Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Mốt - Hành Không - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

HÀNH KHÔNG  

TẬP BA  

Bài tụng rằng:

Sinh, già, bệnh, chết đến

Còn chẳng tự tại được

Địa chủng ngoài cũng thế

Băng hoại thường tăng giảm.

Các duyên trong thành thân

Đại chủng ngoài cũng vậy

Như thật quán sát kỹ

Thì biết không có ngã.

Người tu hành tự nghĩ tâm ta thế nào?

Từ lâu xa đến nay bốn đại đều không, mà ngược lại cho là ngã sở. Ví như mùa hạ nóng bức, trong sáng không mây, đi trên đồng vắng, xa thấy bóng nắng. Khi ấy sức nóng của đất như rải than đỏ, vì không có nước, cỏ cây đều khô, giống như đất cát vào giữa trưa cực nóng.

Hoặc có khách buôn thất lạc đồng bọn, đi sau một mình, đầu không đội nón, chân chẳng đi giày. Thân thể, mặt mũi, mồ hôi nhễ nhại, môi miệng khô rát, thân như thiêu đốt, miệng há, lưỡi thè, cực kỳ khát nước.

Nhìn trông bốn phía, tâm thần mê hoặc, xa thấy bóng nắng tưởng đó là nước, cho là dòng nước chẳng còn bao xa, bên cạnh có cây cùng bao loài chim le le, nhạn, uyên ương tung tăng trong ấy. Ta nên đến đó tự trầm mình xuống, để hết nóng bức cùng mọi thứ dơ bẩn nơi thân, giải trừ được cái khát kịch liệt và sự mệt nhọc.

Bấy giờ, người ấy sau khi nghĩ như vậy rồi ra sức chạy nhanh đến chỗ bóng nắng, thân thể rũ liệt lại càng thêm khát, lâm cảnh khốn đốn, hơi thở hụt hẫng, tâm thần bấn loạn, liền nghĩ: Ta tưởng nước gần chạy đi cả mấy dặm mà chẳng đến chỗ nước, vậy đó là cái gì?

Cái mà ta đã thấy đúng là nước sông hay là ta lầm chăng?

Rồi tiếp tục tiến buớc, ngày càng ngã về chiều, khi ấy trời mát dần chẳng thấy bóng nắng, chẳng còn có loại nước kia, tâm liền tự biết đó là do sức nóng chói chang tạo nên. Vì ta quá khát xa thấy bóng nắng lại cho là nước.

Bài tụng rằng:

Xa thấy ánh sáng chói

Cho đó là dòng nước

Khốn đốn vì quá khát

Nên gọi đó là sông.

Về chiều trời mát dần

Nhìn kỹ hiện tượng ấy

Mới biết là bóng nắng

Ta lầm cho là nước.

Người tu hành tự nghĩ: Ta vốn cũng vậy, vì khát tình dục, truy tìm chẳng nghĩ, chấp đắm vào tình yêu chung thủy, trở lại tự thiêu đốt, mê chấp tưởng nghi, lưới si, bị kiến chấp sai lầm, huyễn hóa che khuất.

Ta từ lâu xa lầm là có tâm ấy, tham lam chấp ngã, cho đó là của ta. Nay đã biết rồi, xét kỹ cái thấy, thì cái thấy tưởng có thân từ đây đã dứt trừ. Nay thấy sáu phần không có cái ngã của ta.

Quán sát một sợi lông, sợi tóc hoàn toàn không thấy có, huống gì trong sợi lông của cơ thể thấy được các vật?

Phân tích một sợi lông trên thân đã có biết bao nhiêu là chuyện để nói, huống la giảng luận cả đại địa?

Bài tụng rằng:

Tự xem thân mình là có ngã

Như người ngu khát nước thấy nắng

Biết sáu phần chẳng phải ngã sở

Người có tâm ấy hợp với đạo.

Người tu hành lại nên tư duy: Người ngu chẳng biết nen khởi tâm sinh tưởng ngã ấy là của ta. Ý niệm ấy là các tưởng tà hạnh. Lúc mới khởi gọi là niệm, sau khi khởi gọi là hành. Suy nghĩ rồi tâm mới động, khiến miệng phát ra lời.

Dựa vào thân bốn đại cho là ta có ngã, nhưng việc ấy đều là không, không có ta, không có ngã, chỉ là ấm khởi, nguồn gốc của các nhập, do vậy mới có thân, nhân đó gọi tên là người. Người trượng phu xem hạt thì biết là mầm.

Loài có răng thì ý chí phát động từ bên trong, do gió có tiếng khiến lưỡi phát ngôn. Ví như dòng nước lớn từ núi cao chảy xuống, vang động êm ả. Hành giả nghe cũng như tiếng vang trong núi sâu kêu lên vọng lại. Lưỡi của người có lời nói vốn là từ tam phát khởi cũng giống như vậy.

Bài tụng rằng:

Nương vào các chủng, tưởng các pháp

Vốn do nghĩ tà khởi ý niệm

Do thân trưởng thành có ngôn thuyết

Phát ra nhiều nghĩa như suối nguồn.

Người tu hành lại nên tự nghĩ: Thân tứ đại ấy vốn không có ta, không có ngã, trở lại làm hại nhau. Ví như người giàu có vô số của cải nhưng có bốn oan gia.

Bốn oan gia nghĩ rằng: Người này rất giàu, của cải chẳng ít. Đất đai, nhà cửa, đồ vật vô lượng. Nô tỳ, người ở không thiếu gì. Bà con, bằng hữu cũng đều giàu có. Chúng ta đã nghèo, lại không có thế lực, chúng ta chẳng thể báo oán người này được. Phải dùng phương tiện lòn cúi người này.

Nên lấy lý do gì để thanh đạt phương kế?

Thường gần gũi hắn mới có thể báo oán được?

Bấy giờ, bốn oan gia giả đến quy thuận, người nào cũng nói: Chúng tôi vì Nhân giả mà tận lực phục dịch, xin làm nô tỳ, muốn làm việc gì, xin sự sai bảo. Người nhà giàu ấy liền thâu nhận, xem họ như kẻ thân tín, khiến ở bên mình. Bốn người kia, kính cẩn, tối ngủ sáng dậy đều sợ sệt khép nép vòng tay.

Các việc làm nặng nhọc đều làm trước hết, không né tránh khó khăn. Người giàu ấy thấy bốn người kia cung kính tuân phục, trung thực, hòa nhã, mới đem lòng thương yêu hết mực, cho bốn người ấy là bạn thân của mình, không ai hơn được.

Ngồi tại chỗ ngồi trên chiếu, khen ngợi rằng họ là bạn thân của ta, cũng như anh em, con cháu không khác, họ có thể làm việc cho ta hoàn toàn không trái ý. Đã có lời khen ngợi như thế rồi, ăn uống cùng chén bát, ra vào cùng xe.

Bài tụng rằng:

Bằng nhiều cách gần gũi

Dẹp kiêu mạn, chẳng nghịch

Lòn cúi như gia nô

Phục tùng, khiến hoan hỷ.

Oán đâu thể làm vậy

Đều là do thù xưa

Đời này gây hiềm khích

Đeo theo như bạn thân.

Bấy giờ, người giàu kia gần gũi với bốn kẻ oán, lòng chưa từng tẻ nhạt.

Về sau, có việc cùng với bốn người này, từ thành đang ở muỗn đi đến huyện khác, bọn họ cùng lén bàn luận: Người này từ lâu là kẻ thù của ta. Nay nó đã nằm trong tay ta. Giờ thì tại nơi đồng vắng không có người, ở khoảng này trước sau bị hại chẳng phải là một.

Nay, con đường cách xa thành ấp, cách xa huyện, trước sau không ai, hai bên cũng không kẻ canh gác, không có mục đồng, không người lấy củi, không kẻ đi săn. Vào lúc đứng bóng như vậy, mãnh thú còn nghỉ ngơi huống là người đi đường lo ngại về nguy hiểm. Khi ấy, bốn kẻ oan gia nắm tóc người giàu nọ vật nằm xuống đất, đè lên ngực vạch rõ tội xưa.

Người thứ nhất nói: Vào thời gian nọ, mày giết cha ta.

Người thứ hai nói: Mày đã giết anh ta.

Người thứ ba nói: Mày đã giết con ta.

Người thứ tư nói: Mày đã giết cháu ta.

Nay đã bắt được mày rồi phải chặt ra từng khúc, cắt đầu bổ ra từng mảnh, mày hãy tự soát xét bản tâm đã từng làm điều gì đều phải suy nghĩ lại. Nay mày mất mạng, đến ngục của Diêm La.

Bấy giờ, người giàu mới biết, những người này là oan gia của mình mà mình lại cho là bạn thân. Lúc đầu đến phụ giúp, mình tin tưởng thương yêu họ, cho ăn uống vui chơi không tiếc, xem họ như con, mong ước là tat cả đều được vinh hiển trong tương lai.

Nhưng từ lâu, chúng đã rắp tâm muốn hại nhưng mình chẳng hay biết. Nay nắm đầu vật xuống đất, kể bao nhiêu tội lỗi cũ, xẻo tai, mũi và chặt tay chân, lóc da, cắt lưỡi, mới biết rõ các kẻ kia là oán thù của mình.

Bài tụng rằng:

Con người đến với nhau

Oan gia giống bạn lành

Miệng hòa, tâm ôm độc

Như tro phủ than đỏ.

Quá tin không đề phòng

Lóc da như giết dê

Người ấy tâm mới biết

Là oán chẳng phải thân.

Người tu hành cứ như thế mà quán nghĩa này: Ta vốn tự cho bốn đại địa, thủy, hỏa, phong thuộc về ta. Nay quán xét kỹ chúng, mới biết rõ đó là oan gia nối kết với nhau bằng dây xích xương.

Vì sao?

Vì nước trong than tăng hoặc giảm, khiến sinh bệnh rét, có một trăm lẻ một thứ khổ, vốn từ thân phát ra rồi trở lại tự hại thân. Nếu làm cho lửa trong thân có sự chuyển biến thì sinh bệnh sốt, chịu một trăm lẻ một nỗi đau, vốn từ thân phát ra rồi trở lại tự hại thân.

Nếu gió phát khởi thì bị bệnh phong, chịu một trăm lẻ một thứ đau nhức. Nếu đất biến động thì nhiều bệnh phát sinh, đó là bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh cùng phát. Bốn đại của thân như thế đều là oán thù, đều chẳng phải ngã, quả thật đáng nhàm chán. Người sáng suốt nên vứt bỏ, chưa hề ham muốn.

Bài tụng rằng:

Lửa có sẵn trong cây

Cọ nhau lại tự cháy

Bốn đại chủng cũng vậy

Chẳng hòa nguy đến thân.

Người sáng suốt quán kỹ

Biết rõ nguồn gốc chúng

Bốn đại trong là không

Là oán, vui nỗi gì.

Người tu hành tự tư duy: Ta quán bốn đại chủng thật chẳng phải là ngã sở.

Nên quán đại chủng không gồm có những loại nào?

Không có ở thân, thân có ở không.

Những gì gọi là đại chủng không?

Không có hai thứ: Không bên trong và không bên ngoài.

Những gì gọi là không bên trong?

Ở trong thân, các chỗ thuộc khoảng trống của mắt, tai, mũi, miệng, thân, tim, ngực, bụng ruột bao tử, các lỗ xú uế, các khoảng trống trong xương, các mạch, bắp thịt co giật, những nơi ấy gọi không bên trong.

Bài tung rằng:

Các lỗ nơi hoa sen

Không trong thân cũng vậy

Xương, thịt, da, nơi giật

Không khác không trong thân.

Người tu hành nên khởi quán thế này. Các khoảng trống trong thân đều gọi là không. Ý niệm chẳng khởi từ không ấy, chẳng cùng kết hợp.

Vì sao?

Vì ý từ tâm khởi, ý này nối tiếp ý khác không dứt, vốn do sự tiếp xúc phát sinh. Do cái ý pháp ấy sẽ tự quán tâm, quán tâm người khác, tâm cũng không có không, không có chỗ nương tựa. Dùng trí ba đạt quán sát quá khứ, vị lai, hiện tại đều không sở hữu.

Với bao nhiêu phương tiện quán sát cái không bên trong vĩnh viễn chẳng thấy thân. Vì vậy, cái thân bên trong không có cái ngã của ta.

Bài tụng rằng:

Quán không bên trong ở chỗ nào

Chẳng tìm thấy ngã như mảy trần

Vì vậy trong thân tâm ý thức

Ví như bóng tối, chỉ có danh.

Người tu hành nên quán thế này: Đã thấy cái không bên trong hoàn toàn không có sở hữu, lại nên quán cái không bên ngoài là những loại nào, có ngã, ngã có nương vào chúng chăng?

Cái gì gọi là cái không bên ngoài không liên quan đến thân?

Cái không có hình sắc, không thể nhìn thấy, cũng chẳng thể nắm bắt, không có thân hình chẳng dẫn dắt kiềm chế, chẳng bị bốn đại chủng che phủ.

Do Hư Không ấy mà phân biệt bốn đại. Y vào đó mà qua lại, ra vào, tới lui, lên xuống, đi đến, co duỗi, cử động, xuống sâu, lên cao, gió xoay vần được, lửa đỏ, núi đổ. Nhật nguyệt tinh tú quây quần chung quanh, nương vào đó mà vận hành được. Đó là cái không bên ngoài.

Bài tụng rằng:

Chẳng thấy được hình sắc

Dung hết không trở ngại

Nương đó người qua lại

Cúi duỗi và cử động.

Sông ngòi lưu thông được

Nhật nguyệt gió xoay vần

Núi đổ và lửa cháy

Đó là không bên ngoài.

Người tu hành quán sát kỹ như thế về cái không bên trong thân còn chẳng phải là ngã sở huống là cái không bên ngoài mà gọi là ngã?

Hãy giữ tâm chuyên chú vào không bên trong và ngoài như nhau, không sai khác.

Vì sao?

Vì không có khổ, lạc. Chẳng thể nắm bắt, không có tưởng nghĩ. Đã không nghĩ tưởng thì không có khổ lạc, sẽ chẳng nghĩ về ngã.

Bài tụng rằng:

Cái không ở trong thân

Xét thân rõ vô ngã

Huống là không ở ngoài

Lại cho là có ư?

Quán không ở trong ngoài

Đều như nhau không khác

Vì chẳng khởi khổ vui

Xa lìa các niệm tưởng.

Nay nên quán sát đại chủng tâm thần: Tâm thần có ngã, ngã nương vào tâm thần chăng?

Cái gì gọi là tâm thần?

Tâm thần ở trong chẳng ở ngoài. Tâm nương vào đại chủng bên trong thấy được đại chủng bên ngoài mà khởi nhân duyên.

Tâm thần có sáu lãnh vực nhận thức: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm.

Người tu hành nên quán xét như thế này: Mắt duyên sắc mà biết rõ, còn không thì theo tâm, vì vậy cho nên mới có nhãn thức.

Bài tụng rằng:

Nhờ đại chủng bên trong

Và bốn đại bên ngoài

Như hai cây cọ nhau

Ra lửa, thức cũng vậy.

Tai, mũi, thân, miệng, ý

Phân biệt, thành sáu thứ

Sắc làm chủ tội phước

Gọi đó là các thức.

Nhãn thức ấy chẳng ở trong con mắt, chẳng ở ngoài sắc, chẳng hợp cùng với sắc, cũng chẳng lìa mắt từ ngoài duyên sắc. Ở trong ứng với duyên thì gọi là thức.

Bài tụng rằng:

Ví như đồ cọ lửa

Chẻ ra làm trăm phần

Hoàn toàn chẳng thấy lửa

Quán lửa chẳng lìa cây.

Xem xét các loại thức

Cũng như vậy mà thôi

Do sáu tình có thức

Quán xét bất khả phân.

Ví như có nhà Vua ngự trên lầu cao cùng với bá quan quần thần hội họp. Khi chưa làm Vua, ông vốn là vị Tiên Nhân ở trên núi, quần thần rước về lập làm Vua, chưa từng nghe nhạc, nghe âm thanh của trống đàn không hầu, cầm sắt.

Âm thanh của chúng rất cảm thương, hòa nhã êm dịu cho là chưa từng có, xoay hỏi quần thần, đó là tiếng của loại gì mà âm thanh hay quá vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần