Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP MƯỜI BỐN  

Chim ấy hót kệ về sự thật của nghiệp, Thiên Tử kia nhờ tu tập nghiệp lành nên sau khi nghe lời kệ sinh tâm chán ghét, tự xét mình đang ở chỗ súc sinh mà nghe pháp này, biết được do sống phóng dật mà đọa vào đường ác.

Nghĩ xong, trong Thiên Chúng có một Thiên Tử rời bờ sông, nói kệ:

Mạng sống của chúng sinh

Như bọt nước chẳng khác

Như nước chảy sóng dồi

Trẻ khỏe đều như vậy.

Tất cả các chúng sinh

Đều lệ thuộc thần chết

Các ngươi không tâm ý

Không nghĩ nhớ xét suy.

Những người chưa suy yếu

Người trong sạch ở đời

Nếu tu tập chánh pháp

Sẽ không vào đường ác.

Tùy thuận chánh pháp nói kệ xong, nghĩ nhớ pháp chẳng bao lâu, căn suy mất lực, Thiên Tử không còn suy xét nữa. Thấy vô số cảnh giới năm dục đáng yêu nên tham đắm hưởng lạc, đi đến chỗ các Thiên Tử khác say mê cảnh giới. Năm cảnh giới là nhân tăng trưởng thiên dục.

Thọ hưởng dục lạc nơi năm cảnh giới đến khi nghiệp thiện hết bị nghiệp sai khiến, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hoặc thoái đọa sinh vào cõi người sống nơi an ổn, không suy não, giàu có, thuộc dòng quý tộc, được mọi người kính trọng cung phụng, không lo sợ, không bệnh hoạn, thông minh tài trí, được mọi người yêu mến.

Dù là nô tỳ hay người làm công luôn hết lòng cung phụng, sống ở thành thị của nước lành, không ở nơi biên địa, sống ở nơi biết pháp phi pháp, năm căn đầy đủ, trí tuệ quyền lực. Nhờ nghiệp thiện đã huân tập nên được Thánh Nhân yêu mến, đủ ba công đức, nhất định sinh lên Cõi Trời là nhờ dư báo.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo! Đã biết quả báo của nghiệp, hãy quan sát trụ xứ của Cõi Trời Dạ Ma. Dùng văn tuệ biết cõi ấy có trụ xứ tên là Sơn thọ cụ túc.

Do những nghiệp gì chúng sinh được sinh lên cõi này?

Dùng văn tuệ biết người tu tập nghiệp thiện, tâm ngay thật, tùy thuận pháp hành, không mất oai nghi, giữ vững oai nghi, xa lánh bạn ác, luôn sinh tâm lành, sợ từng tội ác dù nhỏ như vi trần, chánh kiến không tà vạy, sống bằng chánh kiến, luôn tin nghiệp quả, tâm ý chánh trực, thân, khẩu, ý làm lành, giữ ba chi giới không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm.

Không sát sinh, không trộm cướp đã nói ở trước. Không tà dâm là dù ban ngày thấy tượng của người nữ, tâm không nghĩ nhớ, ban đêm cũng thế, tâm biết đủ, luôn thâu giữ tâm, dùng dây tri túc buộc các căn, luôn niệm thân hộ tâm, luôn quan sát ấm, giới, nhập, không thích nói nhiều, không vào nhà người phi thời.

Không đi vào chỗ xấu ác, không đi phi thời, không gần chó dữ, không thường vào thôn xóm, thành phố, ngõ hẻm, không thường thăm viếng bạn cũ, không nhớ họ, luôn tu trí tuệ quan sát đúng chánh niệm, kính trọng gần gũi hầu hạ bậc tôn trưởng. Người này giữ giới như vậy, sau khi chết sinh lên trụ xứ Sơn thọ cụ túc của cõi Dạ Ma thuộc đường lành. Ở đây thọ hưởng mọi diệu lạc tương xứng, có đủ mọi dục lạc.

Cõi này có hai ngọn núi bao quanh, trong núi có bốn khu rừng:

1. Nhị thanh ảnh.

2. Vô lượng phụ.

3. Nhất thiết thượng.

4. Thanh tịnh phụ.

Rừng Nhị thanh ảnh có ngọc xanh, cây xanh, lá bằng vàng bạc tươi đẹp không sao ví dụ được. Cung điện nhà cửa trong rừng phóng ánh sáng xanh soi đến năm trăm do tuần, màu như mây xanh.

Ba rừng sau: Vô lượng phụ, nhất thiết thượng, thanh tịnh phụ đều có cây cối đủ hình sắc hình tướng, đủ loại lá, chim chóc ở trong rừng.

Lại có những cây vàng, lá bạc, lưu ly, cây san hô lá bạch ngân, cây tam bảo lá tạp bảo. Vì cây bằng tạp bảo nên bóng cây cũng có nhiều màu. Cành cây che rợp, khắp nơi đều có sông, nơi nào cũng đẹp, ong, chim rộn rã nhộn nhịp. Rừng thứ hai xinh đẹp như vậy.

Rừng thứ ba có nhiều sông hồ, trong sông có nhiều chim Khổng Tước, Câu Sí La, tiếng hót rất hay, ở nơi xinh đẹp. Rừng thứ tư có vô số cây bằng tạp bảo, vườn rừng, sông hồ, ao sen. Bóng cây phản chiếu ánh sáng, cây cối đều như lưu ly, như chất vân mẫu. Chư Thiên vào đây thì thấy thân mình như lưu ly, vân mẫu.

Núi này còn có uy lực khác: Chư Thiên nào sắp thoái đọa, thần chết sắp chết thì thấy được nơi mình phải đi. Do thấy được nên chán pháp hữu vi, không sống phóng dật. Thấy được nơi mình thọ sinh là nhờ Thiên Tử ấy đủ công đức và nhờ oai lực của nghiệp lành.

Thiên Tử ấy lại sinh trong núi Già na. Thiên Tử mới sinh sống phóng dật nhưng thấy sự thoái đọa sinh nơi ác nên không phóng dật nữa, thâu phục tâm ý.

Nhưng chẳng bao lâu, lại tham đắm cảnh giới, năm dục, thọ hưởng công đức của năm dục ở trong vườn rừng, ao sen, trổi năm âm nhạc, vô số Thiên Nữ vây quanh, đủ chủng loại, phân biệt nghĩ nhớ khác nhau như đã nói ở trước. Nhờ nghiệp thiện đời trước, Thiên Tử thọ hưởng năm dục lạc, sau đó lại thấy năm sắc tướng lạ.

Thấy mình từ đâu đến đây, do nhân gì mà đến, thấy nghiệp nhân, biết thời gian thoái đọa, thấy nơi thọ sinh sau khi thoái đọa. Ở đó chịu đủ khổ vui, thấy người khác cũng có khổ vui như vậy. Vị ấy thấy thân mình trong trăm đời, ức kiếp đã từng sinh ở cõi này. Tuy biết số lần thọ sinh nhưng không biết thời gian thọ sinh.

Vì sao?

Vì trí kém không thể suy lường được. Người ấy thấy được uy lực của ngọn núi và nghiệp thiện như vậy. Thấy những việc Thiên Tử sợ tội sinh tử chán ghét nghiệp thiện huống gì là phi phước nghiệp, bỏ hết tạp nghiệp, nhận thấy mọi thứ đều có lỗi đưa đến khổ não, vì trong đó xen tạp nhiều tội ác.

Thấy như vậy rồi luôn lo sợ tránh xa tội ác sinh tử, càng nhiều suy não. Thấy sự ràng buộc nên không tham lạc, xem những dục lạc Cõi Trời là xúc vị sắc hương như chất độc, không thấy vui. Người ấy đã chán ghét những diệu lạc Cõi Trời sau đó nói với Chư Thiên khác để họ làm lợi ích an lạc. Thiên Tử ấy khéo tu tập thân, khẩu, ý lành, làm Pháp sư giảng thuyết chánh pháp cho người khác, nói pháp Phật cho những chúng sinh phóng dật, sợ phóng dật.

Chúng sinh phóng dật sẽ sinh vào đường ác, liền nói năm sự lo sợ cho chúng sinh: Sinh, già, bệnh, chết, nghiệp. Chúng sinh tạo nghiệp nên được nơi vui đẹp, lo sợ mất mát, chỉ cho họ biết, không vì tham vật, không có tâm dua nịnh, cũng chẳng mong cầu được cúng dường, cứ thuyết giảng chánh pháp cho người.

Đem những gì mình nghe ra thuyết giảng ví dụ, sợ ít được nghe học lời Phật, đem những ví dụ về đời sau mà mình được nghe để suy lường giảng thuyết. Chính vì tâm tham lam, nói năng xuyên tạc làm nhân cho việc sinh tử lo sợ. Người này, thấy mọi nghiệp như vậy ở trong núi.

Lại có sự thù thắng khác, giảng thuyết chánh pháp cho cha mẹ, người tôn kính, người bệnh, người tà kiến để họ sinh chánh kiến. Thuyết pháp cho người sắp chết, nếu họ cho rằng sự sinh tử là ngẫu nhiên không có nhân duyên thì giảng pháp nhân duyên cho họ.

Thuyết pháp cho những người chưa được nghe pháp bao giờ. Thuyết pháp cho những người đi trong đồng vắng, trên biển, kẻ phóng dật, Vua, quan, những người trẻ tuổi buông lung, ngã mạn để họ xả bỏ, nói rõ tội ác cho người dũng mãnh, kẻ sát sinh, kẻ phóng dật, ngăn chận sự giết hại. Thuyết pháp cho những người thích tranh chấp mong sinh lên Trời, kẻ điên đảo tranh đấu giết hại để họ không làm nữa.

Thuyết pháp cho những người săn bắn để họ trừ bỏ. Thuyết pháp cho những người phụ nữ ganh ghét để họ không ganh ghét. Người này đã thuyết pháp chân thật cho mười hai hạng người, sau khi chết sinh lên cõi Sơn thọ cụ túc của Cõi Trời Dạ Ma.

Ở đó, nhìn vào vách núi thấy rõ nghiệp sinh tử, chán ghét sự sinh tử. Còn những người không thuyết pháp cho người khác mà được sinh ở đây thì không thấy những nghiệp đó. Sau đó thọ hưởng dục lạc, vui chơi, thọ nhận công đức của năm dục, nghe tiếng nhạc, tiếng chim, thấy sắc đẹp, ngửi hương thơm. Trong ao sen có vô số loài ong rộn rã.

Thọ lạc xong, họ lại đến chỗ bằng phẳng của ngọn núi để hưởng lạc, đủ công đức xinh đẹp. Các Thiên Nữ ca ngâm thật hay, đủ sắc hương vị, vui mừng uống rượu. Uống rượu xong càng thêm phóng dật. Buông lung hưởng lạc một thời gian lâu, họ đến rừng Du hý.

Nhà cửa ở đây toàn bằng lưu ly sáng như màu dung kim, có đủ bảy báu trang trí, có nhiều loài chim. Ở đây vui chơi, thọ lạc theo công đức của năm dục không biết chán, tâm luôn tìm cầu như lửa thêm củi được gió thổi vào. Phàm phu ái nhiễm chẳng biết chán đủ cũng thế.

Vì sao?

Phàm phu ngu si bị lưu chuyển từ vô thỉ, bị ái dối gạt, các căn không thỏa mãn với cảnh giới, từ xưa đến nay chưa từng biết đủ. Nhà cửa ấy rất đẹp, đủ các công đức. Họ ở đây thọ hưởng năm dục, muốn bao nhiêu đều được.

Thiên Tử ấy không phóng dật, sống cẩn trọng, thấy những người sống phóng dật thì thương xót nói kệ:

Tâm mong muốn điều gì

Đều được thỏa ý nguyện

Niệm lành đoạn ái dục

Nghiệp ái khiến ái tăng.

Những người sống thanh tịnh

Xem dục như dao, độc

Kẻ ngu không tịnh tâm

Thấy dục lại tham đắm.

Chính căn và căn trần

Là nhân duyên của tâm

Phiền não huân tập tâm

Cho nên lưu chuyển mãi.

Người dũng không nhiễm đắm

Pháp thanh tịnh, nhiễm ô

Tất cả sắc thường thấy

Có gì sai biệt đâu.

Hết thảy đều chỉ là

Cảnh giới duyên với tâm

Tốt nhất hãy điều tâm

Kẻ lỗi lầm thô bỉ.

Ví như một giống lúa

Mà có nhiều màu sắc

Nhiều nhân hòa hợp sinh

Tâm lưu chuyển cũng vậy.

Như bánh xe nhờ nước

Xoay tròn nên máy chạy

Do tâm nên nói năng

Lưu chuyển trong thế gian.

Phóng dật hoại chúng sinh

Tâm tham đắm vị dục

Lại luôn thăm sắc đẹp

Không biết tướng tương tục.

Soi vào sắc của rừng

Thấy thân do các nghiệp

Chư Thiên đã thấy rồi

Cớ sao vẫn tham dục.

Luôn tham đắm dục vị

Sau phải chịu xa lìa

Những ái dục như thế

Người trí không tham đắm.

Huống gì thân thể này

Là vô thường, trống rỗng

Cớ sao trong khổ báo

Kẻ ngu lại ham thích.

Chư Thiên đã thoái đọa

Bị nghiệp ác dắt dẫn

Cảnh giới luôn dối gạt

Không đạt được tịch tĩnh.

Thiên Tử không sống phóng dật đã giảng thuyết cho Chư Thiên phóng dật, nhờ tự nghiệp nên khi thấy được thật sắc Chư Thiên lo sợ nghiệp. Vì lòng từ bi Thiên Tử lại thuyết giảng. Chư Thiên ở đó thọ hưởng vô số dục. Họ ở cõi bằng lưu ly nên soi thấy được sắc thân. Cõi đó lại có những khu rừng bằng lưu ly, bằng bạc, là Thường ảnh, Vô ảnh.

Rừng lưu ly Thường ảnh này có mặt đất mềm mịn, chim hót rất hay, hàng trăm ao sen, sông suối đẹp. Chư Thiên ở đây vui chơi thọ lạc.

Rừng Thường ảnh có năm ao sen lớn, những con thiên nga, vịt Trời, uyên ương cùng nhau kêu tiếng rất hay, hưởng diệu lạc. Có gió thổi đến làm nước sông nổi sóng làm cho những con chim ấy lúc gần lúc xa, nước sông trong sạch không nhơ.

Những con chim ấy cùng nhau bay nhảy trên lá sen, hưởng diệu lạc.

Năm ao lớn là:

1. Nhạo kiến.

2. Thủy túc.

3. Điểu lạc.

4. Thường hỷ.

5. Thiên lạc.

Trong ao lại có nhiều loại ong màu sắc hình dáng khác nhau. Chúng hút mật hoa và các rượu ngon khác. Hút mật hoa xong chúng kêu tiếng rất hay. Nghe được tiếng ấy Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc đi đến chỗ loài ong trong ao hoa. Nước ao trong sạch đủ sắc hương.

Thấy nước ao, Chư Thiên cùng Thiên Nữ liền vào ao vui chơi thọ lạc đủ công đức của năm dục, lại còn hành dục. Ở đó có những sự hoan lạc như vậy, lại có những tiếng hay khác như tiếng ca tiếng nhạc, tiếng nước chảy, tiếng chim hót.

Những tiếng này hòa hợp thành một âm thanh rất hay. Chư Thiên cùng Thiên Nữ ở đây vui chơi thọ lạc, nghe nhạc. Sự vui chơi thọ lạc ở núi khác không như vậy. Khi những loài chim, nai ở cõi khác muốn ăn uống mà nghe được tiếng này thì không ăn nữa.

Tiếng ấy lọt vào tai thì không mất, không uống nữa. Thiên Chúng ở Cõi Trời khác nghe được tiếng này còn rất ngạc nhiên, huống gì là súc sinh. Cứ thế, Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc hưởng dục lạc ở năm ao sen kia trong thời gian lâu, nhưng vì tham rượu, dục lạc họ lại đến rừng thức uống.

Rừng này có nhiều rượu nên gọi là Ẩm lâm. Nhờ lực nơi nghiệp thiện, khi Chư Thiên đến đây thì nước ao trong sạch biến mất, rượu Trời thơm ngon sinh ra. Mùi thơm của rượu xông khắp năm do tuần, Chư Thiên đi lại tùy ý muốn rượu sinh ra. Đây là dục lạc hơn hết của Cõi Trời.

Vì tùy ý thọ lạc nên là lạc tối thượng. Chỉ có nó là diệu lạc không còn diệu lạc nào khác. Rượu này chỉ tùy niệm của họ mà đã là hoan lạc nhất, huống gì là hoan lạc nơi công đức của năm dục, năm âm nhạc, dục lạc cùng Thiên Nữ thọ hưởng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần