Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Một - Tương ưng Uẩn - Năm Mươi Kinh ở Giữa - Phẩm Những Gì được ăn - Phần Tám - Người Khuất Thực

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP BA

THIÊN UẨN  

CHƯƠNG MỘT

TƯƠNG ƯNG UẨN  

NĂM MƯƠI KINH Ở GIỮA  

PHẨM NHỮNG GÌ ĐƯỢC ĂN  

PHẦN TÁM

NGƯỜI KHUẤT THỰC

 

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu Ca Tỳ La Vệ, ở vườn Cây Bàng Nigrodhàràma.

Rồi Thế Tôn nhân một lỗi lầm, sau khi quở trách chúng Tỳ Kheo Tăng, đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào thành Kapilavatthu để khất thực.

Ði khất thực ở Kapilavatthu xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Mahàvana Ðại Lâm để nghỉ buổi trưa. Sau khi đi sâu vào rừng Mahàvana, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây veluvalatthikà.

Trong khi Thế Tôn độc cư thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên: Chúng Tỳ Kheo đã được ta làm cho vững mạnh. Nhưng ở đây có một số tân Tỳ Kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong pháp và luật này.

Nếu họ không thấy ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể thay đổi, đổi khác. Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỳ Kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong pháp và luật này.

Nếu họ không thấy ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hột giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi. Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỳ Kheo, xuất gia không được bao lâu, mới đến trong pháp và luật này.

Nếu họ không thấy ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như trước đây chúng Tỳ Kheo đã được ta giúp đỡ, cũng vậy, nay ta hãy giúp đỡ cho chúng Tỳ Kheo.

Rồi Phạm Thiên Sahampati, với tâm của mình biết được tư niệm của Thế Tôn, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay duỗi ra, cũng vậy, biến mất từ Phạm Thiên Giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn.

Rồi Phạm Thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

Như vậy là phải, bạch Thế Tôn!

Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ!

Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ Kheo đã được Thế Tôn làm cho vững mạnh. Nhưng ở đây có một số tân Tỳ Kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong pháp và luật này.

Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể đổi khác, biến đổi. Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỳ Kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong pháp và luật này.

Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hạt giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi. Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỳ Kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong pháp và luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi.

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy làm cho chúng Tỳ Kheo hoan hỷ.

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giảng cho chúng Tỳ Kheo như trước đây chúng Tỳ Kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng vậy, nay Thế Tôn hãy giúp đỡ cho chúng Tỳ Kheo!

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Phạm Thiên Sahampati, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Vườn Cây Bàng, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.

Sau khi ngồi, Thế Tôn nghĩ rằng: Ta hãy thị hiện thần thông một cách khiến cho các vị Tỳ Kheo ấy đến ta từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi. Và các Tỳ Kheo ấy đến Thế Tôn, từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo đang ngồi một bên: Này các Tỳ Kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực.

Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỳ Kheo, khi nói: Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống.

Này các Tỳ Kheo, điều mà các Thiện Gia Nam Tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích.

Không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ: Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra. Và như vậy, này các Tỳ Kheo, là Thiện Gia Nam Tử xuất gia.

Vị ấy có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận, tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự.

Ví như, này các Tỳ Kheo, một que củi từ chỗ hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng.

Dùng ví dụ ấy, ta tả cho các ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm viên mãn mục đích của Sa Môn hạnh.

Này các Tỳ Kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại tầm.

Và này các Tỳ Kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn niệm xứ hay tu tập vô tướng thiền định.

Này các Tỳ Kheo, hãy khéo tu tập vô tướng thiền định.

Này các Tỳ Kheo, vô tướng thiền định được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.

Này các Tỳ Kheo, có hai kiến này: hữu kiến, phi hữu kiến.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị đa văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Có cái gì ở trong đời, ta chấp trước mà không có phạm tội?

Và vị ấy biết: Không có cái gì ở trong đời ta chấp trước mà không có phạm tội.

Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ sắc, thọ, tưởng, các hành, nếu ta chấp thủ sự chấp thủ thức, do duyên chấp thủ, hữu trở thành của ta.

Do duyên hữu, có sanh. Do sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

Là vô thường, bạch Thế Tôn!

Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

Là khổ, bạch Thế Tôn!

Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?

Thưa không, bạch Thế Tôn! Thọ, tưởng, hành, thức.

Do vậy, này các Tỳ Kheo, thấy vậy, vị ấy biết: Không còn trở lui trạng thái này nữa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần