Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA

PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ  

PHẦN CHÍN  

Thưa Ngài Tịch Ý! Ân ái kiết tập ấy, tìm cầu chỗ luyến trước thì vĩnh viễn không có chỗ luyến trước vậy. Lúc Đức Phật Thế Tôn thọ ký cho Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ và lại ban tuyên nói lại pháp ấy, trong chúng hội có năm trăm vị Tỳ Kheo được lậu tận ý giải, hai trăm vị Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ được Đức Phật thọ ký cho, sở nguyện đã đủ, chỗ mong đã toại, vui mừng vòng tay thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ngưỡng vọng đấng Đại Thánh Quang Lâm đến Cõi Khoáng Dã Quốc Độ Quỷ Vương tại cung xá Mật Tích của tôi thọ trai bảy ngày. Tôi cũng kính thỉnh Chư Bồ Tát và Chư Đại Thanh Văn cùng đến bỉ xá thọ bữa ăn mọn bảy ngày.

Tại Quốc Độ Khoáng Dã Quỷ Vương, các chúng quỷ thần yêu mị, Càn Thát Bà, Ma Hầu La Già và những chúng sanh khác được thấy Đức Phật Thế Tôn và Chư Hiền Thánh, được nghe Kinh Pháp tất sẽ được mãi mãi an vui không có các họa hoạn, bèn sẽ bỏ lòng sân hận độc hại trái nghịch.

Tứ Thiên Vương cùng quyến thuộc đến Cõi Khoáng Dã Quỷ Vương nếu được thấy Đức Như Lai nghe thuyết pháp tất sẽ được an hòa chẳng bị ách nạn.

Vì lòng xót thương và muốn khai hóa vô số chúng sanh khiến họ vun trồng cội công đức nên Đức Phật yên lặng nhận lời thỉnh bảy ngày cúng dường của Mật Tích.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thấy Đức Phật yên lặng nhận lời thỉnh của mình, lòng vui mừng hớn hở cúi lạy chân Phật đi nhiễu bên hữu ba vòng rồi lui đi, bỗng nhiên ẩn mất trở về nước Khoáng Dã nơi cung xá của mình.

Sau khi đến cung xá, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tự nghĩ rằng: Tôi nên vì Đức Thế Tôn mà trang nghiêm cung điện cho hàng Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc được chưa từng có, Chư Bồ Tát ở các Thế Giới mười phương đều vui mừng.

Tôi còn nhớ thuở trước một đêm ôm ấp chí nguyện tôn thờ đạo pháp chẳng thể nghĩ bàn, nay cũng sẽ như vậy. Phương Đông cách đây hằng hà sa Quốc Độ có Thế Giới tên là Vô Lượng Bảo Đức Tịnh. Đức Phật ở cõi đó hiệu là Tịnh Vương. Tôi nên mượn Tòa Sư Tử cao lớn trang nghiêm thanh tịnh ở cõi ấy.

Lúc ấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nhập Tịnh Bảo Vương Tam Muội. Liền đó Tòa Sư Tử cao lớn trang nghiêm tốt đẹp như ở Quốc Độ Vô Lượng Bảo Đức Tịnh bỗng nhiên hiện đến nước Khoáng Dã quỷ thần Vương.

Từ Đông đến Tây hai ngàn bốn trăm tám mươi dặm, từ Nam đến Bắc một ngàn hai trăm tám mươi dặm dùng lưu ly, thủy tinh và xà cừ làm đất. Vô lượng hương thơm rải khắp nơi.

Có vô số lò hương báu đốt hương thù diệu. Rải các hoa Trời. Trần thiết bao nhiêu là phẩm vật cực hảo màu sắc đẹp sáng làm vui đẹp lòng người, làm thư thái thân người.

Bốn bên Tòa Sư Tử cao quý trang nghiêm ấy lại tự nhiên có ức trăm ngàn triệu vô số những Tòa Sư Tử: Các báu làm chân làm bao lơn, vô số Thiên y trải lên trên, những hoa sen báu, những trân châu thanh tịnh và các thứ báu đặt khắp trên đất.

Trần thiết vô lượng Tòa Sư Tử cao lớn trang nghiêm thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn như thế xong, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ từ Tam Muội an tường xuất định, liền trong đêm ấy sắm sửa những thức ăn uống lành ngon.

Trần thiết sắm sửa đã xong tất cả, đêm còn chưa sáng, Lực Sĩ cáo với Tứ Thiên Vương rằng: Các Ngài nên biết ngày hôm nay Đức Thế Tôn sẽ đến cung xá tôi thọ trai thỉnh bảy ngày. Chư Bồ Tát và hàng Thanh Văn cũng cùng đến.

Các Ngài chớ nên phóng dật. Phật rất khó gặp, ức đời mới có. Đều phải nhất tâm nhàm tục mộ đạo cung kính phụng Phật, để được khỏi sanh tử đến nơi chí đạo, chánh pháp khó được nghe, thời cơ cũng khó được gặp.

Ba cõi không cậy được, chỉ có đạo được nhờ như hư không khắp nơi không chướng ngại. Chớ để loạn tâm phóng dật. Nên cùng quyến thuộc cúng dường Đức Phật bảy ngày. Chớ dựa nơi thân tâm, nên lấy đạo làm gốc. Chớ theo việc khác mà tổn trái Đạo Giáo, nên chuyên tinh nhất tâm cúng dường Đức Như Lai.

Khiến cho cõi nước của Vương, Chư Thổ Địa quỷ thần, Càn Thát Bà v.v... đều Quy Y Phật, kính nghe đạo pháp.

Các Ngài nên rõ, đã thỉnh Đức Thế Tôn cúng dường quy mạng rồi siêng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp để tuyên bố khắp nơi cho tất cả đều được lợi ích. Như vậy mới gọi là báo đáp ân Đức Phật. Mật Tích Lực Sĩ có hai người con trai tên là Mật Binh và Thiện Phần.

Lực Sĩ bảo con trưởng Mật Binh rằng: Ngươi đi bố cáo khắp cả Địa Thần, Hư Không Thần, Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, lên đến Trời Thiên Ma, cho tất cả đồng hay rằng ngày hôm nay Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn sẽ đến cõi nước Khoáng Dã Quỷ Vương tại cung xá Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thọ thỉnh cúng dường.

Chư Bồ Tát và hàng Thanh Văn cũng đồng đến. Ai muốn thấy Phật nghe pháp thì đến dự hội. Thái Tử Mật Binh lãnh lệnh, giây lát đã truyền rao khắp nơi.

Lực Sĩ lại sai con thứ Thiện Phần dùng thần thông đi bố cáo khắp các Cõi Trời Sắc Giới, từ Trời Sơ Thiền Phạm Chúng Thiên đến Trời Tứ Thiền Sắc Cứu Cánh Thiên, rằng ngày hôm nay Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ đến thọ cúng dường tại cung xá của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ ở nước Khoáng Dã Quỷ Vương. Ai muốn thấy Phật nghe pháp thì đến dự hội. Thiện Phần lãnh lịnh, giây lát đã truyền rao khắp Trời Cõi Sắc.

Trong khoảnh khắc sau, Chư Thiên Cõi Dục và Chư Thiên Cõi Sắc đồng đến dự hội dừng ở hư không ngồi theo thứ tự khắp một khoảng ngang rộng trên dưới đều bốn muôn dặm.

Hội trường đã trần thiết trang nghiêm sắm dọn xong, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ vòng tay hướng về phía Đức Phật đang ngự mà bạch vói rằng: Giờ thọ Trai đã đến, xin Đức Phật Thế Tôn cùng Chư Hiền Thánh Chúng quang lâm.

Lực Sĩ nói kệ rằng:

Đại Thánh Lưỡng Túc Tôn

Trên hết trong Trời người

Nay Trai thời đã đến

Thỉnh Đức Phật Quang lâm

Giới đức như sen nở

Tinh tiến căng tăng trưởng

Tàm quý trên chở che

Đấng tối thắng đoái thương

Kiến lập nơi Thánh Đế

Từ bi ban ơn lớn

Không ngã không ngã sở

Đấng Sư Tử đoái thương

Giới hạnh học nghe rộng

Hoa giác ý xinh tươi

Trái giải thoát đầy đủ

Cây thù thắng quang lâm

Công đức lớn hơn biển

Ý Phật sâu lại rộng

Định trong sạch là ý

Hạnh tinh tiến vững mạnh

Từ bi làm Đạo Tràng

Chuỗi trí huệ trang nghiêm

Bổn huệ sáng mở tỏ

Xin Đại Thánh từ cố

Trí vô động đệ nhất

Dùng dược thọ chữa bệnh

Học vô học thạnh sáng

Đấng tối thắng quang lâm.

Đức Thế Tôn thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ bạch đã đến giờ liền bảo đại chúng nên sớm chuẩn bị đắp y cầm bát đến chỗ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ bảy ngày thọ thỉnh.

Trong hàng Thanh Văn và Chư Bồ Tát, những vị có thần thông thì tự dùng thần lực đi theo Đức Phật, những vị không có thần thông thì đứng vào trong ánh sáng của Đức Phật, nương oai thần của Đức Phật đều được đi cả.

Lúc Đức Phật lên đường, Chư Bồ Tát đi trước dẫn đường, Chư Thanh Văn đi hầu phía sau, Chư Thiên, Long Thần cầm hoa hương kỹ nhạc chầu chực trên không, Chư Thiên Nữ nói kệ ca ngợi Đức Phật rằng:

Vui mừng phát quang minh

Âm nhạc tự nhiên vang

Trời mưa các thứ hoa

Chấn động cả Thế Giới

Phật oai đức rất lớn

Thần thông Ba La Mật

Phật biến hóa vô hạn

Rất mừng được thấy Phật

Phật cát tường vô lượng

Phật Thần Thánh vô biên

Phật oai nghi vô cùng

Phật công đức vô hạn

Đi đến Linh Thứu Sơn

Tại trong tám núi lớn

Bay lên giữa hư không

Vô ngại như nhạn vương.

Chư Thiên Cõi Dục và Chư Thiên Cõi sắc thấy Đức Phật Thế Tôn từ hư không mà đến dường như mặt trời sáng hiện trong nước, như mặt trăng tròn đứng giữa các vì sao, Chư Thiên Đế tôn quý trong hàng Chư Thiên, như Phạm Vương chói che chúng hội, tất cả đều rất vui mừng liền rải bao nhiêu thứ hoa Trời xanh vàng đỏ trắng cúng dường Đức Phật.

Những là ý hoa, đại ý hoa, nhu nhuyến hoa, đại nhu nhuyến hoa, trú dạ thọ hoa, ly cấu hoa, những thứ hoa trăm cánh, ngàn cánh đến trăm ngàn cánh.

Chư Thiên cũng nổi mây rải các thứ hương Trời: Thiện diệu hương, thường huân hương, ô diên hương, thường hữu hương. Đồng thời cũng trỗi âm nhạc Trời. Giây lát Đức Phật cùng Chư Bồ Tát và chúng Thanh Văn đến nước Khoáng Dã Quỷ Vương thuộc cõi của Tứ Thiên Vương dừng lại tại cung điện của họ.

Lúc Đức Phật vừa dừng bước thì cả Đại Địa chấn động có ánh sáng chiếu khắp mười phương. Tứ Thiên Vương thấy Đức Phật đến, vội vàng cùng quyến thuộc mang hoa hương phan lọng trỗi nhạc đờn ca đến trước Đức Phật đảnh lễ đi vòng bên hữu ba vòng rồi rải hương hoa cúng dường, xong rồi đứng qua một phía.

Đức Thế Tôn vì Tứ Thiên Vương mà ban tuyên Kinh Pháp. Một vạn ba ngàn quỷ thần yêu mị phát tâm vô thượng bồ đề. Một vạn ngọc nữ cũng phát tâm như vậy.

Bấy giờ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cùng các con, cung nhân thể nữ và quyến thuộc cầm hương hoa phan lọng trỗi nhạc đến chỗ Đức Phật đảnh lễ đi nhiễu bên hữu bảy vòng, rồi rải hoa rải hương cúng dường, tất cả đều theo thứ tự mà ngồi.

Tòa Sư Tử của Đức Phật ngự cao lớn trang nghiêm hơn cả. Chư Bồ Tát và hàn Thanh Văn vẫn ngồi nơi chỗ của mình.

Chư Thiên Cõi Dục và Chư Thiên Cõi Sắc thấy những Tòa Sư Tử được trần thiết ấy rất cao lớn trang nghiêm thì lấy làm lạ nghĩ rằng sao Mật Tích Lực Sĩ tìm đâu những Tòa Sư Tử báu đẹp trang nghiêm huyền diệu thù thắng thế này?

Thừa oai thần của Đức Phật, ở trên không tự nhiên có tiếng bảo: Các Ngài muốn biết ư! Phương Đông cách đây quá hằng hà sa Quốc Độ có Thế Giới tên là Vô Lượng Tịnh, Phật hiệu là Tịnh Vương Như Lai chí chân đẳng Chánh Giác. Mật Tích Lực Sĩ đã từng thấy cõi vi diệu trang nghiêm thanh tịnh ấy. Nay vì pháp mà trưng vời những tòa cao vọi rất vi diệu vấy.

Lúc Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vừa ngồi lên Tòa Sư Tử cao rộng xong, trong nước Khoáng Dã Quỷ Vương chúng quỷ thần yêu mị, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già đồng đến lễ Phật rồi đứng qua một phía vòng tay cung kính.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Tứ Thiên Vương và những chúng đến dự hội rằng: Thưa các Ngài! Nay những thứ ăn uống đã sẵn sàng, các Ngài nên cùng tự tay cần mẫn dâng cúng lên Đức Phật và Chư Bồ Tát Thánh Chúng.

Tại sao vậy?

Vì những lời Đức Phật đã dạy, nếu ai có thể hoan hỉ tá trợ hưng công cúng dường thì được vô lượng phước. Đối với thí chủ, phước cũng chẳng giảm.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cùng các con và cung nhân quyến thuộc tự tay sớt thức ăn lành ngon nhất tâm cung kính dâng cúng Đức Phật và Thánh Chúng. Đức Phật và Chư Bồ Tát Thánh Chúng đều được sung mãn. Ăn uống xong, dâng nước rửa.

Sau đó Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ kê chiếc ghế nhỏ ngồi ở trước Đức Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Mong đấng từ bi phải thời thuyết pháp cho các loài chúng sanh rõ được đạo vô sanh. Người chưa phát tâm được phát đạo tâm. Người đã phát đạo tâm được lên bậc bất thối chuyển. Cũng làm cho chúng quỷ thần yêu mị Càn Thát Bà đây mãi mãi được an ổn không họa hoạn vui hòa nhân từ.

Chư Thiên, người đời cùng chúng sanh trong ba cõi được tâm nguyện thù tuyệt siêu việt thế gian.

Đức Phật bảo Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ và toàn thể đại chúng: Lắng nghe! Lắng nghe! Phải khéo suy gẫm. Nếu thiện nam, thiện nữ nhập được pháp môn an trụ bền vững, thì được tâm nguyện thù đặc không chỗ phân biệt sai thất. Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cùng đại chúng vâng dạ lắng nghe.

Đức Phật phán dạy: Nếu thiện nam, thiện nữ dốc lòng ngưỡng tín khéo theo Đạo Pháp nhiều sự thuận nghi muốn thấy các Bậc Hiền Thánh để được nghe pháp, lòng chẳng ghét ganh, chẳng lẫn tiếc, giơ tay bố thí, bỏ thối quen thích theo thế tục, chỗ phước bố thí chẳng mong báo đáp.

Chẳng cưu lòng não hại, ý chí trong sạch chuyên tinh nhất tâm chẳng hề bạo dữ, tin nhân quả báo ứng, ưa thích nghiệp lành chẳng có hồ nghi dụ dự, thấy rõ lý thanh bạch biết quả chẳng mất.

Thà bỏ thân mạng chớ chẳng phạm tội ác. Luôn nhân từ không giết hại, không trộm cướp, chẳng tà dâm, chẳng phạm vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ, chẳng ghen ghét, giận thù và si mê. Chẳng phạm mười ác mà hành mười lành, cũng khuyên người khác làm như vậy.

Thường bình đẳng thành tín thấy hàng Sa Môn phụng trì giới hạnh tinh tiến tu hành tư duy tu tập, đúng nghĩa tiết, vắng lặng đạm bạc, chẳng luyến trước, chẳng tà ngữ, chí tánh nhân từ, rời bỏ pháp ác sốt bạo, chói sáng như ngọn đuốc, tâm tánh bình hòa, không nói lời khinh hủy, bỏ tuyệt nhủ nghê, dứt rời tâm đường đột phiền não, luôn luôn huệ thí.

Thường cung kính tôn trọng các bậc Sa Môn thanh tịnh ấy đồng như Phật và đệ tử Phật. Thường theo hầu cận khiêm hạ đảnh lễ chẳng làm trái ý. Thường phụng sự các thiện tri thức ấy.

Do vì mến pháp nên dùng pháp thí cứu tế nguy ách, ban tuyên chánh pháp để giáo hóa người: Bố thí được giàu, trì giới sanh Thiên, nghe rộng thêm trí, tu hành hiệp đạo, bố thí thì của nhiều, xan tham thành ngạ quỷ, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến nhất tâm và trí huệ thì lần nhập đạo pháp, phạm giới thì đọa địa ngục, giận hờn thì xấu xí, lười biếng thì bỏ đạo, loạn tâm thì sanh tội, ngu si thì tối tăm.

Đó là do nơi thân, nơi khẩu, nơi ý mà có quả báo. Ba nghiệp phạm ác thì mãi mãi chẳng an, sa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Giữ gìn ba nghiệp chẳng phạm thì sanh lên Trời sanh trong người, ở chỗ Chư Phật, mãi mãi an vui không có họa hoạn. Phải vì mọi người mà khai thị quả báo tội phước, chỗ kết quả của điều thiện ác.

Nếu thấy người có thiện căn pháp khí, thì vì họ mà giảng pháp sâu xa, những pháp không, vô tướng, vô nguyện, đi không chỗ đi, đến không chỗ đến, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng.

Vì họ mà phân biệt pháp áo diệu mười hai nhân duyên: Do dựa vào sự này nên có sự kia sanh, nếu chẳng dựa vào sự này thì sự kia chẳng sanh, do đây mà thành kia, chẳng do thì chẳng thành.

Do vô minh mà thành hành, do hành mà thành thức, do thức mà thành danh sắc, do danh sắc mà thành lục nhập, do lục nhập mà thành xúc, do xúc mà thành thọ, do thọ mà thành ái, do ái mà thành thủ, do thủ mà thành hữu, do hữu mà thành sanh, do sanh mà thành lão tử thân tứ đại ngũ ấm rất khổ.

Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì không có lão tử khổ lụy vì ngũ ấm tứ đại, mà mãi mãi an vui, không còn họa hoạn. Bởi diệt dứt hết thì không còn có.

Tại sao vậy?

Vì khởi cái này thì sanh cái kia, không khởi cái này thì không có cái kia. Cũng như trồng cây mới sanh chồi rễ cội nhánh lá bông trái. Nhổ cây không chồi thì đâu còn nhánh lá bông trái nữa.

Tỏ ngộ đế lý không có vô minh không còn chấp trước thì chẳng còn gì kéo níu sanh khởi mười hai chi. Tất cả đều do duyên mà đối sanh. Không có duyên thì không có đối sanh.

Cả Ba Cõi đều vốn không, đều từ không mà sanh, đều từ có mà tử. Vì chẳng thấu đạt không vô mà cho rằng từ nơi có mà thành ra sanh, chẳng biết có ấy rỗng không, do chấp lấy có ngã mà thành ra tử vậy.

Biết không thì chẳng sanh. Rõ có thì chẳng tử. Vì tội nó theo, trần lao nó đến nên điên đảo khổ não si tối chẳng thiệt.

Vì họ mà tuyên Chân Đế ứng theo nghi tiết quán sát trúng pháp, mà ở nơi pháp không có tạo tác!

Chẳng có chỗ tạo thì không có thối chuyển cũng không chẳng thối chuyển. Chẳng có nạn qua lại xoay quanh. Giả sử phân biệt nơi pháp mà phân biệt không chấp trước, nhận biết là vốn không, tất cả các pháp đều đạm bạc vắng lặng.

Gầy dựng cho người ấy, hoặc Bồ Tát ấy thường được thấy Phật, chẳng rời bên Phật, chẳng mất sự nghe pháp, chẳng trái Thánh Chúng. Sanh về nơi nào đều thấy Chư Phật. Dầu có thác sanh mà chẳng sanh về chỗ không có Phật.

Vì sanh ra được thấy Phật nên không phóng dật, mộ cầu pháp chân chánh tinh tiến. Siêng tu tập theo đây nên chẳng màng gia nghiệp mà hay gìn tịnh hạnh, chẳng luyến vợ con tôi tớ giữ gìn nhà cửa mà siêng gắng thọ thì chánh pháp, không chơi bời phóng túng ái dục.

Chư Phật Thế Tôn thuyết giáo. Vì dốc lòng tin mà xuất gia tu hành. Sau khi tin Pháp Phật xuất gia thì làm bạn lữ chân chánh với thiện tri thức để thọ nghiệp chân chánh, tánh hạnh vi diệu, nghe pháp huyền diệu, lấy sự hành đạo làm trọng yếu mà chẳng châng diện, giác ý đệ nhất mà chẳng nhàm đủ, thường cầu học rộng. Như pháp được nghe vì người khác mà giảng rộng. Tâm không mong lợi dưỡng cung kính mà giảng thuyết Kinh Điển.

Từ nơi trí huệ đã được học hỏi, nhân lúc đi đứng mà vì người giảng thuyết, làm cho người nghe pháp thêm lớn lòng đại bi, mà đối với chúng sanh phát tâm đại bi, đến được học rộng, không lẫn tiếc, chẳng tham thân mạng, ít muốn ít cầu mà biết vừa đủ, trọng nghiệp lành, vui cúng dường, thích rảnh rang vắng vẻ chuyên ròng giữ tiết.

Theo nơi pháp được học mà suy ngẫm nghĩa thú, về nơi chánh nghĩa suy xét phụng hành chớ chẳng thiên về văn sức. Chẳng riêng vì mình và vì chúng sanh cầu đại thừa tối thượng, chí mộ Phật Thừa thành không phóng dật.

Thế nào là không phóng dật?

Do vì đã thấu đạt cảnh giới nên nhãn chẳng thấy sắc, chẳng thọ vọng tưởng, chẳng trước văn sức, rõ sắc là nạn, dầu có mộ thích liền bỏ nó qua, biết nó vốn là không. Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, ý biết pháp cũng như vậy, chẳng biết pháp, chẳng vọng tưởng, chẳng trước pháp rõ pháp là nạn, dầu có mộ thích liền rời bỏ biết rõ pháp là không.

Nói rằng không phóng dật đó, tâm mình không sanh cũng hộ trợ tâm người khác. Bỏ vui ái dục vào nơi pháp lạc. Chẳng tưởng tham dục, không tưởng giận hờn, không tưởng nguy hại. Không có nghiệp hành tham dục, giận thù ngu si. Không có những căn bổn ác ấy.

Thân chẳng làm đều ác, miệng chẳng nói quấy, tâm chẳng nghĩ bẩn. Chẳng làm trái với tâm niệm. Chẳng phạm tất cả những pháp bất thiện. Như trên đây gọi là không phóng dật.

Do vì không phóng dật mà thường đúng tiết hạnh, biết rõ có, biết rõ không, biết rõ không không có.

Sao gọi là có, gì gọi là không?

Người tu hạnh bình đẳng thì có Hiền Thánh giải thoát. Người tu hạnh tà ngoại thì không có Hiền Thánh giải thoát. Lại cũng có quả báo tội phước, hoặc có quả báo không tội phước. Hoặc có nhãn, hoặc không nhãn. Nhẫn đến hoặc có ý hoặc không ý.

Lại có thể biết rõ sắc là pháp vô thường, khổ, không, biệt ly thì gọi là có chí học đạo. Còn chấp sắc là pháp có thường còn mãi không biệt ly, bởi không có huệ bình đẳng mà có niệm chấp ấy nên có tưởng hành thức khổ, có trọn pháp vô thường, khổ, không, biệt ly.

Lại từ vô minh làm duyên mà sanh ra nghiệp bất thiện. Nếu không có vô minh thì không có hành. Từ sanh làm duyên mà có già bệnh chết. Nếu không có sanh thì không có già bệnh chết.

Bố thí thì nên phước lớn. Nghèo thiếu do không thí xả. Cùng khổ thì do tham ganh. Bọn sẻn thì không có của nhiều. Phụng pháp thì đến đạo.

Chẳng thuận nghi tắc thì chẳng thành đạo nghiệp. Bồ Tát tinh tiến thì được trí huệ lớn. Bồ Tát giải đãi thì chẳng được đạo. Người chẳng tự tôn tự đại là thiệt được bí quyết lạ.

Người cống cao thì chẳng đến Niết Bàn. Nếu khắp vắng bặt thì đến Niết Bàn. Người chấp ngô ngã tham thân thọ mạng thì chẳng đến đạo huệ. Vì thế nên làm người phải thuận theo thời nghi.

Đức Phật lại dạy: Nếu thiện nam thiện nữ tu phổ minh trí, hoặc có chỗ biết, hoặc không chỗ biết, hoặc ở nơi đời, hoặc không ở nơi đời, hoặc có Thiên thực, hoặc không Thiên thực, đều không chấp trước.

Đức Như Lai minh chứng tất cả pháp dạy bốn pháp thí:

Một là tất cả vạn vật đều về nơi vô thường.

Hai là tất cả chỗ có đều là khổ độc.

Ba là tất cả các pháp đều không có ngã.

Bốn là tất cả hữu tình đều đến nơi không, vô vi Niết Bàn tịch diệt.

Vì thế nên nói rằng tất cả vạn vật đều về nơi vô thường.

Chúng sanh ngu tối mê lầm tự nghĩ là có thường. Đức Như Lai thuyết pháp dứt trừ sự chấp có thường ấy. Tất cả chỗ có đều là khổ độc. Chúng sanh mê tối cho là có vui. Đức Như Lai thuyết pháp dứt trừ quan niệm có vui của họ.

Tất cả các pháp đều không có ngã. Chúng sanh chấp có ngã. Đức Như Lai thuyết pháp dứt trừ ý tưởng có ngã ấy.

Tất cả hữu hình đều về nơi rỗng không. Chúng sanh mê muội lại tưởng đều là có. Đức Như Lai vì họ nên thuyết pháp dứt trừ tưởng chấp là có ấy. Để được Niết Bàn vắng lặng. Tất cả chúng sanh quan niệm tự tại.

Đức Như Lai thuyết pháp khiến người tự đại chẳng còn cống cao, vất bỏ chấp trước. Vì được nghe vô thường mà họ hiểu đều rỗng không, đây mới hiểu rõ nghĩa vô thường.

Nghĩa ấy là thế nào?

Tất cả vạn vật đều chẳng sanh, chẳng tăng, chẳng khởi, chẳng diệt. Đây mới gọi là ngộ nhập vĩnh viễn vô thường.

Vì được nghe nói là khổ mà họ trừ được lòng cầu mong, năm ấm rỗng không không có sanh khởi. Đây là nghĩa của khổ.

Vì nghe nói tất cả pháp đều không có ngã mà phụng trì môn không giải thoát, với ngã và vô ngã không thấy có hai tướng sai khác. Đây là nghĩa vô ngã.

Vì được nghe Niết Bàn tịch diệt nên quyết chí đến không tưởng thọ chẳng sanh chẳng diệt là đều diệt định không có chung thỉ. Đây mới gọi là hiểu rõ nghĩa không. Chẳng lấy vô tướng mà làm chỗ chứng.

Nếu có Bồ Tát hay thật hành như vậy thì chưa từng trái mất tất cả những công hạnh đạo phẩm. Do vô tướng hành mà khắp đầy đủ đạo pháp của Chư Phật ba mươi bảy phẩm.

Lúc Đức Thế Tôn ở tại cung điện của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, theo bệnh mà thuyết pháp, trong chúng hội liền có hai vạn Thiên Nhân phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, vô số người thọ ngũ giới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần