Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT
KINH CỰU TẠP THÍ DỤ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẦN HAI
Vô số kiếp về trước, thời ấy có một con chim Khổng Tước đầu đàn, hướng dẫn một đàn chim gồm năm trăm con làm quyến thuộc, cùng nhau bay dạo chơi các vùng núi rừng. Chim đầu đàn chợt thấy chim Thanh Tước sắc lông quá tươi đẹp, sinh tâm yêu mến, liền bỏ đàn bay theo chim Thanh Tước. Nhưng chim Thanh Tước này chỉ thích đồ ăn và quả thật ngon ngọt mà thôi.
Bấy giờ trong cung Vua, Hoàng Hậu đang bị bệnh, ban đêm bà nằm ngủ, mộng thấy chim Khổng Tước đầu đàn, nên khi thức dậy bà liền tâu với đức Vua: Xin ngài ra lệnh cho thợ săn đi khắp nơi tìm bắt chim.
Vua ra lệnh cho các thợ săn: Nếu ai bắt sống được chim Khổng Tước về đây, ta sẽ thưởng một trăm cân vàng và gả con gái đẹp cho làm vợ.
Các thợ săn phân chia nhau đi khắp các vùng núi non, thấy được chim Khổng Tước thường theo chim Thanh Tước. Họ liền dung viên mật ngon ngọt để trên khắp các cành cây, chim Khổng Tước gặp được và vì Thanh Tước ngày ngày mang về làm thứ ăn.
Như vậy ăn lâu thành thói quen. Thợ săn lúc ấy mới hóa trang thân như bụi cây và đặt một viên lên trên đó. Khổng Tước không biết, đến lấy mật viên, bị thợ săn bắt được.
Chim nói với người thợ săn: Nếu ngươi chịu thả ta được tự do, ta sẽ chỉ cho ngươi vùng núi có rất nhiều vàng.
Người thợ săn nói: Vua đã hứa cho ta vàng và vợ đẹp là đủ lắm rồi.
Khi ấy bọn thợ săn đem chim về dâng cho đức Vua để lãnh thưởng.
Chim Khổng Tước thưa với Đại Vương: Vua vì thương Hoàng Hậu bệnh nên bắt tôi về đây, xin Vua cho người mang nước sạch đến, tôi chú nguyện, Hoàng Hậu uống hoặc tắm rửa nước đó sẽ được lành bệnh. Nếu không lành, tôi sẽ xin chịu tội.
Vua sai người mang nước đến để chim chú nguyện, khi chim đã chú nguyện xong, trao nước ấy cho Hoàng Hậu uống. Nhờ đó mà bệnh của bà không còn nữa. Tất cả mọi người trong và ngoài hoàng cung, có trăm thứ bệnh cũng nhờ uống nước chú nguyện của chim Khổng Tước mà được trị lành.
Những người bệnh khắp trong nước của Quốc Vương nghe tin kéo nhau đến xin nước rất đông.
Khổng Tước thưa với Đại Vương: Xin Đức Vua cho người cột chân tôi bằng một sợi dây dài trên một cành cây, rồi đem cắm vào giữa hồ nước để tôi có thể tự do bay qua lại hồ nước đó mà chú nguyện, khiến cho tất cả nhân dân xa gần đều có thể đến hồ ấy lấy nước trị bệnh.
Vua nói: Ý kiến như vậy rất tiện lợi.
Vua sai người cắm cây có cột chim vào hồ nước trong, chim được tự do, nỗ lực hết lòng chú nguyện.
Tất cả nhân dân có bệnh được uống nước này: người điếc, kẻ mù đều được thấy, được nghe.
Người què, người gù lưng đều đứng thẳng dậy được.
Lúc ấy chim lại thưa với Đại Vương: Trong nước các bệnh nan y đều đã được trị lành. Nhân dân trong nước kính trọng, cúng dường tôi như vị Thiên Thần không khác, nên tâm không muốn đi đâu nữa. Mong Đại Vương có thể mở trói để tôi được tự do hơn, ra vào hồ nước chú nguyện. Còn ban đêm tôi ngủ trên chiếc cầu này.
Vua chấp nhận, liền sai người tháo mở dây trói cho chim. Được như vậy chừng vài tháng, một hôm chim gặp Vua trên chiếc cầu liền cười lớn.
Vua hỏi: Vì sao ngươi cười lớn thế?
Chim đáp: Ta cười thiên hạ có ba việc ngu: Một là ta ngu, hai là thợ săn ngu, ba là đức Vua cũng ngu.
Vì sao tôi nói thế?
Tôi có một đàn chim quyến thuộc năm trăm con theo sau mà đành từ bỏ để theo chim Thanh Tước là vì có ý tham sắc dục nên mới bị thợ săn bắt được. Đó là tôi ngu.
Còn bọn thợ săn, tôi hứa chỉ cho chỗ núi có rất nhiều vàng mà không chịu nghe, chỉ tham chút ít vàng và nữ sắc của Vua ban cho. Đó là thợ săn ngu.
Riêng nhà Vua đã được gặp được thần y, từ Hoàng Hậu, Thái Tử, tất cả nhân dân trong nước các bệnh đều được trị lành, ai cũng hồng hào, tráng kiện. Vua đã gặp được thần y mà không biết giữ gìn, lại buông thả. Đó là Vua ngu.
Nói xong lời ấy, Khổng Tước cười chào Vua, bay trở về núi.
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất, chim Khổng Tước đầu đàn lúc ấy là tiền thân của ta. Quốc Vương thời ấy là thân ông. Hoàng Hậu thời ấy là vợ của Điều Đạt. Chủ thợ săn thời ấy là ông Điều Đạt vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện ông Chủ Thợ Dệt
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Kinh Tỳ Kheo Khất Thực
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thợ Săn
Phật Thuyết Kinh Phật A Tỳ đàm Xuất Gia Tướng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Một - Phẩm Bố Thí Ba La Mật đa - Phần Năm