy ta phải làm như vậy: Ở nơi vắng vẻ im lặng, không có các âm thanh làm trở ngại, không có tiếng gọi đáp, tiếng ca, tiếng trống, ở nơi tu tập Mặt Trời trí tuệ, nơi hang núi gốc cây, nơi phước đức không có âm thanh làm chướng ngại, ở một mình không có người nào khác, ngồi yên một chỗ, gom tâm giữ chánh niệm, diệt trừ ma phiền não. Phải khéo léo làm như vậy để điều phục tâm, khiến tâm tịch tĩnh xa lìa tất cả việc nói nhiều.

Tất cả anh em, bè bạn đến thăm ta đều phải lìa bỏ việc nói nhiều, tâm không mong cầu họ tới thăm, chỉ thích ở một mình, thường ngồi thiền, đọc Kinh, xa lìa bốn sự điên đảo để được an lạc. Mười sáu pháp quán sổ tức họ đều biết và thực hành một cách siêng năng không kể ngày đêm nhờ vậy có thể thoát được dây trói sinh tử.

Ai làm được như vậy thì có thể đến được nơi thù thắng. Nếu người nào chưa được thấy chỗ thường an ổn thì phải lìa bỏ việc nói nhiều. Người có trí tuệ, tâm ý khéo léo, tu hành vững chắc làm Sa Môn, lìa bỏ biếng nhác phải xa bỏ một pháp này đó là việc thích nói nhiều.

Lại nữa, phải đoạn trừ pháp chướng ngại thứ nhì, đó là pháp không nên làm vì nó dẫn đến việc sát sinh.

Pháp thứ hai đó là gì?

Đó là Tỳ Kheo làm thầy thuốc trị bệnh không thể tọa thiền, không thể đọc tụng. Tỳ Kheo hành nghề thầy thuốc đi đường khác, làm việc khác với đạo, thường tìm kiếm bệnh nhân, thường mong cầu trị bệnh. Người làm việc này lòng tham tăng trưởng rất lớn.

Do tâm tham ấy người này thường tư duy: Mong chúng sinh có nhiều bệnh, có vô lượng loại bệnh và các chúng sinh bệnh đó sẽ cúng dường thật nhiều cho ta, đem nhiều tài vật cho ta. Vì vậy ta phải làm việc ở nơi đông người, để thường thọ hưởng dục lạc từ thôn đến thôn, từ thành đến thành, từ biên địa đến biên địa.

Đã suy nghĩ vậy rồi, lòng tham của Tỳ Kheo ác ấy càng thêm tăng trưởng. Khi lòng tham đã tăng trưởng, trong tâm Tỳ Kheo này sinh ra chất cấu uế, không thể ngồi thiền, không thể đọc tụng và không thể làm việc lành.

Lại nữa, việc trị bệnh có lỗi cấu uế là Tỳ Kheo ấy tự làm hoen ố địa vị Tỳ Kheo. Nếu các chúng sinh nào có bệnh hoạn, Tỳ Kheo ác ấy bảo người giữ thuốc hãy mau đem dầu đến. Nếu không có dầu thì ép mè. Do ép mè nên làm chết nhiều trùng. Đó chính là tội lỗi của việc trị bệnh. Người này làm Sa Môn một cách hư dối, chỉ có miệng tự nói ta là Sa Môn nhưng thật ra chẳng phải là Sa Môn.

Lại nữa, gặp người bệnh thì họ dạy người nuôi bệnh lấy thịt cho người bệnh ăn và dặn là phải lấy thịt mới giết, không dùng nhiều thịt mỡ, không dùng thịt của con vật tự chết, không dùng thịt của con vật chết vì bệnh, không dùng thịt của con vật chết vì chất độc, không dùng thịt của con vật chết vì rắn cắn, không dùng thịt khô, không dùng thịt của con vật gầy ốm. Họ dạy như vậy.

Do được dạy như vậy, người kia liền sát sinh. Do sát sinh nên bị mắc tội sát sinh, hoặc dạy người sát sinh, hoặc tự sát sinh, hai hạng người ấy đều đồng một nghiệp sát sinh bị đọa vào Địa Ngục Hoạt. Vì vậy không nên do tâm tham mà làm nghề trị bệnh.

Tỳ Kheo làm nghề trị bệnh lại có tội lỗi là: Tuy có thể nói ta là Sa Môn nhưng thật ra là kẻ cướp lớn, là người rất ác. Vì chúng sinh bị đau bệnh, họ đi khắp nơi để thu nhặt các loại thuốc, hoặc là cành cây, hoặc là trái cây. Để có tài vật, họ thu nhặt tất cả.

Các loại thuốc ấy đều chứa trùng, là chỗ nương của trùng, trùng ở đầy khắp trong đó. Do tâm tham, muốn được tài vật họ đào dưới đất lên để lấy hoặc cắt để lấy. Do đào để lấy thì họ giết trùng dưới đất hoặc phá nơi ở của trùng ấy. Nếu cắt để lấy thì giết trùng ở bên trong hoặc khiến trùng ở nơi đó chết.

Đây là tội lỗi của việc trị bệnh. Tâm của họ như vậy, thích sinh sống bằng nghề bất tịnh, làm sao có thể tu thiền, đọc tụng. Tâm họ chỉ thường ưa thích việc trị bệnh.

Lại nữa, Tỳ Kheo trị bệnh này, tâm tư duy về điều ác, có lỗi rất lớn.

Tỳ Kheo này tư duy pháp ác có tâm như vậy: Muốn cho có nhiều người bị bệnh, nếu người bệnh nhiều ta liền được cúng nhiều của cải, đồ ăn thức uống, ngọa cụ và nhiều lợi lộc khác.

Dục hủy hoại tâm làm vị ấy không nhớ pháp thiện, không thích tọa thiền, tụng Kinh, không gần tôn trưởng, không gần bạn lành, cũng không lễ Phật. Làm việc bất thiện, sau khi qua đời, vị ấy bị đọa vào đường ác, sinh trong Địa Ngục. Do nghiệp thiện còn sót lại, khi ra khỏi nơi đó, vị ấy sinh trong loài người nhưng thường đau bệnh, nghèo khổ, chết sớm. Ấy là do nghiệp ác trị bệnh.

Lại nữa, cái họa của người làm thầy trị bệnh là trị bệnh theo pháp cũng có lỗi lầm. Từ vô thỉ đến nay có ba loại bệnh là gió, nóng và lạnh. Ba việc này điều hòa thì tâm được an lạc, không đọa cõi ác. Thân này tan rã, hoại diệt thì ba việc này cũng mất.

Vậy mà người ngu si phàm phu ấy chưa từng nghe đến, chưa có trí tuệ, thật chẳng phải Sa Môn, mà tự nói: Ta là Sa Môn, trị ba loại ấy.

Vì nghĩa gì, vì nhân gì mà cạo bỏ râu tóc, đắp pháp y mà lại xả bỏ điều này?

Từ vô thỉ đến nay, tham, sân, si không tùy thuộc vào thân. Nếu thiêu thân, ba thứ ấy không bị thiêu, không mất, không diệt.

Chúng theo đuổi trói buộc và đi chung với ta ở khắp nơi trong năm đường, vì sao không lo trị ba thứ họa lớn là tham, sân, si này trước mà lại trị bệnh gió, nóng, lạnh kia trước?

Đây là xuất gia một cách hư dối, ngu si, không trí tuệ.

Kẻ phàm phu hèn hạ, bị tâm lừa dối như có người ngu, không có quyền lực hằng ngày bị não loạn. Nếu người ngu ấy vì của cải mà gây oán với kẻ có sức mạnh thì không thể ngăn được. Nếu dùng thế lực cũng không thể phòng ngự. Kẻ oán thù có thế lực lớn này thường tìm đến gây hại nhưng người ngu này không sợ kẻ oán thù ấy. Biết người khác có chút ít oán thù, người này sinh sợ sệt đối với người có chút ít oán thù ấy.

Người này kết bạn với người ngu và người ngu nói với đồng bạn là: Nay ta cùng nhau từ bỏ giặc oán ấy. Kẻ oán thù có sức mạnh lớn biết người ngu si ấy là kẻ ngu si, biếng nhác và phóng dật nên đến giết người ấy.

Vì sao?

Do người ngu ấy làm việc cho người khác.

Như vậy, như vậy, người Sa Môn ấy tự cho là Sa Môn, làm thầy Sa Môn mà lìa bỏ, không đối phó với kẻ oán thù có sức mạnh lớn để làm việc khác.

Tham, sân, si ấy theo đuổi không rời ở trong vô lượng đời. Chúng bày ra đường sinh tử, có sức mạnh lớn mà không có nơi chốn, không thể tìm cầu, chỉ có trí tuệ mới biết được. Để trừ kẻ oán thù lớn này người ngu si ấy đã lìa bỏ bạn thân, vợ con, anh em của mình để cạo tóc xuất gia. Tuy đã xuất gia rồi những người ấy không thể quan sát thấy kẻ thù có sức mạnh lớn này.

Vì muốn được của cải, người ấy nói với người khác là: Kẻ thù của ông chính là gió, lạnh, nóng mà tôi sẽ diệt trừ. Do tâm loạn động này người ngu si ấy bị thần chết đến kề, ba loại oan gia theo đuổi không rời. Kẻ thù lớn ấy là tham, sân, si.

Người ấy bị dây tham dục trói nên sống rất phóng dật, dẫn sang cõi khác, thích làm việc khác và bị sự tham lam làm loạn ý. Vì vậy, người nào biết cái họa này rồi thì không làm thầy trị bệnh. Nếu có trị bệnh thì nên trị bệnh tham, sân, si… liền thường không bệnh.

Khi ấy Đức Thế Tôn Ca Diếp nói kệ:

Gió, lạnh, nóng ít họa

Tham, sân… họa mới nhiều

Gió… không phải đường ác

Tham sân đọa Địa Ngục.

Họa tâm là họa lớn

Thường khiến đi đường ác

Vì vậy trừ liền vui

Trừ gió, lạnh chẳng vui.

Nếu bỏ nghiệp của mình

Ưa thích việc của người

Người ấy mau thoái thất

Bị người trí chê cười.

Gió lạnh nóng suy kém

Chúng sinh liền mất thân

Tham sân chưa từng mất

Sinh tử làm điên đảo.

Diệt tham dục được vui

Diệt gió lạnh chẳng vui

Do tham sân bị diệt

Liền được vui thù thắng.

Trị tâm là trị bệnh

Trị thân chẳng trị bệnh

Trị tâm bệnh khó biết

Trị gió lạnh dễ hiểu.

Do nhân duyên ấy Đức Phật Ca Diếp ngăn cản không cho người xuất gia làm thầy trị bệnh.

Lại nữa, người xuất gia trị bệnh có vô lượng lỗi là sinh tâm tham, thấy các vị thầy thuốc khác tâm liền sinh ngạo mạn, dùng lời bất thiện hủy nhục thầy thuốc khác, bỏ bê việc làm chính của thầy Tỳ Kheo, tâm sinh ganh ghét, gây nghiệp ngạ quỷ, tạo nhân sinh làm ngạ quỷ.

Tâm người này uế tạp, vọng động và rất tham. Do tâm tham sinh ra, lúc thấy phụ nữ, không khéo quan sát do đó tự làm ngăn ngại rối loạn. Người ngu si ấy khi thấy phụ nữ thì tham dục phát sinh hủy hoại tâm. Người ấy trị bệnh gió, lạnh, nóng… của người khác nhưng tự tăng trưởng của bệnh tham, sân, si trong thân.

Do tăng tham, sân, si nên các loại khổ não về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cũng tăng lên và người ấy bị tham, sân, si phá hoại. Người thầy thuốc bất thiện thì có ác kiến, bị cái họa lớn trói buộc đưa vào Địa Ngục. Vì vậy, tất cả người xuất gia phải thường siêng năng trừ bệnh tham, sân, si chớ đừng trị bệnh gió, lạnh, nóng.

Pháp thứ hai này là người Sa Môn nào muốn cầu Niết Bàn thì không nên dùng thuốc thang trị bệnh làm trở ngại, phế bỏ việc tọa thiền, đọc tụng Kinh, luật.

Lại nữa, phải xả bỏ, không nên thực hành pháp ngăn ngại thứ ba.

Pháp thứ ba đó là gì?

Đó là làm thợ vẽ.

Người xuất gia không nên làm nghề vẽ.

Vì sao?

Đó là vì trừ bỏ tham dục.

Đã xả bỏ gia đình xuất gia sao lại sinh tâm dục khác?

Đã biết ở thế gian có tâm nghiệp vẽ rồi mới tạo đủ loại bức họa khác. Nên có người không biết bức họa của tâm nghiệp thì có thể tạo bức họa có đủ màu sắc.

Người xuất gia ấy cần biết rõ năm màu sắc chính của bức họa, họa thành năm đường, do đủ loại tâm.

Những gì là năm?

Đó là năm màu sắc chính tạo nên năm đường.

Tâm là người thợ vẽ dùng màu trắng và rất sạch của nghiệp để họa thành thiên đạo. Do tín tâm, thích bố thí rộng khắp, lìa keo kiệt, ganh ghét, khỏi ra pháp trong trắng nhất là núi bố thí, trì giới, họa ra Chư Thiên. Tâm chính là người thợ vẽ họa nên thiên đạo.

Lại nữa, người xuất gia lại nên quán xét bức họa nghiệp, nhiều màu sắc nghiệp họa ra nhân đạo. Người có các bậc thượng, trung, hạ khác nhau. Nếu là người giàu, có thể trì giới thì người ấy do nghiệp có màu trong trắng nhất hóa ra. Nếu người rất giàu, không thể trì giới, người ấy do nghiệp có màu đen, trắng tạo ra.

Nếu người bần cùng mà có thể giữ giới, người ấy là do nghiệp có màu đỏ, trắng họa ra. Nếu người bần cùng không thể trì giới, người ấy là do nghiệp đen và cấu uế họa ra. Nếu người biếng nhác mà nhiều tham dục, người ấy là do nghiệp có màu đen, vàng họa ra.

Nếu người xinh đẹp, sinh trong dòng họ lớn, người ấy là do nghiệp trắng sạch họa ra. Nếu người sinh trong dòng họ bậc trung, người ấy là do nghiệp có màu đỏ, hồng họa ra. Nếu là người sinh trong dòng họ dưới, thì người ấy do nghiệp đen, bẩn họa ra.

Tâm là người thợ vẽ dùng màu sắc nghiệp lành để vẽ nên nhân đạo.

Người nào sinh trong nhân loại, hoặc làm quốc vương, hoặc làm đại thần mà lại tạo ra nghiệp chẳng lành thì màu bạch nghiệp giảm đi, màu hắc nghiệp phát sinh thêm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần