Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA

PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ  

PHẦN HAI  

Này Tịch Ý! Nếu người muốn hiểu biết Phật Thân, nên hiểu rằng chính là thân hư không, không gì ngang hàng, là chí tôn trong Tam Giới, thí cho chúng sanh thân vô sở quy, chẳng thể thí dụ, không gì sánh kề, thân thanh tịnh rời trần cấu.

Phật thân vốn thanh tịnh, vốn không nhiễm ô, tự nhiên sáng sạch trọn không trần lụy tối tăm, bổn tánh nhân hòa đều là vô sanh.

Thân đó vắng lặng không hệ thuộc nơi tâm ý thức. Thân đó tự nhiên, như huyễn, như hóa, như dương diệm, như thủy nguyệt. Thân đó đã rốt ráo không, vô tướng vô nguyện.

Thân đó cùng khắp mười phương hư không, tâm đều bình đẳng rõ thấu bổn nguyện của Tam Giới, không có ngô ngã với tất cả chúng sanh.

Thân đó không hạn lượng, không tạo tác, không tưởng niệm, không trụ trước, tru nơi Chân Đế không biến đổi. Thân đó không sắc tượng mà tự nhiên hiện sắc tượng.

Không đau đớn mà hiện đau đớn, tự nhiên không tưởng niệm mà hiện có tưởng niệm, không tình thức mà tự nhiên hiện các tình thức, không địa, thủy, hỏa, phong mà hiện thân địa, thủy, hỏa, phong, thấu rõ tất cả pháp thế gian đều hư vọng chẳng thật.

Mắt không chỗ thấy, tai không chỗ nghe, mũi không ngửi mùi, lưỡi không nếm vị, thân không cảm xúc, tiêu hẳn tình thức, ý không phan duyên, tâm chẳng chuyển dời, không tâm ý thức, hiểu rõ Chân Đế không có tấn thối.

Này Tịch Ý! Như Lai pháp thân, nếu có Bồ Tát đến được thân này thời không công hạnh Bồ Tát nào chẳng đầy đủ, hóa hiện thân mình khắp cả thành ấp xóm làng trong Cõi Đại Thiên. Tất cả chúng ma đều không biết đước việc làm của Bồ Tát, hiện hay chẳng hiện. Bồ Tát hiểu rõ cả những nghiệp vi diệu.

Dầu không chỗ hiện mà hiện khắp tất cả, cũng chưa từng có quan niệm ra làm, cùng thấy nghe hay biết. Có tu hành điều chi là để khai hóa chúng sanh. Chẳng do sự hành động nơi thân mà mất bốn như ý túc.

Vì lợi ích chúng sanh mà Bồ Tát hiện thân mình để hiển bày nghĩa vô thường, khổ, không và chẳng phải thân, thấu rõ các thân bổn tánh tịch tịnh, mà vì chúng sanh hiện thân hoại hư.

Thị hiện báo ứng thọ thân, thuận theo bốn pháp điên đảo, rõ biết thân mình như cỏ cây tường vách ngói đá, vì chúng sanh mà hiện thân thanh tịnh.

Này Tịch Ý! Ta từng làm Bồ Tát, từ khi được Phật Nhiên Đăng thọ ký đến nay, dùng mật hạnh ẩn thân thanh tịnh, dầu miệng có tuyên thị nhưng đều không ngôn thuyết.

Này Tịch Ý! Như Lai Thuyết Pháp thuận theo thời nghi. Do dược tự tại nên thân Bồ Tát bí mật, chỉ lược nói những điều cốt yếu để tuyên bày sự tịch tịnh bí mật của thân mình. Giả sử muốn thuyết minh đầy đủ, trải qua hằng sa kiếp cũng không thể trình bày hết.

Lúc đó Mật Tích Kim Cang bảo Tịch Ý Bồ Tát rằng: Thế nào gọi là bí mật?

Bồ Tát dùng lời nói thanh tịnh, thuận theo mỗi loài chúng sanh nhẫn đến trong tất cả loài cầm súc, Bồ Tát cũng hiện ra bao nhiêu ngôn ngữ, bao nhiêu lời, bao nhiêu tiếng, thuận theo chỗ hiểu biết của mỗi loài mà diễn giải giáo pháp, cùng mọi loài chuyện vãn nhau, nói những việc khổ vui thiện ác. Tiếng nói của Bồ Tát không chỗ nào chẳng suốt chẳng đến.

Hoặc ca hát, hoặc giận mừng đều thuận theo tiếng nói của mỗi chúng sanh mà tùy nghi dạy dỗ. Bồ Tát biết rõ tâm ý của mỗi loài có thể tin pháp gì, ưa thích hạnh gì, rồi thuận theo đó mà làm cho họ được vào đạo.

Tịch Ý Bồ Tát hỏi Mật Tích Kim Cang: Âm thinh của Bồ Tát giáo hóa như thế nào?

Mật Tích nói: Tùy theo tất cả âm thinh của chúng sanh, lại chỗ tùy thuận của Bồ Tát không có hạn lượng. Chúng sanh trong các loài tâm niệm đều riêng khác, tiếng nói cũng chẳng đồng không thể tính kể xiết, Bồ Tát đều thuận theo tâm niệm và tiếng nói của mỗi loài, dầu vậy nhưng Bồ Tát vẫn không nói năng. Chính đây gọi là suốt đến tất cả âm thanh của tất cả chúng sanh, đồng thời hiểu rõ là vô số hữu.

Đây là Bồ Tát tùy thời nghi giáo hóa không thể lấy gì để ví dụ được, là bất tư nghì, là vô cùng vô tận, tự tại tuyên thuyết vô số ngữ ngôn: Hoặc nói tiếng Đế Thích, tiếng Phạm Thiên, tiếng Tứ Thiên Vương, tiếng Thiên, Long, Thần, tiếng A Tu La, nhẫn đến tiếng người cùng tiếng của tất cả loài, đều làm cho tất cả được vui mừng kính tin chánh pháp.

Mật Tích Kim Cang liền nói kệ rằng:

Dùng ngôn ngữ như vậy

Giải quyết nhiều điều nghi

Thuyết vô lượng vô số

Giáo pháp độ chúng sanh.

Chữa bệnh dùng từ tâm

Cứu khổ do bi lực

Rộng giảng thuyết tuyên bố

Lòng người đều vui thích.

Giữa đại hội Thiên Đế

Dùng tiếng nói dịu dàng

Tiếng này rất điều hòa

Hơn tất cả thinh âm

Hòa theo tiếng kỹ nhạc

Giọng buồn động lòng người

Nhân dịp nầy diễn nói

Lời Kinh Điển dạy răn

Tiếng lảnh lót dịu dàng

Như tiếng thần Na La

Người tham nghe hết tham

Sân hận nghe hết hận.

Tất cả các Sơn Thần

Đều ưa thích âm nhạc,

Thinh âm của Chư Thiên

Thiệt đáng ưa đáng thích

Tiếp pháp âm vang lên

Theo thời nghi phương tiện

Hoặc ca hoặc tụng kệ

Tiêu trừ tham, sân, si.

Lòng kiêu căng ngạo mạn

Những hành vi tự đại

Nghe được tiếng đạo mầu

Đều rời bỏ kiêu căng

Các Thiên Vương Cõi Sắc

Lắng nghe được pháp âm

Lòng vui đẹp phát tâm

Nguyện sẽ thành Phật Đạo.

Thiên, Long, Thần, Dạ Xoa,

A Tu La, Bát Bộ

Nghe tiếng pháp vi diệu

Đêu hớn nở vui mừng

Thiên hạ cõi Diêm Phù

Nhiều nước, nhiều giống dân

Tiếng Bồ Tát khắp vào

Mọi người nghe đều hiểu.

Bồ Tát khéo tùy thuận

Vừa lòng đẹp ý người

Ai nghe được pháp âm

Đều sẽ được độ thoát.

Chư Thiên Thần hư không

Thần Kỳ ở Đại Địa

Tiếng Bồ Tát suốt đến

Thần Kỳ hội lại nghe.

Tiếng pháp rót vào tai

Lòng chư thần vui đẹp

Chỗ nghi được giải quyết

Hớn hở đều kính tin.

Chim loan, chim hồng hộc,

Chim cưu, nhạn, oan ương

Tiếng diều, quạ, chim công

Các loài chim trên núi,

Chim dưới nước, trên bờ,

Bồ Tát đều tùy theo

Chim nghe hiểu được pháp

Lòng chúng đều vui đẹp.

Sư tử, tượng, hổ, lang

Gấu, beo, cùng khỉ, vượn

Hươu, nai với chồn, cáo

Lừa, ngựa với chó, heo

Trừu, dê với trâu, bò

Bốn chân hoặc hai chân

Muông thú nghe pháp âm

Vui mừng bỏ nghiệp ác.

Trong Đại Thiên Thế Giới

Thiên thượng đến nhân gian

Ngạ quỉ cùng súc sanh

Suốt đến A Tỳ Ngục

Nhờ Pháp Âm Bồ Tát

Bỏ tà kiến vọng tâm

Chỉ tưởng niệm chí nhân

Gìn lòng nơi chánh đạo.

Các Quốc Độ mười phương

Những nơi có ma chướng

Nghe Bồ Tát thuyết pháp

Đều kính lễ hộ trì

Trăm ngàn ức chúng sanh

Hoài bảo nhiều chí niệm

Nghe Bồ Tát giải thích

Đều cởi mở suốt thông.

Kẻ nằm ngủ điếc câm

Miệng nói chẳng ra lời

Kẻ không chân què thọt

Người bệnh tật nặng nề

Thinh âm của Bồ Tát

Vi diệu khó nghĩ bàn

Người nghe lòng hòa vui

Khổ tật nguyền đều hết

Những trần lao phiền não

Muôn ức kiếp sâu dày

Nghe thanh tịnh pháp âm

Như sương mai gặp nắng.

Không luận Chư Thiên Thần

Nhân loại hay quỉ súc

Cầm điểu hoặc thú muông

Nghe thinh âm vi diệu

Lòng vui hòa mát mẻ

Nghe nói pháp nhiệm mầu

Hiểu được nghĩa Khế Kinh

Đồng quy y Phật Pháp.

Tiến lên vào dòng Thánh

Bố thí tu hạnh từ

Trì giới tập đa văn

Tinh tấn rèn nhẫn nhục

Nhất tâm thêm trí huệ

Phước trí đồng trang nghiêm

Viên mãn hạnh bồ đề

Rốt ráo quả vô thượng.

Thinh âm của Bồ Tát

Vi diệu bất tư nghì

Ngàn ức kiếp tuyên bày

Cũng khó thể cùng tận.

Mật Tích Kim Cang nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Miệng Bồ Tát chưa từng nói ra những lời nhiễm ô, lời bất nhân, lời sân hận, ngu si, cũng chẳng nói lời dua nịnh, lời kết oán, lời cợt đùa chế riễu.

Lúc nói Bồ Tát chẳng cười vô lối, chẳng thốt ra lời châm chọc, lời thô bạo. Lòng Bồ Tát không hề có quan niệm não hại, chấp trước, tranh đấu, bậc tức, ỷ thị, cống cao, buông lung, trái lý. Không lúc nào Bồ Tát để mất nghi tiết, lỗi thời, không tham dục, độc ác. Thân thể Bồ Tát toàn vẹn, thinh âm viên diệu.

Tâm không thiên đảng, không che giấu, chẳng oán hiềm, chẳng tà kiến, chẳng chấp ngô ngã, chẳng khuấy rối người. Bồ Tát không truyền rao lỗi của người, chẳng thất ngôn, thường nhẫn nhịn, luôn hòa thuận, bỏ hành vi phi pháp, không coi rẻ chánh pháp, chẳng ca ngợi người của mình, chẳng phá hoại bạn của người.

Mình được điều tốt điều hay chẳng lấy đó làm vui thích. Thấy người khác được khen tặng chẳng ganh hờn. Chẳng hủy bán người trí, chẳng khinh khi người hiền, chẳng buộc tội người, chẳng tìm chỗ dở của người, siêng dạy bảo người chí nguyện cầu đạo vô thượng.

Thưa Ngài Tịch Ý! Đây là Bồ Tát ngôn hạnh tương ưng, tinh thần dõng kiện, công đức báo ứng chỗ làm chắc chắn, lời nói chí thành, thật hành đúng như lời.

Giả sử có người đến dưới cây to đứng quan sát rồi hỏi người khác rằng, anh biết cây này có bao nhiêu lá chăng?

Người đại trí chẳng nhìn cây cũng chẳng đếm số, mà có thể nói đúng số lá như người đã đếm. Đối với đạo đức, người trí chẳng suy lường liền biết số lượng, ở giữa đại chúng tuyên thị rành rẽ, lời nói của người này cùng người đại trí trước kia đồng nhau không khác.

Nếu có người hỏi cát trong sông lớn có bao nhiêu hột?

Nước trong sông lớn có bao nhiêu thăng?

Về việc này chỉ bậc Đại Thánh mới biết. Chư Thiên nhẫn đến Long thần, Bát Bộ, loài người, đến bậc Thanh Văn, Duyên Giác đều không thể biết rõ. Duy Phật Thế Tôn mới biết rõ được.

Cứ theo đây để quán sát, Đức Như Lai chí chân Đẳng Chánh Giác, trí huệ không thể tính lường, tuyên thuyết vạn ức thinh âm, chúng sanh đều được nghe, đều được hiểu.

Thưa Ngài Tịch Ý! Thuở quá khứ có một vị Thần Tiên hiệu là Lâu Di thường ở dưới cội cây nhân hiền, trọn mười hai năm vừa quan sát vừa đếm lá cây. Sau đó có Phạm Chí tên Tịch Nhiên đến dưới cây nhân hiền, thấy đại tiên ngày đêm quan sát cùng đếm lá cây. Phạm Chí hỏi cớ. Đại tiên bảo rằng tôi đếm lá cây để biết có bao nhiêu lá.

Lúc đó Phạm Chí Tịch Nhiên chẳng nhìn cây, chẳng đếm lá mà nói kệ rằng:

Có tám ngàn cai

Tám ngàn ức lá,

Chín ngàn sáu trăm

Lẻ hai mươi lóng

Gốc có hai trăm

Năm mươi lẻ năm,

Nụ có sáu ngàn

Sáu trăm sáu mươi.

Theo tôi rõ biết

Cây này như vậy,

Đại tiên nếu nghi

Xin đếm lại đó.

Đại tiên Lâu Di khen rằng: Lành thay! Lành thay! Ông nói thiệt đúng số. Ông không tính đếm mà biết rõ số lá cây đúng như của tôi đã từ mười hai năm tính đếm.

Xin Phạm Chí vui lòng cho tôi biết duyên cớ vì sao chẳng xem chẳng đếm mà lại biết như tôi đã tính đếm?

Phạm Chí nói: Thưa Đại Tiên! Chẳng phải người cũng chẳng phải Trời giúp tôi. Do tôi chí thành tu tập chánh hạnh, đúng theo đế lý chân thật không phân biệt đấu tranh.

Thưa Ngài Tịch Ý! Thần tiên Lâu Di thuở xưa chính là Tôn Giả Xá Lợi Phất. Phạm Chí Tịch Nhiên là Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn hiện nay.

Thưa Ngài Tịch Ý! Nghiệp hạnh Bồ Tát rất vi mật, trí huệ vô cực vô lượng vô hạn, thuận theo thời nghi mà thị hiện, không thể nói, không thể nghĩ lường đến được.

Thưa Ngài Tịch Ý! Những gì là tâm mật?

Tâm niệm thanh tịnh chẳng mất thần thông, dùng trí huệ thần thông để tự vui, lúc thị hiện luôn trụ nơi thần thông, thật hành đại bi dùng thần thông biến hóa vô số vô lượng khắp hiển bày tất cả, ở trong nhà trí huệ trụ đế lý thần thông, mắt thấy rõ tất cả pháp.

Đây là trí huệ thần thông vô cực chánh chân hiện khắp tất cả của Bồ Tát. Trí huệ thần thông này hiển hiện các hình tượng, các sắc thân, vẫn không có sắc.

Bồ Tát dùng trí huệ thần thông hiển hiện những thinh âm.

Bồ Tát có thể quan sát tất cả tâm niệm tư tưởng của tất cả chúng sanh, theo căn lành của họ mà tùy thời nghi khai hóa, không bao giờ quên sót.

Bồ Tát không quan niệm khứ lai mà hiện thần túc vô ngại đi khắp ba cõi chẳng chướng chẳng trệ, không thủ trước, không tạo lập. Trí huệ thần thông của Bồ Tát dứt tất cả hữu lậu. Chỗ thấy biết sâu xa huyền diệu, thị hiện vào sanh tử để độ đời.

Trí huệ thần thông của Bồ Tát siêu việt tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Ngồi dưới cội Bồ Đề, hàng phục quân ma, thấu hiểu tất cả Phật Pháp, thuận theo thời nghi chuyển chánh pháp luân, khai hóa tất cả chúng sanh đưa họ vào luật pháp đến bậc Nhất Sanh Bổ Xứ.

Thưa Ngài Tịch Ý! Đây là tâm hạnh thanh tịnh bí mật của Bồ Tát. Nếu tâm chân thật thanh tịnh thời trọn vô trụ vô qui, thường hỉ lạc, an thích điều hòa rốt ráo lành tốt, nhập phổ huệ tam muội, chẳng diệt độ hẳn, chẳng nhàm cõi dục.

Giả sử Bồ Tát sanh trong Cõi Dục, vẫn không đắm trước, chẳng bị ràng buộc, chẳng có kiết sử. Vì Bồ Tát đã khỏi hẳn tất cả vọng tưởng, sạch trần cấu, không điên đảo, không chấp trước, đã thoát sanh lão bệnh tử. Dầu Bồ Tát hiện có sanh mà vẫn vô sanh.

Bồ Tát trụ nơi đại thừa để thành tựu tất cả Phật Pháp, dùng đây cứu hộ tất cả chúng sanh, mà vẫn là bất khả đắc, không cứu không hộ, rõ tất cả pháp đều là tất cả Phật Pháp, tất cả Phật Pháp là tất cả pháp, chẳng phải pháp cũng chẳng phải phi pháp, vì tất cả pháp bổn lai bất khả đắc, không xứ sở, không số, không lượng.

Rõ biết tất cả pháp vốn không tất cả pháp, không cầu không được. Bồ Tát thấy có được, vẫn không có tâm mừng lo, vì không tâm mừng lo nên không chướng ngại, không trụ trước.

Vì không trụ trước nên không vô ngã, vì không vô ngã thời không lãnh thọ, vì không lãnh thọ thời không tránh tụng, vì không tránh tụng thời không loạn động.

Không loạn động chính là pháp của bậc Sa Môn. Tâm Bồ Tát bình đẳng như hư không, chẳng đọa Dục Giới, chẳng ở Sắc Giới, chẳng trụ Vô Sắc Giới. Tất cả đều không trụ trước, không khen không chê, vì tất cả pháp đều là bất khả đắc. Đây là tâm mật của Bồ Tát.

Thưa Ngài Tịch Ý! Tâm mật của Bồ Tát thật hành đại từ vì không chấp ngô ngã, thật hành đại bi vì không có chúng sanh, thật hành hoan hỷ vì không có mạng sống, bởi tế độ nên rõ thấu không thọ mạng, thật hành bốn cách bố thí vì tâm không xan lẫn, phụng hành cấm giới vì tâm điều hòa, thật hành nhẫn nhục vì tâm bất động, tu hành tinh tấn vì tư duy tịch tịnh, nhất tâm chánh định vì tâm vô trụ.

Biết rõ Thánh tâm vì không chỗ làm, tu tứ niệm xứ vì không ý không niệm, thực hành tứ chánh cần vì tâm hiểu rõ chẳng sanh chẳng diệt, thần túc bay đi vì tâm rộng rãi không ngằn mé, dốc lòng chánh tín vì tâm không trở ngại.

Nếu tu tinh tấn thời tâm hành vắng lặng, trụ nơi chánh định vì tâm bình đẳng vô phân biệt, trụ nơi trí huệ vì tâm không vọng tưởng, thế lực tự tại vì thuận theo nguồn tâm, dùng ý giác sát vì có huệ phân biệt, phụng hành đạo nghiệp vì tâm không chỗ tưởng.

Tâm ý vắng bặt vì đạm bạc không suy tư, quan sát nội tâm vì chỗ thấy biết không chấp trước, tu hành Hiền Thánh vì hiểu tâm rốt ráo, tâm thường niệm Phật vì trí huệ sáng suốt không có vọng tưởng, tâm gẫm suy đại đạo vì chí nguyện vô lượng, thường niệm chánh pháp vì tâm bình đẳng, thường niệm thánh chúng vì tâm vô trụ dạy dỗ chúng sanh, tâm thường thanh tịnh vì hộ chánh pháp.

Thuận theo Pháp Giới vì tâm không biến hoại, thanh tịnh Phật Độ vì tâm đồng hư không, đầy đủ tướng tốt vì tâm không phân biệt hình tướng, thường trụ nhẫn nhục vì tâm không điên đảo, trụ bậc bất thối vì tâm không thối chuyển, trang nghiêm Đạo Tràng vì ở trong tam giới mà tâm chẳng nhiễm ô, hàng phục nghiệp ma vì tâm nhiếp thọ chúng sanh.

Đem Đạo Pháp truyền dạy vì tâm bình đẳng hiểu biết tất cả pháp, thường chuyển pháp luân vì pháp không chuyển, tâm không thối chuyển hiện đại Niết Bàn, giải thích nguồn sanh tử vì tâm bình đẳng tự nhiên.

Thưa Ngài Tịch Ý! Nếu Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn thời tâm rất vi mật, rất thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh thời hiểu rõ và đi vào tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Tâm của chúng sanh vào nơi đạo tâm mà bị chiếu sáng.

Như hư không bình đẳng vào khắp tất cả những pháp hữu hình vô hình, đạo tâm vào khắp tâm hành của tất cả chúng sanh cũng như vậy.

Lúc Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ diễn thuyết thân khẩu tâm mật bất tư nghì của Bồ Tát, có bảy muôn hai ngàn Chư Thiên và nhân chúng phát tâm vô thượng chánh chân, ba muôn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, mười bốn ngàn người xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh, tám ngàn Tỳ Kheo tâm ý vô lậu.

Liền đó cả Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách, ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương, giữa hư không mưa các thứ hoa, các thứ nhạc khí tự nhiên hòa tấu.

Trong tiếng âm nhạc diễn ra những lời như vậy: Những ai nghe được pháp của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ này diễn nói, nếu có lòng ưa thích kính tin, thời sẽ được thọ ký, sẽ mến thích Kinh Điển và thọ trì đọc tụng, vì người giảng nói, chẳng thối thất đạo tâm, sẽ vun trồng những công đức lành. Những người này đã từng cúng dường vô số Chư Phật lợi ích chúng sanh.

Đức Thế Tôn bảo Tịch Ý Bồ Tát: Chừng ông có nghe những lời diễn nói của âm nhạc đó chăng?

Bạch Thế Tôn! Tôi nghe rõ!

Do oai thần của ai mà có tiếng nhạc như vậy?

Này Tịch Ý! Đó là Lôi Âm Bồ Tát từ nước Vũ Thị của Phật Lôi Âm Vương, đến Ta Bà Thế Giới này để ra mắt đảnh lễ ta, muốn hỏi pháp yếu và muốn nghe giáo pháp bí mật của Như Lai, nên ẩn thân trên hư không rải hoa cúng dường Phật và Kinh Pháp, cùng làm tiếng âm nhạc nói ra những lời như vậy.

Đức Phật dạy vừa dứt tiếng, Lôi Âm Bồ Tát từ hư không hiện thân xuống cúi đầu lễ chân Phật, đi nhiễu Phật bảy vòng ở trước Phật bạch rằng: Thế Tôn! Lôi Âm Vương Như Lai kính lời viếng thăm vô lượng đi đứng an lành, ngồi nằm khỏe khoắn.

Đức Phật bảo Lôi Âm Bồ Tát: Lành thay, Chánh Sĩ!

Ông cố đến thăm viếng Như Lai, muốn được nghe Kinh Pháp bí mật. Hiện nay Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thừa oai thần của Phật mà tuyên thuyết pháp yếu.

Lúc đó trong đại hội có Chư Bồ Tát tự nghĩ rằng: Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ này chứa nhóm công đức từ đời nào?

Phát đạo tâm tại chỗ Đức Phật nào?

Phát nguyện như thế nào?

Mà hiện nay được biện tài rộng lớn như vậy?

Đức Phật biết tâm niệm của đại hội liền bảo Tịch Ý Bồ Tát: Về thời quá khứ vô số bất tư nghì kiếp, có Đức Phật Hiệu là Vô Lượng Huân Bảo Cẩm Tịnh Vương Như Lai Ứng Cúng Đẳng Giác Thế Tôn, hiện ra nơi Thế Giới Trang Nghiêm trong kiếp Thiện Kiến. Cõi đó nhân dân đông nhiều, giàu có an lạc.

Mặt đất bằng phẳng, không có cát đá gai góc, thuần là ngọc báu: Lưu ly, thủy tinh, minh châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não. Mặt đất mềm nhuyễn như y phục của Chư Thiên, hương thơm ngào ngạt thêm ánh sáng màu rất đẹp. Cỏ mọc tươi tốt mềm dẻo, đi trên đó êm mát như bức thảm Cõi Trời.

Khí hậu ôn hòa không quá lạnh quá nóng. Người nước đó tánh tình nhân từ hòa nhã, thân khẩu tâm đều tịch tịnh, phiền não mỏng nhẹ, tất cả đều có oai lực tự tại.

Pháp Hội của Đức Phật đó có mười hai cai đại Tỳ Kheo, ba mươi hai ức đại Bồ Tát. Đức Phật đó trụ thế ba mươi sáu ức tuổi.

Trong nước Trang Nghiêm có bốn thành lớn tên Khoái Kiến. Mỗi thành vuông rộng tám mươi muôn dặm, cách nhau bốn trăm dặm. Trong mỗi thành có cả ngàn quận huyện. Nhân dân thân cao bốn dặm.

Nơi đại thành Khoái Kiến lại có nội thành tên Thanh Tịnh, ngang rộng hai ngàn năm trăm sáu mươi dặm, trong thành có Vua Chuyển Luân Vương hiệu Dũng Quận đầy đủ thất bảo: Kim luân, bạch tượng, ngựa xanh biếc, minh nguyệt thần châu, vợ ngọc nữ, chủ tạng thần, chủ binh đại tướng.

Vua cai trị cả bốn châu thiên hạ. Vua đã từng cúng dường quá khứ Chư Phật phát tâm vô thượng bồ đề. Chánh hậu ngọc nữ cùng bảy muôn sáu ngàn thể nữ trong cung đều phát tâm vô thượng bồ đề.

Vua có ngàn Thái Tử đều xinh đẹp, đủ hai mươi tám tướng tốt, sức lực mạnh mẻ, tánh nết nhân hòa, cũng đều phát bồ đề tâm.

Thuở đó Đức Phật Vô Lượng Huân Bảo Cẩm Tịnh Vương đi đến thành Thanh Tịnh. Vua Dũng Quận cúng dường Phật và đại chúng Bồ Tát Thanh Văn những y phục, đồ uống ăn, thuốc men, đồ nằm, nhà cửa, giảng đường, Tịnh Xá, cùng vườn tược suối ao. Mỗi vị Tỳ Kheo, Vua sai hai người theo hầu hạ. Nhà Vua cúng dường như thế trọn một ức năm.

Ngàn vị Vương Tử thường chí tâm cúng dường Phật và thích nghe Kinh Pháp, chẳng ưa ái dục, bỏ việc chơi đùa, vì chí tâm chẳng phóng dật, không bao lâu đều được năm thứ thần thông.

Khi được thần thông rồi, ngàn Vương Tử bay vọt lên hư không tự tại vô ngại, bay khắp tất cả quận huyện, các thành các nước, nhẫn đến bốn châu thiên hạ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần