Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Ba đường, Ba Thừa - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI

PHẨM BA ĐƯỜNG, BA THỪA  

PHẦN HAI  

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nay được nghe Đức Như Lai thuyết giảng về hàng Đại Bồ Tát đại thừa, Bồ Tát Bích Chi Phật thừa và Bồ Tát, Thanh Văn thừa, tất cả chúng sinh thảy đều vui thích tin tưởng thọ nhận phụng hành.

Bây giờ xin Đức Như Lai thuyết giảng về Bích Chi Phật, Bồ Tát đại thừa, Bích Chi Phật, Duyên Giác thừa và Bích Chi Phật, Thanh Văn thừa, để chúng con và mọi người cùng được lãnh hội, tâm khỏi hồ nghi.

Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôn Giả hãy cố gắng lắng nghe và suy nghĩ và ghi nhớ. Ta sẽ cùng với Tôn Giả mỗi mỗi phân biệt rõ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con xin vâng lời.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Cách xa cõi này, về phương Tây Bắc, trải qua bốn mươi bốn hằng sa Quốc Độ, có Cõi Phật tên là Lôi Hống, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Như Ý Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

Quốc Độ ấy hết sức thù thắng đặc biệt đều do bảy thứ châu báu tạo thành, chúng sinh đều hiền hòa, thông đạt các pháp biện tài, trí tuệ rộng lớn như biển, ngôn ngữ luôn chân thật, mọi sự việc được nêu bày đều thanh tịnh.

Do giữ gìn giới luật nên các pháp đều được thành tựu không hề có sự chống đối lẫn nhau. Quốc Độ này cũng có ao tắm rộng lớn giống như các ao đã nêu ở trước, ở giữa ao tắm đó có một tòa Kim Cang sư tử làm bằng bảy thứ châu báu, cao rộng có thể nhìn thấu hết thảy các cõi chúng sinh.

Tất cả hàng Bích Chi Phật Bồ Tát đại thừa thảy đều sinh ở Quốc Độ ấy, đều cùng cung kính thuận hợp không mang lòng cao ngạo kiêu mạn, mọi nẻo gốc tạo duyên đều không trái với thệ nguyện, thần túc tự tại, thọ mạng trụ thế thật là hằng hà sa số.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất mà nói bài tụng:

Hư Không chẳng tận cùng

Hành thanh tịnh mỗi khác

Tâm như tuệ gốc không

Chốn cõi bậc Duyên Giác.

Duyên Giác Bồ Tát thừa

Do xưa phát tâm được

Hào quang tự trang nghiêm

Chẳng vướng hàng giỏi kém.

Lìa trọn mọi khổ não

Các pháp tướng không thiếu

Nên từ vô số đời

Tu tập đạt quả Phật.

Chánh pháp như hư không

Bốn đại không tạo nhân

Tan hợp trong giây lát

Vô sinh chẳng khởi diệt.

Thân người nhiều lo lắng

Duyên tạo mọi buộc chấp

Cõi ấy tịnh nhiên định

Thoát mọi thứ khổ hoạn.

Như khiến cho muôn loài

Tinh tấn trồng công đức

Nhằm đạt pháp dứt khổ

Nên nguyện sinh cõi ấy.

Chính khiến Phật ấy nhớ

Muốn đến Quốc Độ ta

Không duyên, không dấy tưởng

Trọn chẳng tới cõi đó

Sở dĩ cõi Chư Phật

Mỗi mỗi đều riêng khác

Do nguyện phát đời trước

Nẻo hóa độ không đồng

Nghĩa thần diệu biện tài

Nêu rõ nhằm dứt nghi

Biện hợp như tiếng đáp

Bốn pháp ấy thảy đủ

Như muốn được thành tựu

Nguyện vui Cõi Phật ấy

Người phát thệ nguyện lớn

Chí vững vàng kiên cố.

Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất nói xong bài kệ ấy, bấy giờ nơi tòa ngồi có tới bảy vạn Tỳ Kheo, vốn cầu pháp tiểu thừa đã dứt sạch lậu đạt được đạo quả, lúc này thảy đều chuyển ý, nguyện được sinh nơi Quốc Độ ấy để trở thành hàng Bích Chi Phật Bồ Tát đại thừa. Lại có vô số Chư Thiên, chúng nhân đạt được đạo quả Tu Đà Hoàn.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Được nghe Đức Như Lai nói về hàng Đại Bồ Tát với ba đường ba thừa, cũng được nghe giảng về nẻo Bích Chi Phật, Bồ Tát đại thừa, tất cả các vị trong chúng hội không ai là không vui mừng lãnh hội, công đức gồm đủ và thiện tâm phát sinh.

Nay muốn được nghe Đức Thế Tôn nói về nẻo Bích Chi Phật, Bích Chi Phật thừa với mọi ý nghĩa ra sao, cũng là nhằm khiến cho chúng sinh tâm được rộng mở, thức tỉnh.

Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây Bắc cách xa cõi này đến tám mươi bốn hằng sa Quốc Độ, lại vượt qua số lượng ấy có Cõi Phật tên là Thanh lưu ly, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Thân Tướng Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

Quốc Độ này hết sức rộng lớn không hề có mọi cấu uế xấu ác, hình thái bằng phẳng hài hòa không bị ngăn ngại, cũng có ao tắm trong lành vi diệu, nơi giữa ao có tòa cao làm bằng bảy thứ châu báu, tòa ấy cao rộng trang nghiêm đẹp đẽ, trải dài đến khắp cõi chúng sinh.

Các vị đạt quả Bích Chi Phật, Bích Chi Phật thừa, thảy đều hiện có nơi Quốc Độ ấy giáo hóa chúng sinh khắp mọi nơi chốn, giảng luận các pháp thâm diệu với những hành thù thắng. Những người phát nguyện muốn sinh về Quốc Độ ấy thảy đều được thỏa mãn đúng với tâm nguyện không hề bị trở ngại giữa chừng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất mà đọc bài tụng:

Tâm, ý thức cùng hướng

Ý giữ chẳng hề động

Nẻo nguyện gốc đưa dẫn

Nên sinh Cõi Phật ấy.

Chứa đức như hằng sa

Nhằm dứt cội sinh tử

Tánh thường định gốc không

Niết Bàn vui thanh tịnh.

Bích Chi Duyên Giác thừa

Tâm vững không bờ bến

Cõi Lưu ly tinh diệu

Thân tướng Như Lai ngự.

Mặt như đóa hoa sen

Hương xông tỏa khắp cõi

Chẳng thọ đạo quả khác

Đạt giải thoát viên mãn.

Cõi Phật thật vô cùng

Nẻo độ chẳng lường tính

Chốn hợp mọi Bích Chi

Thuyết pháp nêu diệu nghĩa.

Rõ không, chẳng có không

Chí hướng chẳng thoái chuyển

Hành vượt nẻo thần tiên

Nên hiệu Bích Chi thừa.

Phàm dốc đạt thâm diệu

Hành Như Lai dứt chấp

Thảy nên cùng phát nguyện

Thành Phật diệt mọi nạn.

Chúng sinh thượng trung hạ

Nẻo tâm thật chẳng đồng

Chí nên thâu phục ý

Đạo quả tự nhiên đạt.

Đức Thế Tôn vì Tôn Giả Xá Lợi Phất, nói xong bài kệ này, bấy giờ có đến bảy chục ngàn vị Tỳ Kheo thảy đều phát thệ nguyện rộng lớn mong được sinh nơi Cõi Phật ấy.

Lại có các vị Bồ Tát từng hành hóa độ thoát vô số chúng nhân, vui thích mong muốn được trông thấy Đức Như Lai Thân Tướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cùng với các vị Bích Chi Phật ở Quốc Độ ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, biết được tâm niệm của những chúng sinh ấy, liền phóng hào quang từ đỉnh tướng tỏa chiếu khắp Quốc Độ Đức Phật đó. Như hạt ngọc Minh Châu để nơi lòng bàn tay tỏa sáng rực rỡ, ánh hào quang ấy tỏa chiếu soi rõ Quốc Độ của Đức Như Lai Thật Tướng là hết sức thanh tịnh không chút cấu uế, đúng là cõi của Bậc Đại Giác Ngộ. Thế rồi Đức Thế Tôn thu hồi ánh hào quang trở về Đỉnh tướng.

Các vị Bồ Tát thảy đều vui mừng, như sực tỉnh vì tầm mắt đã được mở rộng, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật cung kính đảnh lễ ngang chân Phật và thưa: Hôm nay đội ơn bậc đại Giác ngộ đã nêu bày khắp sự biến hóa của đạo pháp, nhờ ánh hào quang thần diệu ấy mà chúng con đều được trông thấy Quốc Độ của Đức Như Lai Thật Tướng.

Chúng con mong được sau khi lìa bỏ thân mạng này, nguyện sinh về cõi Thanh lưu ly của Đức Như Lai Thật Tướng.

Đức Thế Tôn liền nói với chúng Bồ Tát: Này các vị Tộc Tánh Tử! Các vị hãy phát tâm với thệ nguyện rộng lớn sâu xa kiên cố hơn nữa, các vị thảy đều được sinh về Thế Giới ấy, mọi công đức đều thành tựu và cùng thành đạo quả Phật Đà cả.

Các vị Bồ Tát nhận thấy đã được Đức Phật thọ ký xong nên cùng cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi trở lại chỗ ngồi của mình.

Lúc này Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nay được nghe Đức Như Lai thuyết giảng về hàng Bồ Tát đại thừa, Bồ Tát Bích Chi Phật thừa, Bồ Tát Thanh Văn thừa.

Bích Chi Phật Bồ Tát thừa, Bích Chi Phật Bích Chi Phật thừa, tất cả các vị trong chúng hội thảy đều thành tựu tín tâm đạt được đạo quả. Nhưng chưa được nghe Đức Như Lai nói về Bích Chi Phật Bồ Tát Thanh Văn thừa, kính mong Đức Thế Tôn khai mở nêu giảng, theo đúng lúc mà phát triển, khiến cho các vị nơi chúng hội cùng được thông tỏ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây Bắc cách xa cõi này một ức bảy trăm vạn hằng sa Quốc Độ, có một Cõi Phật tên là Hưng hiển, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Quảng Diệu Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện tại đang thuyết pháp hóa độ vô lượng chúng nhân.

Thế Giới của Đức Phật đó hết mực tịnh diệu, các đức viên mãn, chí hướng đều đồng không hề có sự chống đối, trái nhau, bốn tâm vô lượng luôn thể hiện đều khắp, thương xót đối với tất cả chúng sinh, giáo hóa đủ khắp mọi nơi chốn không hề xa lìa hành gốc, đem lại sự hưng thịnh cho chánh pháp với sự biến hóa của các pháp thần túc.

Quốc Độ ấy cũng có ao tắm rộng lớn, dùng bảy thứ châu báu trang nghiêm với nhiều thứ ánh sáng rực rỡ cùng tỏa chiếu khiến người xem không hề biết chán.

Trong ao lớn lại có nhiều thứ hoa quả quý lạ với mùi hương thơm xông tỏa chẳng thể diễn tả hết được. Nơi chính giữa ao có một tòa cao làm bằng bảy thứ châu báu, trải rộng cao vút đến tận Cõi Phạm Thiên.

Tất cả các Bậc Đại Thánh thảy đều vân tập đông đủ nơi Quốc Độ này để tuyên giảng thông suốt về sáu pháp Ba la mật của Như Lai, trí tuệ lãnh hội thể hiện không hề xa lìa gốc, mười sáu pháp về kho tàng thâm diệu thù thắng của Như Lai. Mỗi mỗi đều thông đạt như luôn có mặt nơi hiện tại, chúng sinh nơi cõi đó không có ba thứ độc là tham dâm, giận dữ, si mê cùng các nẻo tà kiến.

Ao tắm rộng ở Quốc Độ ấy một cái mang tên là Tận Cấu, cái kia tên là Thọ Chứng, như có các vị Bồ Tát, thệ nguyện gốc luôn kiên cố tâm ý thanh tịnh thì được sinh về Quốc Độ đó với các căn trong lành, sáu tình đều đầy đủ, thảy đều đi đến nơi ao tắm kia để tự thể hiện mọi sở cầu của mình.

Khi từ nơi ao lên bờ thì mọi phiền não bụi bặm thảy dứt sạch, thành bậc Bích Chi Phật, Bồ Tát, Thanh Văn thừa, thành tựu đạo giác ngộ vô thượng, các tướng thảy trang nghiêm, chiêm ngưỡng thân tướng không hề chán. Tất cả đều do bản nguyện từ đời trước mà đạo quả được chứng đạt thành tựu như thế.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất mà nói bài tụng:

Tâm vì gốc các hành

Dẫn dắt độ muôn loài

Thệ lớn tự hoàn tất

Vô úy thành Chánh Giác.

Quên không chẳng vướng hình

Dứt trừ tâm tưởng vọng

Xua hình buộc ba cõi

Đạo giác tự nhiên thành.

Phật gốc tu tuệ không

Vượt mọi nẻo bỉ thử

Diệt hết tâm trước sau

Từ đó thành đạo quả.

Nay sinh chẳng sau sinh

Giả hiệu thành tên gọi

Người do lầm pháp huyễn

Đắm chìm mãi vực sâu.

Cõi hưng hiển tịnh diệu

Chư Thánh đều vân tập

Đức Như Lai Quảng Diệu

Giáo hóa nơi cõi ấy.

Tâm Phật luôn an định

Chí vững không hề lay

Hành dứt đạt quả thực

Nên được sinh chốn đó.

Ao nước đủ tám vị

Người uống dứt mọi lo

Mọi trói buộc tự mở

Liền đạt đạo vô thượng.

Bích Chi Thanh Văn thừa

Công đức thật vô tận

Giữ ý không phân tán

Liền ứng hạnh Như Lai

Hào quang tiếp độ người

Diễn giảng nghiệp công đức

Tâm tịnh như ngọc sáng

Không bị nhiễm bụi dục.

Quốc Độ ấy kỳ diệu

Các hành không nghĩ bàn

Như muốn đạt được nguyện

Ta trước chưa hề nghi.

Ta sẽ hỗ trợ ông

Oai thần ủng hộ thân

Chớ dấy ý biếng trễ

Mà sau hối vô ích.

Xưa từ vô số kiếp

Chẳng gặp Bậc Thánh Hiền

Một mất gốc nẻo người.

Tìm lại thật là khó!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần