Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Sáu - Phẩm Các Bà La Môn - Phần Bảy - Tikanna

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG BA

BA PHÁP  

PHẨM SÁU

PHẨM CÁC BÀ LA MÔN  

PHẨM SÁU

PHẨM CÁC BÀ LA MÔN  

PHẦN BẢY

TIKANNA  

Rồi Bà La Môn Tikanna đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà La Môn Tikanna, trước mặt Thế Tôn, tán thán các bậc Bà La Môn có đầy đủ ba minh.

Phải, này Bà La Môn, họ là các bậc có ba minh. Phải, các Bà La Môn có ba minh.

Cho đến như thế nào, này Bà La Môn, các Bà La Môn diễn tả ba minh của các Bà La Môn?

Ở đây, thưa Tôn Giả Gotama, vị Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, nhà phúng tụng, nhà Trì Chú, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên.

Chú Giải và các cổ truyện là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế tự nhiên học và tướng của các vị Đại Nhân. Như vậy, thưa Tôn Giả Gotama, các vị Bà La Môn diễn tả ba minh các vị Bà La Môn.

Thật là khác, này Bà La Môn, các Bà La Môn diễn tả ba minh của các Bà La Môn. Thật là khác ba minh trong luật của Bậc Thánh.

Như thế nào, thưa Tôn Giả Gotama, là ba minh trong giới luật của Bậc Thánh?

Lành thay, nếu Tôn Giả Gotama thuyết pháp cho chúng tôi về ba minh trong Luật của Bậc Thánh. Vậy Bà La Môn hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng.

Thưa vâng, Tôn Giả! Bà La Môn Tikana vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau: Ở đây, này Bà La Môn, Tỳ Kheo ly dục, ly các pháp ác, bất thiện, chứng đạt và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, vị ấy chứng đạt và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh, nhất tâm.

Ly hỷ, trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các Bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và an trú thiền thứ ba.

Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh.

Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời. Nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.

Vị ấy nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.

Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các nét chi tiết. Ðây là minh thứ nhất đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỳ Kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, ngữ, ý, phỉ báng các Bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, ngữ, ý, không phỉ báng các Bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến.

Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các Cõi Thiện, Cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, thấy sự sống chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Ðây là minh thứ hai đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí.

Vị ấy biết như thật:

Ðây là khổ, biết như thật: Ðây là nguyên nhân của khổ.

Biết như thật: Ðây là khổ diệt.

Biết như thật: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt.

Biết như thật: Ðây là những lậu hoặc.

Biết như thật: Ðây là nguyên nhân các lậu hoặc.

Biết như thật: Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc.

Biết như thật: Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.

Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.

Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát.

Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa. Ðây là minh thứ ba đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Giới hạnh không cao thấp

Khôn khéo và thiền tịnh,

Với tâm được chinh phục,

Nhứt tâm, khéo định tĩnh,

Bậc trí đoạn mê ám,

Ba minh, diệt tử thần,

Vị ấy được tôn xưng,

Ðại hạnh cho Trời người,

Bậc đoạn tận tất cả,

Ðầy đủ cả ba minh

An trú không mê vọng,

Ðức Phật, bậc giác ngộ,

Bậc chứng thân tối hậu,

Chúng lễ Gotama.

Ai biết được đời trước,

Thấy Thiên Giới, đọa giới,

Vị ấy là Đạo Sĩ,

Ðoạn sanh, đạt thắng trí

Vị Bà La Môn nào,

Chứng được ba minh này,

Ta gọi là ba minh

Không như thường được gọi.

Như vậy, này Bà La Môn, là ba minh trong Luật của Bậc Thánh. Thật khác, thưa Tôn Giả Gotama, là ba minh của các Bà La Môn. Thật khác là ba minh trong luật của Bậc Thánh.

Và thưa Tôn Giả Gotama, người có được ba minh của các Bà La Môn không sánh bằng một phần mười sáu của vị chứng ba minh trong Luật của Bậc Thánh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần