Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP CHÍN  

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh nên bị đọa vào vùng Diêm Ma La Già ước khoáng dã thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của chúng đã nói ở trước.

Nếu có người đem rượu ép bệnh nhân hoặc phụ nữ mới sinh con uống để lấy của cải, y phục, hoặc đồ ăn uống thì do nghiệp ác này, khi chết người đó bị đọa vào ngục Diêm Ma La Già ướckhoáng dã thuộc địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ não lớn, bị thiêu đốt từ chân đến đầu, bị ngục tốt dùng dao sắt bốc lửa chặt hoặc đâm từ chân tới đầu.

Sau khi chặt, đâm, ngục tốt lại làm cho tội nhân thêm khổ não cùng cực bằng cách dùng kích sắt bén phát lửa thiêu, chặt và phanh thây tội nhân trong suốt trăm ngàn năm. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục đó.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì người ấy sinh ở biên địa, nơi độc ác của nước hung dữ, làm người chăn heo hèn hạ. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn nơi nào nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Kiếm lâm là vùng thứ mười một của địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh nên bị đọa vào ngục Kiếm lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Nay lại nói về nghiệp rượu.

Người nào đem rượu lừa dối người sắp đi vào nơi đồng trống, bảo rằng: Đây là rượu bổ dưỡng nhất, không làm người say, nhưng lại đưa rượu xấu cho người ấy. Người kia đem rượu vào đồng vắng hiểm trở và uống nó. Uống rồi, họ say mèm, không còn hay biết gì và bị ăn cướp lấy hết của cải, hoặc bị giết.

Rượu bổ dưỡng có vị giống như sữa được làm bằng nước ngọt, sữa ngựa hòa với thuốc hay. Vậy mà người ấy không đưa loại rượu này lại đưa rượu xấu khiến người kia bị say.

Người đời đều bảo người đưa rượu ấy như kẻ cướp nắm cổ họng của thân chủ, là kẻ cướp ác nhất. Do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào ngục Kiếm lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ não lớn, bị mưa lửa, đá lửa dày đặc thiêu cháy toàn thân, bị xẻ, bị chặt, bị lộn đầu xuống đất, thè lưỡi ra ngoài.

Nơi ấy có sông tên Nhiệt phí, máu nóng chảy mênh mông khiến tội nhân lo sợ. Sông Nhiệt phí gồm nước đồng sôi hòa trộn với nước chì, thiếc sôi, suốt trong vô lượng năm tội nhân thường bị thiêu nấu, bị ngục tốt dùng dao và gông phát lửa chặt hoặc đánh.

Hễ nghiệp ác chưa hết là họ còn chịu khổ không dứt. Nếu nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu trong quá khứ có nghiệp lành đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì làn da đen giống như mực, hay sân hận, keo kiệt, nghèo khổ. Đó là quả báo còn sót lại của nghiệp ác.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Đại kiếm lâm là vùng thứ mười hai thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh nên bị đọa vào ngục Đại kiếm lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Nay nói về nghiệp rượu.

Nếu người nào đem rượu bán để kiếm lời nơi đồng trống không có người ở, chỉ có con đường nhiều người qua lại, thì do nghiệp ác đó, khi chết người này bị đọa vào ngục Đại kiếm lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó là có nhiều rừng kiếm rất bén, cao một do tuần, có lá như dao bén, thân cây bốc lửa, khói độc đầy trong đó.

Rừng này do nghiệp ác tạo ra. Tội nhân chưa đụng vào cây thì thân đã chín rục nhưng không chết. Rừng ấy rộng ba ngàn dotuần, khi tội nhân đến gần có trăm ngàn loại lửa khói chất độc, dao khiến tội nhân chịu khổ não lớn, nhưng vẫn không chết. Tội nhân đến rừng Đại kiếm lâm liền bị ngục tốt đánh dữ dội để đuổi họ vào rừng.

Người nào đứng dưới gốc cây thì bị mưa dao rưới xuống khắp nơi băm nát tất cả thân thể, gân mạch, xương tủy.

Lại có ngục tốt cầm dao, gông, bao vây rừng kiếm. Tội nhân chạy ra thấy liền trở vào. Tội nhân trong rừng kiếm sắt ấy rất sợ hãi khi thấy ngục tốt. Có người núp trong bóng cây, có người leo lên cây, có người bị bắt, bắt được tội nhân ngục tốt dùng dao chặt khiến có người rơi đầu. Đó là do quả báo của nghiệp bán rượu.

Người nào núp trong bóng cây thì bị chim thứu sắt mổ mắt uống máu.

Người nào núp trên cây thì bị té nhào xuống đất, thân bị đứt ra làm trăm ngàn đoạn. Đó là quả báo của nghiệp bán rượu.

Người nào không nương vào cây thì rơi vào sông tro nóng và bị tro cuốn trôi, xương rã nát.

Suốt vô lượng năm họ chịu khổ não lớn, ở đây chỉ nói một phần nhỏ nỗi khổ đó. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục đó. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì tâm tánh bất chánh, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tim, bệnh chỉ la ta, bệnh phù chân, bệnh mù mắt. Đó là do quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn nơi nào nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Ba tiêu yên lâm là vùng thứ mười ba thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh thì bị đọa vào ngục Ba tiêu yên lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Nay nói về nghiệp rượu.

Người nào do tâm tham dục nên đem rượu lén bán cho phụ nữ trinh bạch uống, vì muốn cô ta say sưa không còn giữ gìn tiết hạnh, tâm rối loạn và mong làm việc phi pháp, thì do nghiệp ác đó, khi chết người này bị đọa vào ngục Ba tiêu yên lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ não lớn.

Nỗi khổ đó là địa ngục này dài rộng năm ngàn do tuần, khói đầy trong đó, có lửa rất nóng mà lại tối om, trong lửa tối ấy có một khối sắt phát lửa dày ba cư xa, chỉ toàn là than lửa, bị che kín không thấy gì cả. Tội nhân nhanh chóng chạy vào, chỗ lửa tối tăm ấy trùm lên tội nhân, không thể kêu la. Tất cả các căn của tội nhân đều đầy lửa. Đó là quả của nghiệp ác đưa rượu cho người uống.

Nếu thoát được nơi ấy thì bị khói ở rừng Ba tiêu ùa vào đầy các căn. Đã chịu khổ về khói rồi, họ nhớ lại cái khổ phải chịu về lửa lúc trước. Sức mạnh của khói rất dữ dội. Nếu thoát khỏi nơi đó thì bị chim sắt tên Yên diệp man mỏ rất bén mổ vỡ xương họ để uống tủy.

Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục đó. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì mắc bệnh đau ở hông, nghèo nàn, tuổi thọ ngắn. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Yên hỏa lâm là vùng thứ mười bốn thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Nhờ vào thấy nghe vị ấy biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh thì bị đọa vào ngục Yên hỏa lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Nay nói về nghiệp rượu.

Người nào muốn cho kẻ thù suy yếu, khổ não nên đem rượu cho giặc hoặc quan uống để họ làm cho kẻ thù kia đau khổ, thì do nghiệp ác đó, khi chết người ấy bị đọa vào vùng Yên hỏa lâm thuộc địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ não lớn, bị gió nóng như đao, như lửa thổi vào người, bị đánh đập ở trên hư không, không được tự do, thân thể tan rã giống như nắm cát, sau đó sống trở lại.

Suốt vô lượng năm như vậy, hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu tất cả các khổ như khổ về lửa và dao, khổ bị dao bén phanh thây, khổ vì bệnh, khổ về sắt và tro nóng. Suốt vô lượng năm, họ chịu nỗi khổ cùng cực nhất, dữ dội nhất và gấp rút nhất.

Hễ nghiệp ác chưa hết là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục đó. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì trên cổ nhô lên ba cục u cao và thường bị gù lưng. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Vân hỏa vụ là vùng thứ mười lăm thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh thì sinh vào ngục Vân hỏa vụ thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Nay nói về nghiệp rượu.

Nếu người nào đem rượu cho người giữ giới hoặc người ngoại đạo uống khiến họ say rồi đùa cợt, trêu chọc khiến họ hổ thẹn để vui đùa, thì do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào ngục Vân hỏa vụ thuộc địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó là lửa tràn ngập trong địa ngục ấy, dày đến hai trăm khuỷu tay.

Ngục tốt bắt tội nhân đi trong lửa khiến từ chân đến đầu đều tan chảy. Khi được đem ra khỏi lửa, họ liền sống trở lại. Do nghiệp ác, nơi ấy có gió lớn thổi khiến tội nhân như lá cây họp lại rồi bay tứ tung, xoay vần trong mười phương giống như quấn sợi dây. Tội nhân bị thiêu chưa kịp có tro thì đã sống trở lại. Suốt vô lượng năm, họ thường bị thiêu như vậy. Hễ nghiệp ác chưa hết là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục đó.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì người ấy sinh ở nước Diêm Ma La, hoặc nước Bà ly ca. Do thường cõng người khác nên cổ thường sưng. Đó là quả báo còn sót lại của nghiệp ác về rượu.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Phân biệt khổ là vùng thứ mười sáu thuộc địa ngục Khiếu hoán.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh thì bị đọa vào ngục Phân biệt khổ thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Nay nói về nghiệp rượu.

Có người muốn được việc nên đem rượu cho nô lệ hoặc người làm công uống để họ dốc sức lực ra làm việc, nếu đi săn thì có thể chạy nhanh và giết được nai.

Do nghiệp ác ấy, khi chết người này bị đọa vào ngục Phân biệt khổ thuộc địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ não lớn. Tội nhân chịu vô lượng loại khổ khác nhau, bị ngục tốt gây khổ não cùng cực, bị xô ngã, lăn lộn trăm ngàn ức lần. Nỗi khổ này khó chịu hơn tất cả những nỗi khổ nơi các địa ngục đã nói ở trước gấp bội.

Ngục tốt mới nói kệ trách tội nhân:

Do ba loại nghiệp ác

Thiêu đốt khắp chín chốn

Bốn mươi lần chịu khổ

Do nghiệp ác gây ra.

Rượu là gốc của ác

Bị chê, đọa địa ngục

Mất hết thảy các căn

Không có nhân lợi ích.

Nói nhiều, vui quá độ

Tăng tham, khiến người sợ

Tự khoe khoang nói láo

Và nói lời hai lưỡi.

Rượu làm rối loạn tâm

Khiến người giống như dê

Chẳng biết điều đáng làm

Do đó nên bỏ rượu.

Ai mà bị say rượu

Thì không khác người chết

Nếu muốn được sống mãi

Thì nên xả bỏ rượu.

Rượu là nơi gây họa

Thường không được lợi ích

Bắt thang cho việc ác

Là nơi chốn tối tăm.

Uống rượu đọa địa ngục

Hoặc đọa vào ngạ quỷ

Gây ra nghiệp súc sinh

Là do rượu lừa dối.

Rượu là độc trong độc

Địa Ngục trong địa ngục

Bệnh nặng trong các bệnh

Bậc trí nói như vậy.

Rượu làm mất căn trí

Khiến diệt hết Pháp bảo

Rượu chính là bào thai

Sinh giặc phá phạm hạnh.

Uống rượu bị người khinh

Dù đó là Vua quan

Huống gì là dân thường

Mà đùa giỡn với rượu.

Búa lớn của các pháp

Khiến người không hổ thẹn

Ai mà ham uống rượu

Sẽ bị mọi người khinh.

Không trí tuệ phương tiện

Thân miệng đều vô dụng

Không biết một thứ gì

Do rượu cướp mất tâm.

Người nào mà uống rượu

Không do đâu được vui

Mà lại hay nổi sân

Và thường làm việc ác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần