Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Mốt - Hành Không - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

HÀNH KHÔNG  

TẬP HAI  

Bài tụng rằng:

Giả sử ngã như nước

Nước tiêu ngã cũng tiêu

Nước trong thân vơi đầy

Đáng lẽ ngã cũng vậy.

Như bỏ nước trong thân

Chẳng nghĩ đó là thân

Người quán kỹ như thế

Không chấp ngã của ta.

Người tu hành đã thức tỉnh quán sát thấy nước ở trong thân không có ngã của ta rồi, thì nên quán sát nước ở bên ngoài, có ngã chăng?

Ngã nương vào nước chăng?

Cái gì là nước ở ngoài chẳng có trong thân mình?

Mùi vị của rễ, thân, cành, lá, hoa, quả, đề hồ, dầu mè, rượu, tương, sương móc, nước tắm, nước ao, giếng, suối, ngòi, rãnh, kênh, sóng, sông, biển, nước ngầm, gọi là nước ở ngoài.

Bài tụng rằng:

Các thứ gọi là nước trên đất

Và các mùi của thuốc rễ, thân

Cùng thân riêng biệt chăng liên quan

Gọi đó là nước ở bên ngoài.

Người tu hành quán kỹ nước ở bên ngoài, phân biệt thế này: Nước trong thân còn không có ngã của ta, nhưng khi có sự tang giảm, còn khiến thân đau đớn, huống gì là nước bên ngoài còn có thân?

Dù có người lấy, đối với mình cũng không tổn hại. Nếu có người cho, đối với thân cũng không có ích. Lấy đó mà quán thì nước ở trong hay ngoài này như nhau, không khác.

Vì sao?

Vì đều không có sở hữu.

Bài tụng rằng:

Nước ở trong thân không có ngã

Dù có khổ vui và tăng giảm

Vậy nước ở ngoài đâu có thân

Khổ vui, tăng giảm đều vô hại.

Nay nên quán sát các thứ lửa.

Lửa có ngã chăng?

Ngã ở trong lửa chăng?

Cái gì gọi là lửa?

Lửa có hai thứ: Lửa ở trong và lửa ở ngoài.

Cái gì gọi là lửa ở trong?

Hơi ấm áp, sức nóng bức khắp cùng trong thân, nó duy trì mạng sống và thiêu hóa thức ăn. Các sức nóng trong thân ấy là lửa ở trong.

Bài tụng rằng:

Sức nóng trong thân tiêu thức ăn

Hơi ấm ôn hòa giữ mạng sống

Như vậy thể phần và sức nóng

Gọi đó là lửa ở trong thân.

Người tu hành nên khơi các quán về các hơi ấm ở trong thân: Hoặc hơi nóng trên đầu, hoặc ở trong tay, chân, xương sống, hông, bụng, lưng. Quán chiếu như thế, mỗi bộ phận đều có sự sai khác. Suy ra thân người là một, đúng là không có ngã. Quán kỹ như thế, thì không thuộc về đâu, đó là lửa ở trong.

Bài tụng rằng:

Phân biệt kỹ thân người

Biết lửa không có ngã

Ở khắp các bộ phận

Đâu cũng chẳng thấy ngã.

Người tu hành lại tự tư duy: Ta tìm cầu lửa ở bên trong đã không có thân, thì quán sát lửa bên ngoài có ngã chăng?

Ngã nương vào lửa chăng?

Cái gì gọi là lửa bên ngoài chẳng liên quan đến thân?

Đó là lửa và các thứ thuộc về ấm, nóng. Ánh sáng do Mặt Trời, Mặt Trăng tinh tú phát ra, lửa ở cung điện các Thiên Thần, ở bờ đất núi cao, do đục đá, y phục, châu báu, vàng bạc, đồng, sắt, châu ngọc, anh lạc và các loại ngũ cốc, cây cối, dược thảo, đề hồ, dầu mè, các loại có sức nóng đều là lửa bên ngoài.

Bài tụng rằng:

Lửa nóng, nhật nguyệt và tinh tú

Các loại đá, sáng nóng dưới đất

Và tất cả thứ nóng ấm khác

Gọi đó là lửa ở bên ngoài.

Người tu hành tư duy lửa ở ngoài đã thấy như thế, thì biết lửa ở ngoài chẳng thể kể xiết. Lửa có hai việc, đó là đốt và nấu. Lửa ở trong cây cỏ thì chẳng đốt cây cỏ. Công dụng mỗi thứ khác nhau. Nếu ở trong lửa bên ngoài có cái ngã của ta thì chúng chẳng khác biệt. Vì vậy biết rằng lửa ở ngoài không có thân, thân cũng chẳng ở trong lửa. Lửa ở trong và lửa bên ngoài đều giống nhau.

Vì sao?

Vì đều trở về không.

Bài tụng rằng:

Sở dĩ có lửa này

Để thiêu đốt, nấu chín

Núi cao các thứ đá

Chỗ tích tụ lửa ấy.

Ở các chỗ khác nhau

Đốt cháy không cùng lúc

Lửa ngoài không như thế

Nên biết là vô ngã.

Nay nên quán sát các thứ gió có ngã chăng?

Ngã ở trong gió chăng?

Cái gì gọi là gió?

Gió có hai thứ: Gió ở trong và gió ở ngoài.

Cái gì là gió ở trong?

Hơi mà thân lãnh nạp ra vào, lên xuống, gió khởi ngang hông, xương sườn, lưng, gió thông cả trăm mạch, xương cốt, gió có sức kéo co rút gân lại, các gió nhanh, độc thổi lên hoành hành làm chết người. Đây gọi là gió bên trong.

Bài tụng rằng:

Gió mang trong thân như cơ quan

Các thứ gió chấm dứt mạng người

Hen suyễn rung động co rút chân

Đó gọi là gió ở bên trong.

Người tu hành nên khởi quán như thế này: Các thứ gió bên trong đều do ăn uống không đúng thời tiết mà phát sinh, do các nhân duyên khác mà gió chẳng thông. Gió có nhiều thứ, trong mỗi bước chân, đủ thứ khởi, diệt. Đối với chúng, tìm cầu ngã nhưng chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy nói rằng tìm cầu gió ở bên trong nhưng không có ngã của ta.

Bài tụng rang:

Gió động gió trụ tại thân người

Biết bao nhiêu thứ từ duyên khởi

Chúng đều khác nhau chẳng có ngã

Nên gió ở trong không có thân.

Người tu hành tâm tự nghĩ: Nay tìm cầu gió ở bên trong đã không có ngã, thì nên quán sát gió ở bên ngoài.

Cái gì gọi là gió bên ngoài chẳng tương quan đến thân?

Gió mạnh cuồng loạn ở Đông, Tây, Nam, Bắc, gió nhẹ, gió lạnh, nóng, nhiều ít, hiu hiu, gió nổi mây, gió xoáy, gió động, gió hình thành, phá hủy đất trời và gió giữ nước, đó gọi là gió ở ngoài.

Bài tụng rằng:

Các thứ gió bốn phương lạnh, nóng

Gió xoáy, gió hình thành, diệt vong

Gió tan mây, trong sáng nhẹ nhàng

Đó gọi là gió ở bên ngoài.

Người tu hành mà quán sát gió như thế, thì tự nghĩ, gió bên ngoài chẳng đồng, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc có khi trung bình, hoặc như lúc quá nóng cầm quạt tự quạt, hoặc như có bụi đất phủi đi. Gió thổi nhanh mạnh thì nhấc người lên.

Gió xoáy ở trên hư không, khi đất trời hoại thì thổi tróc núi Tu Di, hai bên cọ xát nhau khiến tan nát hết, nhấc dưới lên trên, thổi bay lên cao, rồi để rớt xuống va chạm nhau, nát bấy như bụi. Thân chỉ có một, không có to, nhỏ. Gió bên ngoài đã nhiều lại có to, nhỏ. Quán sát gió bên trong bên ngoài đều như nhau không sai khác.

Vì sao?

Vì đều chẳng thuộc ve đâu.

Bài tụng rằng:

Giống như cầm quạt trừ nóng bức

Gió mát thân người và gió xoáy

Gió trong hư không cũng vô ngã

Đó gọi là gió ở bên ngoài.

Người tu hành đều có khả năng phân biệt, hiểu rõ bốn đại ấy. Tuy vậy, chưa xả được vì chẳng biết thân là không. Những việc làm hiện tại gắn liền với ý nghĩa là có thân, cũng gọi là có ta. Để quán chiếu nó vốn không, nghĩa bốn đại chủng bên trong và vốn đại chủng bên ngoài đều như nhau, không khác.

Vì sao?

Vì tâm, ý, thức chẳng ở trong thống, tưởng, hành, thức cũng chẳng liên quan đến bốn đại của thân.

Bài tụng rằng:

Nên quán sát bốn đại chủng này

Kẻ không trí tuệ thường hoài nghi

Sắc, thống, tưởng, hành, thức chẳng dính trong

Thì đâu tương quan bốn đại ngoài.

Người tu hành giả sử hồ nghi thì nên quán sát nguồn gốc để có thể hiểu rõ tướng trạng của nó, biết nó như thế nào. Ví như trồng cây phát sinh ra quả, chẳng phải là do hạt giống, chũng chẳng phải là lìa hạt giống.

Tất cả như thế, do nhân kết hợp bốn đại. Như có năm ấm thì tại bào thai thành tâm tinh thần và hình trạng như váng sữa đục, rồi phát triển như cục thịt, dần dần thành thân tiểu nhi.

Từ thân bé tí đến trung niên vốn là do bao nhiêu thứ từ bào thai sinh khởi. Thân đã thành tựu rồi, thì chẳng phải là cái thân kết hợp lúc ban đầu mà cũng chẳng lìa nó. Mới bắt đầu, từ bào thai, tinh thần dần dần thành hình, đến lúc trung niên, tinh thần vẫn hiện hữu, do sự biến đổi của bốn đại chủng dần dần ngày càng trưởng thành.

Do quán vốn không nên không có ngã, cũng giống như bốn đại chủng, không sai khác. Tinh thần hiện hữu, dần dần trưởng thành theo thân thể nhưng chúng không có tinh thần, cũng dần dần to lớn.

Bài tụng rằng:

Tâm do bên trong sinh

Như cây từ hạt mọc

Tâm như cây do quả

Đại chủng ngoài cũng vậy.

Thân pháp cũng như thế

Do tâm và các tưởng

Đại chủng ngoài không ý

Đâu có thể có tưởng.

Ví như các đại chủng bên ngoài, có thứ hiện thành vàng, về sau có thợ. Hoặc sản xuất ra đồng, sắt, hoặc sản xuất chì, thiếc, hoặc sản xuất bạc, hoặc sản xuất các loại báu như sản xuất thâu thạch, xa cừ, mã não, lưu ly, thủy tinh, san hô, hổ phách, bích ngọc, kim cương, vàng ròng.

Các loại đại chủng bên ngoài, sản xuất các loại châu báu quý lạ như thế. Còn kể về đại chủng bên thân thì trong bào thai bắt đầu sinh hai cục thịt gọi là hình dạng mắt, cái có ánh sáng trong mắt để nhìn thấy gọi là tinh thể. Con ngươi đen trong mắt vin vào tinh thể bên trong mà thấy được hình ảnh bên ngoài, trong ngoài tiếp xúc nhau rồi mới sinh thức.

Thức cùng với thống, tưởng, hành phát sinh chỗ nào?

Nếu như từ mắt sinh thống, tưởng, hành thì tai, mũi, miệng, ý cũng như thế, các đại chủng trong và ngoài cũng không sai khác. Các đại chủng từ bên trong như tâm, thống, tưởng, hành vốn là từ trong phát khởi, chẳng do bên ngoài.

Bài tụng rằng:

Có đại chủng bên ngoài

Dùng làm ra vàng bạc

Đại chủng trong cũng thế

Hai cục thịt thành mắt.

Từ nhãn căn thấy sắc

Dựa sắc mà thành thức

Do tâm khởi các tưởng

Thức tự tại bên trong.

Người tu hành hoặc có kẻ nghi ngờ thế này: Cái gọi là đại chủng bên trong, ít có kẻ vượt qua được, đó là cái trong trong cái trong.

Hoặc tự cho mình biết và nói người ngu muội chẳng nghe, chẳng biết, tâm họ trở lại tà vạy, rơi vào cao ngạo, cái mà thân thấy đó cho là ngã sở. Ngã thì có hình dáng, ngã ở bên trong. Quán thân người khác cũng như thế. Thấy biết như vậy, thì không thể thoát được.

Phật giảng giải thân người thuộc về bon đại, năm ấm và các suy nhập, dựa vào đó gọi là thân, tha nhân là ngã sở, nghĩa là nội ngoại chủng này, phàm nhân nói vậy, nên như người tục đã nói, ta nói theo họ, nếu không theo thì sẽ bị người tranh cãi. Người học đạo chưa từng nghĩ đến thân.

Bài tụng rằng:

Ngã đâu có cái hơn

Có thể vượt nội ngã?

Ngu si cũng như vậy

Vô tuệ theo tà kiến.

Lời nói có tăng giảm

Phàm tục đã nói vậy

Người trí ngoài việc ấy

Phân biệt không sai khác.

Người tu hành thấy biết rốt ráo thành trí tuệ thanh tịnh.

Giả sử đại chủng bên trong là ngã sở thì thường được tự tại nên chế phục nó, tiến thoái là do mình, cho nên biết được thì cái vô ngã tại sao chẳng được tư tại?

Lo lắng và già nua, tóc râu tự bạc, móng dài, răng rụng, mặt nhăn, da dùn, diện mạo xấu xí, gân mạch rã rời, thịt đau, xương nhức, phong hàn nhiệt đến chống nhau chẳng hòa, máu huyết nhớp nhúa hỗi loạn.

Bốn đại bên ngoài cũng vậy, hoặc có đất bị đào xới, núi lở, hang sụp. Đất nước, gió, lửa hoặc tăng, hoặc tổn, thật chẳng tự tại, cho nên không có thân. Do đó biết rằng, các đại chủng trong ngoài không có ta, chẳng có ngã.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần