Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BỐN MƯƠI NĂM
Đức Phật Ca Diếp đã dạy bảo bảy loại pháp ác làm chướng ngại việc tọa thiền, đọc tụng như vậy. Tỳ Kheo ác ấy gây sự bất lợi đối với Tỳ Kheo trì giới cho nên bị Chư Thiên xa lánh. Trong miệng họ sinh ra dao, vì món lợi nhỏ mọn mà nói người thật có công đức là không có công đức và nói người thật không có lỗi là có lỗi. Người như vậy là Sa Môn ác, tự xưng là Sa Môn mà nói lời vọng ngữ.
Người ấy thường có ý ác, hạnh ác và pháp ác. Về sau, người Đàn việt biết liền khinh rẻ vì biết sự lừa dối của người ấy. Đây là pháp thứ bảy. Vì vậy, Tỳ Kheo nên xả bỏ pháp ác thứ bảy này, đó là việc nói láo vì muốn đồ ăn thức uống mà thí chủ cúng dường đều thuộc về mình.
Lại nữa, pháp ác gây chướng ngại thứ tám làm ngăn ngại việc tọa thiền, đọc tụng cho nên Sa Môn phải bỏ.
Pháp thứ tám là gì?
Đó là góp nhặt các loại châu báu để tạo thành các vật báu.
Tỳ Kheo này sợ sinh tử, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y xuất gia với lòng tin. Ở trong sinh tử có nhiều khổ não, tóm lại mà nói thì có hai loại khổ dựa vào ấm, giới, nhập, ở trong ba cõi, nói rộng là năm đường. Lại nói rộng hơn là tám địa ngục lớn, ngạ quỷ, súc sinh, sáu Cõi Trời Dục Giới. Ở trong Dục Giới, có đủ các loại khổ chi nhánh khác.
Ở trong Sắc giới có nỗi khổ về tâm, ở trong cõi vô sắc có nỗi khổ thoái đọa. Cho nên, lúc sắp thoái thất thì mất chánh định. Tâm này có vô lượng khổ khác nhau. Thiện Nam ấy quán xem sự khổ não rồi, tâm sinh chán ghét, sợ vô lượng lỗi xấu xa như vậy, nên cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia với lòng tin Tam Bảo.
Sa Môn ấy lại quán xét các khổ khác, tâm sinh lo sợ. Đó là thân khổ. Thân khổ ở hai nơi là Dục Giới và Sắc Giới, tùy theo chỗ có thân đều chịu khổ não.
Ở trong Sắc giới làm sao thọ khổ?
Đó là trong lúc thiền định sự mệt mỏi xuất hiện, nên khi thiền xong thân liền mệt mỏi. Khi họ sắp thoái đọa, oai đức của họ kém cỏi, gió chạm vào thân. Gió này từ trước đến nay không chạm mà bây giờ chạm vào thân cho nên họ thọ khổ. Chỉ trừ nhãn xúc là thọ vui, không khổ vì là vô ký.
Việc thọ khổ không giống nhau, sai khác như vậy, dựa vào sắc thân mà có.
Nghe điều này rồi, người Thiện Nam ấy biết tất cả khổ não trong sinh tử đều do sự tụ tập của ấm, giới, nhập hòa hợp nên khổ.
Người ấy quán vô lượng vô biên nỗi khổ sinh tử rồi, liền xuất gia. Đã xuất gia rồi họ gần người ác. Do gần người ác nên họ cùng người ác tạo nghiệp khi nghe đến tính chất châu báu.
Vì sợ tính chất gì mà họ xuất gia với tín tâm và khi nghe tính chất khác lại sinh tâm tham?
Hoặc nghe tính chất của vàng, hoặc nghe tính chất của bạc, hoặc nghe tính chất của châu báu, nghe như vậy rồi, họ không biết chán, biết đủ, bị lửa tham thiêu đốt.
Bị lửa ấy thiêu đốt rồi, họ cùng người bạn ác đi ở trong núi, từ núi đến núi, từ ngọn núi đến ngọn núi. Họ đi khắp như vậy ở những nơi sâu kín, bị lửa tham thiêu đốt, ngày đêm thường thọ khổ không có lúc vui.
Do nhân duyên gì người xuất gia này không niệm tánh xả bỏ thân mạng mà tư duy về tánh khác của vàng bạc,… nghĩa là không tư duy về tính chất của thân mạng như đã nói ở trước.
Với tâm ý bất chánh, rối loạn như vậy, người ấy bị trở ngại việc tọa thiền, đọc tụng, đánh mất pháp lành.
Người ấy chẳng phải là Sa Môn, cũng chẳng phải là người đời, vì muốn cầu Niết Bàn cho nên xuất gia, bị tánh quỷ trói buộc liền sinh tâm tham, bị dây tham trói buộc nên rơi vào địa ngục.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Ca Diếp nói kệ:
Người quan sát tánh thân
Là quán tất cả tánh
Ai muốn đắc Niết Bàn
Phải điều phục tánh thân.
Nếu xả bỏ tánh thân
Tham đắm các tánh khác
Nên mê muội chân tánh
Không thoát được khổ não.
Tánh vàng đâu có thể
Trừ bỏ các khổ não
Người ấy rõ chân tánh
Được thoát khổ không nghi.
Trong tất cả các khổ
Khổ này khó thoát được
Đối với Vua, giặc, lửa
Tất cả đều lo sợ.
Vì vậy nên xả vật
Như xưa nay không vật
Lìa bỏ thì được vui
Cất giữ thì chịu khổ.
Biết rõ về tánh thân
Lại biết rõ tánh tướng
Ưa thích việc thiền, tụng
Đốt cháy núi phiền não.
Vì vậy người trí tuệ
Quan sát tánh của thân
Chúng sinh biết tự tướng
Liền được vui Niết Bàn.
Người có trí phải siêng năng quán tính chất của thân này, không thích kinh doanh vàng bạc… đó là gốc lo sợ của tất cả người tại gia, huống gì là người xuất gia. Người xuất gia phải xả bỏ tất cả. Tất cả tài vật ấy đều đáng sợ, chẳng phải là tài vật chân thật. Thú vui như vậy, tài vật như vậy chẳng phải là tài vật, chẳng phải là tánh của tài vật.
Vậy cái gì là tài vật?
Đó là quán tánh của thân. Nếu bỏ tánh của thân mà thích tánh khác thì không siêng năng tọa thiền, tụng Kinh. Người như vậy khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục.
Vì vậy niệm xuất gia phải thường góp nhặt tài vật thiền, tụng, không nên tìm cầu vật tầm thường ở thế gian, vì nhân duyên ấy làm tăng trưởng tham ái. Do đó, biết đủ là tài vật tốt nhất, tài vật khác chỉ hay khiến khổ não.
Pháp thứ tám này làm ngăn ngại việc tọa thiền, đọc tụng, người Sa Môn xuất gia phải nên xả bỏ.
Lại nữa, pháp ác thứ chín gây chướng ngại ngăn cản Tỳ Kheo tọa thiền, đọc tụng vì vậy Sa Môn nên lìa bỏ.
Pháp thứ chín là gì?
Đó là thân cận nhà Vua.
Người xuất gia không nên thân cận Vua.
Vì sao?
Sa Môn gần Vua bị tất cả người đời hiềm khích, không cúng dường. Sa Môn ác thân cận Vua ấy để mong cầu của cải, thường xin tài vật ở thành hoặc thôn, hoặc nơi nhiều người, không biết chán, không biết đủ. Nếu không tìm xin thì cứ theo nhà Vua, bỏ bê việc tọa thiền, đọc tụng. Tỳ Kheo này phát tâm muốn hành đạo giải thoát mà ngược lại đi vào con đường trói buộc.
Vì vậy, Tỳ Kheo không nên gần Vua.
Lại nữa, Tỳ Kheo không nên gần hạng người nào?
Tỳ Kheo không nên gần người ác.
Người ác là người gì?
Đó là bạn ác, hoặc có lúc đắm nhiễm nơi cảnh giới năm trần, không khéo quan sát sắc, thanh, hương, vị, xúc, lười biếng ngu si, sống trong thôn ấp. Ta phải trừ bỏ hết thảy, không gần tất cả những người lười biếng, không gần tất cả những người dua nịnh, dối trá.
Không gần tất cả những người tham ăn, không gần tất cả những người buôn bán, không gần tất cả những người đồ tể, thợ săn, sinh sống bằng nghề ác, không gần tất cả những người bản tánh hay ghen ghét, không gần tất cả những người tà kiến, không gần tất cả những người hời hợt, không gần tất cả những người ngã mạn.
Không gần tất cả những người giàu có, quan quyền, không gần tất cả những người cờ bạc, không gần tất cả những người bán rượu, không gần tất cả những người nghiện rượu, không gần tất cả các quán rượu, không gần những người tham đắm phụ nữ.
Không gần tất cả tú bà, không gần tất cả người mua bán, tích trữ hàng hóa, không gần tất cả những đầu bếp của Vua, không gần tất cả người gác ngục, không gần tất cả người bắt chim, không gần tất cả người ưa lý luận, không gần tất cả người tin ngoại đạo, không gần tất cả người bị mọi người ghét. Tỳ Kheo không nên gần những hạng người này, hoặc cùng ở, cùng nói chuyện, hoặc cùng đi đường, tất cả việc ấy đều không nên làm.
Vì sao?
Vì làm vậy sẽ bị nhiều người nghi ngờ. Hoặc người xuất gia, hoặc những người trong sạch, xa lìa các tội lỗi đều không nên gần những người như vậy. Nếu gần sẽ bị nghi là Tỳ Kheo ấy cũng giống như người kia ở gần người kia, hoặc ở cùng chỗ. Tỳ Kheo này bị lỗi của người khác làm cấu nhiễm.
Do đó không nên gần những người như vậy huống gì là gần Vua. Người gần Vua là người hèn hạ nhất.
Khi ấy, Đức Thế Tôn Ca Diếp nói kệ:
Tỳ Kheo nên ở rừng
Gần Vua là hèn nhất
Mặc ca sa, gần họ
Như nô lệ dựa chủ.
Tỳ Kheo không gần người
Cũng không nên gần Trời
Như ngỗng không gần chó
Vì ngỗng rất sạch sẽ.
Vô ngã không tìm cầu
Tâm không mong gì cả
Người sợ hãi sinh tử
Gần Vua thì chẳng tốt.
Sống ở rừng, gò mả
Hoặc đất bằng, hoặc núi
Chính là Tỳ Kheo thiện
Gần Vua thì chẳng tốt.
Vô lượng phương tiện đủ loại như vậy nhắc ta đừng thân cận Vua. Người thân cận Vua bị những người có phạm hạnh chê trách. Người mà ta nên gần là Vua trí. Gần người này sẽ được đạt đến tịch tĩnh. Do gần Vua trí, chắc chắn sẽ đắc Niết Bàn, đắc được đạo quả nào cũng đều không bị thoái chuyển.
Gần Vua trí ấy liền có điều kiện để tọa thiền, đọc tụng, siêng năng một cách chắc chắn, không tạo nghiệp khác phế bỏ việc tọa thiền, tụng Kinh, gần gũi bậc tôn trưởng, tu tập hạnh biết đủ. Tâm điều hòa, không có tham cầu, thường gần gũi các bậc tôn trưởng để tùy thời thưa hỏi, ghi nhớ không quên. Đối với những vật hiếm có, không cầu thấy nghe và cũng không cho đó là lạ. Người gần Vua trí sẽ có phương tiện như vậy.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Ca Diếp Như Lai nói kệ:
Gần tôn trưởng cúng dường
Tùy thời siêng thưa hỏi
Tu hành thí, giới, trí
Lại gần gũi Vua trí.
Người chỉ chỗ yên ổn
Trong Thế Giới Trời, Người
Chẳng bị khổ trói buộc
Vua phàm ở thế gian.
Nếu không có khổ não
Mới được gọi là Vua
Nếu thường chịu khổ não
Không được gọi là Vua.
Tỳ Kheo nên gần Vua trí này, đừng gần Vua phàm vì gần Vua phàm sẽ làm chướng ngại việc tọa thiền, đọc tụng. Nếu không tọa thiền, tụng Kinh sẽ đọa trở lại trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Đây là cảnh giới Vua phàm ở thế gian, vì vậy Tỳ Kheo biết lỗi này rồi không gần Vua. Người sống trong rừng mà gần Vua thì chẳng thích hợp cho nên phải lìa bỏ.
Pháp thứ chín này làm ngăn ngại việc tọa thiền, tụng Kinh.
Lại nữa, pháp ác thứ mười gây chướng ngại làm Tỳ Kheo phế bỏ việc tọa thiền, tụng Kinh cho nên Sa Môn phải xả bỏ.
Pháp thứ mười là gì?
Đó là Tỳ Kheo mong cầu được mời mọc, ham thích mùi vị thức ăn, đã ở trong cảnh giới tu hành chân chánh rồi, về sau lại đi trong nhân gian, xả bỏ nơi đáng ưa là rừng vắng để du hành khắp nơi chốn.
Tỳ Kheo này gần với sự phóng dật, đi từng nhà, từng thôn, từ thành đến thành, từ nơi nhiều người đến nơi nhiều người, đi khắp như vậy, thích nói nhiều, đi rong trong nhân gian, thích nói chuyện thế tục, thích gặp người thân, bạn cũ, mời mọc lẫn nhau, để được thức ăn ngon. Đã được đủ loại thức ăn ngon rồi, người này sống một cách hư dối trong rừng, bỏ bê việc tọa thiền, đọc Kinh, sống phóng dật, mong cầu ăn uống.
Do thường tham đắm đủ loại thức ăn, không hay biết thân mạng chấm dứt nên họ vướng mắc nơi mùi vị như vậy, mong cầu được mời mọc, tâm cho là vui.
Lại nữa, Tỳ Kheo nào ở trong đời sống của mình không sống như pháp, mắt thấy sắc đẹp, do tâm ưa thích liền sinh dục nhiễm, mong cầu được thấy rồi sinh tham đắm, tâm sinh ưa thích những nơi ấy.
Tỳ Kheo này đi trong nhân gian đánh mất lợi ích của mình do việc tọa thiền, đọc tụng đem lại. Mất như vậy rồi, họ thường mong cầu mùi vị thức ăn, thường đến nhà người khác, do mắt thấy sắc, tâm sinh ưa thích, lần lượt như vậy, tai nghe tiếng, tâm sinh ưa thích. Mũi ngửi mùi thơm, tâm sinh ưa thích.
Tham đắm tất cả cảnh giới như vậy, bị tất cả dây trói buộc, bị tất cả lưới ấy siết chặt, nên theo đuổi tất cả dục lạc, chẳng phải là người tại gia, cũng không phải xuất gia. Người này khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục. Vì vậy không nên thích được người mời mọc. Thích được người mời mọc có lỗi như thế.
Vì thế Tỳ Kheo nên quán lỗi này không nên thường đi rong trong nhân gian.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp