Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi Mốt - Phẩm Phi Thường - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM NĂM MƯƠI MỐT

PHẨM PHI THƯỜNG  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni không đoạn dứt năm điều ngăn che trong tâm, không trừ năm kết trong tâm thì Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni ấy trong đêm ngày, với pháp lành diệt mà không tăng thêm lợi ích.

Thế nào là Tỳ Kheo không đoạn dứt năm điều ngăn che?

Ở đây, Tỳ Kheo có tâm hồ nghi đối với Như Lai, không được giải thoát, không vào chánh pháp, tâm người ấy không ở nơi tụng đọc. Ðó gọi là Tỳ Kheo không đoạn dứt tâm ngăn che.

Lại, Tỳ Kheo có tâm nghi đối với chánh pháp, cũng không giải thoát, không thâm nhập chánh pháp, người ấy không đọc tụng. Ðó gọi là Tỳ Kheo không đoạn dứt tâm ngăn che.

Lại, Tỳ Kheo có tâm nghi đối với Thánh Chúng, cũng không già thoát, không có ý hướng hòa hợp với chúng, cũng không ở trong pháp đạo phẩm. Ðó gọi là Tỳ Kheo không đoạn dứt tâm ngăn che.

Lại nữa, Tỳ Kheo phạm cấm giới không tự hối quá, đã phạm cấm giới không tự sửa đổi, cũng không để tâm vào trong đạo phẩm. Ðó gọi là Tỳ Kheo không đoạn dứt tâm ngăn che.

Lại nữa, Tỳ Kheo tâm ý không định mà tu phạm hạnh, nghĩ: Ta do đức của phạm hạnh được sanh Cõi Trời như các thần tiên. Vì Tỳ Kheo ấy do tâm hạnh này tu phạm hạnh nên tâm không chuyên chánh trong đạo phẩm, tâm đã không ở trong đạo phẩm. Ðó gọi là không đoạn dứt điều ngăn che trong tâm. Như thế gọi là Tỳ Kheo không đoạn năm điều ngăn che trong tâm.

Thế nào gọi là Tỳ Kheo không đoạn dứt trừ năm kết?

Ở đây, Tỳ Kheo tâm giải đãi không tìm cầu phương tiện. Tỳ Kheo ấy đã có giải đãi không tìm cầu phương tiện nên đó gọi là Tỳ Kheo không đoạn trừ tâm kết.

Lại nữa, Tỳ Kheo thường quên nhiều, tham ngủ nghỉ. Tỳ Kheo ấy do ưa quên nhiều, tham ngủ nghỉ nên gọi là Tỳ Kheo không đoạn tâm kết thứ hai.

Lại nữa, Tỳ Kheo ý không định, thường có nhiều rối loạn. Tâm Tỳ Kheo ấy đã loạn, không định nên gọi là Tỳ Kheo không đoạn trừ tâm kết thứ ba.

Lại nữa, Tỳ Kheo căn không định. Tỳ Kheo ấy đã căn không định nên gọi là Tỳ Kheo không đoạn trừ tâm kết thứ tư.

Lại nữa, Tỳ Kheo thường thích chỗ chợ búa, không ở chỗ vắng vẻ. Ðó gọi là Tỳ Kheo không đoạn trừ tâm kết thứ năm.

Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni có năm điều ngăn che trong tâm không dứt, năm kết trong tâm không trừ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni ấy trong đêm ngày pháp lành đoạn tuyệt, không được tăng ích. Cũng như gà mẹ có tám hoặc mười hai trứng, không tùy thời ấp ủ, săn sóc, không tùy thời giữ gìn.

Gà mẹ ấy tuy nghĩ rằng: Muốn các con được an toàn, không hư hại. Song các gà con rốt cuộc không an ổn.

Vì sao thế?

Ðều do không tùy thời giữ gìn nên như vậy, sau trứng ấy bị hỏng không thành gà con. Ðây cũng như thế, nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, năm tâm kết không đoạn, năm tâm ngăn che không trừ, trong đêm ngày thiện pháp bị diệt không tăng ích.

Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, tâm năm kết đoạn, tâm năm ngăn che trừ, trong đêm ngày pháp lành tăng ích không bị tổn giảm. Cũng như gà có tám hoặc mười hai trứng, tùy thời giữ gìn, tùy thời săn sóc, tùy thời ấp ủ.

Dù cho gà mẹ có ý niệm: Muốn con ta hoàn toàn không thành tựu, các gà con tự nhiên thành tựu an ổn.

Vì sao thế?

Vì tùy thời săn sóc khiến được vô sự, khi ấy các gà con đúng lúc ra khỏi vỏ.

Ðây cũng như thế, nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni năm điều ngăn che trong tâm đoạn dứt, tâm năm kết trừ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni ấy ở trong đêm ngày pháp lành tăng ích, không tổn giảm.

Cho nên Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nên phát sanh tâm không do dự hồ nghi đối với Phật, không do dự hồ nghi với pháp, với Chúng Tăng, đầy đủ giới luật, tâm ý chuyên chánh không tán loạn, cũng không khởi ý trông mong pháp khác, cũng không cầu may mà tu phạm hạnh, nghĩ rằng: Ta sẽ dùng pháp này được thân Trời thần diệu tôn quý. Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni không hồ nghi do dự đối với Phật, Pháp, Thánh Chúng, cũng không phạm giới, không để lọt mất.

Nay Ta bảo các thầy, căn dặn phó chúc các thầy rằng Tỳ Kheo ấy sẽ hướng đến hai đường hoạc sanh Cõi Trời hoặc trong loài người.

Cũng như người ở trong chỗ rất nóng, lại thêm đói khát, gặp được chỗ mát mẻ, được suối mát, nước uống, người ấy tuy nghĩ rằng: Ta gặp nước trong mát để uống cũng không hết khát. Nhưng người ấy đã dứt hết nóng bức, trừ được đói khát.

Ðây cũng như thế, nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni không do dự hồ nghi đối với Như Lai, Tỳ Kheo ấy liền hướng đến hai nơi, hoặc sanh Cõi Trời hoặc trong loài Người.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nên tìm phương tiện đoạn trừ năm điều ngăn che, dứt năm kết trong tâm. Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy! Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có lúc uy thế của Nhà Vua không trùm khắp, đạo tặc nổi lên. Ðạo tặc đã dấy thì thôn xóm, gia đình, thành ấp, nhân dân đều bại vong, hoặc gặp đói khát mà chết. Nếu chúng sanh nào chết trong lúc đói khát, thì sẽ rơi vào ba đường ác.

Nay Tỳ Kheo tinh tấn cũng lại như thế. Nếu người trì giới giảm thiểu, bấy giờ Tỳ Kheo ác nổi dậy. Tỳ Kheo ấy đã dấy lên thì chánh pháp dần dần suy, phi pháp đã tăng, chúng sanh trong ấy đều rơi trong ba đường ác.

Nếu khi ấy uy thế Nhà Vua lại lan xa thì đạo tặc đều ẩn núp. Uy thế Nhà Vua đã vang xa thì làng xóm, thành ấp, nhân dân đông đúc.

Nay Tỳ Kheo tinh tấn cũng lại như thế. Nếu người trì giới đầy đủ thì bấy giờ Tỳ Kheo phạm giới giảm thiểu, chánh pháp hưng thạnh, phi pháp suy giảm.

Trong đó, chúng sanh sau khi mạng chung đều sanh lên Cõi Trời, cõi người. Cho nên, này các Tỳ Kheo, nên nhớ đầy đủ giới luật, oai nghi lễ độ, đừng để khuyết giảm.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Chẳng thà thường ngủ nghỉ chứ không ở trong lúc tỉnh táo tư duy loạn tưởng, thân hoại mạng chung rơi vào đường ác. Chẳng thà dùng dùi sắt nóng nung vào mắt chứ không do nhìn màu sắc mà khởi loạn tưởng. Tỳ Kheo khởi tưởng bị thức đánh bại, Tỳ Kheo đã bị thức đánh bại, ắt sẽ rơi vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì vậy nay Ta nói như thế.

Người ấy thà ngủ nghỉ chứ không ở trong lúc tỉnh táo mà tư duy loạn tưởng. Thà dùng dùi bén đâm lủng lỗ tai chứ không vì nghe tiếng mà khởi loạn tưởng. Tỳ Kheo khởi tưởng bị thức đánh bại.

Thà thường ngủ nghỉ chứ không ở trong lúc tỉnh táo mà khởi loạn tưởng. Thà dùng kềm nóng làm đứt lỗ mũi chứ không do ngửi mùi, mà khởi loạn tưởng.

Tỳ Kheo khởi tưởng bị thức đánh bại. Ðã bị thức đánh bại sẽ rơi trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ðiều Ta nói chính là điều này.

Thà dùng kiếm bén cắt đứt lưỡi chứ không nói lời ác, mắng chửi để rơi trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Thà thường ngủ nghỉ chứ không ở lúc tỉnh táo mà khởi loạn tưởng. Thà dùng lá đồng nóng quấn thân chứ không giao tiếp với các người nữ, trưởng giả, cư sĩ, Bà La Môn.

Nếu cùng họ giao tiếp nói năng qua lại, ắt sẽ rơi trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ðiều ta nói chính là điều này.

Thà thường ngủ nghỉ chứ không ở lúc tỉnh táo mà có ý tưởng muốn phá hoại Thánh Chúng. Ðã phá hoại Thánh Chúng sẽ phạm vào tội năm nghịch, dù ngàn ức Chư Phật cũng không thể cứu. Phàm người gây rối loạn trong chúng, ắt sẽ bị tội không thể cứu.

Cho nên nay Ta nói, chẳng thà hay ngủ nghỉ chứ không nên khi tỉnh táo, ý khởi niệm muốn phá hoại Thánh Chúng, chịu tội không thể cứu. Cho nên, này Tỳ Kheo, nên giữ gìn sáu tình, đừng để rơi mất.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, trưởng giả A Na Bân để có bốn con trai không thừa sự Phật, Pháp, Thánh Chúng, cũng chẳng tự quy mạng Phật, Pháp, Thánh Chúng.

Lúc ấy trưởng giả A Na Bân để bảo bốn con trai: Các con nên tự quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng, sẽ được phước vô lượng lâu dài.

Các con thưa cha: Chúng con không kham quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng.

Trưởng giả A nê bân để nói: Nay ta sẽ tặng mỗi con ngàn lượng vàng, nếu theo lời ta dạy quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng.

Các con thưa: Con không kham quy y Pháp, Phật, Thánh Chúng.

Cha lại bảo: Cha tặng thêm mỗi con hai ngàn, ba ngàn, bốn ngàn, năm ngàn lượng vàng. Các con nên tự quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng, được phước vô lượng lâu dài. Các con nghe lời, im lặng nhận chịu.

Các người con nói với trưởng giả A Na Bân để: Chúng con làm thế nào để tự quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng?

Trưởng giả A Na Bân để nói: Các con nên theo ta đến chỗ Đức Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có dạy bảo, các con nên ghi nhớ vâng theo.

Các con thưa cha: Ðức Như Lai hiện nay ở đâu?

Gần hay xa?

Người cha bảo: Nay đấng Như Lai Chí Chân Ðăng Chánh Giác hiện tại ở nước Xá Vệ, nghỉ trong vườn của ta. Khi ấy, trưởng giả A Na Bân để dẫn bốn người con đến chỗ Đức Thế Tôn, đến nơi cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

Trưởng giả bạch Phật: Nay bốn người con của con không tự quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng. Hôm nay con tặng mỗi đứa năm ngàn lượng vàng, khuyến khích chúng vâng theo Phật, Pháp, Thánh Chúng.

Cúi xin Thế Tôn vì chúng thuyết pháp, khiến được phước vô lượng lâu dài. Bấy giờ, Thế Tôn vì bốn người con của trưởng giả, dần dần thuyết pháp khuyến khích cho hoan hỷ.

Các con của trưởng giả nghe Phật thuyết pháp vui mừng phấn khởi không thể tự kềm, tự quỳ trước Phật, bạch rằng: Chúng con tự quy y với Thế Tôn, chánh pháp, Thánh Chúng. Từ nay về sau chúng con không còn sát sanh,… không uống rượu. Bạch như thế ba lần.

Trưởng giả A Na Bân để bạch Thế Tôn: Nếu có người đem tài vật cho người, khiến thừa sự Phật.

Phước ấy thế nào?

Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay!

Trưởng giả hỏi như thế khiến người, Trời được an lạc, mới có thể hỏi Như Lai nghĩa này.

Nên khéo suy nghĩ đó, Ta sẽ vì ông nói: Trưởng giả nghe lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: Có bốn kho tàng lớn.

Thế nào là bốn?

Kho Thi La Bát Long tại nước Càn Đà Vệ, đây là một kho tàng, vô số trân bảo chất đầy trong cung. Lại có kho tàng lớn ban trù tại nước Mật Để La, chứa chất trân bảo không thể tính kể. Lại có kho lớn Tần Già La tại nước Tu Lại Sát, trân bảo tích tụ không thể tính kể.

Lại có kho lớn Nhượng Khư tại nước Ba La Nại, trân bảo tích tụ không thể tính kể. Giả sử tất cả các nam nữ lớn nhỏ trong cõi Diêm Phù Đề mỗi người đều đến nhặt châu báu trong bốn năm, bốn tháng, bốn ngày, kho Thi La Bát trọn không giảm sút.

Kho Ban Trù có người cũng đến lấy trong bốn năm, bốn tháng, bốn ngày, không hao giảm. Kho Tần Già La bốn năm, bốn tháng, bốn ngày mọi người đến lấy cũng không hao giảm. Kho lớn Nhượng Khư tại nước Ba La nại, mọi người đến lấy trong bốn năm, bốn tháng, bốn ngày không hề sút giảm.

Trưởng giả! Ðó là bốn kho tàng lớn, nếu tất cả mọi nam nữ lão ấu của Diêm Phù Đề đều đến lấy châu báu, trải qua bốn năm, bốn tháng, bốn ngày, không hề giảm thiểu.

Về đời tương lai có Đức Phật tên Di Lặc xuất hiện. Bấy giờ cõi nước tên Kê Ðầu do Vua cai trị, chiều Ðông Tây mười hai do tuần, chiều Nam Bắc mười hai do tuần, nhân dân đông đảo, lúa thóc phì nhiêu.

Cõi nước Kê Ðầu, chung quanh thành bảy lớp ao nước, mỗi ao rộng một do tuần, cát vàng dưới đáy, các loài hoa Bát Đấu Na, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi đều mọc trong ao ấy.

Nước ao màu vàng, màu bạc, màu thủy tinh, màu lưu ly. Nếu nước màu bạc thì ngưng đọng hóa thành bạc, nước màu vàng thì ngưng đọng hóa thành vàng, nước màu lưu ly thì ngưng đọng hóa thành lưu ly, nước màu thủy tinh thì ngưng đọng hóa thành thủy tinh.

Trưởng giả nên biết! Bấy giờ có bốn thành lớn, trong ao nước bạc làm cửa vàng, trong ao nước vàng làm cửa bạc, trong ao lưu ly làm cửa thủy tinh, trong ao thủy tinh làm cửa lưu ly.

Trưởng giả nên biết! Bấy giờ chung quanh thành Kê Ðầu treo linh, tiếng linh phát ra nghe như tiếng ngũ nhạc. Trong thành ấy thường có bảy thứ tiếng.

Thế nào là bảy?

Tiếng loa, tiếng trống, tiếng đờn cầm, tiếng trống nhỏ, tiếng trống tròn, tiếng trống da, tiếng ca múa là bảy. Trong thành Kê Ðầu tự nhiên sanh một loại lúa dài ba tấc, rất thơm ngon có vị thù thắng hơn hết, vừa gặt liền sanh, không thấy dấu gặt. Bấy giờ có Vua Nhượng Khư, dùng pháp cai trị, bảy báu đầy đủ.

Trưởng giả nên biết! Bấy giờ đại thần chủ tạng tên là Thiện Bảo, cao đức trí tuệ Thiên nhãn thứ nhất, biết hết thảy tất cả kho tàng báu, kho tàng có chủ thì tự nhiên giữ gìn, kho tàng vô chủ liền đem dâng Vua. Khi ấy Vua rồng Thi La Bát, Vua rồng Ban Trù, Vua rồng Tần Già La, Vua rồng Nhượng Khư.

Bốn quan chủ báu của các Vua rồng trên đều đi đến chỗ quan chủ tạng Thiện Bảo, mà nói rằng: Nếu cần gì, chúng tôi sẽ cung cấp.

Khi ấy, bốn Vua rồng nguyện dâng bốn kho tàng báu để cho đầy kho, quan chủ tạng Thiên Bảo liền lấy bốn kho báu dâng lên Vua Nhượng Khư, châu báu, xe báu, vàng bạc tầng tầng.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thi La, tại Càn Đà

Ban Trù, tại Mật Để

Tần Già nước Tu Lại.

Nhượng Khư, nước Ba Nại.

Ðây là bốn kho báu,

Các kho tàng đầy dẫy,

Lúc ấy liền xuất hiện,

Do công đức cảm nên.

Dâng lên bậc Thánh Vương,

Vàng, bạc, báu, xe báu

Các thần đều ủng hộ

Trưởng giả thọ phước ấy.

Bấy giờ có Phật xuất thế hiệu Di Lặc, Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Trưởng giả nên biết! Quan chủ tạng Thiện Bảo khi đó đâu phải người nào lạ.

Chớ nghĩ thế ấy, vì sao?

Quan chủ tạng ấy là trưởng giả hiện nay. Thuở ấy, Vua Nhượng Khư dùng vàng bạc làm việc phước đức rộng rãi, cùng tám vạn bốn ngàn Đại Thần vây quanh trước sau, đến chỗ Đức Phật Di Lặc xuất gia học đạo. Khi đó quan chủ tạng cũng làm việc phước đức rộng lớn, cũng sẽ xuất gia học đạo chấm dứt mé khổ.

Ðấy là do trưởng giả hướng dẫn bốn người con khiến tự quy Phật, Pháp, Tỳ Kheo Tăng, do công đức này mà không rơi trong ba đường ác, cũng duyên nơi đức này được bốn kho tàng lớn, cũng do duyên này mà làm quan chủ tạng cho Vua Nhượng Khư, ngay nơi đời ấy chấm dứt mé khổ.

Vì sao thế?

Quy Y Phật, Pháp, Tăng công đức không thể lường. Người tự quy y Phật, Pháp, Tăng được phước ấy như thế. Cho nên, này trưởng giả, nên thương xót loài hữu tình, tìm phương tiện hướng về Phật, Pháp, Tăng. Như thế, trưởng giả, nên học điều này.

Bấy giờ, trưởng giả A Na Bân để hoan hỷ vui mừng không thể tự kềm, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng làm lễ rồi lui ra. Bốn người con cũng lại như thế. Bấy giờ, trưởng giả A Na Bân để và bốn người con nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường