Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH CỰU TẠP THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN MƯỜI BỐN  

Thuở xưa có một thí chủ mời Đức Phật và Chúng Tăng đến nhà thiết trai cúng dường. Có một Sa Môn và chú Sa Di đến sau, vì khi đi trên đường, Sa Môn này gặp một người nữ có ý tham dục kéo lại, thầy ấy không tỉnh giác nên cũng tùy thuận, rồi mới đi đến nhà thí chủ.

Đức Phật bảo Sa Di đến sau: Ngươi đi đến dưới chân núi Tu Di lấy nước khoáng ở suối ngọt về đây.

Vì đã được đạo nên vị ấy liệng bình bát tới trước hai tay nắm lại bay theo, trong khoảnh khắc lấy nước trở về. Thầy Sa Môn thấy vậy áy náy không yên, hối lỗi, tự trách, liền khi ấy được đạo quả A La Hán.

Còn người nữ khởi ý dục kia có liên quan tình cảm với Sa Môn đời trước, sau này phải trả hết tội báo rồi mới được đạo.

Thời xưa, Vua A Dục một ngày phát tâm dâng cơm cúng dường một ngàn vị A La Hán. Sau đó có một Sa Môn trẻ tuổi cùng đi với Chúng Tăng vào vương cung thọ trai. Sa Môn trẻ tuổi này khi ngồi xuống liền đảo mắt nhìn lên, nhìn xuống, rồi nhìn quanh khắp Cung Điện, sau lại nhìn chăm chú vào Hoàng Hậu. Đức Vua thấy vậy có ý giận.

Thọ trai xong, đại chúng trở về, Vua xin mời ba vị Thượng Tọa ở lại.

Vua A Dục hỏi:

Vị Sa Môn trẻ tuổi kia từ đâu đến?

Ông ta danh tánh là gì và thờ ai làm thầy?

Ông ấy không phải là Sa Môn, vì sao mà được vào

trong cung, lại còn nhìn Hoàng Hậu không chớp mắt?

Thượng tọa dạy: Sa Môn này mới từ Thiên trúc đến. Danh tánh như vậy, như vậy. Thầy ấy có trí sáng, thông suốt Kinh Điển, cố đến để xem thiết kế trong Cung Điện, rồi nhìn lên Cung Trời Đao Lợi, trong ý so sánh có thể bằng nhau không khác.

Đức Vua do đời trước dùng cát nhuyễn làm bình bát dâng cúng dường Phật, nay mới được Cung Điện nguy nga như vậy. Lại thêm hằng ngày cúng dường trai phạn cho cả ngàn vị A La Hán, phước đức của Vua thật vô lượng vô biên.

Sở dĩ Sa Môn kia chăm nhìn Hoàng Hậu vì thầy ấy suy nghĩ: Bà là người mà trong một vạn sáu ngàn thể nữ, được thân thể đoan chính không ai sánh bằng, nhưng đáng tiếc là sau bảy ngày nữa bà phải chết và sẽ vào địa ngục.

Ôi! Thế gian thật là vô thường! Sa Môn trẻ tuổi kia do dụng tâm như thế mà nhìn Hoàng Hậu như vậy.

Vua khi nghe lời ấy, trong lòng lo sợ, cho mời Hoàng Hậu đến, rồi cung kính đảnh lễ hướng về ba vị Thượng Tọa.

Thượng tọa dạy: Vua tuy mỗi ngày cúng dường cho chúng tôi cả ngàn vị, trong ngàn vị ấy không ai có thể giải thích, cởi mở được tâm ý của Hoàng Hậu. Nếu có Sa Môn trẻ tuổi kia vì Hoàng Hậu mà nói pháp thì bà mới thấy được chân lý của đạo.

Đức Vua liền cho người đi cung thỉnh vị Sa Môn trẻ tuổi kia.

Khi Sa Môn đến, Vua cùng Hoàng Hậu đều cúi đầu đảnh lễ, thưa: Chúng tôi nguyện đem thân mạng về nương tựa, để cho tội nặng của chúng tôi được giảm nhẹ.

Sa Môn liền vì Hoàng Hậu nói rõ đời trước, chỉ những chỗ có thể thấy được. Sau lại giải bày những điều cốt yếu trong Phật Pháp.

Sau khi bà nghe xong tâm ý rất hoan hỷ, cảm động, toàn thân long dựng ngược, cảm nhận pháp lạc, liền được chứng quả Tu Đà Hoàn.

Hoàng Hậu đã năm trăm đời làm em gái của Sa Môn này, vì đã dùng thệ nguyện: Nếu ai được đạo trước sẽ độ thoát cho nhau.

Thầy dạy: Người không có nhân duyên kiếp trước thì đời nay không thể giảng giải cho nhau, cũng không thể gặp gỡ nói năng. Nếu có nói gì cũng không thể đi thẳng vào tâm ý họ được. Vì vậy cho nên người tu hành ai cũng có thầy Bổn Sư của mình vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần