Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Na đề Ca - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH NA ĐỀ CA   

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại Câu Tát La, du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Nhất Xa Năng Già La, tại Tụ Lạc Nhất Xa Năng Già La. Lúc ấy, cũng có Tôn Giả Na Đề Ca đã từng ở trong Tụ Lạc Nhất Xa Năng Già La.

Bấy giờ, Sa Môn, Bà La Môn ở Tụ Lạc ấy nghe tin Sa Môn Cù Đàm đang trú tại nước Câu Tát La, du hành trong nhân gian, đã đến ở trong rừng Nhất Xa Năng Già La, tại Tụ Lạc Nhất Xa Năng Già La.

Nghe rồi, mỗi người đều sửa soạn một cái chõ đồ ăn để bên cửa, họ tự nghĩ: Ta cung dưỡng Thế Tôn trước, ta cung dưỡng Thiện Thệ trước. Mỗi người tự cao giọng lớn tiếng xướng lên như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn nghe trong viên lâm có tiếng nói to lớn của nhiều người, liền hỏi Tôn Giả Na Đề Ca: Nhân gì, duyên gì, ở trong viên lâm có tiếng nói to lớn nhiều người như vậy?

Tôn Giả Na Đề Ca bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Đây là các Sa Môn, Bà La Môn, gia chủ ở Tụ Lạc Nhất Xa Năng Già La, nghe tin Thế Tôn ở trong rừng này, mỗi người sửa soạn một chõ đồ ăn đem để trong viên lâm và tự họ xướng lên:

Ta cung dưỡng Đức Thế Tôn trước, ta cung dưỡng Đức Thiện Thệ trước. Vì vậy nên có tiếng nói to lớn của nhiều người ở trong rừng này. Cúi xin Thế Tôn hãy nhận đồ ăn của họ.

Phật bảo Na Đề Ca: Chớ đem lợi dưỡng cho ta, ta không cầu lợi. Chớ xưng tụng ta, ta không cầu xưng tụng.

Này Na Đề Ca, nếu có ai, đối với sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác mà Như Lai đạt được dễ dàng như vậy, đối với những thứ lợi lạc như kia, mà nếm vị, mà mong cầu. Na Đề Ca, duy ta đối với sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác như thế ấy, không cầu mà được, không khổ nhọc mà vẫn được.

Thì ta há có nếm vị, mong cầu những thứ lợi lạc được khởi lên như thế kia?

Này Na Đề Ca, các ngươi do không đạt được sự an lạc do xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác như thế kia, nên không đạt được sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.

Này Na Đề Ca, Chư Thiên cũng không đạt được sự an lạc do xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác như thế kia. Sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.

Chỉ có ta đạt được sự an lạc do xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác như thế kia, an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.

Ta há có nếm vị, mong cầu những thứ lợi lạc được khởi lên như thế kia?

Na Đề Ca bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con muốn nêu thí dụ.

Phật bảo Na Đề Ca: Nên biết đúng thời.

Na Đề Ca bạch Phật: Bạch Thế Tôn, ví như trời mưa, dòng nước thuận dòng chảy xuống. Ở nơi nào mà Thế Tôn dừng chân, ở nơi đó các Sát Đế Lợi, Bà La Môn hay gia chủ kia kính tín phụng thờ.

Vì Thế Tôn giới đức thanh tịnh, chánh kiến chân trực. Cho nên nay con thưa như vậy, cúi xin Thế Tôn thương xót nhận lời mời của họ.

Phật bảo Na Đề Ca: Chớ đem lợi cho ta, ta không cầu lợi, thì ta há có nếm vị, mong cầu?

Na Đề Ca, ta thấy Tỳ Kheo ăn ngon. Ăn xong rồi nằm ngửa bụng mà thở gấp, thở dài. Thấy vậy rồi, ta tự nghĩ, như Trưởng Lão này không đạt được sự an lạc do xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác, sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.

Lại nữa, Na Đề Ca, ta thấy ở đây có hai Tỳ Kheo ăn ngon. Ăn xong, no bụng, thở dốc, ưỡn người mà đi. Ta tự nghĩ, những Trưởng Lão kia không đạt được sự an lạc do xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác, sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.

Này Na Đề Ca, ta thấy nhiều Tỳ Kheo ăn ngon, ăn xong đi từ vườn này đến vườn kia, từ phòng này đến phòng kia, từ người này đến người kia, từ đám đông này đến đám đông kia.

Thấy vậy rồi, ta tự nghĩ, những Trưởng Lão kia như vậy không thể đạt được sự an lạc do xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác.

Chỉ có ta mới đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, Đẳng Chánh Giác như thế ấy. Lại nữa, này Na Đề Ca, một thời, ta đi trên đường, thấy có Tỳ Kheo đi xa ở trước, lại cũng có Tỳ Kheo từ sau xa đến. Ta bấy giờ nhàn tĩnh vô vi, cũng không có sự mệt nhọc vì sự đại tiểu tiện.

Vì sao?

Y vào ăn uống, tham đắm mùi vị nên có đại tiểu tiện, đó là y tựa. Quán sát sự sanh diệt của năm thọ ấm, mà sống yểm ly, đó là y tựa. Đối với Sáu xúc nhập xứ quán sát tập diệt, mà sống yểm ly, đó là y tựa.

Đối với cái vui đám đông hội tụ, siêng năng tụ tập nhóm họp, mà chán ghét sự viễn ly, đó là y tựa. Ưa thích tu tập viễn ly, siêng năng nơi viễn ly, mà yểm ly đám đông tụ hội, đó là y tựa. Cho nên, này Na Đề Ca, nên học như vậy.

Đối với năm thọ ấm, quán sát sanh diệt, đối với lục xúc nhập xứ, phải quán sát tập diệt, ưa thích viễn ly, tinh cần viễn ly, nên học như vậy.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả Na Đề Ca nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi đi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường