Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP
KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN NĂM
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi gọi các Bồ Tát khác, các thiện nam cùng đến chỗ Phật Thiên Vương để chiêm ngưỡng các Đức Như Lai, lãnh hội, thọ trì giáo pháp. Bồ Tát Biện Tích hỏi Bồ Tát Văn Thù: Như Lai Chí Chân chẳng thể thấy được.
Vì sao Nhân giả nói ra lời này: Nên cùng đến chiêm ngưỡng Như Lai?
Như Lai ở đâu mà muốn gặp?
Đã từng nghe Phật dạy: Như Lai Chí Chân không đi, không đến. Nay thiết nghĩ, pháp ba đời đều rỗng lặng, không có, nên chẳng thể thấy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có lời giảng nói này: Đến để chiêm ngưỡng Như Lai, vậy dùng loại mắt nào để chiêm ngưỡng Như Lai?
Nhục nhãn thấy chăng?
Hay dùng thiên nhãn?
Nếu dùng nhục nhãn thì nhục nhãn không thấy.
Vì sao?
Vì nhục nhãn là không. Đã là không thì không có cái thấy. Nếu dùng thiên nhãn thì thiên nhãn không có niệm tưởng, chẳng dùng niệm tưởng để có thể thấy Như Lai.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo: Như thiện nam nay đã suy nghĩ, không có Như Lai, cũng không có Kinh Điển, không thấy, không cúng dường. Như chủ ý của Bồ Tát Biện Tích đã nói thì đâu có thể giảng thuyết, phân biệt bằng ngôn từ về Chư Phật Như Lai.
Chúng sinh qua lại cúng dường, phụng sự đều là văn tự giả lập, văn tự vốn rỗng lặng, vì vậy gọi đó là bình đẳng. Như Lai không ngôn thuyết, không căn nguyên, không động chuyển, vốn tự rỗng lặng nghĩa là hai sự việc trên đều bình đẳng. Như Lai không ngôn thuyết, không căn nguyên, không động chuyển, ai mà lãnh hội được thì có thể cùng đi, còn ai không đi thì thôi, ta sẽ đi một mình.
Vô hình mà hiện hình
Cũng chẳng trụ ở sắc
Muốn khai hóa chúng sinh
Hiện thân có giáo huấn.
Phật hội nhập vô sắc
Cũng chẳng chấp hữu vi
Đều độ khắp tất cả
Nên Đạo Sư hiện thân.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vì khát khao pháp Phật nên không thấy mệt mỏi, tự đi một mình, không bạn bè. Do thần lực của Phật ngăn cản khiến cho hội chúng kia không một người đi theo. Bồtát Văn Thù Sư Lợi trong chốc lát, như khoảnh khắc co duỗi cánh tay, bỗng nhiên biến khỏi Thế Giới Kham nhẫn, đến chỗ Phật Thiên Vương nơi cõi .
Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nhiễu vòng quanh Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới bảy vòng, kính lễ Chư Phật, lui ra ngồi một bên.
Bấy giờ, phía phải của Như Lai Thiên Vương có một nữ nhân tên là Ly Ý đang ngồi kiết già, nhập định Tam Muội Phổ nguyệt ly cấu quang minh chánh thọ.
Phật Thiên Vương suy nghĩ: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi được Chư Phật khen ngợi là vào sâu nhẫn nhục, hành theo không tuệ, không ai sánh kịp, dùng hư tĩnh, vắng lặng làm công đức, nay từ Thế Giới Kham nhẫn khởi tâm đến đây là rơi vào đại điên đảo, quá chấp vào ngã nên mới tìm đến, ta nên cho lui đứng trên đỉnh núi Thiết vi. Do đó, nay ta giảng nói pháp thâm diệu vô cực, sẽ vì các chúng Bồ Tát ở đời vị lai mà hiển bày đại quang minh.
Vì sao?
Vì pháp của Chư Phật là chẳng thể nghĩ bàn, sáng chói vô lượng, sâu xa chẳng thể đạt tới. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nghe rộng bậc nhất, đạo tuệ siêu việt, như mười phương hư không nên hãy khiến trụ ở đỉnh núi Thiết vi, như vậy mới có thể tạo sự phát khởi nơi tất cả chúng sinh.
Đức Như Lai Thiên Vương bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Ông đến đây là muốn xem gì?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Bạch Thế Tôn!
Con ở Thế Giới Kham nhẫn, tâm niệm: Chư Phật ra đời rất khó được gặp. Giảng thuyết Kinh Điển cũng lại khó gặp. Chư Phật nơi mười phương số lượng chẳng thể tính đếm, trăm ngàn ức năm mới vân tập đến Thế Giới, tuyên thuyết pháp yếu, ta nên đến đó để chiêm ngưỡng Như Lai và nghe thuyết pháp. Vì pháp, nên con đến Cõi Phật này.
Như Lai Thiên Vương liền nhập định tam muội chánh thọ Như kỳ tưởng, hiện bày thần túc dời Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi tự nhiên đứng trên đỉnh núi thiết vi mà Bồ Tát Văn Thù chẳng hay biết ai đã đưa mình lên đỉnh núi này.
Khi ấy, Bồ Tát tự nghĩ: Thật quái lạ, ta đang ở trong đại chúng vời vợi khó lường, oai thần thù thắng, nơi đạo tràng nghiêm tịnh của các bậc Đại thánh, bỗng nhiên đến đứng tại đỉnh núi Thiết vi này.
Ai làm việc ấy. Suy nghĩ xong liền biết: Như Lai Thiên Vương đã làm việc này.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại nghĩ: Điềm lành này có là do sự thần biến, nên đang ở trong đại chúng, tự nhiên lại lên đứng ở chốn này. Nữ nhân Ly Ý ngồi bên phải Đức Như Lai Thiên Vương chẳng bị dời, chỉ một mình ta bị chuyển thôi.
Nữ nhân kia, hầu như vô đức, vốn ngây thơ, đơn độc mà sự thâm nhập nơi pháp nhẫn Tổng trì vô tận vượt hơn ta chăng?
Vì sao chẳng dời nữ nhân kia mà lại dời ta?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại nghĩ: Nay ta hiển bày oai lực thần túc, biến hóa theo Thánh tuệ vô cực, biểu hiện đạo lực để trở lại chúng hội.
Tức thì dùng định tam muội chánh thọ Như kỳ tượng để hiện thần túc, trong khoảng khởi niệm, vượt qua hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông, nhưng chẳng thể rời xa Thế Giới của Đức Phật kia dù chỉ bằng sợi lông, huống chi là nhập vào lại Phật hội, là việc chưa từng có. Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại đến vô lượng Thế Giới trong mười phương, tri triển thần biến của đạo lực oai thế, nhưng chẳng thể trở lại nhập vào Phật hội.
Vì sao?
Vì do oai thần của Chư Phật kiến lập. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đến khắp vô số ức trăm ngàn cõi nước nơi mười phương, nhưng nhìn lại vẫn đứng trên đỉnh núi Thiết vi.
Bồ tát nghĩ: Chư Phật, Thế Tôn đã lập Thánh chỉ, oai thần vô lượng, đạo lực cao xa, chẳng thể vượt qua. Thần túc của ta, chẳng thể sánh kịp, chẳng thể thi triển uy lực cùng hiển bày thần túc.
Vì sao?
Vì Chư Phật thuyết pháp không bao giờ hư vọng. Một mình đến mười phương không có bè bạn, chỉ có thân ta thì chẳng bì kịp, đến nỗi làm cho chẳng được nghe pháp, thọ trì giáo pháp. Pháp của chư Như Lai chưa từng chống trái nhau. Tâm bình đẳng của Chư Phật luôn hướng đến chúng sinh, thì ta đâu có thể đứng trên đỉnh núi Thiết vi này mà tu tập định ý chánh thọ, bốn ý chỉ.
Bồ Tát VănThù Sư Lợi lại nghĩ: Thế nào gọi là ý chỉ?
Nghĩa là không có ý nghĩ, chẳng nhớ đến các pháp. Các pháp không có xứ sở, cũng chẳng phải là không trụ.
Vì sao không trụ?
Vì không có xứ sở. Như vậy thì cái gì tạo sự vận hành nơi các pháp thông suốt từ xưa đến nay?
Chốn có thể trụ, cũng không có chỗ trụ, đó là chỗ trụ. Bốn ý chỉ này trụ nơi không có chỗ trụ, đó là không ý cũng không có chỗ nhớ nghĩ.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khi tu theo bốn ý chỉ ấy thì có bốn vạn hai ngàn Thiên Tử… đi đến chỗ Bồ Tát cúi đầu đảnh lễ, rải các hoa hương nơi Cõi Trời để cúng dường, rồi lui ra đứng qua một bên.
Khi ấy có Thiên Tử tên là Quang Minh Tràng hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Vừa rồi Bồ Tát nhập định nào, tu tập đạo hạnh gì mà được hưng khởi?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử nay hỏi ngược lại ta là dùng những định nào để tu hành, mới được hưng khởi?
Định để tu hành là chỗ chẳng sở đắc của Chư Phật Đại Thánh. Hàng Thanh Văn cũng vậy, dùng định ý ấy mà tu hành theo. Do sự tu tập định này, nên khiến cho các chúng sinh, dâm, nộ, si đều luân theo sự tu tập của ta.
Thiên Tử Quang Minh Tràng hỏi: Tu hành theo loại nào là chỗ chẳng sở đắc của Chư Phật Đại Thánh?
Đáp: Tu hành về không, vô tướng, vô nguyện là chỗ chẳng sở đắc của Chư Phật Đại Thánh.
Thiên Tử lại hỏi: Chỗ chẳng sở đắc của Chư Phật Đại Thánh, nay Nhân giả tu hạnh này chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Giả sử có hạnh thì ta sẽ tu tập hạnh đó. Nhưng cái hạnh để hướng đến thì vĩnh viễn, không có.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều vắng lặng.
Thiên Tử hỏi: Dùng những định nào để tu hành theo bốn ý chỉ?
Thiên Tử lại hỏi: Cái gì gọi là ý chỉ vì tất cả các pháp là không ý, không niệm?
Thiên Tử lại hỏi: Giả sử không ý, không niệm thì có cái gì để làm hạnh?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Không ý, không niệm là hạnh đệ nhất, chỉ có hạnh này là hạnh bình đẳng. Hạnh ấy bình đẳng nên không thiên lệch, phe nhóm. Đã không thiên lệch, phe nhóm, thì không có năm đường. Đã không có năm đường thì chẳng thấy gốc si. Đã không có gốc si thì chẳng sinh tuệ minh. Chẳng sinh tuệ minh thì có không có sự phát khởi.
Đã không có sự phát khởi thì không có sự hủy hoại. Đã không có sự hủy hoại thì không có luật nghi. Đã không có luật nghi thì không có sự thành tựu. Đã không có sự thành tựu thì không có sự hoại diệt. Đã không có sự hoại diệt thì gọi đó là xưa nay thanh tịnh, là hạnh Hiền Thánh, vĩnh viễn xa lìa trần lao.
Lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Trần lao là gì?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Tâm thức thoái chuyển, ưa thích Phật tuệ, gọi là trần lao. Lãnh nạp tư tưởng mà chấp là có thân, có chỗ nương tựa, rồi khởi tư duy, kiêu mạn, tự đại. Có chỗ nương tựa thì mến ưa, hy vọng, thệ nguyện, tính toán, so đo, mưu xét xa gần, tư duy quán xét nghĩ là nên hay chẳng nên, trừ bỏ cống cao rồi chấp có sự trừ bỏ, tâm nghĩ thường còn.
Đối với các không chỗ thọ, bám trụ thọ nhận, cho là kiến giải. Nắm lấy sở hữu, nhận vô sở hữu cho đến buông lung mọi suy xét, đùa cợt, cân lường, tâm muốn đạt bình đẳng. Chấp các hạnh như thế, đối với Thánh pháp luật đều là trần lao.
Khi ấy, Thiên Tử Quang Minh Tràng khen ngợi: Hay thay, hay thay! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khéo nêu bày những lời như thế, mới có thể dùng bốn hạnh ý chỉ ấy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại nói: Không được vọng tưởng. Đối với các pháp danh sắc đều không có sự phát sinh, cũng không có chỗ hình thành. Lại không hiện tại, cũng chẳng ngôn từ.
Nên tùy thời mà nói thì các pháp không trụ, cũng chẳng không trụ, thì sao lại khen hay?
Lại nữa, Thiên Tử! Chẳng nói về ý chỉ thì chẳng thể nêu bày cũng không thể giảng khiến cho ngôn từ đạt mục đích.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều không có đối tượng được thuyết giảng. Muốn tuyên thuyết các pháp thì chẳng thể phân biệt, chưa từng có sự giảng dạy, tất cả đều tùy thời mà mở bày giáo hóa.
Thiên Tử Quang Minh Tràng hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Trước đây đã nói, thuận theo trụ xứ của hàng phàm phu ngu tối hành dâm, nộ, si trụ ở hạnh ấy mà hưng khởi.
Vậy phàm phu ngu tối trụ ở chỗ nào mà hành dâm, nộ, si?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Phàm phu ngu tối trụ nơi vô sở hữu mà hành dâm, nộ, si. Đứng nơi pháp giới thì ở bản tế mà trụ chỗ không gốc.
Vì sao?
Thiên Tử nên biết, pháp giới hiện hữu là chẳng thể phân biệt, cũng chẳng thể nêu bày. Không gốc, nên bản tế cũng giống như vậy.
Thiên Tử hỏi: Bản tế là gì?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Cội nguồn của chúng sinh gọi là bản tế.
Thiên Tử lại hỏi: Cội nguồn của chúng sinh là gì?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Cội nguồn của sinh tử là cội nguồn của chúng sinh.
Thiên Tử lại hỏi: Đối với họ, cái gì là gốc của sinh tử?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Nguồn gốc của hư không là nguồn gốc của sinh tử: Giống như cảnh giới hư không của Thiên Tử, bản tế không có đoạn diệt, không có bến bờ, không dài, không ngắn, không thô, không tế, không rộng, không hẹp, không xa, không gần, không vuông, không tròn.
Cái tên hư không ấy là giả có, thật không có danh. Tất cả các pháp cũng lại như vậy, giống như hư không chỉ có giả danh. Cũng như hư không, chẳng sinh, chẳng thọ, chẳng bệnh, chẳng già, lại cũng chẳng chết. Cũng không vãng sinh, không có vọng tưởng, chẳng ôm sân hận, không cái mất, cũng chẳng không mất, chẳng đắm vào đâu, chẳng gồm lo sầu.
Tất cả các pháp đều là hướng về. Cái bản tế duy nhất ấy cũng không về đâu, không có số đếm.
Thiên Tử nên biết! Tất cả các pháp không tiến, không thoái, không hợp, không tan, chẳng thể suy lường, không có nơi chốn.
Vì vậy, này Thiên Tử! Tất cả các pháp đều không nơi chốn, không có chí nguyện, không dẫn dắt, cũng chẳng không dẫn dắt, không có quy luật. Đó là tất cả các pháp đều bình đẳng, không thiên lệch phe nhóm, nên gọi là không gốc, vốn là không như thế.
Khi giảng nói lời này rồi, các chúng Thiên Tử đều đạt được pháp nhẫn không từ đâu sinh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba