Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP
KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Lại nữa, pháp cốt yếu của Phật, bằng với văn tự đã giảng nói, cũng bằng với sự nhập vào của không mà văn tự đã giảng nói.
Thế nào là cửa không mà văn tự đã giảng nói?
Tất cả các pháp đều là cửa không.
Vì sao gọi là không?
Vì làm cho các pháp nơi vị lai không phát sinh. Vì nhằm diệt trừ sự đắm chấp nơi cửa dục của các pháp.
Sự độ thoát của cửa ấy là tuyên thuyết thông suốt gốc ngọn của các pháp một cách rốt ráo. Sự tu hành của cửa ấy là đối với tất cả các pháp không buông, không bỏ, chẳng mất, chẳng sinh. Danh xưng của cửa ấy là tất cả các pháp đã lìa tên gọi, nên tên nó vốn thanh tịnh, không đạt, không mất.
Sự nhẹ nhàng của cửa ấy là vượt qua tất cả sự mê lầm, khinh mạn của các pháp và nguyên do phát sinh cội nguồn ân ái, nhân duyên báo ứng. Sự thuận lợi của cửa ấy là nêu bày thông tỏ sự điều định, hàng phục của các pháp. Sự gắn bó của cửa ấy là hiểu rõ về tất cả pháp, làm phát khởi chỗ tịch tĩnh. Sự thiêu đốt của cửa ấy là thiêu rụi các pháp, khiến được thanh tịnh.
Sự tỏa sáng của cửa ấy là đối với tất cả các pháp không có chướng ngại, không đắm không thoát. Sự hướng đến của cửa ấy là đoạn trừ âm hưởng dội lại của các pháp, nhưng chẳng bỏ cội gốc. Chỗ như như của cửa ấy là hiểu rõ về cội gốc, chẳng tiến, chẳng động. Sự tùy thuận của cửa ấy là từ tất cả pháp mà phát khởi. Nơi chốn của cửa ấy là đối với tất cả pháp cũng không có nơi chốn, chẳng hủy hoại lo buồn.
Sự tạo tác của cửa ấy là chẳng thấy các pháp có chỗ tạo tác chủng tánh. Sự bình đẳng của cửa ấy là đối với tất cả pháp, phụng tu bình đẳng, nhưng không thoái chuyển. Sự cấu bẩn của cửa ấy là chấp các pháp đã xa lìa cấu uế, gốc ngọn không lỗi lầm.
Sự lãnh nạp của cửa ấy là thâu giữ các pháp mà không sở đắc. Ý chí thâm diệu, đối với sáu nhập và tất cả các pháp đều được vĩnh viễn tịch tĩnh. Bờ bến của cửa ấy là tất cả các pháp khiến vượt qua bờ kia, chẳng thấy kia, đây, độ, chưa độ. Sự sinh khởi của cửa ấy là chẳng bị các pháp sinh, già, bệnh, chết.
Sự tư duy của cửa ấy là tất cả các pháp đều là tịch tĩnh, chẳng niệm, chẳng xả, không đắm, chẳng chấp. Pháp của cửa ấy là pháp giới thường trụ, nhưng theo thời mà hưng hiển các kinh. Sự tịch tĩnh của cửa ấy là tất cả các pháp đều ở nơi yên tĩnh, vắng lặng, không có hoạn nạn. Sự rỗng lặng của cửa ấy là tất cả các pháp đều như Hư Không, không cội nguồn, không chỗ đứng.
Sự tận diệt của cửa ấy là các pháp đều diệt tận mà không thoái chuyển, vĩnh viễn tịch diệt. Sự an trụ của cửa pháp ấy là các pháp không động, không thể lay động. Trí tuệ của cửa ấy là do từ trí tuệ đó không có chốn tập, hành, đều không thể biết, cũng không không biết, không nghĩ, không thấy.
Sự tách rời của cửa ấy là tất cả các pháp không tương ưng, chẳng ứng hợp, cũng không hợp, không tan, ngôn từ thoáng đạt. Sự xiển dương của cửa ấy là tuy dạo khắp các pháp nhưng diệt trừ các cấu uế. Sự che khuất của cửa ấy là đối với tất cả pháp, trừ bỏ sự che khuất, làm cho hiểu biết về không, không bỏ sáu việc. Sự nhớ nghĩ của cửa ấy là đối với các pháp tiêu trừ chỗ phát sinh, chẳng nhớ, chẳng quên.
Sự dừng nghĩ của cửa ấy là các pháp đều do nhân không mà sinh, sợ hãi về các khổ duyên sinh. Sự trừ khử của cửa ấy là đối với tất cả pháp, xả ly chấp trước về đoạn diệt, hữu thường. Số lượng của cửa ấy là đối với các pháp đều chẳng nêu lên chỗ phát sinh, các số lượng đã có không nhiều, không ít.
Chỗ đứng của cửa ấy là tất cả pháp trụ nơi chỗ không trụ, dẹp bỏ các nơi chốn. Cái vô của cửa ấy là các pháp không đến, không đi, chẳng đứng, chẳng ngồi, chẳng dạo chơi, chẳng ngủ nghỉ, không tương ưng, chẳng ứng hợp. Sự đầy đủ của cửa ấy là đối với các pháp cái tồn tại đầy đủ là không sáu không độ, chẳng độ, cùng khắp các nơi, giống như hư không. Ấm của cửa ấy là đối với các pháp đều hiểu biết về năm ấm khởi hay không chỗ khởi.
Âm vang của cửa ấy là hiểu tất cả pháp không có âm thanh nghĩa là không có âm vang, vĩnh viễn lìa văn từ. Sự sai khác của cửa ấy là hiểu rõ các pháp, tuy ở trong phóng dật mà không dong ruổi. Sự bền chắc của cửa ấy là hiểu rõ các pháp, phá tan sự bền chắc, khiến vĩnh viễn diệt độ.
Sự tiêu trừ của cửa ấy là đều thấu đạt các pháp, hiểu rõ giới hạn, nhưng không có nơi chốn, không có đầu, cuối, cũng không có sinh, giống như Thế Tôn. Chấp vào văn tự thì không thể kham nhận, thêm nhiều ngôn từ cũng không sở hữu, lại cũng không có tên gọi văn tự, không ngôn ngữ, cũng không đàm luận, chẳng chấp nơi mục đích, không viết, không đọc.
Vì sao?
Vì đều là hư giả không thật. Các pháp như thế do đấy mà có nhập vào tổng trì. Dựa nơi cái không có ấy mà tuyên thuyết để dẫn vào không. Ai có khả năng hội nhập được như thế là gần với hạnh Bồ Tát, đối với văn tự sẽ hiểu rõ, không vướng mắc nơi dấu vết thì chẳng bị văn tự trói buộc, lần lượt phân biệt nguyên ủy của các pháp, chóng đạt được Thánh tuệ, nguyên do của âm thanh.
Giả sử Bồ Tát nhập vào Tích môn không ấn nơi văn tự ấy, hoặc nghe, hoặc thọ trì ghi nhớ, gắn bó vì người khác tuyên thuyết, tâm chẳng đọa lạc thì có khả năng trừ bỏ hai mươi kết sử:
1. Ý chí mạnh mẽ chẳng khiếp nhược.
2. Ý chí luôn thức tỉnh, chẳng bị hoảng hốt.
3. Có thể đi một mình, không bị tai nạn.
4. Tâm kiên cường, chẳng yếu đuối.
5. Chí luôn biết xấu hổ, đầy đủ sự hổ thẹn không gì bằng.
6. Ý chí có khả năng hiểu thấu, không gì là chẳng thông đạt.
7. Trí tuệ cao vời chiếu sáng khắp cả.
8. Ngôn từ biện tài, không có một lời vấp váp.
9. Đạt đến Tổng trì, ghi nhớ những điều đã nghe, chưa từng quên mất.
10. Trừ bỏ lưới nghi không có do dự.
11. Thông đạt chẳng ngần ngại.
12. Ngay chỗ đi hay ở, nơi đông người chẳng làm tăng hay giảm.
13. Ngôn từ nhu hòa, không ai là không kính trọng.
14. Nếu nghe lời nói thô tháo chẳng rầu buồn.
15. Tánh tình chẳng vội vã, nôn nóng mà thường an nhiên, thư thả.
16. Chỗ an trú sáng tỏ, phân biệt âm hưởng.
17. Hiểu rõ nhân duyên báo ứng nơi năm ấm, bốn đại, các nhập.
18. Phân tích các pháp một cách thông suốt và hiểu rõ các pháp, biết tâm niệm người để thuyết pháp cho họ.
19. Biết rõ về nơi chốn, chẳng phải nơi chốn, giới hạn và không giới hạn, thấu đạt trí tuệ, rõ biết phương tiện khéo léo, tùy thời khai mở giáo hóa.
20. Biết phân biệt các việc tiến, thoái, ra, vào, oai nghi, lễ tiết, biết hổ thẹn, cầm gươm rắn chắc có thể đi vào các cõi hưng phát đạo chánh chân vô thượng.
Văn tự được nêu bày này là cửa không ấn, hoặc nghe, hoặc thọ trì, giữ gìn, đọc tụng thì người có đạt được mười công đức:
1. Đời sinh ra không thọ thân nữ.
2. Trừ bỏ các nạn và tám chốn không yên tĩnh.
3. Tại chỗ đi và ở thường được nhàn hạ, chẳng vội vàng, hấp tấp.
4. Thường gặp đời có Phật, được thấy Thế Tôn, lòng sinh vui mừng.
5. Tâm ý an nhiên, cúng dường bậc Đại Thánh.
6. Đức Như Lai thấy chỗ tâm thành nên thuyết giảng Kinh Điển.
7. Nghe Như Lai nói xong liền phụng hành.
8. Tìm cầu được ngay, vững vàng không thoái chuyển.
9. Hiểu rõ không tuệ đạt pháp nhẫn vô tùng sinh vô sinh.
10. Mau chóng thành tựu đạo chánh chân vô thượng. Đó là pháp cốt yếu của Phật.
Lại nữa, nêu bày về pháp cốt yếu của Phật là bình đắng nơi ba đời, làm nghiêm tịnh ba đạo tràng đạt vô sở sinh, hiểu pháp chân đế, thấu rõ ba cõi, hết dâm, nộ, si, an nhiên, không ham thích, không đoạn, không thường, không ở, không trụ, quy ba thừa về một cửa, thông đạt các pháp, không điều tranh cãi, đạt đến chỗ cao tột, không đi, không bước, không tư tưởng, không so sánh.
Lại xét về Phật là chưa từng giác ngộ, đạt Tối Chánh Giác, chẳng xét đoán các pháp, chẳng biết, chẳng đắc.
Phật chẳng đạt tuệ, cũng chẳng không có tuệ, chẳng hợp với trần lao, cũng không sân giận, cũng chẳng thủ chứng, chẳng đắc, chẳng ngại, cũng không chỗ hành, chẳng trụ nơi bình đẳng. Phật chẳng đắc đạo, cũng không có cái mất, không pháp, không chúng. Phật chẳng đắc Phật, chẳng tưởng Bồ Tát, chẳng mở, chẳng trói. Tất cả chúng sinh vốn rất thanh tịnh. Phật chẳng thấy pháp, chẳng nghe, chẳng niệm, cũng không dạy gì.
Phật không nói gì, cũng không ngôn từ. Hiểu rõ về Chư Phật chính là biết về vô ngôn, lúc đầu chẳng diễn nói, ở đời vị lai cũng không chỗ nêu bày, chẳng dạy người nói, không tuệ, chẳng tuệ. Phật chẳng phải là Bậc Thế Tôn, cũng chẳng phải là hoàn toàn thanh tịnh với đức của Thế Tôn.
Phật chẳng ăn uống, chẳng bố thí cho người ăn. Phật không có thân, cũng không hình thể, chớ quán Như Lai có sắc thân, không tướng, không hảo, không có Kinh Điển cùng với pháp giới. Phật chẳng xuất hiện, cũng chẳng thường tồn, chưa từng diệt độ, cũng không có chỗ diệt.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp là vĩnh viễn diệt độ vắng lặng. Phật chẳng độc cư, chẳng ở với đại chúng, không thể thấy Phật, cũng không nghe nói, không có cúng dường. Xét pháp của Chư Phật không có từng ấy, cũng chẳng phải có một. Phật chẳng đắc đạo, chẳng cầu nơi chốn, chẳng chuyển pháp luân, cũng chẳng thoái lui, Phật như giả hiệu.
Xét về Như nơi Phật, âm thanh cũng Như, quá khứ, vị lai âm hưởng không khác. Quá khứ, vị lai bình đẳng, sự bình đẳng ấy không thiên lệch. Đã không thiên lệch. Thì cái vô kia là vô lượng. Cái vô kia là vô lượng thì nó không tử vong. Do chỗ không tử vong kia nên chẳng hành y dược. Đó là pháp cốt yếu của Phật.
Nhằm để truyền bá pháp Phật đã giảng nói, là vì thương xót muốn cứu độ chúng sinh. Phật không kết tập pháp cốt yếu, cũng không phân biệt, cũng chẳng giảng luận về ý nghĩa của pháp cốt yếu.
Đức Như Lai Thiên Vương khi giảng thuyết về ý nghĩa của Kinh Điển thuộc pháp cốt yếu của Chư Phật, có một vạn hai ngàn Bồ Tát ở Thế Giới đều chứng đắc pháp nhẫn không từ đâu sinh. Bấy giờ, các vị Bồ Tát đều chẳng tự thấy bao nhiêu ức Phật, chỉ có thấy một Đức Phật là Như Lai Thiên Vương.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở Thế Giới Kham nhẫn, tự suy nghĩ: Hôm nay, Chư Phật Thế Tôn ở mười phương Thế Giới như cát Sông Hằng, đều vân tập tại trụ xứ của Phật Thiên Vương ở phương Đông, cùng tuyên dương pháp cốt yếu của Phật. Ta nên đi đến Thế Giới ấy để chiêm ngưỡng Chư Phật và học hỏi, thọ trì Kinh Điển.
Ta thường đi đến khắp mười phương Thế Giới kính lễ Chư Phật và nghe thuyết pháp. Nay đây, quý Ngài đều vân tập tại một Cõi Phật là cơ hội khó gặp, rất hiếm, chưa từng có. Như vậy giống như bậc Thánh vô thượng xuất hiện ở đời, chẳng thể gặp lại, khó có thể thấy, nghe.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Bồ Tát Di Lặc: Bồ Tát có thể cùng tôi đi đến cõi của Đức Phật Thiên Vương, nơi ấy có vô số trăm ngàn ức Phật đã vân tập đến, đều cùng tuyên dương pháp cốt yếu của Chư Phật, nên cùng đến đó để nghe, thọ trì và chiêm ngưỡng Chư Phật.
Vì sao?
Vì các bậc Đại Thánh đều vân tập tại một nơi khó có thể gặp được.
Bồ Tát Di Lặc đáp lời Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát muốn đi thì cứ lên đường, còn tôi thì không đi.
Vì sao?
Vì Chư Phật vân tập, hội đủ đạo đức cao vời, chẳng thể lấy gì ví dụ, thân chẳng thể, cũng không thể thấy hình, nghe tiếng.
Lại nữa, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Chớ quán chư Như Lai bằng hình sắc, Phật là pháp thân, pháp thân thì không thấy, không nghe, không có sự nuôi dưỡng.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bồ Tát không cúng dường Như Lai sao?
Bồ Tát Di Lặc đáp: Tôi không cúng dường.
Vì sao?
Vì Như Lai Chí Chân thì không thể cúng dường. Vốn không có Như Lai nên không có hai.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Cái gọi là cái không có hai ấy là gì?
Bồ Tát Di Lặc đáp: Cái không hai ấy là không chấp trước, chẳng thể cân đo, không có số lượng. Nói không hai là chẳng tạo hai nghiệp.
Hai nghiệp là gì?
Phiền não ấy là ôm lòng sân hận, phát khởi các tri kiến sinh diệt thế này: Đây là giữ giới, đó là hủy giới, vọng tưởng kia, đây gọi đó là hai. Đây là Thanh Văn, đó là Duyên Giác, kia là Đẳng Giác, vọng tưởng như thế là tạo ra hai. Đây là Thanh Văn, là Duyên Giác, là Phật, mang ý tưởng như thế gọi là hai. Nên dứt trừ điều này phụng hành pháp nọ, chứng ngộ pháp kia, đó là hai.
Phân biệt kia là tuệ kia là chẳng phải giải tuệ. Giả sử Bồ Tát Văn Thù nghĩ chấp hai loại tuệ ấy, ý chí đặt ở việc tiến thoái, cho đến chấp Phật, tức là tạo hai nghiệp. Dù suốt một kiếp hay hơn một kiếp tôi giảng nói về hai nghiệp với tài hùng biện cũng không cùng tận được.
Vì sao?
Vì chấp vào cái hai nhưng thật không có hai. Quả quyết nêu rõ là đều nhập vào một nghĩa vì tất cả các pháp đều không có số lượng.
Bồ Tát Văn Thù nói: Nay nhân giả đang rơi vào sự điên đảo lớn. Tất cả các pháp đều không có chỗ phát sinh, gắng gượng phân biệt, với biết bao ngôn từ, rồi trở lại than thân là suốt một kiếp hay hơn một kiếp tôi biện thuyết cũng không hết.
Bồ Tát Di Lặc đáp: Dựa vào văn tự mà nói là có chấp trước. Quán xét tất cả pháp thật không có tướng sinh, chỗ sinh, chẳng thể lay động.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp