Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Dũng Vương - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP DŨNG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống   

PHẦN BỐN  

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?

Do nhân duyên này, người ấy có được phước nhiều không?

Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Người này được phước, không thể dùng ví dụ để mà so sánh được.

Này Xá Lợi Phất! Ta nay sẽ nói: Nếu có thiện nam, tín nữ, giáo hóa trong cõi Diêm Phù Đề cho tất cả chúng sinh, được an trú vào trong năm giới và mười điều lành và được các công đức. Cũng không bằng có kẻ, chỉ giáo hóa cho một người khiến họ có được niềm tin tu hành tín hành.

Này Xá Lợi Phất! Tạm để việc này lại. Nếu có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề, đều có niềm tin tu hành. Cũng không bằng có kẻ, chỉ giáo hóa cho một người được khiến họ hiểu Phật Pháp mà tu hành pháp hành.

Này Xá Lợi Phất! Để việc này lại. Nếu có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề hiểu được pháp mà tu hành theo. Cũng không bằng có kẻ chỉ giáo hóa cho một người khiến họ được Bát nhân địa Bát nhẫn vị.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Nếu có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề được quả Bát Nhân Địa. Cũng không bằng có vị, chỉ giáo hóa giúp một người được đạo quả Tu Đà Hoàn.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Nếu có thiện nam, tín nữ, dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề được đạo quả Tu Đà Hoàn. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa cho một người được đạo quả Tư Đà Hàm.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Nếu có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề được đạo quả Tư Đà Hàm. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa cho một người được đạo quả A Na Hàm.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Nếu có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề được đạo quả A Na Hàm. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa cho một người được đạo quả A La Hán.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Nếu có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề được đạo quả A La Hán. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa một người được quả Duyên Giác.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Giả như có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề được quả Duyên Giác. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa cho một người tu hành khiến họ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Xá Lợi Phất! Việc này để lại. Giả như có thiện nam, tín nữ, dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa cho một người tu hành đạt được không thoái chuyển.

Này Xá Lợi Phất! Để việc này lại. Giả như có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề đều đạt được không thoái chuyển. Cũng không bằng có vị chỉ giáo hóa cho một người tu hành đạt được Vô sinh pháp nhẫn.

Này Xá Lợi Phất! Để việc này lại. Giả như có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề đạt được vô sinh pháp nhẫn. Cũng không bằng có vị siêng giáo hóa cho một người tu hành được thành tựu trí tuệ cao tột.

Này Xá Lợi Phất! Để việc này lại. Giả như có thiện nam, tín nữ dạy bảo chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề khiến họ mau được thành tựu trí tuệ cao tột. Cũng không bằng có vị nương Kinh Điển này mà siêng năng tu tập.

Vì sao?

Vì Kinh này có thể phá tan tất cả chúng ma, có thể phá trừ các ấm, không gần các giới, phân tán các nhập, diệt trừ các phiền não, phát sinh tánh sáng trong, trừ bỏ các pháp gây phiền phức.

Nếu ai hay dùng các phương pháp trong Kinh Dũng Vương, lại vì các chúng sinh khác mà rộng rãi, phân biệt, giảng nói, thì sẽ được công đức vô lượng, vô biên, không thể nói hết.

Này Xá Lợi Phất! Hãy để lại các chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề, chúng sinh trong bốn thiên hạ, chúng sinh trong Tiểu Thiên Thế Giới, chúng sinh trong trung thiên Thế Giới và tất cả các chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới.

Này Xá Lợi Phất! Nếu đối với bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc và trên dưới, đều có các Thế Giới như số cát sông Hằng. Chúng sinh ở trong ấy. Hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc. Hoặc có tưởng, hoặc không tưởng. Hoặc ở dưới nước, trên bờ hay trong hư không.

Hoặc sinh trứng, sinh thai, sinh thấp, sinh hóa. Các chúng sinh này, lần lượt trước sau được thành thân người. Rồi có thiện nam, Tín Nữ, giáo hóa cho vô lượng chúng sinh đó, khiến cho họ đều được an vui ở trong năm giới, mười điều lành.

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?

Thiện Nam, tín nữ này do nhân duyên ấy có được phước nhiều không?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Công đức của người này không thể dùng thí dụ để so sánh.

Này Xá Lợi Phất! Để việc ấy lại. Nếu giáo hóa chúng sinh trong mười phương Thế Giới như số cát Sông Hằng, giúp cho họ được tín hành, pháp hành.

Bát nhẫn địa được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đắc Bích Chi Phật, phát tâm vô thượng bồ đề, không còn thoái lui, được vô sinh pháp nhẫn, mau thành hết thảy trí tuệ cao tột. Như vậy mà không bằng người, dùng tất cả giáo pháp trong Kinh Dũng Vương vì các chúng sinh khác rộng nói, phân biệt, được các công đức.

So với công đức khuyến hóa chúng sinh như trên đây, thì nó rất là cao cả đặc biệt, nó cao tột, không gì hơn, rất tốt đẹp, rất tốt lành, cao hơn hết, không gì vượt qua, không có thứ gì để so sánh, không gì ngang bằng.

Này Xá Lợi Phất! Nên biết, pháp này là phương tiện cao tột, có thể giúp cho Bồ Tát quyết định sự tu hành đối với đạo giác ngộ.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát nghe được tất cả pháp trong Kinh Dũng Vương, nghe rồi tu hành liền đạt được quả vị không thoái chuyển đối với đạo vô thượng bồ đề.

Nên biết, người này luôn làm ruộng phước cho chúng sinh, không có gì hơn được, không lấy gì để so sánh được, đã được giải thoát đến bờ bên kia, được Niết Bàn trong sạch, điều hòa, vắng lặng, là đệ tử chân chánh của Đức Phật, đáng được thọ nhận sự cúng dường.

Là đấng trượng phu, là Sư Tử dũng mãnh xuất hiện trong Cõi Trời, Người. Là người cao quý trong loài rồng, là vị Trời cao tột của loài Trời. Vị này không còn dính mắc, không còn bị trói buộc, không còn những trở ngại, việc cần làm đã làm xong, thành tựu tất cả đạo nghiệp, đã thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Người phát tâm bồ đề

Đã được đến bờ kia

Như vậy, Bậc Đại Nhân

Tâm không có nghi ngại.

Ban cho những người này

Được phước báo vô lượng

Muốn được phước như vậy

Nên phát tâm bồ đề.

Đã phát tâm bồ đề

Nơi hội tụ phước đức

Muốn nêu một phần nhỏ

Cũng không thể tính lường.

Trong vô lượng Thế Giới

Dạy tất cả chúng sinh

Đều giữ năm giới cấm

Cứ tiếp tục tăng trưởng.

Tuy giáo hóa như vậy

Không bằng pháp bồ đề

Ngoài ra khó so bằng

Với người hiểu Kinh này.

Nếu học Kinh Điển ấy

Là ruộng phước tốt lành

Xứng cho Trời, Người cúng

Vắng lặng khéo điều phục.

Được nghe Kinh Điển này

Là Phật tử chân chánh

Là siêng năng tinh tấn

Đến bờ vắng lặng kia.

Đấng Sư Tử, Trời, rồng

Gọi là Bậc Đại Nhân

Cũng là Thiên Trung Thiên

Tôn quý của chúng sinh.

Nếu người thường giảng dạy

Kinh Điển vi diệu này

Vị ấy sẽ được gọi

Đấng cao tột loài người.

Đức Phật vừa nói kệ xong, Đại đức Xá Lợi Phất liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật chưa từng có.

Bạch Thế Tôn! Với tất cả pháp vị trong Kinh Dũng Vương, nay Ngài lược nói, giáo huấn cho các Bồ Tát.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát, trong vô lượng kiếp, tu Bồ Tát hạnh, còn rất khó thành tựu được vô thượng bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Nay trong Kinh này, Thế Tôn nói tu đạo vô thượng không khó lắm?

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh rất thích điều lợi lành, nay gặp Kinh này, là điều lợi lành bậc nhất.

Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh, được nghe Kinh này, đọc tụng thông suốt, vì người khác giảng nói rộng rãi, nên biết người ấy đã hướng đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Đấy là Kinh Điển vi diệu. Cúi xin Như Lai thương xót giảng nói.

Vì sao?

Vì như con rõ được nghĩa lý của Phật nói. Hoặc rõ được Kinh Pháp của Phật đã nói vào thời quá khứ, thì trong các Kinh Pháp, Kinh này là cao tột hơn hết. Với Kinh Pháp của Chư Phật, ở đời vị lai, thì Kinh này cũng là đặc biệt hơn hết. Hoặc mười phương Chư Phật hiện đang chuyển xe pháp vô thượng, so với với các Kinh, thì Kinh này cũng là đặc biệt hơn hết.

Bạch Thế Tôn! Con từng giảng nói vô lượng Kinh Điển và dùng các thứ văn tự. Cũng từng theo Đức Như Lai, nghe giảng dạy vô lượng Kinh và hiểu nghĩa lý pháp vị của các Kinh Điển. Nhưng chưa từng được nghe Kinh Điển như thế này.

Lành thay! Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn thương xót, giảng nói rộng rãi ý nghĩa của Kinh Điển này.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Ý nghĩa như vậy, Như Lai đã tự biết. Tùy theo chúng sinh, sinh tâm tin hiểu, ta khi ấy sẽ vì họ rộng nói mà thâu tóm giữ lấy họ.

Này Xá Lợi Phất! Cảnh giới này chỉ có Như Lai mới biết, chẳng phải hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật mà có thể thấu hiểu được.

Này Xá Lợi Phất! Ta nay giảng nói Kinh Điển rất mầu nhiệm này, có tám vạn bốn ngàn Phạm Thiên và loài người. Có ba mươi sáu ức các Trời ở Cõi Dục chưa phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nay đều phát tâm.

Ba mươi ức các Trời được vô sinh pháp nhẫn. Các hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần chưa có điều kiện phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nay đều phát tâm.

Này Xá Lợi Phất! Ta thấy thật nghĩa của sự lợi ích như vậy, nên luôn luôn rộng rãi giảng nói Kinh Điển này.

Khi ấy, trong hội có vô lượng trăm ngàn chúng sinh, các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều quỳ xuống, chắp tay, chiêm ngưỡng Đức Như Lai mắt nhìn sững không nháy.

Lúc này, Như Lai tươi vui, mỉm cười. Với pháp của Chư Phật, không bao giờ, không có nhân duyên, mà mỉm cười. Như Lai đã mỉm cười. Và từ nét mặt ấy, phóng ra các thứ ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, màu tía. Chiếu khắp vô lượng, vô biên Thế Giới, trên thấu đến Cõi Trời Phạm, rồi trở về, nhiễu quanh thân ba vòng nhập vào trên đỉnh đầu.

Khi ấy, đại đức Xá Lợi Phất từ tòa ngồi đứng dậy, trịch bày vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Phật không nhân duyên, không bao giờ cười.

Bạch Thế Tôn! Nay có nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nay ông có thấy vô lượng, vô số, trăm ngàn chúng sinh này, cùng các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đang chắp tay đứng hầu, chiêm ngưỡng, hướng về ta, mắt chẳng tạm rời không?

Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Các đại chúng này nguyện muốn được nghe hạnh vô thượng mà các Bồ Tát đã tu hành.

Này Xá Lợi Phất! Như Lai tùy nghi mà biết hết chỗ suy nghĩ, chỗ hành động của tất cả chúng sinh. Vì vậy cho nên, ta nay sẽ vì họ mà nói.

Này Xá Lợi Phất! Nếu người không thấy tâm của đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Như vậy gọi là hạnh của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần