Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Mười Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP MƯỜI TÁM  

Lại mong cầu thấy được những hang động, ao sen, rừng cây của núi Bảo Vi. Họ đi từ núi này đến núi khác, từ sông nọ đến sông kia hưởng đủ vị ngon, từ rừng báu này đến rừng báu khác.

Ở chỗ nào họ cũng đều thấy các loài chim, nghe tiếng hót, nghe năm âm nhạc, vui chơi hưởng lạc. Năm căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân tiếp xúc năm cảnh đáng yêu sắc, thanh, hương, vị, xúc. Các căn thọ hưởng dục lạc nơi cảnh giới. Vì phóng dật tham ái cảnh giới nên họ quên hết mọi khổ vui trong quá khứ, quên hết những tướng danh tự của nghiệp quả đã thấy trong yết hầu.

Cứ vui chơi thọ lạc như vậy nên quên hết những nghiệp mình làm. Cõi ấy có một nơi hơn núi Bảo Vi tên là Tịnh Vô Cấu, ở đây họ nhìn thấy bụi báu, mọi nơi trên điện này đều có bụi báu. Cõi Thanh tịnh này mà còn có bụi báu huống gì là những nơi khác.

Do nghiệp, họ có đủ các loại trang sức trên thân xinh đẹp. Khi nghiệp hết, Chư Thiên thoái đọa. Do oai lực của nghiệp thiện mà họ đã tạo, từ trong yết hầu, họ thấy được những tướng danh tự. Lúc mới thấy họ không nhàm chán.

Vì sao?

Vì ngu si nên vừa được dục vị là tham đắm không chán. Thiên Tử ngu độn này nếu được người chỉ dạy hoặc tự biết thì thấy biết được tội lỗi của dục, nhưng việc đã đến rồi mới sợ.

Do tham đắm dục vị nên về sau khi thấy được tội lỗi của nó thì đã bị lửa hối hận thiêu đốt, tự trách: Cớ sao từ trước ta không bỏ dục. Dục này như dao, lửa, chất độc, dục này là nhân của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Ta vì dục này nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, về sau bị lửa hối hận thiêu đốt. Người tu tâm thì không tham dục, thấy tội lỗi của dục thì không tham đắm nữa. Nhờ trí tuệ thấy tội lỗi của dục nên về sau không hối hận. Ai không tham lạc cảnh giới là được vui. Đó là do tu tâm từ trước.

Bấy giờ, Thiên Tử tuần tự đi đến núi có mặt đất sáng như gương. Nhìn vào gương nghiệp đó Chư Thiên tự thấy thân nghiệp của mình rất rõ ràng.

Chư Thiên nào từng tu thân, khẩu, ý thì soi vào gương nghiệp tự thấy thân mình, ở giữa trán hiện ra những tướng nghiệp quả sinh tử như thời gian, xứ sở, nhân duyên và tướng thoái đọa, thấy được tướng sắp thoái đọa của Chư Thiên khác. Soi vào gương nghiệp họ thấy được những tướng danh tự do sinh nghiệp hay dư nghiệp hiện ra.

Chư Thiên ở cõi Dạ Ma thoái đọa là do dư nghiệp, sinh nghiệp hoặc do nhân ác của thân, khẩu, ý nghiệp. Họ sẽ sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Bỏ thân Súc Sinh, bị phóng dật hành dục dối gạt, gió nghiệp thổi tạt nên sinh vào nơi khác. Nhìn vào giữa trán họ thấy hết tướng danh tự do tội lỗi của dục đưa đến. Từ tội lỗi dục sinh ra dục khác.

Người tu pháp quán vô dục bằng trí sáng thì đối trị được, không bị dối gạt. Lại có cách đối trị dục khác xem sắc đẹp là hư vọng, cứ thấy sắc dùng tâm quan sát đúng thì tâm dục không tăng trưởng. Cứ thế quan sát kỹ về tội lỗi của năm dục cảnh giới, Thiên Tử ấy sẽ không tham ái, tâm tham ái không hại được, không chướng ngại được. Tham ái chính là nhân sinh tử.

Như vậy nhìn vào trán Thiên Tử thấy hết mọi tướng danh tự do dục sinh, nếu Thiên Tử tu tập thân ý thù thắng thì trừ bỏ được dục, thấy được tội lỗi của dục nên biết cách ra khỏi dục. Vì biết thoát khỏi tội lỗi dục nên xem những cảnh giới tham lạc từ xưa như ăn phải trái độc, những ái dục hiện giờ cũng vậy.

Vì sao?

Do tham lạc cảnh giới nên đọa vào đường ác, người ấy tu tập như vậy trừ bỏ cảnh giới. Nhìn vào giữa trán thấy hết mọi tướng danh tự do tạo nghiệp ác đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thấy được nghiệp ấy thì nghiệp ác sẽ mất, nghiệp lành sinh ra. Nhờ sức nghiệp thiện, các Thiên Tử thấy được như vậy sinh tín tâm sâu xa, tạo nghiệp lành, cho đến tạo chủng tử nghiệp lành Niết Bàn.

Những Thiên Tử thiếu trí thì tham dục lạc, bị lưới nghiệp từ trước trói buộc nên thấy tướng danh tự này, tự nghĩ: Ở đây sau này ta bị thoái đọa thì được sinh vào cõi người hoặc Cõi Trời.

Do thấy nơi thọ sinh nên họ không lo sợ, lại đi vào năm cảnh giới, trôi nổi trên sông ái, vì phóng dật nên sống phóng dật. Thiên Tử này chưa từng học hỏi, nghe hiểu, thiếu trí nên không biết dục, không bỏ dục, mất pháp thiện, lại tiếp tục tạo nghiệp địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh khác.

Vì sao?

Vì nghiệp thiện đã hết, bị dục dối gạt, nên đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Bấy giờ có con chim tên Hiền ngữ thấy Chư Thiên sống phóng dật nhờ vào nghiệp thiện, nên nó hót kệ:

Nếu nghiệp thiện dắt tâm

Thì sẽ được quả thiện

Kẻ làm việc bất thiện

Thì phải chịu quả ác.

Tất cả những dụng tâm

Như đất, nước, gió, lửa

Tùy theo duyên có được

Tâm lưu chuyển như vậy.

Tâm có thể đi lên

Cũng có thể đi xuống

Mau đến được Cõi Trời

Cũng mau vào đường ác.

Tâm làm lành rất nhanh

Ai khéo phòng hộ tâm

Tu tập tất cả pháp

Đoạn trừ các nghiệp ác.

Người chủ thực hành pháp

Chính là cái bản tâm này

Vì có năng lực đó

Nên được gọi là tâm.

Tâm luôn tìm lỗi người

Không tin tưởng người khác

Thể tánh rất loạn động

Sức mạnh không giữ được.

Bất chợt làm việc thiện

Bất chợt làm việc ác

Hoặc tạo nghiệp vô ký

Không thể nào lường được.

Tâm đến không thể biết

Ra đi cũng chẳng hay

Trước không sau lại có

Đã có lại thành không.

Tâm không có chỗ dừng

Tìm hết cũng chẳng được

Vì không có hình tướng

Nên không thể nắm bắt.

Do nhân duyên hòa hợp

Niệm niệm tâm sinh ra

Như ngọc chiếu phân trâu

Nhân duyên phát ra lửa.

Như vậy các căn, sắc

Tất cả đều do tâm

Chẳng phải do một thứ

Nhiều thứ hợp sinh tâm.

Đã biết tâm như thế

Và biết khó điều phục

Ý thuận hành chánh pháp

Cẩn thận chớ tham dục.

Nghe vậy, Thiên Tử tu hai nghiệp thân ý, đã tu tâm nên không tham cảnh giới, tùy thuận pháp hành, bỏ thân cõi Dạ Ma lại sinh vào nơi cao hơn, sống ở Cõi Trời.

Nếu sinh vào cõi người thì được làm Vua, quan, có lúc gieo hạt giống giải thoát của ba quả Bồ Đề, hoặc đủ nghiệp thiện làm Chuyển Luân Vương. Những Thiên Tử nào đã thấy nghiệp tướng trong gương mà không điều phục tâm thì sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lại nữa, các Tỳ Kheo! Đã quan sát tướng nghiệp quả danh tự hy hữu, lại quan sát thấy người siêng năng, thành tín vẽ tượng Như Lai, hoặc với tín tâm tịch tĩnh viết lại Kinh Điển chánh pháp sẽ được sinh lên Trời. Khi nhìn vào trong yết hầu, giữa trán thấy vậy thì tin tưởng.

Còn những người không có tâm chánh tín hoặc bị Vua sai, người khác sai, hoặc vì nuôi mạng sống mà viết Kinh Pháp vẽ tượng Như Lai cũng được sinh lên Trời nhưng nhìn thấy thì không tin, luôn sống phóng dật. Người ấy cũng do làm lành mà được sinh lên Trời, tuy thấy nhưng không tin là vì không có tín tâm và không suy xét tướng ác. Như vậy nếu không có nhân thì không có quả. Tất cả đều do nhân nghiệp tương tợ sinh ra.

Thiên Tử nào tánh thích phóng dật, sống phóng dật, hưởng hoan lạc nơi cảnh giới của năm dục không biết chán thì dục lạc càng tăng trưởng, lại ở mãi trên núi Bảo vi này thọ hưởng năm dục công đức, cùng Thiên Nữ vui chơi thọ lạc. Sau đó, bỏ núi với công đức của năm dục này, đi đến núi Châu vi thứ ba, vui vẻ trổi năm âm nhạc, vui chơi trên đường, thọ hưởng mọi thứ tốt đẹp.

Trong chốc lát đã có đủ dục lạc tha hồ thọ hưởng nơi cảnh giới dục lạc tùy ý muốn. Thọ lạc bên bờ sông trong núi kia xong, họ mới đến núi Châu vi thứ ba này. Cứ thế, thọ hưởng dục lạc nơi cảnh giới đáng yêu, tâm ái tăng trưởng.

Vì không thoát khỏi tham ái ấy nên bị lửa dục thiêu đốt, không biết chán sắc, thanh, hương, vị, xúc và cảnh giới trong sông như cá di na. Gian nhà thứ nhất của núi này là báu xanh, gian thứ hai là báu xích liên hoa, gian thứ ba là xa cừ, gian thứ tư là bạch ngân.

Thấy vậy Chư Thiên vui mừng nói với nhau: Chư Thiên hãy nhìn những thứ ánh sáng và những thứ xinh đẹp này. Ánh sáng vật báu này chiếu đến trăm vạn do tuần. Vào trong ánh sáng đó thì không thể phân biệt được các màu xanh, vàng, đỏ, trắng của ánh sáng.

Nói xong, Chư Thiên lại đi đến rừng Thọ trù. Chư Thiên cùng Thiên Nữ vui vẻ trổi nhạc, nhìn ngắm khắp nơi, tuần tự đến rừng đó. Do nghiệp thiện thuần thục nên có đủ thứ trang sức vui chơi hưởng lạc, mãi mê phóng dật, bị ái sai khiến.

Rừng ấy có cây bằng bảy báu, có hai dòng sông đủ hương, vị, xúc, tùy tâm ý của Chư Thiên nước sông luôn tràn đầy, luôn lưu chuyển. Trên bờ sông bạc có nhiều loại chim khác nhau. Sông thứ nhất tên là Tạp thủy, sông thứ hai tên là Như ý. Tánh của nước sông Tạp thủy luôn trong sạch, tràn đầy, uống không bị say. Do nghiệp thiện, nước sông đủ màu sắc nên gọi là sông Tạp thủy. Sông Như ý thứ hai thì có đủ mọi thứ tùy tâm của Chư Thiên.

Muốn thức ăn thì có thức ngon sạch thơm, muốn rượu thì có rượu thơm ngon, muốn hoa nơi sông, núi thì có đủ thứ đẹp, thơm đầy sông, trong hoa có nhiều ong. Tên của loài hoa ấy không thể nói hết được. Sông Như ý này có đủ mọi thứ như vậy. Trong rừng Thọ trù có những hoa xinh đẹp như thế. Chư Thiên ở trong sông vui chơi hưởng lạc đủ sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Nhờ nghiệp thiện, họ cùng nhau uống rượu hưởng lạc, nghe nhạc vui tai, tha hồ thọ nhận hoan lạc. Không buồn khổ, đói khát, lo sợ, không biết chán cảnh giới ví như uống nước mặn thì càng bị khát, phân biệt mọi thứ, hưởng diệu lạc Cõi Trời.

Lúc họ ở trong sông thọ lạc có loài chim tên là Hà hành, thấy Chư Thiên phóng dật, chim hót kệ:

Ví như nước sông chảy

Dục lạc Trời cũng thế

Mạng sống không dừng yên

Vì ngu nên không biết.

Chính vì già bệnh chết

Làm nghiệp hết, thoái đọa

Thiên không rời pháp này

Luôn chạy theo dục lạc.

Mạng sống không thường còn

Lạc ba cõi cũng vậy

Thiên ngu bị dục dối

Mà không hề hay biết.

Như giọt nước hư không

Nhất định bị rơi xuống

Các diệu lạc cũng thế

Chẳng khác gì giọt nước.

Như gió thổi cát bụi

Lăng xăng va chạm nhau

Di chuyển trong hư không

Thân luân hồi cũng thế.

Lạc này không thù thắng

Dối gạt chẳng định yên

Hòa hợp cùng độc ái

Như thức ăn lẫn độc.

An lạc thù thắng nhất

Chính là sự bất tử

Không có ái biệt ly

Nơi không có lạnh nóng.

Nơi đó luôn an ổn

Bậc trí dạy như vậy

Nơi nào không sống chết

Nơi ấy chẳng khổ đau.

Do yêu mến người nữ

Nên đưa đến khổ não

Tham ái là chủng tử

Sinh vào cõi địa ngục.

Lạc ái sinh ra khổ

Cớ sao nói là lạc

Nó là khổ trong khổ

Về sau như chất độc.

Do đó sinh ở đây

Đều là vì gió nghiệp

Lưới nghiệp si bao trùm

Tham ái nơi thọ sinh.

Những nghiệp thiện bất thiện

Luôn đi chung với họ

Theo đuổi khắp mọi nơi

Như hương không rời hoa.

Ngươi hưởng lạc như vậy

Sau sẽ mất tất cả

Như mặt trời đã lặn

Ánh sáng ngày không còn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần