Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP SÁU MƯƠI HAI  

Ví như hạt giống là nhân của mầm xanh, do thấy rõ, tin nhân duyên nên họ không mê lầm nơi nghiệp báo. Nghiệp gồm có hai loại là thiện và ác. Nó khiến chúng sinh đi thọ sinh ở khắp nơi, trôi lăn trong các cõi, chịu đủ loại khổ vui, nối tiếp không dứt ở trong đường sinh tử.

Chúng sinh trôi lăn liên tục như vậy ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Trời, người là do ba hành vi sau:

1. Tạo nghiệp phước đức.

2. Gây nghiệp tội lỗi.

3. Gây nghiệp bất động, tức là hành tứ thiền.

Việc tạo nghiệp phước đức là nhân của hàng Trời, người. Việc gây nghiệp tội ác là nhân bị đọa vào địa ngục. Việc tạo nghiệp bất động là nhân sinh vào Sắc Giới.

Nếu Vua biết rõ nhân quả của ba cõi này thì sẽ không lầm lạc trong đồng hoang sinh tử. Tất cả mọi thứ có trong cõi hữu vi này chính là nhân quả tạo ra. Nếu Vua tin nhân quả thì không bị tai họa hủy hoại, vì sợ tai họa nên họ không gây nghiệp ác, thường tạo nghiệp lành.

Nếu Vua tin nhân duyên thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành tin nhân duyên. Pháp thù thắng bậc nhất của chúng sinh là tin nhân duyên. Vì vậy nhà Vua phải siêng năng tu tập và thọ trì pháp này.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi mốt để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ ba mươi mốt là cúng dường Chư Thiên.

Vì sao phải cúng dường Chư Thiên?

Vì do tạo nghiệp lành, họ được sinh lên Trời có thần thông lớn. Nếu ta gây nghiệp ác họ có thể ngăn cản ta.

Nếu ngày đêm thường cúng dường Chư Thiên thì mọi việc đều có thể thành tựu, ở trong mộng, Chư Thiên có thể chỉ bày điều lành, dữ cho ta, có thể hộ trì đất nước vào lúc khó khăn, khiến ta đi vào pháp lành. Chư Thiên có thể ngăn cản điều chẳng lành, thường hay ủng hộ ta cả ngày lẫn đêm, giống như Cha Mẹ dùng đủ cách để giúp đỡ con cái. Phải cúng dường Chư Thiên vì họ hay làm việc lành.

Do đó, bậc Vua chúa nên cúng dường Chư Thiên, do ưa thích chánh pháp nên họ bỏ nghiệp ác, không xâm phạm người khác, do không có tà kiến nên không có ý nghĩa là ngoài Chư Thiên ra thì không có nghiệp, Chư Thiên tạo ra tất cả thế gian, không cho rằng tất cả khổ vui đều do Trời tạo ra.

Cúng dường Chư Thiên là làm lợi ích cho mình, không mất sự lợi ích, không hủy báng nhân duyên, không có tâm tà kiến. Do cúng dường Chư Thiên nên vị Vua đó được người khác cúng dường.

Nếu Vua thường cúng dường Chư Thiên thì nhờ công đức đó ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành cúng dường Chư Thiên.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi hai để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ ba mươi hai là luôn luôn bảo vệ đất nước một cách chân chánh. Vị Vua bảo vệ đất nước một cách chân chánh sống thuận theo pháp giống như cha mẹ đem sự an vui đến nơi đáng sợ.

Do bố thí sự an vui nên ngày đêm pháp lành thường tăng trưởng, tất cả quân đội đều kính yêu, không có tâm lìa bỏ, người trong nước hiến của cải hoặc ca ngợi tiếng thơm của Vua. Vị Vua này ngày đêm thường suy nghĩ cách làm cho dân mình được an vui.

Do vị ấy làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh nên ngày càng thêm thư thái. Do rất thư thái nên ngũ cốc được mùa, đất nước phát triển, tất cả quân đội đều lớn mạnh, những người lớn tuổi ở trong nước đều cầu nguyện cho Vua được thịnh vượng.

Vị Vua bảo vệ đất nước một cách chân chánh như vậy thì ba thứ: Pháp, tài sản, danh tiếng ngày càng tăng trưởng, hòa hợp với nhau.

Nếu Vua bảo vệ đất nước một cách chân chánh như vậy luôn luôn làm lợi ích cho đất nước, lìa bỏ tham lam, sân hận thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành bảo vệ đất nước một cách chân chánh.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi ba để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ ba mươi ba là luôn luôn giúp đỡ vợ con một cách chân chánh.

Nhờ sự giúp đỡ, vợ con được an vui. Vua hoặc đại thần đã có vô lượng phước đức, lại gieo nhiều phước đức, cùng nhau tăng trưởng, nếu có của cải thì cấp cho vợ con không có tiếc rẻ, không kể đó là vật gì, ở nơi nào, vào lúc nào, hoặc là cấp của cải, hoặc đồ ăn uống, hoặc giường chiếu, hoặc quần áo, hoặc bảo trợ, tín nhiệm, nói lời êm ái khiến họ vui mừng ban cho sự an vui.

Tùy sức mà chu cấp cho vợ con thì trong nhà được phước. Trong số vô lượng loại phước đức trong nhà, việc giúp đỡ vợ con có phước đức rất lớn, người nào không có lòng thương xót, hoặc bị tham lam che lấp nên không thương vợ con thì người đó ác hơn thú dữ, là các loài thú sát sinh ăn thịt ăn phân.

Người nào không thể xuất gia sống trong chánh pháp thì phải tùy sức mà giúp đỡ vợ con một cách chân chánh khiến họ được an vui. Nếu có khả năng mà không có tâm thương xót, không giúp đỡ vợ con thì người đó không phải tại gia, cũng không phải xuất gia.

Vì vậy nên đem của cải và các thứ khác chu cấp cho vợ con hoặc dạy họ giữ giới. Vua hoặc đại thần có thể khiến cho vợ con thọ giới, giữ giới, dạy họ bố thí, tu tập trí tuệ và lần lượt dạy làm các việc khác để bảo vệ sự an vui của họ một cách chân chánh.

Nếu Vua hoặc đại thần làm như vậy tùy theo sức mình thì được hưởng lạc trong thời gian dài và có tuổi thọ lớn. Nếu Vua giúp đỡ vợ con một cách chân chánh thì nhờ công đức đó trong hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước và bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Vua Trời Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành giúp đỡ vợ con.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi bốn để làm lợi ích cho đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ ba mươi bốn là thường tu tập trí tuệ. Việc tu tập trí tuệ sẽ diệt tất cả khổ, lìa khỏi nguyên nhân của tất cả sinh tử.

Nếu có thể quyết định tu tập trí tuệ thì rất tốt. Trí tuệ này thường như ngọn đèn chiếu sáng cho những người đi ở nơi tối tăm gặp nhiều khổ não, làm tiền của, lương thực cho người đi trong đường hiểm, nơi đồng hoang sinh tử.

Nó khiến người mù sáng mắt, người mất sức được lại sức, người không có bạn được bạn, người không ai cứu giúp được cứu giúp, người bệnh được thuốc hay, người mê gặp Đạo Sư, người đi xa chịu đói khát, thiếu thốn ở trong đường hiểm nơi đồng hoang sinh tử được nước mát và đồ ăn uống.

Người bị giam cầm trong lao ngục sinh tử được thả ra, người không bà con thân thích có được bà con thân thích và lợi ích, người không có mắt được mắt sáng, trí tuệ có thể làm người bạn mạnh mẽ vào lúc chết.

Làm người bạn rất mạnh khi thần chết đến gần, có thể bít lấp tất cả các chỗ ác giống như đưa tay cứu giúp người sắp rơi xuống bờ hiểm, nếu làm đồng bạn với nó thì được tất cả các thú vui, nó là quần áo đẹp không ai có thể cướp đoạt đối với người lõa lồ.

Nó có thể làm vô lượng cây có đầy đủ bóng mát, có nhiều cành, lá, hoa để che chở cho người đáng lo sợ bị lửa phạm tội phá giới và lửa khổ não thiêu đốt, nó khiến ta nhìn gì cũng đều thấy đáng yêu. Do đó trí tuệ thù thắng có thể khiến cho các chúng sinh đã trôi lăn trong các cõi từ vô thỉ đến nay được an vui trong hiện tại và vị lai.

Không có pháp nào khác có thể làm nhân cho sự an vui như trí tuệ, phải thường biết rõ, tu tập theo đường chánh, khéo tư duy thì được an trụ. Trí tuệ có thể dẹp trừ vô lượng ý nghĩ cùng các pháp thay đổi khác không được tốt ở giai đoạn đầu và giữa. Trí tuệ có thể chỉ bày đường chân thật, theo đó liền được yên ổn, tất cả việc lợi ích đều được thành tựu, thành Niết Bàn được chỉ rõ.

Do đó phải thường tu tập trí tuệ. Nhờ tu tập và hiểu biết nên được sinh vào hàng Trời, người làm vị Vua thù thắng. Lửa trí tuệ có thể đốt cháy tất cả phiền não về sau được thú vui tịch diệt. Không có pháp nào khác có thể lìa khỏi hết thảy sinh tử như trí tuệ này. Vì vậy mong rằng tất cả mọi người đều phải tư duy tu tập trí tuệ và dạy người khác tu tập.

Vị Vua nào thường tu tập trí tuệ và chỉ dạy cho người khác tu tập thì nhờ công đức đó hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, về sau trôi lăn trong đường chánh, khi chết sinh lên Trời làm Vua Trời Dạ Ma, cuối cùng đạt được Niết Bàn. Đó là nhờ nhân lành tu tập trí tuệ.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi lăm để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ ba mươi lăm là không tham đắm hết thảy cảnh giới. Nếu Vua Sát Đế Lợi ưa thích cảnh giới thì sẽ không được yên ổn.

Nếu Vua ưa sắc, thanh, hương, vị, xúc thì mọi phương tiện đều không được yên ổn, cũng không thể bảo vệ đất nước và bản thân một cách chân chánh. Do tâm thường say đắm cảnh giới nên ba thứ pháp, tài sản, danh tiếng đều thoái thất, hư hỏng. Vị Vua ưa thích cảnh giới có thể bị Vua khác đánh bại.

Do bị người khác đánh bại nên quân đội của mình đều chán ghét, không còn yêu mến nữa. Do bị chán ghét nên mất ngôi Vua và chịu sự suy sụp khổ não, hoặc mất mạng. Vì vậy Vua không được phóng túng say đắm cảnh giới. Vị Vua nào không phóng túng, say đắm cảnh giới thì có thể bảo vệ pháp của mình một cách chân chánh.

Hoặc là tâm thanh tịnh thâu giữ một cách chân chánh, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc làm động tâm, thì được làm Vua lâu dài, thống lãnh đất nước, tất cả quân đội không chán, không bỏ, vì vậy Vua khác không thể đánh bại. Vị Vua ấy đứng vững trong thời gian dài, không bị khổ não, được hưởng thú vui trong thời gian dài, lúc đó đã thọ lạc về sau lại sinh vào nơi vui sướng.

Nếu không tham đắm cảnh giới thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước và bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Vua Trời Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không tham đắm cảnh giới.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi sáu để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ ba mươi sáu là không cho người ác và người không thể điều phục ở trong nước. Nếu Vua cho người ác, người gây nghiệp ác phá giới ở trong nước thì làm Vua trong thời gian ngắn và bị người đó gây tai họa.

Do tai họa lớn đó người trong nước nổi loạn, thế lực của Vua bị giảm sút, ngũ cốc mất mùa, muôn dân không làm việc, Vua không thể giữ vững đất nước, mọi người dân đều không ưa thích Vua, Chư Thiên sống trong nước không thương xót. Do trong nước có người ác và người không phục tùng ở nên những người có thể phục tùng được cũng trở thành người không phục tùng.

Do ở gần người ác nên người tu tập nghiệp lành bậc nhất cũng có lỗi. Vì vậy Vua không được cho người không phục tùng ở trong nước. Nếu Vua không cho những kẻ không phục tùng ở trong nước, thì không có những người thực hành pháp ác ở trong nước và sẽ không có những tai họa nói trên.

Vua lại có thể giữ vững đất nước, mọi người dân đều biết Vua không cho người ác ở trong nước nên không làm ác và đều tụ tập theo chánh pháp không làm việc phi pháp. Nếu Vua có thể thực hành theo pháp thì mọi ý niệm đều được thành tựu, mọi người dân đều biết luật pháp và sống theo luật pháp, không phát sinh các việc không lợi ích.

Vua đó cầu cứu nơi pháp, làm bạn với pháp. Nếu Vua lấy pháp làm gốc, không cho người ác sống trong nước mình thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước và bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành lánh xa người ác.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ ba mươi bảy để thu được nhiều phước đức, mọi người dân đều không chán ghét, làm lợi ích cho đời hiện tại và vị lai.

Pháp thứ ba mươi bảy là dựa theo pháp cũ người trước để lại cấp phát không gián đoạn khiến cho người dân và quân đội trước đây đã được cấp phát hoặc của cải, ruộng đất thì nay vẫn tiếp tục được cấp phát như xưa, không có gián đoạn hoặc bị thu trở lại. Nếu có người nào trước đã được cấp phát theo thứ bậc của dòng họ thì nay cũng được cấp phát một cách thích hợp.

Mọi người dân không chán ghét Vua, các quan và quân binh đều không làm trở ngại nhau. Vua không buồn rầu, hối hận hoặc khổ não, ngôi Vua không bị lay động, đất nước không loạn lạc mà thường đứng vững, hết thảy quan chức không phán đoán sự việc một cách sai lệch, người mạnh không lấn hiếp người yếu, không làm trái pháp luật, mọi người dân đều làm công việc của mình với tâm vui vẻ.

Do Chư Thiên vui nên mưa nắng nóng lạnh đúng thời và đất nước thường giàu có không bị nghèo thiếu, không có nạn binh đao, rồng không nổi sân, tất cả các vị Trời thiện không bỏ nước mình đi đến nước khác. Do thực hành chánh pháp nên đất nước của vị Vua đó không bị các vị Trời khác hủy hoại. Do con người mà có Chư Thiên, nhờ sức người mà Chư Thiên có sức mạnh.

Đã biết tai họa này rồi vị Vua ấy theo lệ xưa mà cấp phát không gián đoạn, không thu lại, hoặc Vua khéo thực hành theo pháp hành thứ nhất: Theo thứ bậc mà cấp phát cho thích hợp, theo sự truyền thừa của tổ tiên để cấp phát một cách thích đáng cho người trong nước.

Hoặc khiến chánh pháp tồn tại lâu dài ở nước mình, dựa theo pháp để bảo vệ một cách chân chánh, theo thứ bậc mà cấp phát, nếu Vua y theo pháp như vậy thì tất cả Chư Thiên không đợi cầu khẩn liền bảo vệ đất nước đó. Nhà Vua đó rất giàu, đất nước đầy đủ. Do rất giàu nên họ bố thí làm phước, giữ giới, tu tập trí tuệ.

Nếu Vua thực hành theo pháp thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước và bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không trái pháp xưa. Nếu Vua thành tựu ba mươi bảy pháp này và giữ gìn pháp ấy thì tất cả công đức đều được đầy đủ, từ cảnh giới vui lại đến cảnh giới vui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần