Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Hai Mươi Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BA
PHẨM ĐỊA NGỤC
TẬP HAI MƯƠI CHÍN
Người ở địa ngục kia là ai?
Là Ma Ta Ca La, Bất Lan Na, Đề Bà Đạt Đa, Cư Ca Ly… Người ở địa ngục đọa vào đại địa ngục, chắc chắn bị thiêu đốt, ở đó bị khổ não ác liệt bậc nhất, đối với tất cả chúng sinh không thể dùng ví dụ để nói hết được.
Như vậy tội nhân trong địa ngục A tỳ chịu khổ não cùng tận. Người tạo nghiệp ác nhóm lại, tập hợp ở chỗ tối tăm. Tất cả chúng sinh ở trong địa ngục Mao khởi có mưa đao. Người trong địa ngục A tỳ bị thiêu đốt cháy nát, sau đó thì sống lại, sống lại rồi bị phanh, xé thiêu đốt cháy nát.
Mưa gông cùm bằng kim cương, mưa đá kim cương, lại mưa đá tảng khiến thân thể người kia tan nát. Người gây tội ngũ nghịch bị thiêu đốt như vậy rồi, còn có mười một đống lửa, người gây tội phải chịu khổ não tột cùng không thể nào chịu nổi.
Mười phương có mười đống lửa, đống lửa thứ mười một là lửa đói khát. Do đói khát nên trong miệng người kia phát ra lửa. Mười đống lửa bao vây tội nhân khiến thân thể bị thiêu đốt, không còn một chút xíu nào dù như lỗ chân lông mà không bị đốt cháy. Các tội nhân kia đều bị thiêu đốt như nhau, thậm chí không có chút an vui nào dù nhỏ bằng sợi lông, nên gọi là A tỳ, không chút xíu thời gian nào được an vui nên gọi là A tỳ.
Tất cả các căn, tất cả cảnh giới thảy đều bị thiêu đốt vì tâm bất chánh, nên gọi là A tỳ. Bỏ đời này rồi không sinh vào chỗ khác mà chỉ sinh lại chỗ đó. Trong đại địa ngục không có khổ nào hơn đó nữa, vô số hoàn cảnh phải chịu khổ nên gọi là A tỳ.
Tất cả chúng sinh thuộc về Dục giới thì đây là cõi thấp hèn nhất nên gọi là A tỳ. Như vậy, không có gì vượt hơn đó nữa, nên gọi là A tỳ. Như vậy, A tỳ không có gì là tốt đẹp. Đại địa ngục kia giống như trên đầu không còn vật gì nữa. Địa ngục A tỳ như vậy là rất nóng, không có gì vượt trên, nên gọi là A tỳ. Đất ở đấy rất nóng, không có nóng nào bằng. Nước đồng đỏ sôi sùng sục, thiêu đốt tan xương thịt, lại không có gì hơn, nên gọi là A tỳ.
Đất tại chỗ đó kín bưng nên gọi là A tỳ. Ở chốn địa ngục, tất cả mỡ, thịt, xương, tủy đều bị lửa thiêu đốt. Người ở địa ngục ấy bị lửa đốt cháy không thể phân biệt được người này, người nọ, vì không có kẽ hở dù là rất nhỏ nên gọi là A tỳ.
Giống như sức nước chảy từ trong núi, đêm ngày chảy xiết không gián đoạn, chốn A tỳ kia tội nhân luôn bị khổ não dữ dội cũng không gián đoạn. Người kia bị khổ não không dừng nghỉ, cho đến kiếp tận cũng không có thời gian ngừng khổ, nên gọi là A tỳ. Người kia chịu bao thứ khổ não không thể nào nói hết được.
Ở đây nêu ra một thí dụ nhỏ: Như số giọt nước trong biển không thể nào đếm được. Cũng vậy, những khổ não phải chịu do tạo nghiệp ác trong ngục A tỳ cũng không thể nào đếm được, không thể nào nói hết được. Tất cả mọi khổ não không có chốn nào như ở địa ngục A tỳ.
Vì nghiệp nặng nên chịu khổ cũng nặng. Nếu tạo một tội ngũ nghịch, người kia chịu khổ nhẹ. Nếu tạo hai tội ngũ nghịch thì thân người kia lớn nên chịu khổ cũng lớn. Như vậy, toàn bộ thân thể đều chuyển thành lớn, thì khổ lớn cũng thế.
Vì do nhân duyên của nghiệp chồng chất nên nhân khổ không giống nhau. Như nhận lấy lạc thọ ở cõi A ca nị tra, hai chỗ khổ và vui không giống nhau. Như vậy, trên dưới đều không thể ví dụ được. Như thế thì trên dưới, xung quanh đều không thể ví dụ được.
Vì sao?
Vì tạo nghiệp ác. Do tạo nghiệp ác nên nhân quả giống nhau. Ở trong địa ngục, xung quanh địa ngục, nêu ví dụ tương tợ không thể được. Cho nên người kia chịu một kiếp hay kiếp giảm ở chỗ bị lửa thiêu đốt, khi nào nghiệp ác hết thì mới được thoát. Do nhân duyên hết nên quả nơi người kia mới hết.
Giống như lửa tàn thì độ nóng của lửa không còn nữa. Giống như hạt hư thì mầm của nó cũng hư luôn. Như vậy, người trong địa ngục A tỳ nếu nghiệp ác chấm dứt, không còn khổ bị thiêu đốt hủy hoại nữa mới thoát ra khỏi. Nếu được thoát, do quả báo của nghiệp ác còn sót lại thì sinh làm ngạ quỷ miệng như lỗ kim, ở nơi núi cao. Sinh vào đó lại bị đói khát thiêu đốt. Thân người ấy giống như cây bị cháy.
Nếu thoát ra khỏi chốn đó thì sinh vào loài súc sinh làm Thư thư ma la, làm loài sâu bất tịnh sống trong phân. Nơi loài ngạ quỷ trải qua hai trăm ngàn đời bị đói khát bức bách, lại trải qua hai ngàn năm làm loài súc sinh. Do sức mạnh còn sót lại của nghiệp ác bất thiện nên sinh ra ở chỗ nào cũng đều bị tất cả khổ não. Trong loài súc sinh, ăn những thứ dơ bẩn, tâm luôn nhớ nghĩ sinh vào chỗ sát sinh, vì ở đó luôn ăn nuốt lẫn nhau, chịu khổ não lớn.
Nếu thoát ra khỏi cõi ấy, nhờ nghiệp lực ở quá khứ, được sinh làm người, trải qua năm trăm đời bị chết trong thai, lại năm trăm đời vừa sinh ra thì chết ngay hoặc bị quạ ăn, lại năm trăm đời chưa biết đi mà bị chết. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Nếu sau đó, quả báo của nghiệp ác tàn dư đã hết, lưới nghiệp vận hành từ nơi vô thủy sẽ mắc quả báo tương tự, có thượng, trung, hạ.
Quan sát như vậy rồi, Tỳ Kheo nói kệ:
Trong sinh tử vô thủy
Lưới nghiệp phủ Thế Giới
Hoặc sinh, hoặc tử diệt
Đều do nghiệp mà ra.
Từ Trời vào địa ngục
Địa ngục sinh lên Trời
Từ Trời vào ngạ quỷ
Địa ngục sinh ngạ quỷ.
Sức mạnh sinh khác biệt
Thế lực vui khác nhau
Đều do nghiệp ái sinh
Không phải tự tại tạo.
A tăng kỳ tạo nghiệp
Chúng sinh luôn sinh tử
Người khác không thể hiểu
Chỉ có Như Lai rõ.
Ngài biết rõ nghiệp này
Và biết rõ nhân duyên
Giải bày cho người si
Hóa độ hết chúng sinh.
Tỳ Kheo ấy đã quan sát sự khổ nơi A tỳ rồi, với tất cả sự sinh tử tâm được lìa dục, lại lấy đại Từ bi mà tu sửa tâm, nhớ nghĩ chân chánh nên đạt được Địa thứ mười một.
Dạ Xoa ở trên đất biết được nên hoan hỷ rồi nói với Dạ Xoa Hư Không. Dạ Xoa Hư Không tâu với Tứ Đại Vương.
Tứ Đại Vương tâu với Tứ Thiên Vương, như trước đã nói, cho đến tâu với Đại Phạm Thiên Vương như vậy: Ở cõi Diêm Phù Đề, trong nước… thôn… có thiện nam họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, đắp pháp y, xuất gia chân chánh, chiến đấu với quân ma, không trụ vào cảnh giới của ma, tâm không ưa thích cảnh giới nhiễm dục và đã đạt được Địa thứ mười một.
Đại Phạm Thiên Vương nghe như vậy, hoan hỷ nói: Quân ma bị tổn giảm, bạn chánh pháp tăng trưởng, phần thiện được phát triển, tùy thuận nơi pháp hành, các pháp của hàng Tỳ Kheo đã được kiến lập vững chắc.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy tùy thuận với chánh pháp, quan sát các pháp hành.
Thế nào là Tỳ Kheo kia quán xét ngục A tỳ để tùy thuận tu hành?
Tỳ Kheo kia quan sát đại địa ngục A tỳ như thế nào?
Địa ngục ấy gồm có bao nhiêu chốn?
Người kia thấy, nghe, biết, cũng như những địa ngục khác gồm đủ mười sáu chỗ, ngục A tỳ cũng lại như vậy, gồm có mười sáu chốn.
Mười sáu chốn là:
1. Mỏ quạ Ô khẩu.
2. Nhất thiết hướng địa.
3. Vô bỉ ngạn thường thọ khổ não.
4. Dã can hống.
5. Thiết dã can thực.
6. Bao tử đen Hắc đổ.
7. Thân dương.
8. Mộng kiến úy.
9. Thân dương thọ khổ.
10. Lưỡng sơn tụ.
11. Hống sinh Diêm bà phả độ.
12. Tinh man.
13. Khổ não cấp.
14. Xú khí phú.
15. Thiết diệp.
16. Thập nhất diệm.
Mười sáu chốn này chính là chi nhánh của địa ngục căn bản Atỳ. Những kẻ hành theo mười nẻo nghiệp ác bất thiện và năm nghiệp ngũ nghịch đều nhóm tụ trong đại địa ngục. Vào địa ngục A tỳ có nội ngũ nghịch và ngoại ngũ nghịch.
Tạo nghiệp đã thành thục rồi thì sinh trong đại địa ngục A tỳ, theo nghiệp tương tự mà sinh vào trong đó. Theo nghiệp tương tự với nghiệp đã gây tạo đầy đủ, ưa thích tạo và tạo nhiều mà đối với địa ngục kia sinh vào chốn khác nhau.
Nghiệp nơi A tỳ có năm loại: Giết A La Hán, tư duy theo tâm ác làm thân Phật chảy máu, sinh tâm tùy hỷ lại ưa thích tạo và tạo nhiều, bảo người khác làm, bảo người kia an trụ hoặc sai người khác làm. Người đó do nhân duyên của nghiệp ác nên sau khi qua đời, sinh vào chốn ác, bị đọa vào chốn Ô khẩu Mỏ quạ thuộc địa ngục A tỳ, chịu đủ mọi khổ não.
Những khổ não ấy như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng, Hợp… chỉ trừ khổ não phải chịu ở A tỳ. Tất cả khổ não kia ở đây đều có đầy đủ, lại nặng nề gấp trăm lần. Lại có chỗ còn hơn thế nữa, Diêm Ma La đánh vào miệng tội nhân giống như đánh vào miệng con quạ, sau đó, dẫn đến sông Tro đen Hắc hôi nước sâu, chảy xiết.
Diêm Ma La lấy tro nóng đổ vào miệng tội nhân. Đầu tiên đốt môi, đốt môi rồi đốt răng, đốt răng rồi đốt cổ họng, đốt cổ họng rồi đốt tim, đốt tim rồi lại đốt phổi, đốt phổi rồi đốt ruột, đốt ruột rồi đốt trường tạng, đốt trường tạng rồi đốt sinh tạng, đốt sinh tạng rồi đốt thục tạng, đốt thục tạng rồi theo phía dưới mà chảy ra. Người ở địa ngục kia bị khổ trong sông Tro toàn bộ bên trong thân thể đều bị cháy không còn gì cả, chỉ còn vật bên ngoài.
Do nghiệp ác giữ lấy nên tội nhân không chết mà phải chịu khổ não cùng cực. Người kia luôn luôn bị thiêu đốt, trải qua vô số năm mà nghiệp ác vẫn chưa hết, chưa tan rã, ảnh hưởng của nghiệp chưa hết thì không lúc nào dừng khổ. Nếu nghiệp ác hết thì người kia mới thoát được địa ngục.
Ra khỏi địa ngục, trải qua một ngàn đời sinh làm ngạ quỷ tên ngạ quỷ Đảnh. Thoát khỏi loài ngạ quỷ, lại sinh vào loài Súc Sinh, làm các loài như voi, trâu, thuần đồ, ma la, chuột, chó sói, rắn độc, thủ cung, các loài trùng như giun, muỗi, ruồi, nhặng… sau sinh làm bò.
Thoát khỏi cõi Súc Sinh thì sinh làm người ở nơi hợp với nghiệp sinh vào nhà đồ tể, trải qua hai trăm đời bị chết lúc còn trong thai hoặc sinh ra rồi chưa biết đi đã chết, hoặc sắp sinh ra liền bị chết. Đó là do nhân duyên của nghiệp ác còn sót lại, nên sau lại tạo tiếp nghiệp ác.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, quan sát về nơi chốn của đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết lại có chốn khác tên Nhất thiết hướng địa Tất cả đều hướng xuống đất. Đây là chốn thứ hai trong địa ngục A tỳ.
Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chỗ ấy?
Vị ấy thấy, nghe, biết: Người nào cưỡng bức dâm dục, ưa thích tạo và tạo nhiều, với những vị do tư duy đã chứng được vô lậu, là Thánh Tỳ Kheo Ni, bậc A La Hán thì do nhân duyên của nghiệp ác ấy, sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn Nhất thiết hướng địa, thuộc địa ngục A tỳ chịu khổ não lớn.
Những khổ não ấy như trước đã nói, trong bảy Đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng, Hợp, Khiếu hoán, Đại khiếu hoán, Tiêu nhiệt, Đại tiêu nhiệt… Tất cả khổ não ấy, ở đây đều có đủ và nhiều gấp trăm lần.
Lại còn hơn thế nữa: Ở chỗ đất bằng sắt, đầu mặt ở dưới, thân
ở trên, trên dưới lộn ngược luôn chuyển đổi. Diêm Ma La làm cho người ở địa ngục kia khổ não rất nhiều. Tội nhân bị khổ não không thể nào kêu la, không thể phát ra tiếng, không thể phát ra hơi, nửa thân dưới lại ở phía trên. Diêm Ma La lấy búa, rìu bén róc từ từ cho đến khi nào hết thịt chỉ còn lại xương, rồi lấy nước tro rửa xương ấy, làm cho rơi rớt cả, lúc này, người kia chỉ còn mạng sống mà thôi.
Sau đó bị bỏ vào vạc nước đồng sôi sùng sục, làm cho thân lúc chìm lúc nổi, lộn lên lộn xuống, nấu cho chín nhừ giống như những hạt đậu lớn nhỏ được nấu chín, hơi bốc lên che phủ khắp nơi không thấy gì cả. Nấu trong vạc sắt như vậy trải qua vô lượng trăm ngàn ức năm mà nghiệp ác vẫn chưa hoại, chưa tan, ảnh hưởng của nghiệp vẫn chưa dứt, luôn luôn không ngừng khổ.
Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi địa ngục đó. Được thoát ra rồi, trong một kiếp hay một kiếp giảm, thân lại bị đốt, chịu khổ não ít hơn trong địa ngục Atỳ. Một ngàn đời làm thân Ngạ Quỷ, sinh trong loài Ngạ Quỷ Trách sớ, bị đói khát bức bách thân.
Toàn thân luôn bị cháy giống như bó đuốc. Nếu người kia được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, lại trải qua một ngàn đời làm súc sinh, làm loài chim sống ở đồng hoang thường khổ sở đói khát như giá đa ca, hoặc các loài dã can, dế, sâu, cù đà, ngựa hoang, lừa hoang, nai… các loài súc sinh như vậy là do quả báo của nghiệp ác còn sót lại. Ra khỏi loài súc sinh, lại sinh làm người ở nơi hợp với nghiệp thì sinh tại quốc độ mặt ngựa, ba trăm đời bị chết trong thai.
Nếu có nghiệp ở quá khứ thì được sống không chết, mà bị bần cùng, bệnh hoạn, nhiều khổ não. Trong năm trăm đời không được làm thân nam. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, quan sát nơi chốn thuộc đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết lại có chỗ khác tên Vô bỉ ngạn thường thọ khổ não chịu khổ mãi không thấy bờ bên kia là chốn thứ ba trong địa ngục A tỳ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Năm - Phẩm Tướng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Mười Một - Vô Vi Phước Thắng
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi - Như Lai Thần Túc Hạnh
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Mười Một - Phẩm Ba Tiểu Kiếp