Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BỐN MƯƠI HAI  

Sa Môn thợ vẽ phế bỏ việc tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật, phân biệt như vậy, có vô lượng lỗi. Người thích làm thợ vẽ không được người thiện ưa và được người bất thiện thích. Vì vậy Tỳ Kheo không nên làm thợ vẽ. Công việc vẽ làm loạn tâm, không được Niết Bàn, cho đến không thể khéo quan sát, tu tập một pháp lành, vì thế phải nên tu học đúng như vậy.

Nếu các Tỳ Kheo nào sợ nghiệp ác muốn cầu Niết Bàn thì không được tự tay cầm bút vẽ.

Nay ta quở trách: Ba loại pháp này Sa Môn không nên làm, do biết pháp ấy có lỗi như vậy.

Lại có pháp thứ tư Sa Môn không nên làm.

Pháp thứ tư là gì?

Đó là nghe pháp tà, ác, ca ngâm, tán tụng. Tỳ Kheo này xả bỏ vợ con, bạn bè thân thiết, cha mẹ anh em, vì muốn đoạn trừ phiền não cho nên xuất gia, tọa thiền, đọc tụng. Nếu ai không loạn tâm, thường nhất tâm thì có thể đoạn trừ phiền não, không bị rối loạn. Nếu ai ca ngâm tán tụng, nhớ nghĩ đủ loại việc ác, tâm ý liền loạn.

Do tâm loạn ấy làm ngăn ngại pháp lành khiến họ không thể tọa thiền, đọc tụng, không gần sư trưởng, không nghe chánh pháp, không thích cúng dường Phật, Pháp, Tăng, không giữ gìn oai nghi, không thể khéo giữ oai nghi, giới luật mà thường ca ngâm, tâm sinh ưa thích sự ca ngâm như vậy, dựa vào sự ca ngâm ấy, đủ loại pháp đã từng nghe trong quá khứ phát khởi tùy thuộc vào phi pháp, chỉ nghe pháp ấy để làm vui tai không khéo quan sát, tùy thuộc vào thói quen, tương ưng với ỷ ngữ.

Pháp ấy là chỗ tin ưa của Sa Môn ác ấy. Sa Môn này thường nghe và thực hành đường ác. Do đi trên đường ác họ làm việc như người thế tục, tự hủy hoại chánh pháp. Do Thích Ca ngâm, họ biếng nhác, không siêng tọa thiền, đọc tụng. Người như vậy không nên vào trong Tăng chúng, không nên ăn tất cả đồ ăn, thức uống.

Biếng nhác còn vậy, huống gì là phá giới, vào trong chúng còn không nên huống gì được thọ dụng giường, tọa cụ, ngọa cụ, thuốc, đồ dùng… hoặc là nhận sự lễ bái cung kính của người khác. Những thứ ấy, người biếng nhác không nên thọ nhận.

Vì vậy, Tỳ Kheo nào thường ca ngâm, do ca ngâm, không thích ngồi thiền, đọc tụng Kinh Luật. Người Thích Ca ngâm chỉ thường chuyên tâm tập tành ca ngâm, thường Thích Ca ngâm trong mọi lúc, tạo đủ phương tiện khiến tâm ý rối loạn, bị đủ loại si mê phá hoại, khen ngợi sự ca ngâm ấy có đủ loại vị.

Người ấy tự làm loạn tâm ý, khi mạng sắp chấm dứt, lúc già, chết đến, sắp đến nơi chưa từng biết, đi một mình không bè bạn, lìa bỏ pháp xuất thế. Nếu thường ca ngâm, người ngu si sẽ không biết cái chết đang đến và tự lừa dối mình.

Thân người khó được, các căn khó đầy đủ, tuy xuất gia chỉ bỏ phí thì giờ để ca ngâm, nên không gặt hái được gì, chết một cách hư dối, không được lợi ích.

Lại nữa, Tỳ Kheo làm việc ca ngâm, do bị si phá hoại nên làm việc uế tạp, với tâm cấu uế gây nghiệp ca ngâm.

Trong tất cả người ngu, phụ nữ ngu si hơn hết. Tỳ Kheo không nên si như phụ nữ ấy. Si của phụ nữ tuy ít mà có thể thiêu đốt cũng như lửa tuy ít mà có thể đốt cháy một lượng đồ vật rất nhiều. Si của phụ nữ có thể thiêu đốt những người ngu si, dù sinh ra ở trăm ngàn vạn chỗ, lửa ấy đều có thể thiêu cháy hết.

Trong lúc ca ngâm, người ấy khen ngợi phụ nữ, đặt phụ nữ lên trên hết. Người phụ nữ si ấy phá hoại Tỳ Kheo đủ thứ. Do không quan sát chân chánh, bị ngu si hủy hoại tâm nên họ khen ngợi thân phụ nữ để được cúng dường, giữ ở trong tâm ý nghĩ cho là thân phụ nữ trong sạch.

Tỳ Kheo ác ấy không quan sát chân chánh toàn bộ thân mình, lại khiến người khác không quan sát chân chánh. Do làm thoái thất cả mình lẫn người nên khi chết bị rơi vào đường ác, sinh trong địa ngục. Người ấy bị lỗi nghe pháp bất thiện, ca ngâm, tán tụng ràng buộc.

Lại nữa, nghe pháp tà, ca ngâm tán tụng lại có lỗi lớn là Sa Môn ác, nghe pháp tà ác, ca ngâm tán tụng khiến ý ngu tối, không theo học hỏi những điều chưa từng nghe, chưa từng thấy với những người đã từng thấy nghe. Do tâm tham nên họ ca ngâm, lại dạy người khác ca ngâm đủ thứ, nói rằng tôi đã từng thấy, tôi đã từng nghe cho nên bị chúng trói buộc.

Người khác biết người này trước đây chưa từng thấy, trước đây chưa từng nghe, liền nói như vậy: Người bất thiện này nói dối như vậy, tâm tự lường xét mà ca ngâm.

Do nghiệp nói dối, khi chết, người này bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục do lỗi ca ngâm.

Nghe pháp tà, ca ngâm, tán tụng lại có lỗi lớn là nghe điều tà, ưa Thích Ca ngâm, chê bai những người quen biết cũ mà mình đã từng nghe, nói lời ganh tỵ cho rằng ta ca hay hơn hết và chê bai những người đã ca trước đây.

Đối với những bậc luận sư kỳ cựu thực sự có tài năng thì người ấy lại chê họ dở. Sa Môn ác này xả bỏ việc tọa thiền, đọc tụng, tăng trưởng sân hận, tăng trưởng đầy đủ các nghiệp cấu uế, bất thiện. Các nghiệp thiện, trong trắng có thể tạo an lạc trong đời vị lai họ đều làm mất hết. Những người phạm hạnh khinh chê người nghe pháp tà ác và ca ngâm này vì người này tâm không chân chánh.

Nghe tà pháp, ca ngâm tán tụng lại có lỗi lớn. Người nghe điều tà vạy, ca ngâm như vậy hoặc ngày hoặc đêm tâm ý không chân chánh, không nhớ Phật Pháp mà Thích Ca ngâm, thường tán tụng, không tư duy chánh pháp, không chịu tọa thiền, lại không siêng năng diệt trừ phiền não.

Người như vậy chẳng phải Sa Môn chân thật, không có ý tứ của Sa Môn, khó đắc được chánh pháp, trong trăm ngàn kiếp khó đắc được chánh pháp. Sa Môn ác ấy tuy làm Sa Môn, được pháp như vậy mà không thực hành chân chánh và không giữ gìn.

Nghe tà pháp, ca ngâm tán tụng lại có lỗi lớn, đó là người ác ấy ham việc ca ngâm, nên đến chỗ chưa từng nghe để mà tán thán, hoặc có lúc nói dối, người ấy thường gần người có hành động không chân chánh, giống như người điên. Do tâm náo động, họ tìm đến tất cả mọi chỗ có ca ngâm tán tụng và bị lời tà vạy trói buộc.

Người khen ngợi việc nói dối có nói điều gì đều là nói dối, chưa từng nói thật được một lần. Người này bị việc ca ngâm che lấp tâm, lại gần gũi những người giàu có ác độc, dựa vào họ mà tạo nghiệp ác. Do gần người ác, người này được cúng dường rượu. Do uống rượu họ không làm được một việc lành, tâm họ loạn động, không được lợi ích. Do uống rượu, cửa đường ác mở ra. Do say người ấy có thể tạo tất cả nghiệp ác.

Do thấy phụ nữ, không quan sát chân chánh cho nên mất chánh niệm. Sa Môn ác ấy, làm việc trái phạm hạnh, đốt hết phước đức. Họ là vật xấu xa, thối nát, giống như cây Tỳ Đầu La có hoa không trái, giống như ngọn đèn vào ban ngày, không có ánh sáng chiếu ra, lại như mặt trăng vào ban ngày, không tạo cảm giác mát mẻ gì cả.

Cũng vậy, Tỳ Kheo ác ấy chỉ có hình tướng Sa Môn mà thôi, khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục, do lỗi nghe pháp ác, ca ngâm, do lỗi tán tụng. Vì vậy Sa Môn không nên nghe pháp bất thiện, không nên ca ngâm tán tụng.

Nếu ca ngâm, tán tụng chánh pháp, khiến chánh pháp tăng trưởng, hoặc tán tụng không làm hại chánh pháp, hoặc ca ngợi Phật, ca ngợi Tam Bảo, tăng trưởng chánh pháp, khiến pháp sáng rỡ, người nào tán tụng như vậy thì sẽ được phước đức, dần dần sẽ đạt được Niết Bàn.

Kết quả của khẩu nghiệp nơi người siêng năng tu tập phép ca ngợi như thế là khi chết sẽ sinh vào đường lành là Cõi Trời. Do người ấy ca ngợi sự thật như vậy làm tăng trưởng chánh pháp, nếu tán tụng như vậy thì nên làm còn nếu không như vậy sẽ bị đọa vào địa ngục.

Lại nữa, pháp thứ năm làm trở ngại việc tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật, pháp ấy là gì?

Đó là Tỳ Kheo tư duy các loại sao, thật chẳng phải Sa Môn tự cho là Sa Môn. Tư duy các loại sao là việc không nên làm. Tỳ Kheo này hủy bỏ pháp Sa Môn, phế bỏ việc tọa thiền, đọc tụng.

Người ấy tư duy về sự vận hành phước đức, số mạng mà không hay biết về sự mất mát của nó, xuất gia làm gì mà không rõ được pháp ấy. Khi chết, người ấy chưa làm xong việc cần làm nên không thoát được sự suy kém già, bệnh, chết, buồn rầu, than khóc, sầu não, khổ sở. Người ấy thường phải trôi lăn trong đường sinh tử. Người ấy được lợi ích từ việc tư duy về sao, không thể cứu mình cũng không thể cứu người khác.

Vì sao?

Vì chỉ có nghiệp tư duy về sao, hạn thì làm sao cứu được mình và người.

Vì sao vậy?

Những người cùng sinh nhằm một ngôi sao có khổ, có vui, có xấu, có đẹp, có dòng họ lớn, có dòng họ nhỏ, có người sống theo pháp, có người không sống theo pháp, có nghèo, có giàu, có Vua, có dân, có sang, có hèn, có người trộm cướp, có người không trộm cướp.

Có thông minh, có mờ ám, có ngu, có trí, có nam, có nữ, có người giữ giới, có người không giữ giới, có người siêng năng tinh tấn, có người không siêng năng tinh tấn, có người được người thương, có người không được người thương, có người được tất cả đều thương, có người tất cả đều ghét, chỉ một loại sao hạn mà có nhiều người khác nhau với cuộc sống không giống nhau. Vậy nếu sao là nhân duyên thì tại sao tất cả những người sinh ra một sao không giống nhau và đều là một hạng.

Như đã nói ở trước, do lỗi không biết tất cả công đức trước đây, không chịu tư duy sao nghiệp mà tư duy sao trong không trung, nên người ngu si không biết, không đếm công đức và lỗi, không tính kết quả của hai loại nghiệp thiện và bất thiện, lại đi tính sao trong không trung.

Lại nữa, người tư duy về sao thật sự bất thiện, cũng không yên lặng vì cho rằng một ngôi sao mà sinh làm người, hoặc sinh làm súc sinh, hoặc sinh làm ngạ quỷ, sai khác không giống nhau. Như vậy chẳng phải do sức mạnh của sao mà là do sức mạnh của nghiệp khiến chúng sinh sinh vào các đường khác nhau.

Việc tư duy về sao này, không lành mạnh, cũng không yên lặng. Tư duy sao nghiệp mới thật sự tịch tĩnh, lần lần cho đến nhập vào Niết Bàn.

Lại nữa, người tư duy về sao ấy thật sự bất thiện, không yên tĩnh. Đó là ngôi sao ấy có sức lực không nhất định do có sự ngăn ngại, do có hơn có kém. Ngôi sao này lại bị ngôi sao lớn hơn nó che đậy. Vào lúc khác, ngôi sao ấy lại bị ngôi sao khác che đậy.

Vì vậy nên biết việc tư duy về sao không thích hợp với thật tế. Nếu có người tư duy về sao cho rằng ngôi sao là nguyên nhân làm có khổ, có vui, chớ không phải là tự mình gây khổ, gây vui. Ngôi sao ấy lại bị ngôi sao khác che đậy thì làm sao có thể ban khổ vui cho người khác.

Do đó nên biết, do nghiệp mà có quả tốt hay xấu chứ chẳng phải do ngôi sao ban cho.

Nếu sinh ra từ ngôi sao thì lại có sự sân hận của ngôi sao, ngôi sao đầu tiên liền chịu khổ não. Như khi mặt trời, mặt trăng bị A Tu La nuốt mất liền chịu khổ não. mặt trời, mặt trăng không thể tự cứu thì làm gì có thể cứu người khác, vì vậy Sa Môn nào làm Sa Môn mà tư duy về sao thì nên từ bỏ công việc ấy.

Có ba ngôi sao lớn là bệnh, già, chết. Đó là ba thứ lớn nhất thường trụ ở thế gian. Sa Môn ác ấy không tư duy những thứ này mà lại tư duy về những ngôi sao khác ở thế gian. Người ngu si ấy, không có văn tuệ, tư duy về hai mươi tám ngôi sao xuất thế gian, nếu có thể tư duy quan sát chân thật thì nhập vào thành Niết Bàn.

Hai mươi tám thứ ấy là năm ấm, năm thủ ấm và mười tám giới. Tư duy về các thứ ấy thì đến được Niết Bàn. Do quan sát như thật, lìa dục, trì giới cho nên đắc Niết Bàn. Tư duy về sao thì không thể chứng đắc được.

Lại nữa, Sa Môn ấy làm Sa Môn lại có pháp khác là tính mười hai tháng, tính như vậy rồi, không được lợi ích, cũng lại không thể đoạn trừ phiền não, vẫn trôi lăn trong các cõi như xưa và không thể biết tính mười hai nhập. Nếu có thể tư duy tính mười hai nhập, biết nghĩa chân thật rồi, sinh nhàm chán dục, do tịch tĩnh liền đắc Niếtbàn. Sa Môn ác ấy làm Sa Môn, do không thể tính, không thể tư duy nên tư duy về sự ô nhiễm của kẻ khác và tính việc của người khác.

Sa Môn ác ấy làm Sa Môn lại có đủ loại tư duy ác khác làm nhiễm ô là tư duy về sáu thời. Đã tư duy rồi, không được giải thoát khỏi bệnh, già, chết, bị sự ô nhiễm của vô thường làm rối loạn, không tư duy ba mươi sáu thứ ô trược trong thân. Nếu ai tư duy, quan sát chân thật chúng thì có thể xả bỏ mà đạt Niết Bàn.

Lại nữa, Sa Môn ác ấy làm Sa Môn niệm thời của thế gian, tư duy thời ấy và nói rằng: Lúc này là tốt, lúc kia không tốt, lúc này là được, lúc kia không được. Người niệm ác, tư duy ác như vậy chẳng phải là tịch tĩnh, nên không được an lạc, không gần Niết Bàn, cần niệm thời của tâm, chỗ vin theo của tâm có thiện và bất thiện, hữu ký và vô ký.

Người niệm thời của thế gian tâm không tư duy ba loại thời này.

Nếu tư duy tâm thiện, bất thiện có chỗ duyên dựa tư duy như vậy: Ta sinh tâm này, nếu vin theo điều thiện, vào thời vị lai ta sẽ sinh nơi đường lành, hoặc là đắc Niết Bàn. Nếu ta sinh tâm này, vin theo điều bất thiện, làm nhiễm tâm thì sẽ không được an lạc, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng phải là Niết Bàn, không được Niết Bàn. Nếu ta sinh tâm này vin với vô ký, sẽ được quả báo vô ký.

Sa Môn ác, tương tự Sa Môn, niệm pháp thế gian, tư duy thời của thế gian, chỉ một niệm về thời, không cần lâu xa, hoặc trong một ngày, nửa tháng, một tháng, đạt được quả báo thiện hoặc bất thiện, tư duy trong loài người khi mạng đã hết, mà không tư duy mạng của ta đã chấm dứt trong từng niệm, hết trong khoảng khảy móng tay, không cần lâu xa, hoặc trong một ngày, nửa tháng, một tháng, mạng của ta diệt hết trong từng niệm mà không thể tránh, không có cách nào để tránh được lúc chết.

Tỳ Kheo ác ấy, lại tư duy pháp tánh thời khác, phế bỏ việc tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật, đó là tư duy pháp ô nhiễm của thế gian, tư duy thời của sao. Người ấy tư duy, thích làm, làm nhiều, niệm ở trong tâm, ghi nhớ và nói như vậy: Sao này, hạn này đến che, có thể làm ngăn ngại, có thể tạo điều xấu cho họ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần