Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Mười Năm - Phẩm Không đồng ý A Lan
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BỔN HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẨM MƯỜI NĂM
PHẨM KHÔNG ĐỒNG Ý A LAN
Bồ Tát như thế
Mày rộng tay dài
Khoan thai điềm đạm
Như sư tử đi
Đến A Lan hỏi
Xuất ly tử sinh
Ý muốn dứt bỏ
Cửa ải tử sinh.
Xa thấy A Lan
Cùng với môn đồ
Đang ngồi nhóm họp
Giảng nói sách Phạm
Bồ Tát đức trọng
Ví như Vua Trời
Nghinh tiếp thăm hỏi
Cùng ngồi đàm luận.
Ngồi trong chốc lát
Nhìn nhau ý lành
Lòng Từ Bồ Tát
An ủi A Lan.
A Lan đáp rằng:
Đức hóa đã lâu
Sở dĩ xuất gia
Vì không tôn vinh
Xé toang lưới ái
Mê đắm trói buộc
Cường tráng mạnh mẽ
Giống như voi lớn,
Vất bỏ tôn hiệu
Ngôi Vua chuyển luân
Ví như người trí
Vất bỏ cơm độc
Xưa Vua Chuyển Luân
Không phải là lạ.
Trẻ qua, già suy
Bỏ nhà vào rừng
Bèn trao ngôi Vua
Lại cho Thái Tử
Giống như hoa héo
Chuyển trao cho người.
Giờ ta còn nghi
Ngài khỏe đẹp xinh
Sáu căn ham muốn
Chưa được đầy đủ
Nên nhận rộng rãi
Tự nhiên vinh lạc
Bỏ hiệu đẹp này
Ai chẳng nghi ngờ?
Muốn biết Thái Tử
Xác thật việc này
Ắt sẽ trở thành
Pháp khí to lớn
Dùng đức tinh tấn
Tìm thuyền trí tuệ
Sẽ mau vượt qua
Biển lớn sinh tử.
Bấy giờ, Bồ Tát
Nghe A Lan nói
Mỉm cười hoan hỷ
Mà trả lời rằng:
Việc ta chưa thành
Nên ta đến đây
Giờ ông tự giữ
Việc chắc sẽ thành
Giống như trong tối
Bỗng thấy ánh sáng
Như kẻ lạc lối
Được người dẫn đường
Như muốn qua sông
Gặp người đưa đò
Nên ta đến xin
Tôn người làm thầy
Rủ lòng đoái tưởng
Xin được chỉ dạy
Nhận làm đệ tử
Xin thờ làm thầy.
Khổ, già, bệnh, chết
Phải độ từ đâu?
Xin dùng lý đó
Mà chỉ dạy cho.
Bấy giờ A Lan
Là người dẫn đường
Rằng: Nghe cho kỹ
Pháp Phạm Chí ta:
Sinh tử xoay vần
Quanh quẩn trở lại
Trên dưới đảo lộn
Như bánh xe quay
Có tám việc riêng
Gọi là nội pháp
Lại có mười sáu
Các việc nghi loạn
Do đó phải biết
Người ấy ý mạnh
Tất cả thế gian
Nhân đây sinh diệt.
Năm tính như vậy
Thức đắm thứ sáu
Ý là thứ bảy
Do dự thứ tám
Hễ có năm căn
Lại có năm dục
Lại còn phải biết
Có sáu lầm loạn
Nếu hiểu điều ấy
Gọi là biết nghiệp.
Xích tiên cho ngôi
Đều cùng hay biết
Phạm thiên hiệu là
Nhất Thiết Phổ Tri
Nếu xét biết thế
Gọi nghiệp Nê Hoàn
Gốc sinh tử thục
Lôi kéo trói buộc
Chỉ biết rõ đó
Còn lại bất định.
Bọn ta ở đây
Tìm cách cầu giác
Là Nê Hoàn ta
Ngài muốn được giác
Hoặc có người trí
Gọi là Nê Hoàn
Hoặc gọi thiền báo
Gọi đó Nê Hoàn
Nay bảo nhau xong
Ra nẻo sinh tử
Hợp ý phải siêng
Như bệnh tìm thuốc.
Tiên xưa thù thắng
Vị tên Tri Túc
Vị tên Định Hành
Bạo lâu lộ hình
Bọn họ đều từ
Đạo hành hằng ngày
Lại nữa còn có
Người cầu giải thoát.
Bấy giờ Bồ Tát
Nghe lời ấy rồi
Trong lòng ngẫm nghĩ
Xét đầu mối việc
Bồ Tát nhiều kiếp
Trí tuệ giác được
Biết lỗi ấy rồi
Liền bảo Phạm Chí:
Đã nghe ông nói
Trí tuệ sâu xa
Gọi là nghiệp giác
Ra khỏi sinh tử
Như ta đã biết
Việc này không thế
Như có hạt giống
Ắt phải sinh sôi
Các căn khác nhau
Gọi đó giải thoát
Nếu gặp được duyên
Trở lại buộc ràng,
Đất, nước, thời tiết
Lại không hạt giống
Làm sao sinh được
Nhân duyên lẫn lộn
Giống cùng duyên đối
Gặp gỡ nhau rồi
Ắt sẽ sinh lại.
Ta biết như vậy
Làm sạch nhơ bớt
Tuổi thọ kéo dài
Ý gọi giải thoát
Bảo đó Nê Hoàn.
Bồ Tát không chịu
Pháp của A Lan
Bấy giờ lại đến
Hỏi pháp Ca Lan
Nói nghe tám ý
Bồ Tát hiểu ngay
Vi thức cố đắm
Biết có lầm này
Hiểu được ý kia
Đó ắt trái pháp
Vì vậy Bồ Tát
Bỏ pháp Ca Lan.
Khi ấy Ngài đến
Sông Ni Liên Thiền
Tu trì tịnh hạnh
Tìm chỗ ngồi thiền
Thân màu vàng ròng
Ánh sáng chiếu soi
Giống như hoa sen
Sáng đến tận ngày.
Ngày ăn hạt mè
Nửa hạt gạo thô
Ngày ngày càng giảm
Thân thể khô gầy
Máu trong thân cạn
Mỡ thịt khô khan
Khí lực suy yếu
Hình thể mòn mỏi
Chúng sinh khắp đời
Không thể chịu đựng
Khốn khổ như vậy.
Suốt trong sáu năm
Bồ Tát phơi lòng
Thân hình như thế
Mà chưa uống được
Thuốc pháp Cam lộ
Tâm chợt lui sụt
Đạo đức không thế
Xưa, cõi Diêm Phù
Nhớ lại ý lành
Cũng không thể dùng
Thân thể ốm gầy
Và những việc ấy
Mà tự thành đạo!
Các Trời trên không
Khuyên nên ăn uống
Sức khỏe đầy đủ
Mới đắc đạo được
Ý luôn tôn trọng
Như núi Tu Di
Ý mong cầu Phật
Việc rất quan trọng
Ý tuy vững chắc
Cứng như Kim Cang
Ăn uống không đủ
Thân khó đảm đương.
Hiểu như vậy rồi
Bồ Tát đứng lên
Ăn uống trở lại
Nuôi dưỡng bản thân.
Năm người hầu hạ
Thấy Bồ Tát ăn
Bèn bỏ ra đi
Nơi khác cầu nhàn.
Bấy giờ bèn nhận
Cháo sữa Cam lộ
Của hai cô gái
Hoan hỷ cúng dường
Sau đó liền đến
Cây đạo nhiệm mầu
Khoan thai cất bước
Quyết thoát sinh tử
Nghiêm sức lồng lộng
Công đức chứa nhóm
Lấy chân chạm đất
Liền rung chuyển mạnh.
Bấy giờ Đại lê
Là Rồng đầu đàn
Nghe tiếng chân chạm
Làm đất rung chuyển
Tâm sinh ngờ vực
Tự suy nghĩ kỹ
Lâu mới nghe được
Tiếng rung chuyển này.
Là người dẫn đường
Thầy của các thầy
Khi chân chạm đất
Mới rung chuyển thế
Thần đất vui mừng
Nhún nhảy như múa
Tiếng động êm êm
Như là buông xả
Bậc thầy dẫn dường
Sắp xuất hiện ra
Đất rung ì ầm
Hớn hở như cười.
Vì tiếng rung chuyển
Từ nước hiện lên
Thân thể to lớn
Như ngọn núi đen
Các thứ châu báu
Chuỗi ngọc nghiêm thân
Giống như mây đen
Có ánh chớp lóe
Biến hóa nhiều đầu
Trùm khắp không trung
Thân phát ánh sáng
Như khói lửa bừng
Giống như mây nước
Đến gần mặt trời.
Rồng dùng thân ấy
Lạy chân Bồ Tát
Đứng lên cung kính
Chắp tay khen rằng:
Con thấy Phật trước
Lúc sắp ra đời
Điềm lành ngày nay
Như Phật thuở xưa
Từ Phật Duy Vệ
Cho đến Ca Diếp
Mắt thấy sáu Phật
Điềm Phật ra đời
Nay vị thứ bảy
Hiện điềm lành này
Như xem tướng sáng
Sáng tỏ cõi đời
Hôm nay chắc chắn
Được uống Cam lộ.
Nay thấy Ngài đi
Bước đi từng bước
Khi đất này ứng
Chấn động nhẹ nhàng
Ánh sáng khác thường
Vượt hơn mặt trời
Hôm nay điều nguyện
Chắc được đầy đủ,
Nhìn bầy chim xanh
Bay vờn lấy nhau
Như trong mây biếc
Hiện ánh mặt trời
Đem tiếng từ ái
Kính thân Bồ Tát
Hôm nay chắc chắn
Sẽ thành Phật Đạo.
Hôm nay nhìn thấy
Khí thuận gió lành
Các dòng nước trong
Trên không trong sáng
Chim hòa điệu hót
Tiếng hót dịu dàng
Hôm nay thập lực
Thành nhất thiết trí.
Xem thân Bồ Tát
Như núi vàng chói
Các thứ vật báu
Dùng để trang điểm
Nhìn thân Bồ Tát
Tướng tốt tự nhiên
Hôm nay chắc chắn
Sẽ thành Phật Đạo.
Vầng viên quang tròn
Ở ngay chính giữa
Chói lòa như nhật
Năm màu rực rỡ
Như nay dứt bỏ
U ám cõi đời
Còn không lâu nữa
Mặt trời Phật hiện.
Rừng cây lay động
Tung khắp hoa đẹp
Tất cả các hoa
Đồng thời nở ra
Cây vô tâm cũng
Nghiêng như có lòng
Oằn xuống cúi chào
Hôm nay ắt được
Tất cả làm lễ
Như ngó sen trắng
Nở lúc không trăng
Ánh Mặt Trời chiếu
Thì hoa nở sen
Nay Bồ Tát hiện.
Ánh Mặt Trời Phật
Lòng Trời, người mở
Như hoa mừng vui
Như nay quan sát
Tướng đã hiện rồi
Rất khó gặp được
Hoa Ưu Đàm nở
Hoa đã khó gặp
Phật càng khó hơn
Hai điều khó gặp
Nay hiện thế gian
Bây giờ sẽ lấy
Tên bén trí tuệ
Làm trần lao sợ
Vua, tướng, quân sĩ
Đã truy đuổi kịp
Đến chỗ Phật xưa
Hôm nay chắc chắn
Được uống Cam lộ
Như nay quán sát
Quyết định giới răn
Nghiêm thân đẹp đẽ
Tám mươi vẻ đẹp
Đều soi các Trời
Hiện trong thân Ngài
Hôm nay sẽ được
Người, Trời lễ bái.
Rồng Lê cứ thế
Khen Bồ Tát rồi
Qua suối vượt lên
Đi đến cây đạo
Xa thấy cây đẹp
Như ở Cõi Trời
Trang nghiêm không khác
Cây Trời ngày xưa.
Mang cỏ Cát Tường
Đến để hiến dâng
Bồ Tát liền hỏi:
Tên ngươi là gì?
Người thấy nói rằng:
Tên là Cát Tường!
Bồ Tát tự nghĩ:
Ta ắt Cát Tường.
Ngài liền theo đó
Nhận cỏ dịu mềm
Trải tòa Kim Cang
Cỏ đều ngay ngắn
Ngồi kiết già phu
Ý chí vững vàng
Trong dùng tâm thức
Xét kỹ quyết định:
Không vượt cõi ma
Các dục trần nhọc
Ngồi đây không dậy
Cũng chẳng uống ăn
Dù cho bản tánh
Bốn đại mất đi
Trời, Trăng rơi xuống
Tu Di bay lên
Các việc như thế
Có thể đổi thay
Chứ ta chẳng trái
Bỏ thệ nguyện này.
Phát thệ nguyện xong
Các Trời rất mừng.
Bồ Tát nảy ý
Muốn hàng Ma Vương
Như chẳng vừa ý
Ngoại đạo, dị học
Như làm Trời, người
Các Rồng khen ngợi
Nguyện khiến chúng sinh
Được sự khen ngợi
Chúng sinh mười phương
Được như mình nguyện.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ đế - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Hai - Phẩm Thí Dụ
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Không Gì Chuyển Hướng - Phần Năm - Thuyết Không Có Cõi Vô Sắc
Phật Thuyết Kinh đại Ca Diếp Vấn đại Bảo Tích Chánh Pháp - Phần Ba