Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP TÁM MƯƠI BẢY
Lại nữa, có pháp làm cho Sa Môn, Bà La Môn có được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, quán thấy tất cả chúng sinh đều khổ não nên ta xem kẻ thù giống như người thân.
Các chúng sinh này bị lệ thuộc vào sinh tử, sống chết không ngừng, do có sinh nên có già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não, bị nóng lạnh đói khát, bị bắt trói, đánh đập, phải gặp gỡ người mình ghét, xa cách người mình thương.
Quán thấy chúng sinh bị khổ não lớn như vậy nên ta cần phải giữ tâm bình đẳng đối với kẻ oán, người thân. Nếu Sa Môn, Bà La Môn quan sát như vậy sẽ được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Sa Môn, Bà La Môn nghĩ: Các chúng sinh này bị khổ sở làm hại như là bệnh tật làm não hại thân, tâm của chúng sinh, do cơn bệnh tàn phá cơ thể nên họ chịu khổ não lớn.
Do suy nghĩ như vậy đối với kẻ oán, người thân nên tâm được thanh tịnh, do tâm thanh tịnh nên máu trong sạch, do máu trong sạch nên nhan sắc thanh tịnh, tất cả các căn đều thanh tịnh. Việc quan sát như vậy giúp ta có quả báo trong hiện tại và được tất cả chúng sinh kính yêu ngưỡng mộ và thích gặp mặt, sau khi chết được sinh lên Trời.
Sa Môn, Bà La Môn lại dùng pháp khác là quán bà con bè bạn bình đẳng với kẻ thù. Tất cả chúng sinh không ai khỏi chết, không ai lìa được sinh tử và cứ sinh rồi lại chết. Do tự nghiệp, chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chúng sinh này bị các khổ làm não hại.
Khi suy nghĩ tìm cách làm lợi ích cho tất cả chúng sinh như vậy tâm liền thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh máu được trong sạch, do máu trong sạch nên nhan sắc xinh đẹp không ai bằng. Họ được mọi người yêu thích ngưỡng mộ, được quả báo trong hiện tại. Khi chết, họ sinh vào đường lành là Cõi Trời. Tỳ Kheo này tu nghiệp lành lớn là phát sinh tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Sa Môn, Bà La Môn và các người khác lại tu tập quan sát sự bình đẳng. Nghiệp và nghiệp tạng là nguyên nhân làm các chúng sinh này lưu chuyển. Nghiệp đã tạo dù thiện hay ác đều sẽ thành tựu, do nghiệp thiện ta sẽ sinh vào hàng Trời, người. Do nghiệp ác ta sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người khác tu hành như vậy thì tâm liền thanh tịnh, do tâm thanh tịnh nên máu trong sạch, do máu trong sạch nên nhan sắc xinh đẹp, do xinh đẹp nên mọi người đều yêu mến ngưỡng mộ. Khi chết họ sinh lên Trời và chắc chắn đạt được Niết Bàn. Họ được như vậy là nhờ dùng tâm thanh tịnh quan sát tất cả chúng sinh và sinh tâm bình đẳng.
Sa Môn, Bà La Môn lại có pháp khác để tu tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Pháp đó là tất cả chúng sinh đều bị khổ vì xa lìa người thương. Nỗi khổ ái biệt ly này rất ác, tu hành như vậy tâm liền thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên máu trong sạch. Do máu trong sạch, nhan sắc thanh tịnh xinh đẹp không ai bằng.
Do họ xinh đẹp nên khi thấy họ, mọi người đều sinh tâm thanh tịnh, yêu thích, ngưỡng mộ. Do phát sinh tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh nên họ được quả báo trong hiện tại, khi chết sinh vào Cõi Trời và về sau đạt được Niết Bàn.
Sa Môn, Bà La Môn và những người khác lại dùng pháp khác tu tập tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Pháp đó là quán tâm này xoay chuyển mau chóng không ngừng, nếu tâm tham dục phát sinh phải tu quán bất tịnh, nếu tâm sân phát sinh phải tu quán từ bi, nếu tâm si mê phát sinh phải tu quán mười hai nhân duyên. Ba loại tâm này có ba pháp đối trị.
Nhờ tu tập pháp này nên ta sinh tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt kẻ oán, người thân. Do tâm ý trong sạch nên đến đâu họ cũng không có lo lắng và được thú vui trong sạch bậc nhất, thức ngủ đều an ổn, được Chư Thiên hộ trì, không ai có thể làm hại. Họ có oai đức lớn.
Do tâm thanh tịnh nên máu trong sạch, do máu trong sạch nên dung mạo thanh tịnh, xinh đẹp không ai bằng, họ được tất cả chúng sinh yêu thích ngưỡng mộ. Nhờ phát sinh tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, họ có được quả báo hiện tại, khi chết họ sinh vào Cõi Trời mang thân Trời và cuối cùng đạt được Niết Bàn.
Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ:
Ai giữ tâm bình đẳng
Với kẻ oán, người thân
Đúng pháp không thiên lệch
Phật gọi là trí tuệ.
Người nào tâm thanh tịnh
Không lầm lỗi nhiễm ô
Sống một mình trong rừng
Phật gọi người không tham.
Tâm không chút mong cầu
Xa lìa mọi cấu nhiễm
Không thích các cảnh giới
Phật gọi người tịch tĩnh.
Mọi thứ đều vô thường
Quan sát kỹ như thật
Biết thế gian sáng tối
Mâu Ni nói dũng mãnh.
Không chán pháp thế gian
Mà tu tập pháp lành
Bình đẳng với khổ vui
Là người lìa xấu xa.
Tâm thường hay biết đủ
Lìa xa các tham dục
Không mong được cúng dường
Mâu Ni nói thanh tịnh.
Không gần gũi bạn ác
Không đi nơi phi xứ
Một mình rèn luyện tâm
Như Lai nói chánh nghiệp.
Xa lìa vui và sợ
Tham ái không phá hoại
Các căn được tịch tĩnh
Là người không mong cầu.
Giữ tâm luôn bình đẳng
Đối với mọi cảnh giới
Bình đẳng với tất cả
Mâu Ni nói trí tuệ.
Biết rõ hết thảy pháp
Nghiệp quả thiện, bất thiện
Xả bỏ thiện và ác
Là điều Mâu Ni dạy.
Siêng năng dứt lầm lỗi
Thường tu quán niệm thân
Biết như thật về thọ
Mâu Ni nói là trí.
Người nào sợ sinh tử
Thời, xứ thường tạo nghiệp
Nói pháp gom các căn
Mâu Ni gọi tịch tĩnh.
Bồ Tát Khổng Tước Chúa dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Chư Thiên Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà. Khi ấy Chư Thiên nhất tâm, chánh niệm xả bỏ dục lạc. Do tâm nhu hòa họ thích nghe thuyết pháp.
Biết tâm Chư Thiên đã được điều phục, Khổng Tước Chúa lại nói pháp.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người khác muốn niệm pháp thì phải niệm pháp gì?
Đó là niệm pháp thứ hai mươi là pháp biết đủ. Ai biết đủ thì được lợi ích an lạc. Nếu Sa Môn, Bà La Môn nào thân tâm biết đủ, làm bạn với sự biết đủ thì sẽ được nó cứu giúp và được an lạc. Ở tất cả mọi nơi, người biết đủ không tìm cầu thứ gì và được an lạc bậc nhất. Mắt họ không tham sắc, không mong cầu và phân biệt đối với vô số màu sắc.
Khi thấy sắc tướng, tâm họ không nhớ nghĩ, không tìm cầu sắc đáng yêu trong quá khứ, không ưa, không thích cũng không mong cầu nó, không sinh tâm tham dục, không nhớ nghĩ tham đắm. Nếu Sa Môn, Bà La Môn nào biết đủ như vậy thì thường được an lạc.
Tai nghe âm thanh đáng yêu, họ không ưa, không thích, không nhớ nghĩ, không tham đắm và phân biệt đối với cảnh giới trong quá khứ. Họ quan sát như thật về nó và thấy âm thanh này không thường còn, chẳng có gì vui, chẳng có thật ngã, chỉ do phân biệt làm hại các chúng sinh vậy mà kẻ phàm phu ngu si sinh vọng niệm phân biệt nên khi âm thanh đến lỗ tai thì tâm bị não loạn.
Nếu khéo quan sát nó một cách như thật thì ta biết đủ. Phải quan sát như thật về âm thanh này biết nó không thật, không chắc chắn, chỉ do phân biệt mà có. Nhờ quan sát như vậy, họ không tham đắm đối với mọi thứ âm thanh vi diệu đáng ưa và tất cả cảnh giới. Nhờ biết đủ họ đạt được thú vui như vậy.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người khác ngửi mùi thơm thì không sinh phân biệt, không phát sinh cảm giác xấu, cũng không tư duy. Sau khi ngửi mùi, ta phải quán như thật về nó để thấy mùi thơm này vô thường, bại hoại, biến đổi, không thật, không tồn tại.
Nếu tham đắm mùi thơm này ta sẽ không thể thoát được cảm giác xấu là rối loạn tâm. Đó gọi là biết đủ. Sa Môn, Bà La Môn nào mũi không ưa thích mùi thơm, quan sát hết các cảnh giới như vậy thì nhờ biết đủ họ được thú vui trong sạch bậc nhất. Nhờ tu tập ngày càng tinh tấn nên họ được thú vui bậc nhất.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người khác không tham đắm, phân biệt mùi vị nơi lưỡi, không tư duy, không nhớ nghĩ, mong cầu, không thèm khát đối với mùi vị trong quá khứ, quan sát như thật về mùi vị và thấy mùi vị này vô thường, bại hoại, biến đổi, chỉ do phân biệt mà sinh tham đắm, cho là đáng nắm giữ thì nhờ quan sát như thật họ sẽ không còn ưa thích tham đắm mùi vị. Ai có thể biết đủ đối với mùi vị thì sẽ được an lạc.
Lại nữa, Sa Môn, Bà La Môn lại quan sát như thật về sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc này không có tự tánh, nó là pháp vô thường, biến đổi, hư hoại. Sự tiếp xúc này không có chủ tể, không chắc chắn, không thật, trước không, nay có, có rồi lại trở về không.
Ai có thể quan sát như thật về xúc, không nhớ nghĩ, ưa thích đối với sự xúc chạm trong quá khứ, không mong cầu sự xúc chạm, khi có sự xúc chạm đến chạm vào thân thì họ lìa bỏ sự tham dục về xúc thì gọi là biết đủ.
Lại nữa, Sa Môn, Bà La Môn quan sát ý pháp. Họ quan sát như thật cả pháp đáng yêu lẫn pháp không đáng yêu và thấy các pháp đều vô thường, bại hoại, biến đổi, không có chủ tể, không chắc thật, pháp này vô thường, khổ, không, vô ngã, trước không nay có, có rồi trở lại không, tất cả đều bị tiêu diệt.
Ai nhớ nghĩ như vậy về pháp đáng yêu và không đáng yêu liền biết dừng nghĩ, không ghét pháp không đáng ưa, không ưa thích pháp không đáng ưa, không nhớ nghĩ, tham đắm pháp trong quá khứ. Khéo quan sát như vậy đối với các pháp được ý ưa thích thì sẽ không còn nhớ nghĩ tham đắm, ưa thích tất cả các pháp. Do biết đủ Sa Môn, Bà La Môn được giải thoát khỏi sáu nơi tham ái.
Khi ấy, Khổng Tước Chúa nói kệ:
Ai quan sát biết đủ
Thoát sáu cảnh giới ái
Không nhớ, không mong cầu
Người ấy thường được vui.
Ai dùng tâm chánh niệm
Quán như thật về sắc
Người ấy sẽ không bị
Sắc ái làm loạn tâm.
Khi mũi ngửi mùi thơm
Nếu không sinh tham đắm
Ý người ấy thanh tịnh
Không bị mũi làm loạn.
Người trí được mùi vị
Chánh quán không tham đắm
Tai họa của mùi vị
Không làm bẩn tâm ấy.
Thân nhận nhiều xúc chạm
Không sinh tâm tham đắm
Do biết lìa xúc chạm
Người ấy thường an vui.
Ý không có tham đắm
Pháp đáng ưa, đáng ghét
Đứng vững như núi lớn
Được người đời khen ngợi.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn thực hành pháp tri túc thì có thể lìa bỏ sáu loại tham ái này và được Đức Phật khen ngợi. Bồ Tát Khổng Tước đã nói cho Chư Thiên Trời Đâu Suất Đà và Trời Dạ Ma nghe pháp chân thật đó.
Lại nữa, Sa Môn, Bà La Môn nên tư duy nhớ nghĩ về pháp gì?
Đó là pháp thứ hai mươi mốt: Sợ cảnh giới. Nếu không thấy như thật về cảnh giới xấu xa đáng sợ thì sẽ không được lợi ích. Nếu Sa Môn, Bà La Môn quán như thật về cảnh giới sắc như là mắt duyên với sắc nên sinh nhãn thức, ý thức nhận rõ quan sát và phân biệt.
Nếu cảnh giới đến làm phát sinh tham dục thì cảnh tham dục này làm não loạn ta cần phải lo sợ nó. Nếu thấy cảnh giới mà ta đoạn trừ tham ái thì không nhìn ngắm phân biệt nó, ý cũng như vậy, khi có tham hoặc sân ta đều biết như thật. Khi phiền não phát sinh ta phải quán như thật để thấy do phiền não này ta không được an lạc, lợi ích ở hiện tại và vị lai.
Do phiền não này, tất cả chúng sinh không được lợi ích an lạc. Phiền não này có thể trói buộc tất cả chúng sinh. Sa Môn, Bà lamôn nào quan sát cảnh giới như vậy thì tất cả tâm tham dục đều bị diệt trừ hoặc giảm bớt. Đó là quán như thật về nhãn sắc.
Lại quán về tai, nhân duyên hòa hợp sinh ra nhĩ thức, dựa vào tai và âm thanh mà ý niệm phát sinh hoặc là khổ thọ hoặc là lạc thọ. Quan sát như vậy ta thấy thức này sinh ra nhiều tham, sân, si hoặc sinh ra thức khác giống như đốt đèn.
Khi quan sát ý niệm bất thiện ta biết ta đã sinh ra niệm bất thiện, biết rõ niệm bất thiện, biết nó do duyên sinh ra và cần phải diệt trừ. Nếu diệt trừ sự bất thiện thì pháp thiện sẽ đầy đủ. Nếu quán như thật về cảnh giới thì niệm lành sẽ tăng thêm, những ý niệm về ái và hỷ ái, hữu ái cùng sinh với nó đều bị tiêu diệt.
Do ý nghĩ ác đã được diệt trừ nên họ được thanh tịnh, lìa sự cấu uế, được mọi thú vui. Vì vậy, Sa Môn, Bà La Môn nếu vừa quan sát cảnh giới mà tham dục xấu xa phát sinh thì phải lập tức diệt trừ, quan sát pháp lành để diệt trừ pháp ác, do biết rõ như thật về tai và âm thanh nên ý niệm lành phát sinh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Năm - Phẩm Pháp Tánh
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Ba Mươi Hai - ứng Hóa Phi Chân
Phật Thuyết Kinh Tư Ha Muội - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Bốn - Phẩm Tám - Kinh Già
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Bốn - Phẩm Tám - Kinh Hang động Tám Kệ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Hai - Kinh Pháp Cú - Chương Mười Năm - Phẩm An Lạc
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Ba - Phẩm Vô Y Hành - Phần Ba
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - QUYỂN HẠ (Phẩm thứ mười ba)
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Ba - Phẩm Giáo Hóa Binh Tướng