Phật Thuyết Kinh Chiêm Sát Thiện ác Nghiệp Báo - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Đăng, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH
CHIÊM SÁT THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Đăng, Đời Tùy
PHẦN BỐN
Lại nữa, nếu chúng sinh ở đời vị lai tất cả đều chiêm nghiệm đều không được tốt lành, sự mong cầu không chứng đắc, những suy nghĩ lo buồn làm đau khổ, sợ hãi, thì đêm ngày phải thường siêng năng đọc tụng nhớ nghĩ danh hiệu của ta. Nếu nhất tâm được thì chiêm nghiệm tốt lành, thành tựu tất cả sự mong cầu, diệt trừ khổ não ngay hiện tại.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Kiên Tịnh Tín hỏi Đại Bồ Tát Địa Tạng: Làm thế nào hướng dẫn cho người tìm đến đại thừa, mau chóng đạt mục đích phương tiện?
Đại Bồ Tát Địa Tạng bảo: Này Thiện Nam! Nếu có chúng sinh hướng đến đại thừa thì trước hết phải biết thực hành pháp căn bản. Người ấy ban đầu thực hành pháp căn bản gọi là nương tựa vào một cảnh giới thật để tu tập tin và hiểu, nhờ năng lực tin, hiểu mà tăng trưởng nên nhanh chóng thể nhập chủng tánh của Bồ Tát.
Một cảnh giới thật, nghĩa là tâm tánh chúng sinh từ xưa đến nay tự tánh thanh tịnh không sinh, không diệt, không chướng, không ngại, giống như hư không, xa lìa phân biệt, bình đẳng khắp nơi, không nơi chốn, không sinh ra, khắp cả mười phương đều là một tướng, không hai không khác, không biến, không đổi, không tăng, không giảm, vì tất cả tâm chúng sinh, tâm Thanh Văn, tâm Bích chi phật, tâm Bồ Tát, tâm Chư Phật đều đồng không sinh, không diệt, không cấu nhiễm, tướng chân như vắng lặng.
Vì sao?
Vì tất cả tâm sinh khởi phân biệt giống như huyễn hóa, không có chân thật. Có nghĩa là thức, thọ, tưởng, hành ý niệm nhờ vào thiền định biết được các pháp, tâm có nhiều loại mà chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, chẳng phải màu hỗn hợp, không có dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, cho đến tất cả cảnh giới mười phương hư không để tìm hình tướng của tâm không có một phạm vi có thể nắm bắt.
Chỉ vì chúng sinh vô minh mờ ám huân tập các nhân duyên hiện ra cảnh giới vọng tưởng làm sinh khởi niệm tham chấp, nên tâm này không thể biết mình, mê mờ tự cho là có, sinh khởi nhận biết qua tưởng chấp ngã và ngã sở mà thật không có tướng về nhận biết.
Do tâm vọng tưởng này hoàn toàn không có tánh, không thể thấy. Nếu không có trí tuệ phân biệt thì không có tướng sai khác của tất cả cảnh giới ba đời mười phương, vì tất cả pháp đều không thể tự có hình thành, chỉ dựa vào tâm vọng tưởng phân biệt mà có.
Cho nên, tất cả cảnh giới đều không giống nhau tự suy nghĩ là có, biết đây là mình, biết kia là người. Vì thế các pháp không thể tự có thì không thể sai khác, chỉ do tâm vọng tưởng không biết, không rõ bên trong tự nó không có.
Nghĩa có cảnh giới bên ngoài trước rồi vọng tưởng sinh ra đầy đủ tưởng về pháp như: gọi là có, là không, là đó, là đây, là đúng, là sai, là tốt, là xấu và mê vọng sinh ra vô lượng, vô biên tưởng về pháp, nên biết như vậy, tất cả các pháp đều do vọng tưởng sinh, dựa tâm vọng tưởng làm căn bản, nhưng tâm vọng này không có tự tướng, cũng nương vào cảnh giới mà có, nghĩa là do suy nghĩ. Nhận biết về cảnh giới trước nên gọi là tâm.
Lại nữa, tâm vọng này cùng với cảnh giới trước, tuy nương tựa lẫn nhau sinh khởi, nhưng không có trước sau, nên tâm vọng này có thể là nguồn gốc của tất cả cảnh giới.
Vì sao?
Vì do tâm vọng không nhận rõ pháp giới là một tướng, nên cho tâm có vô minh, do năng lực của vô minh hiện ra cảnh giới vọng tưởng, cũng do vô minh diệt nên tất cả cảnh giới diệt, chẳng phải dựa vào tất cả cảnh giới do mình không hiểu rõ cho là cảnh giới có vô minh, cũng chẳng phải do cảnh giới sinh ở trong vô minh, vì tất cả Chư Phật ở trong các cảnh giới không phát sinh vô minh.
Lại nữa, không nương vào cảnh giới diệt nên vô minh tâm diệt, vì tất cả cảnh giới từ xưa đến nay bản thể tự diệt chưa từng có. Do nghĩa này nên nói tất cả các pháp nương tâm làm gốc, phải biết các pháp đều gọi là tâm, do nghĩa bản thể không khác là đối tượng của tâm sở.
Lại nữa, tất cả các pháp từ tâm sở sinh khởi, cùng với tâm tương ưng hòa hợp mà có, cùng sinh cùng diệt, đồng không có chỗ trụ, do tất cả cảnh giới chỉ phụ thuộc vào tâm duyên với những niệm liên tục, nên được dừng nghĩ tạm thời cho là có. Như vậy đã thuyết giảng về ý nghĩa của tâm có hai loại tướng.
Đó là:
1. Tướng trong tâm.
2. Tướng ngoài tâm.
Tướng trong tâm lại có hai loại.
Đó là:
1. Chân.
2. Vọng.
Chân có nghĩa là bản thể của tâm cùng với như như không khác, thanh tịnh hoàn toàn, không chướng, không ngại, vi diệu khó nhận biết. Do kiến tất cả nơi, thường hằng không hủy hoại, kiến lập sinh trưởng tất cả pháp. Nghĩa vọng là sinh khởi niệm phân biệt hiểu biết duyên với những điều vọng tưởng suy nghĩ, tuy là tương tục có khả năng phát sinh tất cả cảnh giới nhưng bên trong hư dối không có chân thật, không thể nhận biết.
Nghĩa tướng bên ngoài của tâm là tất cả các pháp, những cảnh giới đều tùy theo sự suy nghĩ mà cảnh giới hiện ra trước mắt, biết có trong tâm và bên ngoài tâm sai khác. Vì thế nên biết tướng vọng tưởng bên trong thì làm nhân, làm thể, tướng vọng tưởng bên ngoài làm quả, làm dụng, do những nghĩa này nên ta thuyết giảng tất cả các pháp đều gọi là tâm.
Lại nữa, nên biết tướng tâm bên ngoài đều như thấy các cảnh giới trong mộng, do suy nghĩ tâm, tạo thành nên việc bên ngoài không có thật, tất cả cảnh giới đều cũng như vậy, tất cả đều do vô minh, nhận thấy những điều vọng tưởng trong mộng.
Lại nữa, nên biết bên trong tâm thường nhớ nghĩ không ngừng sự nhận biết đã duyên tất cả cảnh giới, cũng đều do tâm thường suy nghĩ không ngừng, cho nên gọi tâm sinh thì tất cả pháp sinh, tâm diệt nên hết thảy pháp diệt, mà tướng sinh diệt chỉ có danh tự thật không thể nắm bắt, vì tâm không đến với cảnh giới, cảnh giới cũng không đến ở nơi tâm, như ảnh ở trong gương không đến cũng không đi.
Nên tất cả pháp cầu tướng sinh, diệt, không thể nắm bắt, nghĩa là các pháp hoàn toàn không có thể tánh, xưa nay thường vắng lặng thật không sinh diệt, như thế tất cả pháp thật không sinh diệt thì không có tướng sinh diệt của các cảnh giới, thuần nhất một vị gọi là chân như đệ nhất nghĩa đế, tự tánh thanh tịnh của tâm, vắng lặng hoàn toàn vì không có tướng phân biệt. Không có tướng phân biệt thì ở tất cả nơi đều an trú cả, có khắp mọi nơi để có thể nương tựa phát sinh tất cả pháp.
Lại nữa, tâm đó gọi là tạng Như Lai, nghĩa là đầy đủ vô lượng, vô biên điều công đức vô lậu thanh tịnh không thể nghĩ bàn.
Do pháp thân của Chư Phật từ xưa đến nay không chướng, không ngại tự tại không diệt, tất cả đều thị hiện các việc công đức, thường phát triển chưa từng dừng nghỉ, nghĩa là có mặt khắp tất cả Thế Giới để giáo hóa thực hành, mỗi mỗi sự hóa hiện càng tăng dần, vì một thân Đức Phật tức là tất cả thân Chư Phật, tất cả thân Chư Phật tức là một thân Đức Phật, nên tạo các nghiệp cũng đều là một.
Nghĩa là không có tướng phân biệt, không nhớ nghĩ, bình đẳng như vậy không có hai, do tánh của một pháp nên các việc làm giống nhau, tự nhiên hiện ra thể tánh không có sai khác, tùy theo sự chết đây sinh kia của chúng sinh thường chính là y báo. Ví như hư không đều có thể dung nạp tất cả loại hình tượng màu sắc, vì tất cả các loại hình tượng màu sắc đều do hư không mà có, xây dựng phát triển an trú trong hư không, vì hư không là nơi thu nhận tất cả.
Do hư không là thể nên không có khả năng phát sinh cảnh giới hư không khác, phải biết trong màu sắc hình ảnh, cõi hư không, không thể hủy hoại, màu sắc hình ảnh hủy hoại thì trở về hư không, mà hư không vốn không tăng, không giảm, không động, không đổi. pháp thân Chư Phật cũng lại như vậy, đều có thể dung chứa hết thảy quả báo của chúng sinh.
Vì tất cả quả báo của chúng sinh đều do pháp thân Chư Phật mà có, phát sinh tăng trưởng đều trú trong pháp thân, vì pháp thân là nơi thâu nhận tất cả, do pháp thân là thể, không thể phát sinh phạm vi pháp thân thì nên biết tất cả trong thân chúng sinh và pháp thân của Chư Phật không thể hủy diệt.
Nếu phiền não đoạn trừ thì trở về pháp thân mà pháp thân căn bản là không tăng, không giảm, không động, không biến, chỉ từ vô thỉ đến nay tâm bị vô minh, năng lực huân tập nhân duyên u tối nên hiện ra cảnh giới vọng tưởng, vì do nhân duyên huân tập cảnh giới vọng tưởng phát sinh mê vọng cùng tương ứng với tâm chấp ngã và ngã sở, tạo các nghiệp chịu khổ sinh tử, pháp thân này gọi là chúng sinh.
Nếu chúng sinh huân tập pháp thân mà có năng lực thì phiền não giảm dần, có thể nhàm chán thế gian, mong cầu đạo Niết Bàn, tin tưởng quy y chuyên tu tập sáu pháp Ba la mật, tất cả pháp bồ đề phần, gọi là Bồ Tát.
Nếu Bồ Tát như vậy thực hành tất cả pháp thiện hoàn toàn, xa lìa được vô minh ngủ nghỉ, lại gọi là Phật, nên biết Chư Phật, Bồ Tát, chúng sinh như vậy chỉ do thế gian giả gọi nên có sai biệt. Nhưng thể của pháp thân hoàn toàn bình đẳng không có tướng sai khác.
Này Thiện Nam! Đây nói tóm lược nghĩa của cảnh giới Phật. Nếu như muốn nương vào một cảnh giới thật tu tập tin hiểu thì nên thực hành hai loại quán.
Đó là:
1. Duy tâm thức quán.
2. Chân như thật quán.
Học duy tâm thức quán, nghĩa là tất cả thời tất cả nơi tùy theo thân, miệng, ý đã tạo tác nghiệp, đều phải quán xét biết được do tâm này, cho đến tất cả cảnh giới, nếu tâm nhớ nghĩ đều phải quán xét để biết.
Chớ khiến cho tâm vô ký theo duyên mà không tự biết, ở trong từng niệm đều nên quán xét tùy theo sự suy nghĩ của tâm sở lại phải làm tâm chạy theo niệm ấy khiến cho tâm biết mình, biết trong tâm mình tự phát sinh nhớ nghĩ vọng tưởng, chẳng phải tất cả cảnh giới có nhớ nghĩ tức có phân biệt.
Nghĩa là trong tâm tự sinh dài, ngắn, tốt, xấu, đúng, sai, được, mất, yếu, mạnh, có, không thấy nhiều vô lượng tưởng, mà hết thảy cảnh giới chưa từng có sinh khởi tưởng phân biệt, nên biết tất cả cảnh giới tự nó không có tưởng phân biệt, tức là chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng tốt, chẳng xấu, cho đến chẳng có, chẳng không, xa lìa tất cả tướng.
Quán xét như vậy thì tất cả pháp chỉ do tâm vọng tưởng sinh. Nếu lìa âm thì không có một pháp, một tướng, mà tự mình thấy có sự khác biệt, thường giữ trong tâm như thế biết được do niệm vọng tưởng cảnh giới không thật, chớ để dừng nghỉ gọi là tu tập duy tâm thức quán.
Nếu tâm vô ký không biết tâm niệm của mình, tức là có cảnh giới trước, không gọi là duy tâm thức quán. Lại giữ trong tâm thì biết được tưởng tham, tưởng sân và tưởng tà kiến mê lầm, biết rõ tâm thiện, bất thiện vô ký, suy nghĩ nhiều về các khổ.
Nếu ngồi tùy theo đối tượng của tâm duyên, quán từng niệm mới biết tâm sinh diệt. Ví như nước chảy đèn đốt không có tạm dừng, từ đây chứng được tam muội Sắc Tịnh, được tam muội này rồi thì tâm tu tập theo quán thiền Chỉ Xa Ma Tha và tu theo thiền Quán Tỳ Bà Xá Na.
Người nào tâm tu tập theo thiền chỉ suy nghĩ về trong tâm không thể thấy tướng đầy đủ, không động, không đến, không đi, bản tánh không sinh lìa phân biệt, tâm tu tập theo thiền quán, thì tưởng thấy sắc trong và ngoài, tùy theo tâm sinh, tùy theo tâm diệt cho đến tưởng tu tập thấy sắc thân Chư Phật cũng lại như vậy, tùy tâm sinh, tùy tâm diệt, như huyễn như hóa, như trăng trong nước, như ảnh trong gương, chẳng phải tâm, không xa lìa tâm.
Chẳng phải đến, chẳng phải không đến. Chẳng phải đi, chẳng phải không đi. Chẳng phải sinh, chẳng phải không sinh. Chẳng phải làm, chẳng phải không làm.
Này Thiện Nam! Nếu có thể tu tập tâm theo hai quán này thì mau chóng đạt được đạo Nhất thừa, nên biết chỉ có quán tâm thức nhận biết gọi là pháp môn trí tuệ tối thượng. Nghĩa là có khả năng làm cho tâm đó mau chóng phát triển năng lực tin hiểu nhanh thể nhập vào nghĩa không, được phát tâm đại bồ đề vô thượng.
Nếu tu học chân như Phật quán thì suy nghĩ về tánh của tâm, không sinh, không diệt, không trụ, sự thấy, nghe, biết hoàn toàn xa lìa tưởng phân biệt dần dần có thể vượt qua những tướng cảnh giới định Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đạt được tam muội tương tự không. Đạt được tam muội tương tự không thì tướng phân biệt thô của thức, thọ, tưởng, hành không xuất hiện.
Tu học này là bậc Thiện tri thức đại từ bi giữ gìn, bảo vệ nên không xa lìa các chướng ngại, siêng năng tu tập không ngừng nghỉ tuần tự có thể nhập vào tam muội Tâm tịch, đạt được tam muội này rồi, lại có khả năng nhập vào tam muội Nhất hành, được tam muội Nhất hành rồi thấy vô số Chư Phật phát tâm thực hành rộng lớn, sâu xa, an trụ ở quả vị Kiên tín.
Nghĩa là hai loại thiền định: Thiền quán và thiền chỉ, tin hiểu dứt khoát, khả năng được quyết định hướng, tùy theo sự tu tập thế gian đối các thiền định tam muội không còn chấp trước, cho đến tu tập hết thảy căn lành pháp bồ đề phần, ở trong sinh tử không còn khiếp sợ không thích Nhị Thừa, nhờ nương vào khả năng tu tập hướng đến hai quán tâm. Đã nương các trí tuệ phương tiện thiện xảo vi diệu thực hành các pháp căn bản.
Lại nữa, người tu học tin hiểu như trên lại có hai hạng.
Đó là:
1. Căn tánh lanh lợi.
2. Căn tánh thấp kém.
Người lợi căn trước đã biết các Thế Giới bên ngoài chỉ do tâm sở tạo thành nên hư dối không thật như huyễn như mộng, quyết định không còn nghi ngờ, ấm, cái rất ít, tâm ít tán loạn, những người này phải tu học chân như thật quán.
Người căn cơ thấp kém ban đầu chưa thể biết tất cả cảnh giới bên ngoài đều do tâm này hư dối không thật, tham chấp sâu dày ngăn che khởi tâm khó điều phục, ban đầu phải tu học chỉ quán về tâm thức.
Nếu người tuy học tin hiểu như vậy mà căn lành còn kém chưa thể tiến đến mục đích, các phiền não ác không thể kiềm chế, tâm người ấy còn nghi ngờ khiếp sợ rơi vào ba đường ác, sinh ở nơi tám nạn, thường lo không gặp được Phật Bồ Tát, không thể cúng dường thọ trì chánh pháp, sợ hạnh Bồ Đề khó có thể thành tựu.
Những người có nghi ngờ và các chướng ngại thì nên ở trong tất cả thời, tất cả chỗ thường siêng năng đọc tụng danh hiệu ta, nếu được nhất tâm căn lành mới tăng trưởng, ý lanh lợi, nên quán pháp thân ta và pháp thân của tất cả Chư Phật cùng bản thể của mình đều bình đẳng, không hai không khác không sinh, không diệt, thường, lạc, ngã, tịnh công đức viên mãn, đáng có thể quay về nương tựa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Không Thoái Chuyển
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bách Phủ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sanh Tử Lưu Chuyển - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số mười Tám
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Một - Phẩm Tựa