Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Nam Cư Sĩ - Phần Bốn - ðánh đảng Lễ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG MƯỜI

MƯỜI PHÁP  

PHẨM MƯỜI

PHẨM NAM CƯ SĨ  

PHẦN BỐN

ÐÁNH ĐẢNG LỄ  

Thành tựu mười pháp, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

Thế nào là mười?

Ở đây, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong học pháp.

Là vị nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, cất chứa điều đã nghe.

Các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán đời sống phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp như vậy nghe hiểu, được thọ trì, được tụng đọc bằng lời, được quán sát với ý, được khéo thể nhập với chánh kiến.

Là người bạn với thiện, là thân hữu với thiện, thân thiết với thiện.

Có chánh kiến, thành tựu chánh tri kiến.

Chứng được nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân.

Hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không.

Độn thổ, trồi lên qua đất liền như ở trong nước.

Đi trong nước không chìm như đi trên đất liền.

Ngồi kiết già du hành trên hư không như con chim.

Với bàn tay chạm rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.

Có Thiên Nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng Chư Thiên và loài người, xa và gần.

Sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy được biết như sau:

Tâm có tham biết là tâm có tham.

Tâm không tham biết là tâm không tham.

Tâm có sân biết là tâm có sân.

Tâm không sân biết là tâm không sân.

Tâm có si biết là tâm có si.

Tâm không si biết là tâm không si.

Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú.

Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn.

Ðại hành tâm biết là đại hành tâm, không phải đại hành tâm, biết là không phải đại hành tâm.

Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng.

Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng.

Tâm thiền định biết là tâm thiền định.

Tâm không thiền định biết là tâm không thiền định.

Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát.

Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.

Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.

Vị ấy nhớ rằng: Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.

Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh tại chỗ nọ.

Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.

Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ở đây.

Như vậy, ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, biết trí tuệ về sanh tử của chúng sanh, thấy sự sống và chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Này các Hiền Giả, những vị này, làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến.

Những vị này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Hiền Giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các Bậc Thánh, theo chánh kiến tạo các nghiệp theo chánh kiến.

Những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Cõi Trời, trên đời này.

Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này các Tỳ Kheo, thành tựu mười pháp này, vị Tỳ Kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần