Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bồ Tát Hạnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ HAI
PHẨM BẢY MƯƠI
PHẨM BỒ TÁT HẠNH
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài đã dạy Bồ Tát phải thực hành Bồ Tát hạnh.
Vậy pháp gì là Bồ Tát hạnh?
Phật Bảo Thiện Hiện: Bồ Tát hành Bồ Tát hạnh là vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, Bồ Tát phải đi trong sanh tử nên gọi là Bồ Tát hạnh.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát phải hành Bồ Tát hạnh ở đâu?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát phải hành Bồ Tát hạnh nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn xứ cho đến ý xứ không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi sắc xứ cho đến pháp xứ không.
Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn giới cho đến ý giới không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi sắc giới cho đến pháp giới không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn thức giới cho đến ý thức giới không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn xúc cho đến ý xúc không.
Phải hành Bồ Tát hạnh nơi các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi địa giới cho đến thức giới không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhân duyên cho đến tăng thượng duyên không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi vô minh cho đến lão tử không.
Phải nương vào bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào bốn tịnh lự để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào bốn vô lượng để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào bốn định Vô Sắc để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào tám giải thoát để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào tám thắng xứ để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào chín thứ đệ định để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào mười biến xứ để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào ba giải thoát để thành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào Thập Địa để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào tất cả pháp môn Đà La Ni để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào tất cả pháp môn Tam Ma Địa để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào năm loại mắt để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào sáu phép thần thông để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào mười lực Như Lai để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào bốn điều không sợ để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào mười tám Pháp Phật bất cộng để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào việc trang nghiêm Cõi Phật để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào việc thành thục hữu tình để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào việc phát sanh văn tự Đà La Ni để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào việc ngộ nhập văn tự Đà La Ni để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào việc ngộ nhập không văn tự Đà La Ni để hành Bồ Tát hạnh.
Phải nương vào việc làm phát sanh biện tài vô ngại để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào cảnh giới hữu vi để hành Bồ Tát hạnh. Phải nương vào cảnh giới vô vi để hành Bồ Tát hạnh.
Thiện Hiện! Lúc tu hành Bồ Tát hạnh, các Đại Bồ Tát giống như quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Phật, không phân biệt hai tướng đối với các pháp.
Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào tu bát nhã Ba la mật đa này thì gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên tu Bồ Tát hạnh.
Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào có thể tu Bồ Tát hạnh như vậy thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài đã nói về Phật Đà, Phật Đà ấy dựa vào nghĩa gì để gọi là Phật Đà?
Phật Bảo Thiện Hiện: Dựa vào nghĩa giác ngộ, nghĩa chân thật, nghĩa Thế Tôn nên gọi là Phật Đà.
Lại nữa, Thiện Hiện! Vì đối với các thật pháp hiện chứng Đẳng Chánh Giác nên gọi là Phật Đà.
Lại nữa, Thiện Hiện! Vì thông đạt thật pháp nên gọi là Phật Đà.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đối với tất cả pháp như tánh sở hữu, chấm dứt tánh sở hữu, giác ngộ không điên đảo, nên gọi là Phật Đà.
Lại nữa, Thiện Hiện! Trí vô ngại vận chuyển khắp ba đời và pháp vô vi, nên gọi là Phật Đà.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như thật khai ngộ cho tất cả hữu tình, giúp họ lìa phiền não điên đảo, nên gọi là Phật Đà.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Thế Tôn đã nói về Bồ Đề, Bồ Đề ấy nương vào nghĩa gì mà gọi là Bồ Đề?
Phật Bảo Thiện Hiện: Bồ Đề là nghĩa không, là nghĩa chân như, là nghĩa thật tế, là nghĩa pháp tánh, là nghĩa pháp giới.
Lại nữa, Thiện Hiện! Giả lập danh tướng, bày ra nói năng để làm cho giác ngộ sự thắng diệu tối thượng, nên gọi là Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nghĩa không thể phá hoại là nghĩa Bồ Đề, nghĩa không phân biệt là nghĩa Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Là chân chánh, là thật, chẳng hư dối, chẳng đổi thay, nên gọi là Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Chỉ là danh tướng giả, không chân thật để nắm bắt, nên gọi là Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Sự giác ngộ thanh tịnh trọn vẹn của Chư Phật gọi là Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Chư Phật nhờ vào tất cả loại tướng của các pháp hiện chứng Đẳng Chánh Giác nên gọi là Bồ Đề.
Bấy giờ cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì Bồ Đề nên khi các Đại Bồ Tát tu hành sáu Ba la mật đa cho đến trí nhất thiết trí thì những pháp nào làm lợi ích, tổn hại, tăng, giảm, sanh, diệt, nhiễm, tịnh?
Phật Bảo Thiện Hiện: Vì Bồ Đề nên khi các Đại Bồ Tát tu sáu Ba la mật đa cho đến trí nhất thiết trí thì đối với các pháp không lợi, không hại, không tăng không giảm, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh.
Vì sao?
Vì Bồ Đề các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa, đối với tất cả pháp hoàn toàn không sở duyên mà là phương tiện, không lợi hại, không tăng giảm, không sanh diệt, không nhiễm tịnh ở ngay trong hiện tại.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu vì Bồ Đề, nên lúc tu hành sáu Ba la mật đa cho đến trí nhất thiết trí, đối với các pháp Đại Bồ Tát nào thấy tất cả pháp hoàn toàn không sở duyên mà là phương tiện, không lợi hại, không tăng giảm, không sanh diệt, không nhiễm tịnh ngay trong hiện tại, thì khi Đại Bồ Tát này thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, làm sao hộ trì bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa.
Làm sao hộ trì pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không.
Làm sao hộ trì chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.
Làm sao hộ trì Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.
Làm sao hộ trì bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh Đạo.
Làm sao hộ trì bốn tịnh lự, bốn định vô sắc.
Làm sao hộ trì tám giải thoát cho đến mười biến xứ.
Làm sao hộ trì pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.
Làm sao hộ trì các địa của Bồ Tát. Làm sao hộ trì pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.
Làm sao hộ trì năm loại mắt, sáu phép thần thông.
Làm sao hộ trì mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.
Làm sao hộ trì pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.
Làm sao hộ trì trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Làm sao vượt qua các địa vị Thanh Văn, Độc Giác để nhập vào chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, dần dần chứng đắc trí nhất thiết trí?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát không thấy các pháp là hai nên hộ trì tu hành sáu pháp Ba la mật đa, cho đến không thấy các pháp là hai nên lần lượt chứng đắc trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Lúc thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nếu các Đại Bồ Tát không thấy các pháp là hai, nên hộ trì tu hành sáu Ba la mật đa, cho đến không thấy các pháp là hai nên tuần tự chứng đắc trí nhất thiết trí, vậy vì sao từ lúc mới phát tâm trở về sau, Đại Bồ Tát thường làm tăng thêm tất cả các pháp lành?
Phật Bảo Thiện Hiện: Đại Bồ Tát nào thực hành thấy các pháp là hai, thì tất cả các pháp lành không thể tăng thêm.
Vì sao?
Vì phàm phu ngu si đều nương vào pháp đối đãi nên các pháp lành đã phát sanh không thể tăng thêm. Đại Bồ Tát nào do thực hành không thấy hai nên lúc mới phát tâm cho đến về sau thường tăng thêm tất cả thiện pháp.
Vì thế, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát có thiện căn kiên cố, nên thế gian Trời, Người, A Tu La v.v… không thể hủy hoại làm rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác v.v… các loại pháp ác của thế gian không thể khống chế làm cho tất cả pháp lành lúc thực hành sáu Ba la mật đa, cho đến trí nhất thiết trí không được tăng thêm.
Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa không hai.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Vì thiện căn nên các Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa phải không?
Phật Bảo: Không phải! Các Đại Bồ Tát không phải vì thiện căn nên thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Cũng không phải vì bất thiện căn nên thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.
Vì sao?
Vì pháp của các Đại Bồ Tát là như vậy. Nếu chưa thân cận Chư Phật Thế Tôn, hoặc các thiện căn chưa hoàn toàn viên mãn, hoặc chưa được bạn lành thường xuyên hộ trì thì quyết không thể đạt được trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Đại Bồ Tát làm thế nào để thân cận Chư Phật, viên mãn thiện căn, thường được bạn lành bảo bọc thì có thể mau chứng đắc trí nhất thiết trí?
Phật dạy: Thiện Hiện! Từ lúc mới phát tâm, các Đại Bồ Tát thân cận Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nghe giảng chánh pháp, như là Khế Kinh cho đến Luận Nghị. Nghe xong thọ trì, ôn tập thường xuyên làm cho hoàn toàn thông suốt.
Sau khi đã hoàn toàn thông suốt, vị ấy tư duy quán sát. Sau khi đã quán sát, vị ấy thấy rõ nghĩa lý sâu sắc. Thấy nghĩa lý rồi, lại hoàn toàn thông đạt. Sau khi đã hoàn toàn thông đạt, vị ấy đạt được Đà La Ni phát sanh biện tài vô ngại, cho đến chứng đắc trí nhất thiết trí.
Dù sanh ở đâu, vị ấy cũng không quên mất nghĩa lý chánh pháp mà mình đã được nghe và hành trì, vị ấy trồng nhiều căn lành với Chư Phật. Nhờ năng lực của căn lành bảo bọc, nên vị ấy không đọa vào cảnh giới ác và nạn xứ.
Nhờ được căn lành che chở nên vị ấy thường được vui vẻ thanh tịnh. Nhờ năng lực vui vẻ thanh tịnh bảo bọc nên vị ấy thường không điên đảo, thành thục hữu tình, trang nghiêm Cõi Phật.
Lại nhờ căn lành bảo bọc nên vị ấy thường không xa lìa bạn lành thanh tịnh chân chánh, là các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, các Đại Bồ Tát, các Thanh Văn, Độc Giác và những người thường ca ngợi Phật, Pháp, Tăng khác.
Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát thân cận Chư Phật, viên mãn thiện căn, được bạn lành chân chánh hộ trì thường xuyên thì mau chứng đắc trí nhất thiết trí.
Vì vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí thì phải siêng năng gần gũi Chư Phật, giữ gìn cho các căn lành đã trồng được viên mãn, và thờ phụng bạn lành đừng sanh nhàm chán.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba