Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Chín - Pháp Hội Hiền Hộ Trưởng Giả - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI CHÍN

PHÁP HỘI HIỀN HỘ TRƯỞNG GIẢ  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe một lúc Đức Phật ở thành Vương Xá tại Tinh Xá Trúc Viên của Trưởng Giả Ca Lan Đà cùng Chúng Tỳ Kheo ngàn hai trăm năm mươi người câu hội, đều là bậc việc làm đã xong chẳng thọ thân sau, Trưởng Lão Xá Lợi Phất làm thượng thủ.

Chư Tỳ Kheo bao quanh Đức Thế Tôn muốn nghe pháp thân tâm họ điều thuận chẳng có ngủ nghỉ. 

Bấy giờ Đức Như Lai Thế Tôn diện mạo dung sắc như mặt nhật mọc, như hoa sen nở, đoan nghiêm rạng rỡ vui vẻ mỉm cười. Chư Tỳ Kheo nghĩ rằng nay Đấng Già Bà muốn tuyên nói pháp môn gì mà sắc mặt rực rỡ như vậy.

Lúc ấy có một đại phú Trưởng Giả tên Hiền Hộ cùng quyến thuộc một ngàn người vây quanh, oai lực dường như chấn động Đại Địa, an tường chậm rãi đi về phía Thế Tôn.

Hiền Hộ Trưởng Giả do phước đời trước nên nay thọ quả báo Trời, thân thể nhu nhuyến như cành hoa búp non. Ông dến trước Phật thấy Đức Như Lai dung sắc tối thắng tối diệu, thân công đức tạng tịch tĩnh như cội cây vàng chói sáng rực rỡ khắp cả rừng trúc.

Ông sanh lòng tịnh tín đối với Phật chắp tay suy nghĩ như vậy: Trong thế gian được đại danh xưng thiệt chẳng hư thuyết, cho rằng nhất thiết trí Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác là chân thiệt vậy. Ông liền cúi đầu lạy chân Phật.

Ông quỳ gối cất đầu nhất tâm nhìn kỹ Thế Tôn mắt chẳng tạm nháy. Lúc chiêm ngưỡng Như Lai thân ông nghiễm nhiên chẳng nghiêng chẳng động.

Thấy lòng Hiền Hộ khát ngưỡng như vậy, Đức Như Lai lại phóng diệu quang nơi thân. Lúc diệu quang chiếu ra.

Hiền Hộ liền được vô úy, đứng dậy đi hữu nhiễu ba vòng quanh Phật rồi lại đảnh lễ chân Phật quỳ dài chắp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Xin Phật thương xót tôi, xin Phật dạy bảo tôi.

Đại Thánh Thế Tôn! Ở bên Phật tôi sanh lòng tin chưa lâu, vì thế Đức Phật chỉ nên vì tôi mà theo sự hiện tại nói một pháp môn, nay tôi khát ngưỡng muốn nghe pháp, vì trong sanh tử bị phiền não bức ngặt có nhiều nghi hoặc tâm luôn phân biệt, do đó duy nguyện Thế Tôn từ bi xót thương thuyết pháp khiến tôi quyết nghi:

Đại Thánh Thế Tôn! Tôi không chánh tri nên có mê hoặc chẳng biết ra khỏi mé biển sanh lão bệnh tử phiền não, Như Lai Thế Tôn là Đấng nhất thiết trí thế gian hi hữu như châu ma ni có thể ban cho tất cả chúng sanh những điều vui. Đức Thế Tôn lại như cha mẹ làm cho tất cả chúng sanh được quả báo lành đó là căn bổn.

Đức Phật dạy: Này Hiền Hộ! Nếu ông có nghi cho phép ông hỏi, ta sẽ phân biệt giải thuyết cho. Trưởng Giả Hiền Hộ được Phật hứa khả, lòng ông vui mừng muốn hỏi điều nghi trong lòng, ông liền đứng dậy ở qua một bên, thân ông oai quang viên mãn đầy đủ.

Trưỡng lão A Nan thấy Hiền Hộ như vậy liền bạch rằng: Hi hữu Thế Tôn! Trưởng Giả Hiền Hộ này thân quang oai lực hơn các đại vương, đẹp lạ tuyệt quần đoan chánh khả ái, trong thế gian độc nhất vô song.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Nay ông có muốn nghe những sự vui đẹp trong nhà của Trưởng Giả Hiền Hộ chăng?

Nếu nói đủ quả báo sung sướng của Hiền Hộ thì Đức Đế Thích Thiên Vương tại trời Đao Lợi còn chẳng bằng huống là nhân gian nơi Diêm Phù Đề này!

Duy trừ một người là Trưởng Giả tử Chân Nguyệt.

Trưởng Lão A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Trưởng Giả Hiền Hộ này trong nhà có gì thù thắng mà Đức Thế Tôn khen ngợi.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Ông nên lắng nghe, Trưởng Giả này có những của cải căn lành rộng lớn, nay ta vì ông mà thứ đệ tuyên nói.

Này A Nan! Trưởng Giả Hiền Hộ này có sáu vạn tối đại thương chủ thường theo sau ông. Mỗi thương chủ ấy đều có vô lượng của báu kỳ dị.

Trong nhà Hiền Hộ thường trần thiết sáu vạn giuờng nằm lục hiệp thượng diệu, trên trải mền nệm tạp sắc, có gối dựa lụa tạp sắc để cặp hai bên.

Diệu y tạp sắc bằng lụa kiều xa gia v.v…mỗi nơi đều đủ bốn bộ, và những vật đẹp lạ sản xuất từ bốn phương đều có đủ trang nghiêm nhà ấy. Những y phục ấy đều mịn nhuyễn sạch sẽ bóng sáng.

Nhà Hiền Hộ khắp mọi nơi đều treo chân châu anh lạc để trang sức. Còn có sáu vạn thể nữ đoan chánh đẹp tuyệt, thân thể nhu nhuyến trơn mịn, giỏi cười đùa khéo nói năng, tư thái diễm mỹ chiều tiếp ý người.

Kẻ giận phiền thấy họ đều vui vẻ, kẻ lo rầu gặp họ thì thơ thới, lời nói thanh âm cợt đùa của họ làm cho người nở lòng đẹp mắt, họ đều thảo luận chiêm ngưỡng chồng mình đủ lễ làm vợ, xa lìa dục tâm đối với nam tử khác.

Hoặc có lúc họ tự biết hổ thẹn chắp tay ngó xuống khom mình cung kính chuyên hướng nơi chồng mà không còn ngó chỗ khác.

Hoặc có lúc vì yêu riêng đối với chồng mà họ ghen ganh tranh đấu ghét nhau nhíu mày nhăn trán, họ giả bộ để đùa kỳ thiệt họ không có lòng ganh ghen.

Ngón móng của họ thon dài tròn đều, cườm tay mắt chân đầy đặn nhỏ kín, thân như say lả liếc nhìn đắm đuối, bước đi tường tự đứng ngồi đoan trang, tóc màu xanh biếc mịn láng dịu mềm chải gỡ khéo làm mê hoặc người.

Các thể nữ ấy hoặc hầu hoặc nưng đều chuyên cung phụng chồng mình tiếng đồn trong sạch lưu bố khắp xứ. Các thể nữ ấy dòng họ rất lớn ở trong nhà họ cũng có tiếng tốt đều kham làm vợ chánh các nhà quyền quí. Có những sự trang nghiêm như vậy trong nhà to rộng của Hiền Hộ chẳng thể kể hết.

Lúc Trưởng Giả Hiền Hộ muốn ăn thì có sáu vạn thứ cơm canh thơm ngon vi diệu như thức ăn Cõi Trời. Thực phẩm ấy sắc vị hoàn hảo đủ tám công đức, tùy ý ăn, vào miệng liền tiêu, ăn rồi thuận thích không làm chướng ngại, vì quả báo lành chiêu cảm nên tự nhiên vừa lòng, thân thể sáng sạch không hôi dơ.

Trong nhà Hiền Hộ còn có sáu vạn kiệu và xe đều trang nghiêm với những trân kỳ châu báu, đều có diệu y giăng che bên trên. Mặt đất rải hoa thơm đẹp nước thơm tưới khắp không có bụi bặm sạch sẽ bóng láng.

Trong nhà Hiền Hộ còn có những âm nhạc tối thượng: Tay đánh ngón khảy miệng thổi thanh âm vi diệu thảnh thót nhập thần ca khúc đúng đắn người nghe thích ý. Những thứ vi diệu như vậy trang nghiêm nhà ấy.

Nơi nhà Hiền Hộ còn có vườn rừng cây cối tươi tốt sum sê cỏ lạ hoa thơm đủ màu tươi sáng. Trong vườn cây có nhiều chim lạ phát ra âm thanh hòa nhã như nhạc trời. Cảnh trí thanh âm không khác Thiên cung gom các báu Tu Di hiệp thành long quật.

Trong nhà Hiền Hộ còn khắp các thứ đèn sáng không bị gió thổi lay sáng thấu khắp nơi đêm như ngày không khác.

Lại cõi nước nơi nhà Hiền Hộ có sáu vạn thành đường sá lâu đài đều trang nghiêm đầy đủ. Những thành ấy mọi nơi đều có thương nhân các nước tụ tập, nhiều hình dạng, nhiều ngôn ngữ, nhiều trân kỳ, nhiều hàng báu cùng đổi chác nhau, chợ búa trăm ngàn vạn nhân chúng không thể đếm kể.

Giáp vòng bốn phía thành ấy có vườn tược cây cối trăm ngàn thứ, hoa trái sum suê cành lá rậm rạp, bầy ong đua bay lấy mật lấy phấn. Các thành ấy có nhiều voi ngựa và xe cộ.

Trong các thành ấy có bao nhiêu đại phú Trưởng Giả Cư Sĩ thương chủ và thương nhân thường nhất tâm cùng ca ngợi công đức của Trưởng Giả Hiền Hộ, họ đồng chắp tay đảnh lễ tán thán, huống là danh tiếng của Hiền Hộ họ đều vui được nghe, muốn được mắt thấy Hiền Hộ Trưởng Giả.

Chúa nước ấy là Vua Ba Tư Nặc thấy sự giàu có hình thế phước đức của Hiền Hộ, tự thấy mình thua kém không khác bần nhân, nhà Vua khen của báu của Hiền Hộ.

Này A Nan! Ông Trưởng Giả Chân Nguyệt mỗi lúc ăn có ngàn thứ trân vị, sớm tối tả hữu đồ dùng tự nhiên, còn có năm ngàn thể nữ vây quanh thừa phụng vui thú. Sánh với Thiên Đế Thích thì Trưởng Giả Chân Nguyệt hưởng thọ sung sướng hơn ngàn lần, nhưng so với Trưởng Giả Hiền Hộ thì chẳng bằng một phần trăm về dung mạo của báu cũng như hưởng thọ sung sướng.

Này A Nan! Trưởng Giả Hiền Hộ có một cỗ xe vi diệu tên là Đoạt Ý Kỳ xảo tinh lệ nhân gian không có. Trong xe ấy có tòa thiên bảo, xe ấy thuần trang hoàng với những châu báu Cõi Trời. Những thiên bảo mã não kim cương chân châu trân bối ánh sáng chói lòa như các tinh tú trên không gian. Xe ấy đi mau như gió.

Này A Nan! Lúc ý của Hiền Hộ muốn đến trong biển lượm châu báu, ngồi lên xe ấy tùy ý liền đến, thọ khoái lạc xong, muốn về nhà thì liền về đến nhà.

Trưởng Lão A Nan đảnh lễ chân Phật bạch rằng: Hi hữu Thế Tôn! Trưởng Giả Hiền Hộ thuở trước tạo thiện căn gì mà Đời nay thọ quả báo này?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Ông muốn biết thì phải lắng nghe. Nhân duyên này đều do quá khứ ở bên Phật tạo thiện căn nay được quả báo thắng thượng như vậy.

Này A Nan! Ta nhớ thuở xưa có Phật xuất thế hiệu Lạc Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc ấy Hiền Hộ ở bên Phật làm Tỳ Kheo tên Pháp Kế trì giới chẳng trọn có nhiều thiếu sót mà giỏi tuyên nói giáo pháp của Phật khai thị người chưa nghe.

Đại Pháp Sư ấy đa văn tổng trì tạng tu đa la cũng trì luật tạng thường thuyết pháp yếu cho các chúng sanh, hiểu rộng biện tài nghĩa vị thậm thâm âm thanh rành rẽ người đều thích nghe. Người được nghe pháp đều sanh lòng hoan hỷ chẳng còn bị đọa ác đạo.

Này A Nan! Do nhân duyên pháp thí như vậy nên ông ấy trong chin mươi mốt kiếp hằng sanh lên Trời trong người đoan chánh giàu sang.

Này A Nan! Nhân duyên được báo xe vi diệu ta sẽ nói cho ông. Lúc làm Pháp Sư thời kỳ Phật Lạc Quang, ông ấy thấy các Tỳ Kheo tu phạm hạnh trì giới mà ốm gầy bệnh hoạn thì cung cấp tất cả đồ dùng luôn cả giày dép đều vui vẻ bố thí, do đó mà nay được quả báo xe vi diệu như ý.

Này A Nan! Thuở xưa có Phật Hiệu Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Đức Phật Ca Diếp ấy bảo Trưởng Giả: Đời vị lai có Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri sẽ thọ ký cho ông.

Này A Nan! Nay ta cần dạy cho Hiền Hộ được tỏ ngộ.

Trưởng Lão A Nan bạch rằng: Hi hữu Thế Tôn! Ông Trưởng Giả này giàu có lớn như vậy mà tánh nhu hòa chẳng cống cao, ở trong ngũ dục mà lòng chẳng nhiễm.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Phàm là người trí thì chẳng vì giàu có mà kiêu ngạo và nhiễm ngũ dục. Trưởng Giả Hiền Hộ này do nhân duyên diệu pháp mà nhiều đời thọ phước báu vô tận.

Bấy giờ Trưởng Giả Hiền Hộ đã được Phật hứa khả muốn thỉnh hỏi chỗ nghi, liền nhất tâm ở trước Phật quỳ dài chắp tay bạch rằng: Đại từ Thế Tôn nhiếp thọ tất cả chúng sanh, thương xót tất cả chúng sanh. Nay lòng tôi có chỗ nghi muốn hỏi xin Đức Thế Tôn giải thuyết cho tôi được hết nghi.

Đức Phật dạy: Này Hiền Hộ! Nếu lòng ông có nghi mà muốn dứt trừ thì nay là phải lúc, ta cho phép ông hỏi, ta vì ông mà phân biệt giải nói.

Trưởng Giả Hiền Hộ bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh biết mình có thần thức.

Mà thần thức này như là cái trắp báu lúc chưa mở ra chẳng biết trong ấy có báu gì?

Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức ấy tướng mạo ra sao?

Do duyên gì gọi là thần thức?

Lúc mạng chung các căn sắp diệt tứ đại sắp phân tán, thần thức ấy không tay, chân, mặt, mắt làm sao từ trong thân dời ra được.

Thần thức ấy màu gì hình gì?

Từ trong thân làm sao rời lìa được thần thức ấy?

Thế nào xả bỏ thân này mà thành tựu thân khác?

Thế nào xả bỏ các đại các nhập này mà hướng đến đời sau?

Thế nào thành tựu nhiều thân sai khác?

Nay người đã chết các nhập vị lai thế nào tùy thuận?

Thế nào đời này tạo căn lành đời vị lai thọ quả báo?

Thế nào đời nay các ấm nhập này tạo các căn lành mà đời sau các ấm nhập khác thọ lấy quả báo?

Thế nào thần thức này được thân nơi chỗ kia?

Thế nào các nhập hình thể theo chỗ kia?

Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông hỏi.

Này Hiền Hộ! Nay ông nên chí tâm lãnh thọ. Ta sẽ vì ông mà nói thần thức đến đi dời dứt.

Này Hiền Hộ! Ví như phong đại không hình sắc chẳng nhìn thấy được, nhưng do nhân duyên mà hiện hình sắc.

Nó hiện hình sắc thế nào?

Như gió thổi động các cây cối, thổi chạm vách núi bờ sông phát ra tiếng, do nhân duyên lạnh nóng sanh ra gió nên có thể cảm thọ được, mà hình thể gió ấy chẳng thấy được, cũng chẳng thấy được tay chân mặt mắt ra sao, nhưng trên các hình sắc nó có tác dụng tăng ích hơn lên hoặc đen hoặc trắng.

Thần thức giới này cũng vậy, chẳng thể dùng màu sắc thấy được cũng chẳng đến hình sắc, chỉ do chỗ sở nhập làm ra hình thể mà hiện màu sắc.

Tại sao nơi chỗ kia thức giới này được tên là thọ xúc pháp giới ư?

Lại thế nào thức giới này bỏ thân này rồi sau đó thọ ái xúc v.v…ư?

Ví như phong giới hay dời hơi hương nên biết mùi hoa này theo gió thổi lại nhưng thiệt ra phong giới ấy chẳng mang mùi hoa đến cũng chẳng phải không gió mà mùi hoa bay đến. Hương ấy không có sắc, gió ấy cũng không có sắc, căn ngửi mùi kia cũng không sắc.

Cũng vậy người chết kia thần thức sắp dời giữ lấy xúc thọ v.v… và các giới rồi có đời kia, do phụ mẫu hòa hiệp rồi sau biết được có thức, do có thức thì biết có thọ có xúc hòa hiệp mà thành.

Ví như người khỏe mạnh thức cường thắng nên có căn ngửi hương, vì căn ngửi hương mạnh nên có hương mạnh. Vì có hai xứ thắng nên có hai sự thắng có thể thấy được. Hai sự thắng là sắc và xúc.

Vì gió kia nhiều nên mùi hoa cũng nhiều. Cũng vậy, vì thức lớn nên thọ cũng lớn, vì thọ lớn nên thức cũng lớn, vì thức lớn nên các giới cũng lớn mà biết đây là thiện đây là ác vậy.

Ví như họa sư đã thành tựu giỏi tốt rồi thì bản họa tùy ý muốn phát xuất để làm liền có thể thành ý hiểu biết tốt nên tùy màu sắc đều làm được. Nhưng họa sư ấy nếu không có màu sắc thì không thể hiện thành màu sắc.

Cũng vậy, thức ấy thành tựu sáu sắc căn: Những là nhân nhãn thấy sắc mà có thức biết, nhân nhãn thấy sắc ấy thiệt ra không có sắc. Nhân nhĩ nghe thanh ấy cũng không có sắc, nhân tỷ ngửi hương ấy cũng không có sắc, nhân thiệt nếm vị ấy cũng không có sắc, nhân thân giác xúc ấy cũng không có sắc, nhân ý có các đại ấy cũng không có sắc, những cái được biết ấy cũng không có sắc.

Nên biết trong cảnh giới cũng không có sắc. Theo thứ đệ như vậy nên biết thức ấy cũng không có sắc. Phải quan sát như vậy.

Này Hiền Hộ! Ông hỏi thức này bỏ thân đến đời kia thế nào?

Này Hiền Hộ! Lúc chưa mạng chung, thức này do nghiệp nắm giữ.

Lúc nghiệp và mạng ấy hết, ví như người nhập tịch diệt Tam Muội có thức thân thể, thức thân thể này diệt rồi sau nhập ở trong tịch diệt định, cũng vậy, thức này ở bên người chết xả thân và các đại xả rồi, chỉ có niệm lực biết như vậy: Tôi là mổ giáp ấy.

Phàm khi người xả thân có hai thứ xúc chánh niệm:

Một là chánh niệm, hai là xúc, mà lúc người ấy mạng chung nên thân có xúc hai thọ: Một là thân thọ, hai là niệm thọ, sau khi chết niệm có xúc.

Lại nữa ông hỏi thức ấy nghĩa là gì?

Này Hiền Hộ! Như có một hột giống hay mọc mầm, từ trí sanh thức nên gọi là niệm. Thế nên trí hay sanh gọi là thức rồi sau trờ lại thọ nơi xúc. Vì trí biết khổ lạc nên gọi là thức, sau lại thọ thiện ác, cũng có thể biết cảnh giới thiện ác nên gọi là thức, như hột mọc mầm thân ấy thành tựu, nên gọi là thức.

Lại nữa, thức này thế nào bỏ thân rồi dời đến kia?

Này Hiền Hộ! Ví như trong gương soi hiện thân hình, lại như trong khuôn đất đúc ra thân hình, lại như lúc mặt nhật mọc hay diệt trừ tối tăm mặt nhật ấy lặn thì tối trở lại, nhưng mà tối ấy không có chỗ thường định, nhưng tối ấy không có sắc không thọ chẳng thấy được.

Cũng vậy thức này sanh thân rồi như tối rời sáng, thân sanh cũng vậy, người ấy chẳng thấy thức này mà thức thọ thân này.

Ví như phụ nhân thọ thai mà chẳng biết thai tôi mang đây là nam là nữ, là đen là trắng, các căn đủ hay chẳng đủ, tay chân ngay thẳng hay chẳng ngay, mà kẻ ở tại trong thai hoặc vì ăn nóng chạm xúc nên liền máy động.

Cũng vậy, thức này đến đi co ruỗi cùng chung với mắt mở nhắm, do các nghiệp được tạo từ trrước nên có những cảnh giới, tức nơi cười nói v.v... các việc phát sanh mà biết được thức an trụ, trong sắc thân. Nhưng các chúng sanh chẳng biết thức ở trong sắc thân ta có hình thể gì.

Này Hiền Hộ! Vì thức này khéo thành tựu nên dời đến các cõi mà chẳng nhiễm trước cá cõi.

Này Hiền Hộ! Các cõi và thức cảnh giới sáu căn là sáu giới xứ, có bốn đại xứ, có năm ấm xứ. Ông nên biết cảnh giới thức v.v... như vậy.

Này Hiền Hộ! Ví như người gỗ do một cơ quan mà tác động tất cả việc chạy nhảy và hiện ra các thứ múa men.

Ý ông thế nào, có duyên cớ gì mà người gỗ làm các sự ấy?

Bạch Đức Thế Tôn! Chỗ hỏi của Đức Như Lai chẳng phải cảnh giới của tôi, tôi không có trí để đáp được.

Này Hiền Hộ! Sự kia là do sức trí huệ khéo mà làm ra các sự việc, mà việc khó ấy không có sắc do trí sanh ra. Cũng vậy, thân người này do thức khéo mà sanh, mà các thứ thân do thức làm ra, thức này tạo thân nên sanh ra, nhưng thức này không thể cùng tận.

Như do pháp giới huân tu nên các thân xưa trước ý ức niệm thành tựu.

Ví như ánh sáng mặt nhật soi đến các tử thi tanh hôi dơ dáy ấy chẳng lìa ánh sáng mặt nhật. Cũng vậy thức này sơ sanh tại hôi dơ ăn uống các vật bất tịnh, lại ở trong bụng chó heo mà thọ thai, mà thức này chẳng bị ô nhiễm, nhưng hôi dơ ấy chẳng lìa ánh sáng mặt nhật.

Cũng vậy, thức này sơ sanh tại hôi dơ ăn uống các vật bất tịnh, lại ở trong bụng chó heo mà thọ thai, mà thức này chẳng bị ô nhiễm.

Lại này Hiền Hộ! Thức này xả thân rồi tùy theo nghiệp thiện ác đã làm.

Nghĩa này là sao?

Sau khi bỏ thân thể này, thức liền thọ lấy tội phước kia. Ví như phong giới từ đầu núi phát xuất đến rừng chiêm bặc, vì xúc chạm nên gió ấy thọ mùi hương vị diệu rồi đến chỗ hôi dơ chỗ các tử thi, tùy đến nhiều chỗ gió ấy nhận lấy nhiều mùi đến kia thành nhiều.

Như gió ấy mang các mùi kia đi qua, mà gió ấy không sắc. Cũng vậy, xả thân này rồi thức ấy mang thiện ác mà dời đến thứ đệ mà đi.

Thức ấy muốn dời đi, dường như người chiêm bao biết có tất các vật mà thân chẳng dời bổn xứ. Cũng vậy, có phước cũng sanh, lúc thức muốn dời đi, dường như chiêm bao thấy có các sự vật, nhưng thức ấy chẳng từ yết hầu đi ra, chẳng từ lỗ lông đi ra, lúc thức ấy ra cũng chẳng tìm các lỗ.

Trưởng Giả Hiền Hộ đảnh lễ chân Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như trứng gà trứng ngỗng, thức ở trong vỏ, vỏ ấy không có lỗ, làm sao biết có thức riêng khác, thức ấy không vỡ làm sao dời đi?

Đức Phật dạy: Này Hiền Hộ! Ví như dùng các thứ hoa Chiêm Bặc v.v… ướp mè đen cho thục rồi ép lấy dầu mà gọi là dầu hoa Chiêm Bặc v.v…

Hơi hương của hoa chẳng phá hoại bột mè mà hơi hương dời vào, hương ấy chẳng dính lấy mè, nhân nơi mè và hoa cùng hòa hiệp mà hơi hương dính lấy nhau mà hơi hương chẳng tìm lỗ bên hột mè để chui vào. Nhân nơi hai thứ hoa và mè mà hơi hương dời đổi.

Cũng vậy, thức này chẳng phá hoại vỏ trứng mà nó chuyển dời, ông phải biết như vậy. Lại thức ấy chẳng dời đổi, ví như ánh sáng của mặt nhật lửa và ma ni bảo v.v… phải thấy biết như vậy.

Lại thức ấy dời đổi dường như hột giống gieo trong đất mọc ra mầm cây lá hoa quả hoặc trắng hoặc đỏ hoặc đen đều riêng tự có vị lực thành thục, mà địa giới ấy vẫn là một, thủy hỏa và phong vẫn là một.

Cũng vậy thức này có một pháp giới mà thành tựu thân trong tất cả các cõi rồi sau mới sanh hoặc đen hoặc trắng hoặc đỏ các màu sắc, hoặc bổn tánh cang cường, hoặc bổn tánh điều nhu.

Lại lúc mạng chung, thần thức này xả thân rồi thành chủng tử của thân sau sắp làm thành thân thể tay chân v.v… mà đương thời chưa có thân phần, nó bỏ địa phần mà lấy pháp giới phần, các gìới ấy cùng hòa hiệp với niệm.

Nhưng niệm ấy do sức tín kính nên hòa hiệp với niệm pháp giới, giữ lấy thức chẳng rời lìa thức mà pháp giới có thể lấy được, cũng chẳng rời pháp giới mà thức có nhân, nhưng thức ấy được phong lực trợ giúp tự có các pháp giới khác đều là vi diệu, đó là niệm giới, thọ giới, pháp giới, sắc giới vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Thức ấy thế nào có sắc?

Này Hiền Hộ! Phàm có hai thứ sắc: Là nội với ngoại.

Nội sắc là gì?

Đó là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân và ý vậy.

Ngoại sắc là gì?

Đó là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân và ý vậy.

Ngoại sắc là gì?

Đó là sắc thanh  hương vị xúc và pháp vậy.

Này Hiền Hộ! Như người sanh manh ban đêm trong chiêm bao thấy những sắc đẹp tối thắng tối thượng Cõi Trời, thấy rồi người này sanh lòng hỉ lạc tối thắng.

Thức giấc không còn thấy, đến sáng nói với mọi người rằng: Trong đêm rồi tôi chiêm bao thấy thân hình phụ nữ đoan chánh tối diệu tối thượng lại thấy trượng phu số đông trăm ngàn, tôi còn thấy vườn hoa rừng cây v.v…

Người sanh manh ấy thuật rõ cảnh tượng người vật đã được thấy trong chiêm bao mà mọi người chẳng thấy?

Ý ông thế nào?

Người sanh manh ấy ngủ chiêm bao tại sao được thấy?

Lành thay, bạch Đức Thế Tôn! Xin vì tôi mà nói sự ấy, tại sao được thấy.

Này Hiền Hộ! Bởi nhục nhãn nhân trí lực mà người sanh manh ấy ở trong chiêm bao được thấy, chẳng phải thiệt mắt thấy.

Này Hiền Hộ! Như người chiêm bao thấy sắc chánh niệm chốc lát, người chết thấy nội sắc cũng như vậy.

Này Hiền Hộ! Ta lại vì ông mà giải nói thần thức người chết dời đổi như chủng tử. Ví như chủng tử gieo xuống đất thọ lấy tứ đại, thần thức này thọ chánh niệm rồi, thọ xúc thọ rồi, thọ thiện và bất thiện rồi, xả thân rồi sau đó mới dời.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào thần thức này thọ thiện và bất thiện rồi sau đó thần thức này mới dời?

Này Hiền Hộ! Ví như ma ni bảo theo bóng sắc mà biến đổi. Nếu để nơi bóng đen thì hình ma ni biến thành đen, nếu để trong bóng trắng thì nó biến thành trắng.

Tùy ở chỗ bóng hình thế nào thì ma ni bảo ấy liền biến đồng màu sắc ấy. Thần thức này thọ thiện và ác mà liền dời đi cũng như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Thần thức này thể chất gì mà hiện?

Này Hiền Hộ! Thần thức này vô hình không có chỗ tụ họp không có chỗ tích trữ, cứu cánh không thể được có chẳng thể nói được. Thần thức này có sanh có diệt có khổ não cũng chẳng thể nói được. Ví như từ hột sanh mầm cũng chẳng thể được. Chẳng phải hột mục hột hư sanh mầm mà hột tốt kia mới sanh mầm được.

Ý ông thế nào?

Hột sanh mầm ấy vốn ở chỗ nào?

Là ở tại thân cây hay ở tại lá hay ở tại rễ hoặc ở tại nhánh?

Cũng vậy, thần thức này ở tại thân thể không có nương ở chỗ nào, nó chẳng ở tại nhãn, chẳng ở tại nhĩ, chẳng ở tại tỷ thiệt thân hay ý.

Cũng như từ hột sanh mầm, hột sanh mầm ấy lấy thủ thọ làm gốc, vì chỗ kia thủ nên liền thọ thai, thọ thai rồi liền có xúc. Như sanh mầm rồi y theo thời tiết mà có nhánh lá quả liền có hột. Cũng vậy thần thức này trước tiên thành tựu thân thể, thân thể được thành tựu rồi thần thức này không có chỗ an trụ mà cũng chẳng rời lìa thần thức có thân thể.

Như từ trái chin có hột giống chẳng phải từ trái sống. Cũng vậy, lúc thân này mạng chung, từ trong thân thể thần thức này hiển hiện.

Do thọ hòa hiệp, do ái trói buộc, do niệm nắm lấy cùng hòa hiệp với thiện phan duyên hay với bất thiện phan duyên, do phong giới giữ lấy, trí huân theo nghiệp, nhân Phụ Mẫu hòa hiệp sau đó thần thức hiển hiện.

Ví như gương sáng tốt soi thấy hình mặt, chẳng phải không có mặt mình mà thấy được hình mặt, cũng vậy chẳng phải không gương sáng mà có được hình mặt.

Do gương sáng và mặt hai duyên hòa hiệp nên có bóng mặt, mà bóng mặt ấy không có sắc cũng không có thọ không có thức.

Tùy theo thân chuyển động thì bóng hình trong gương cũng chuyển động, như thân nói năng dời đổi chuyển động duỗi co cúi ngửa, tùy theo động tác của thân bóng hình trong gương cũng có những tướng dạng như vậy hiển hiện.

Này Hiền Hộ! Ý ông thế nào, bóng mặt ấy do sự gì mà hiện trong gương?

Bạch Đức Thế Tôn! Do thân thể người đối với gương nên có bóng hình hiện trong gương. Tùy theo thân diện có sắc như vậy, bóng hình cũng sắc như vậy, hoặc các căn đủ hay chẳng đủ, trong gương cũng hiện ra bóng hình như vậy.

Này Hiền Hộ! Như trong gương sáng hiện có bóng hình, do vì có thân người mà bóng hình hiện ra trong gương sáng. Cũng vậy thân này do nơi thức mà có thọ có thủ có thức có các hành tư niệm thành tựu thân thể. Nói gương sáng ấy là nói duyên nơi phụ mẫu hòa hiệp.

Nên biết như thân diệt rồi không có thức hình, như gương sáng kia đã hiện bóng mặt xong rồi ở nơi nước trong lại thấy bóng mặt, cũng vậy, thức này xả thân này rồi đến nơi kia lại thọ các ấm khác.

Ví như hột cây ni câu đà hoặc hột cây Ưu Đàm Bà La v.v…dầu hột ấy nhỏ bé mà hay sanh ra cây nhánh rất lớn. Sanh ra cây nhánh rất lớn rồi hột lại bỏ rời cây ấy mà đến sanh cây chỗ khác. Cũng vậy, thức này vi tế không có hình sắc nhất định sanh ra thân rồi lại bỏ để sanh ra các thân thể khác nữa.

Ví như các thứ hột lớn đại mạch tiểu mạch mè đen v.v… tùy gieo tại địa phương nào, nó liền ở nơi địa phương ấy bén rễ?

Cũng vậy, thức này ở trong thân chúng sanh dời đến chỗ kia liền có thủ có thọ mà ở tại đó, hoặc thọ phước, hoặc thọ tội, từ đời này dời đến đời kia.

Như con ong mật, nó tìm mật trong hoa lấy mật rồi bỏ hoa ấy dời đến hoa khác, hoặc bỏ hoa xấu dời đến hoa tốt, đậu trên hoa rồi, vui say hoa ấy lấy vị mật của hoa.

Cũng vậy, thần thức này do nhiều thiện căn hoặc thọ thân trời rồi do nghiệp ác hoặc thọ các thân địa ngục súc sanh ngạ quỷ, thọ rồi lại thọ thân khác nữa.

Nhưng thần thức này phải quan sát nó thế nào?

Như bột uất kim hương hay hột hoa hồng lam hay hoa phân đà lợi, hình thể nó tùy theo phần sắc bất định, mà trong hột nó chẳng thể thấy mầm cũng không sắc nhất định.

Nhưng hột ấy xuống đất được nước thấm nhuần liền sanh mầm, có mầm cây rồi sau mới sanh hoa, mà sắc hoa không thể thấy được nơi hột, cũng chẳng rời lìa hột mà có mầm cây và màu sắc.

Cũng vậy, thần thức này xả thân này rồi sắp thành thân kia, trong khối thịt kia còn chưa có các căn huống là có các nhập, đã không các căn các nhập đâu được có thiên nhãn thiên nhĩ và thể chất hương vị xúc để được có biết.

Đâu có thể biết rằng tôi ở lúc ấy làm nghiệp như vậy thân thể quá khứ của tôi như vậy, chỉ nhân nơi thúc mà thọ như con tằm, từ thân miệng nó nhả ra chỉ tơ làm kén bọc vấn thân nó rồi bỏ thân tằm đổi thân khác.

Cũng vậy, thức này sanh thân rồi trở lại tạo nghiệp liền tự diệt thân dời đến nơi kia. Như hoa sen sanh trong nước có sắc đẹp hương thơm, nhưng trong hoa không có thể chất nước ấy có thể thấy được.

Hoa sen ấy diệt rồi có địa phương nào đặt hột nó trong đó thì có sắc hương ở đó. Cũng vậy, chỗ thần thức này được dời, các căn cảnh giới chẳng cùng nó dời thọ cũng không dời, cái được dời ấy chỉ có pháp giới.

Như châu như ý, tùy đến chỗ nào có cần vật gì thì tùy ý được có. Như ánh sáng mặt nhật tự theo mặt nhật, mặt nhật đến đâu ánh sáng ấy cũng đến đó. Cũng vậy, chỗ mà thần thức này được dời đến thì pháp giới của thọ tưởng v.v… cũng theo nó chẳng rời lìa.

Lại nữa, thần thức này bỏ thân này rồi lấy tất cả các hữu tụ họp lại, lấy rồi không thịt không xương dời đến thân sau. Nó lấy các hữu và các xúc v.v… các việc, dùng thiên nhãn xem thấy thọ và thủ thiện ác.

Ví như những trái tiểu táo, thiên niên táo, am ma la, ca tì đà v.v… lúc nó thành tựu đều riêng có một vị, hoặc đắng hoặc chua hoặc ngọt hoặc mặn v.v…

Những trái ấy chin rồi tùy ở tại địa phương nào thì vị nó ở trong trái ấy. Cũng vậy, thần thức này dời đến chỗ nào thì nó tự có xúc theo dõi, phước và vô phước do hữu và niệm tự theo nó mà dời.

Lại nữa, thần thức này lúc xả thân nó nghĩ như vậy: Nay tôi bỏ thân này, nên gọi niệm thức này là thức. Vì biết nghiệp thiện nghiệp bất thiện, biết nghiệp này theo tôi mà đi, biết tôi theo nghiệp này mà đi, do vì biết như vậy nên gọi là thức. Lại vì thân này biết tạo tất cả nghiệp nên gọi là thức.

Ví như phong giới, hoặc có lúc lạnh có lúc nóng, hoặc có lúc theo hôi mà có mùi, hoặc nhân thơm mà có mùi, nên biết đó là gió.

Cũng vậy, thể chất của thức này không có sắc, hoặc do sắc do thủ sắc làm nhân, hoặc dục thủ làm nhân, hoặc kiến thủ làm nhân, hoặc trì giới cầu báo thủ làm nhân nhẫn đến hữu và thọ, nhân nơi thọ mà thọ thân thể sắc thành tựu nên gọi là thức.

Bấy giờ trong đại chúng có một Trưởng Giả tên Chân Nguyệt đứng dậy đảnh lễ chân Phật chắp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cần phải quan sát sắc ấy, thủ ấy, dục thủ ấy, kiến thủ ấy và giới thủ ấy thế nào?

Đức Phật dạy: Này Chân Nguyệt!

Phàm là người trí muốn biết những điều ông hỏi, thì nên biết như vậy: Này Chân Nguyệt! Nếu có thiện sắc hay có phi thiện sắc từ nơi khối thịt phải quan sát gân, máu, mạch và khí mạch, sọ đầu túm lấy óc, ruột già, ruột non, phổi, tim, gan cật, tì, mật các tạng phủ, mỡ thịt, tủy, máu, đàm, nước mũi, nước bọt, hôi thúi dơ bẫn phi thường đáng sợ, long tóc râu ria da thứa gói che tụ họp, tụ rồi tất cả các sắc đều do bốn đại làm thành. Bốn đại ấy nắm lấy sắc để làm thành thân thể nên gọi là thủ sắc.

Này Chân Nguyệt! Thân thể ấy do phụ mẫu hòa hiệp thành cứng rắn đó là địa đại, chất ướt lỏng đó là thủy đại, hơi ấm nóng đó là hỏa đại, động tác chuyển lay co duỗi đó là phong đại, có bị hay biết đó gọi là thanh hương vị xúc các giới, hay nhớ biết nên gọi là thức.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào lúc chết xả sắc giới ấy?

Thế nào thức ấy ra khỏi từ thân ấy?

Thế nào thân ấy lúc xả rồi nó biết như vậy: Đây là thân của tôi?

Này Chân Nguyệt! Thọ thân này lúc đương còn, thân nghiệp đã hết thì xả các đại. Ví như đem sữa hòa với nước dùng lửa đun nấu. Do vì được hơi nóng mà sữa và nước đều riêng biệt, nhưng nước ấy có vị mỡ nhờn, nó không có sắc.

Cũng vậy, người chết thân khác, các đại khác, thần thức cũng có khác, nhưng thần thức ấy nắm lấy các đại và nắm lấy pháp giới rồi dùng pháp giới huân nơi niệm nắm lấy thiện và bất thiện đến nơi đời kế sau.

Ví như thuốc dầu tô ma ha ca lương na, lấy dầu tô cùng các thứ vị thuốc dùng lửa đun nấu, trong ấy hoặc có cay có đắng, hoặc có chát có mặn, hoặc có lạt có ngọt. Nấu lấy các vị rồi nhập vào dầu tô thành có các vị sắc hương v.v… dầu tô ấy bỏ dời tự thể mà thành vị thuốc.

Cũng vậy, xả thân rồi thần thức nắm lấy thiện và ác và nắm lấy pháp giới dời đi đến đời kế sau. Nói thể chất dầu tô là để ví dụ cho thân thể. Nói các vị thuốc kia hòa hiệp tự lập là ví dụ các căn. Nói dầu thuốc sắc hương vị xúc là nói ví dụ thức ấy dời đi.

Nói sắc sai khác là thiện sắc và ác sắc. Nếu uống thuốc vào thân mà tiêu hóa lành mạnh là dụ cho thiện nghiệp. Nếu uống thuốc dầu tô ấy vào thân mà hiện ra héo vàng là dụ cho ác nghiệp.

Nên quán sát thức này như thuốc dầu tô ma ha ca lương na. Như dầu tô nắm lấy sắc vị của các món thuốc, lấy xong thành thuốc dầu tô ma ha ca lương na, nhưng dầu tô không có tay chân vậy, thức này xả thân rồi và xả các giới chỉ lấy pháp giới, thủ thọ rồi mang lấy thiện và ác mà đi.

Này Chân Nguyệt! Người ấy xả thân rồi ở đời kế sau được chánh niệm được thiện niệm, hoặc thấy Lục Dục Thiên, hoặc thấy thập lục đại địa ngục, hoặc thấy thân thể các căn đầy đủ. Lúc ấy họ biết như vậy: Đây là thân của tôi vậy.

Lúc người ấy mạng chung, họ nhớ thấy các sự tướng: Hoặc thấy xe cộ vi diệu, hoặc thấy vườn rừng vi diệu, trong vườn rừng ấy có các thứ cây mới sanh sum suê khả ái, hoặc có ao nước vi diệu, hoặc thấy các sự thành tựu, thấy rồi họ sanh lòng hoan hỷ rồi họ an ổn như pháp thọ sanh mạng chung, mà thần thức của họ dường như cỡi ngựa, nên quan sát như vậy.

Nói cưỡi ngựa ấy, ví như có người ở nơi chiến trường, thân mặc giáp chắc tốt, giỏi cầm cương ngựa ruỗi chạy nhanh lẹ. Cũng vậy, thần thức này mặc giáp phan duyên thiện quả báo nhanh lẹ, cỡi hơi thở ra vào, xả các giới các nhập, xả rồi thọ sanh Phạm Thiên nhẫn đến Sắc Cứu Cánh Thiên, các xứ vi diệu vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần