Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI TÁM

PHÁP HỘI ĐẠI THỪA PHƯƠNG TIỆN  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe một lúc Đức Phật ở nước Xá Vệ tại Tịnh Xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên cùng Đại Tỳ Kheo tám ngàn người câu hội, đều là bậc vô học đại Thanh Văn chúng.

Đại Bồ Tát một vạn hai ngàn người đều được thần thông mọi người quen biết được Đà La Ni vô ngại biện tài được chư pháp nhẫn vô lượng công đức đều thành tựu cả.

Bấy giờ Đức Như Lai từ tam muội dậy vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh cung kính vây quanh mà vì thuyết pháp.

Trong đại chúng có Đại Bồ Tát tên Trí Thắng đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi muốn hỏi một việc xin được cho phép, nếu Đức Phật cho phép tôi mới dám thỉnh hỏi.

Đức Phật phán: Này Trí Thắng! Cho phép ông hỏi, ta sẽ giải đáp trừ chỗ nghi cho ông.

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nói là phương tiện ấy, những gì là Bồ Tát phương tiện, Đại Bồ Tát hành các phương tiện thế nào?

Đức Phật khen rằng: Lành thay, lành thay, này Trí Thắng! Ông vì Chư Đại Bồ Tát mà thỉnh hỏi nghĩa phương tiện đem lại nhiều lợi ích nhiều an lạc cho cả Chư Thiên và người thế gian, để nhiếp lấy trí huệ của Bồ Tát vị lai và Chư Phật Pháp quá khứ vị lai hiện tại vậy. Lắng nghe lắng nghe, ta sẽ nói cho ông phải khéo suy nghĩ nhớ đó. Trí Thắng Bồ Tát thọ giáo vui mừng lắng nghe.

Đức Phật phán dạy: Này Trí Thắng! Bồ Tát hành phương tiện dùng một vắt cơm bố thí cho tất cả chúng sanh.

Tại sao?

Vì Bồ Tát hành phương tiện đem một vắt cơm nhẫn đến bố thí xuống đến loài súc sanh nguyện cầu nhất thiết trí, do Bồ Tát này cùng chung với tất cả chúng sanh hồi hướng vô thượng bồ đề dùng hai nhân duyên sau đây để nhiếp thủ tất cả chúng sanh: Một là cầu nhất thiết trí tâm, hai là nguyện phương tiện. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Đại Bồ Tát thấy người bố thí thì sanh lòng tùy hỷ, đem căn lành tùy hỷ này nguyện cùng chung với tất cả chúng sanh hồi hướng vô thượng bồ đề, cũng nguyện người thí kẻ thọ chẳng rời nhất thiết trí tâm, dầu người thọ là hàng nhị thừa cũng nguyện họ chẳng rời nhất thiết trí tâm. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Đại Bồ Tát nếu thấy trong Thế Giới mười phương có các thứ cây hoa và các thứ hương vô chủ, liền nguyện họp lại cúng dường Chư Phật, hoặc thấy trong Thế Giới mười phương có các thứ hoa hương có chủ hoặc lá gió bay liền nguyện họp lại cúng dường Chư Phật mười phương hoặc tự làm hoặc vì chúng sanh mà làm để được nhất thiết trí tâm, do thiện căn này nên được vô lượng Giới Định Huệ giải thoát giải thoát tri kiến. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng!Đại Bồ Tát nếu thấy trong Thế Giới mười phương các chúng sanh thọ các báo vui, Bồ Tát thấy rồi liền suy nghĩ rằng: Nguyện tất cả chúng sanh được vui nhất thiết trí.

Nếu thấy các chúng sanh thọ báo khổ, Bồ Tát liền vì các chúng sanh mà sám hối tội nghiệp nguyện rằng: Những khổ não mà chúng sanh phải chịu như vậy, tôi đều thay họ lãnh chịu cho họ được an vui. Đem căn lành này nguyện thành nhất thiết trí trừ đứt khổ não cho tất cả chúng sanh, do nhân duyên mà cứu cánh chẳng thọ tất cả khổ thuần thọ tất cả lạc. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Nếu Đại Bồ Tát ở nơi một Đức Phật kính lễ cúng dường tôn trọng tán thán suy nghĩ như vậy: Tất cả Như Lai đồng một giới một pháp thân một giới một định một huệ một giải thoát một giải thoát tri kiến, vậy thì phải biết rằng nếu lễ kính cúng dường tôn trọng tán thán một Đức Phật tức là lễ kính cúng dường tán thán tôn trọng tất cả Chư Phật, nếu cúng dường một Đức Phật tức là cúng dường Chư Phật mười phương. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Bồ Tát nếu là độn căn thì chớ nên tự khinh, nhẫn đến nếu có thể đọc thuộc một bài kệ bốn câu, suy nghĩ như vậy: 

Nếu hiểu nghĩa một bài kệ bốn câu tức là biết tất cả Phật Pháp, tất cả Phật Pháp đều nhiếp trong nghĩa trong một bài kệ, thông đạt như vậy rồi lòng chẳng giải đãi, nếu đi đến thành ấp tụ lạc dùng lòng từ bi mà rộng giải nói cho mọi người chẳng cầu lợi dưỡng danh văn tán thán, nguyện rằng bài kệ bốn câu này nguyện cho người khác được nghe, đem thiện căn này nguyện cho tất cả chúng sanh đều đa văn như A Nan và được biện tài Như Lai. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Nếu Bồ Tát sanh trong nhà bần cùng nhẫn đến khất thực được một vắt cơm cầm đem thí cúng Chư Tăng, nếu cúng thí một người chẳng lấy đó làm thẹn, nên suy nghĩ rằng: Như lời Phật dạy tâm tăng thượng quãng đại thí hơn dùng của bố thí, của tôi bố thí dầu ít mà do nhất thiết trí tâm nguyện căn lành này thành nhất thiết trí khiến các chúng sanh đều được bảo thủ như Đức Phật Thế Tôn, do nhân duyên ấy nên đầy đủ thí giới thiền định phước đức. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Bồ Tát nếu thấy hàng Thanh Văn Duyên Giác được nhiều lợi dưỡng tôn trọng tán thán, Bồ Tát này tự hai điều để an ủi tâm mình: Một là nhân nơi Bồ Tát mà có Như Lai, hai là nhân nơi Như Lai mà có Thanh Văn Duyên Giác, như vậy hàng nhị thừa dầu được lợi dưỡng mà tôi vẫn hơn họ, vật họ an dùng là vật của cha tôi tại sao ở nơi ấy tôi sanh lòng hy vọng. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại này Trí Thắng! Lúc Bồ Tát hành thí liền đủ cả sáu Ba la mật.

Thế nào là Sáu?

Lúc thấy người xin, Bồ Tát từ lòng xan tham đầy đủ đại thí xả, đây gọi là Đàn Ba la mật.

Bồ Tát tự trì giới thí người trì giới, thấy người phá giới thì khuyên họ trì giới rồi sau cấp thí cho, đây gọi thì Thi La Ba la mật.

Bồ Tát tự trừ sân khuể khởi lòng từ nhẫn không uế trược lợi ích chúng sanh bình đẳng bố thí, đây gọi là Sằn Đề Ba la mật.

Nếu Bồ Tát bố thí ẩm thực thuốc thang tức thì đầy đủ, thân tâm tinh tiến đến đi cúi ngước, đây gọi là Tỳ Ly Gia Ba la mật.

Nếu Bồ Tát hành thí rồi tâm được định vui vẻ sung sướng chuyên nghiệm bất loạn, đây gọi là Thiền Ba la mật.

Bồ Tát bố thí rồi phân biệt các pháp: Ai là người thí ai là người thọ ai là người thọ báo quan sát như vậy rồi không có một pháp nào gọi là người bố thí người lãnh thọ và người thọ báo, đây gọi là bát nhã Ba la mật. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện đủ sáu Ba la mật vậy.

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật chưa từng có, Đại Bồ Tát hành phương tiện, do sức phương tiện nên lúc hành bố thí nhiếp tất cả Phật Pháp và các chúng sanh.

Đức Phật dạy: Này Trí Thắng! Như lời ông nói, Đại Bồ Tát hành phương tiện, do sức phương tiện nên dầu hành chút ít bố thí mà được phước đức vô lượng vô biên A tăng kỳ.

Này Trí Thắng! Đại Bồ Tát dầu đến bậc bất thối chuyển địa cũng dùng phương tiện thật hành bố thí, đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Này Trí Thắng! Có lúc ác tri thức bảo Bồ Tát rằng: Ông cần gì ở mãi nơi sanh tử nên từ thân này mà sớm nhập Niết Bàn.

Bồ Tát biết là ác tri thức liền xa rời họ và suy nghĩ rằng: Tôi phát đại thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh, người này làm lưu nạn tôi. Nếu không ở trong sanh tử thì làm sao có thể giáo hóa vô lượng chúng sanh.

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh do vì vọng tưởng mà phạm bốn trọng tội.

Đức Phật dạy: Này Trí Thắng! Nếu Bồ Tát xuất gia do vọng tưởng mà phạm bốn trọng tội, Bồ Tát hành phương tiện đều có thể dứt trừ hết, nay ta cũng nói không có phạm tội và người thọ báo.

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát phạm tội?

Đức Phật dạy: Này Trí Thắng! Bồ Tát bắt đầu hành giải thoát giới, trong trăm ngàn kiếp ăn trái ăn rau hay nhẫn nhịn lời thiện ác của các chúng sanh, nếu cùng chung tư duy pháp với hàng Thanh Văn, Duyên Giác, đây gọi là Đại Bồ Tát phạm trọng tội.

Này Trí Thắng! Như hàng Thanh Văn và Duyên Giác phạm trọng cấm thì chẳng phải thân này được nhập Niết Bàn. Còn Bồ Tát chẳng trừ bỏ việc cùng chung với hàng Thanh Văn, Duyên Giác tư duy pháp thì trọn chẳng được thành vô thượng bồ đề vậy.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Sáng nay tôi vào thành Xá Vệ thứ đệ khất thực thấy Chúng Tôn Vương Bồ Tát với một nữ nhân đồng ngồi một giường.

Tôn Giả A Nan vừa nói xong, tức thì Đại Địa chấn động sáu cách. Chúng Tôn Vương.

Bồ Tát tại trong đại chúng thăng lên hư không cao bằng bảy cây Đa La bảo A Nan rằng: Có ai phạm tội mà có thể dừng ở hư không được chăng?

Tôn Giả nên đem sự này hỏi Đức Thế Tôn thế nào là tội thế nào chẳng phải tội?

Tôn Giả A Nan ưu sầu hướng Phật quỳ lễ chân Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi sám hối, bậc đại Long như vậy mà tôi nói phạm tội, Bồ Tát như vậy mà tôi tìm cầu tội lỗi. Nay tôi sám hối xin Phật hứa khả.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Ông chớ nên tìm cầu tội lỗi nơi bậc Đại Thừa Đại Sĩ.

Này A Nan! Hàng Thanh Văn các ông ở chỗ chướng nạn hành tịch diệt định không có lưu nạn dứt tất cả kiết sử.

Này A Nan! Bồ Tát hành phương tiện thành tựu nhất thiết trí tâm dầu ở trong cung cùng thể nữ vui đùa mà chẳng khởi ma sự và các lưu nạn và sẽ được vô thượng bồ đề.

Tại sao?

Này A Nan! Bồ Tát hành phương tiện không bao giờ ở nơi chúng sanh thọ lạc như vậy mà chẳng đem Tam Bảo hoặc vô thượng bồ đề giáo hóa họ.

Này A Nan! Nếu Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân được Đại Thừa được nhất thiết trí tâm khí thấy ngũ dục khả ý liền ở trong ấy cùng chung thọ lạc.

Này A Nan ông nên suy tưởng như vậy: Bồ Tát như vậy tức là có thể thành tựu căn bổn Như Lai.

Này A Nan! Ông nên lắng nghe do duyên cớ gì mà Chúng Tôn Vương Bồ Tát cùng nữ nhân ấy cùng ngồi chung giường.

Này A Nan! Nữ nhân ấy từ quá khứ đã từng năm trăm đời làm vợ của Chúng Tôn Vương Bồ Tát. Do tập khí cũ ấy, nàng thấy Chúng Tôn Vương Bồ Tát sanh lòng yêu thương ràng buộc chẳng thôi. Do sức trì giới nên Chúng Tôn Vương Bồ Tát có oai đức đoan chánh.

Nàng ấy thấy rồi vui mừng hớn hở ngồi riêng một mình sanh tâm như vậy: Nếu Chúng Tôn Vương Bồ Tát có thể đến ngồi chung giường với tôi thì tôi sẽ phát tâm vô thượng bồ đề.

Này A Nan! Vì biết tâm niệm của nàng ấy, nên sáng sớm Chúng Tôn Vương Bồ Tát đắp y cầm bát vào thành Xá Vệ thứ đệ khất thực đến nhà nàng ấy liền vào và liền suy nghĩ pháp môn như vậy. Hoại nội địa đại hay ngoại địa đại đồng là một địa đại. Dùng tâm địa đại ấy cầm tay nữ nhân cùng ngồi chung giường.

Chúng Tôn Vương Bồ Tát liền từ chỗ ngồi ấy nói kệ rằng:

Đức Phật chẳng khen ngợi

Hàng phàm phu hành dục

Ly dục ly tham ái

Mới thành Thiên Nhân Sư.

Này A Nan! Nàng ấy nghe kệ rồi rất vui mừng hớn hở vô lượng, liền đứng dậy lạy chân Chúng Tôn Vương Bồ Tát mà nói kệ rằng:

Tôi chẳng tham ái dục

Tham dục bị Phật quở

Ly dục ly tham ái

Mới thành Thiên Nhân Sư.

Nói kệ xong nàng ấy thưa rằng: Trước tôi sanh lòng ái dục nay nên sám hối.

Nàng ấy liền sanh thiện dục phát tâm bồ đề nguyện muốn lợi ích tất cả chúng sanh.

Này A Nan! Lúc ấy Chúng Tôn Vương Bồ Tát khuyến hóa nữ nhân phát tâm vô thượng bồ đề rồi liền đi.

Này A Nan! Ông quan sát phước báo của nữ nhân chuyên tâm ấy. Nay ta dùng Chánh Biến Tri thọ ký cho nữ nhân ấy nơi đây mạng chung được chuyển thân nữ sẽ thành nam tử, đời sau chín mươi chín kiếp cúng dường trăm ngàn vô lượng A Tăng Kỳ Chư Phật đầy đủ tất cả Phật Pháp được thành Phật Hiệu Vô Cấu Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, lúc Đức Phật Vô Cấu không có một người nào khởi tâm bất thiện.

Này A Nan! Ông nên biết rằng Bồ Tát hành phương tiện nhiếp lấy quyến thuộc trọn chẳng đọa ba ác đạo.

Bấy giờ Chúng Tôn Vương Bồ Tát từ hư không hạ xuống lễ Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát hành phương tiện nếu vì một người mà phát tâm đại bi hợp tập thiện pháp hoặc tợ phạm tội hay thiệt phạm tội trong trăm ngàn kiếp đọa đại địa ngục. Bồ Tát này kham chịu được các ác và địa ngục khổ, do vì căn lành ấy mà nguyện chẳng bỏ một chúng sanh.

Đức Phật khen rằng: Lành thay, lành thay, này Chúng Tôn Vương! Bồ Tát thành tựu tâm đại bi như vậy dầu thọ ngũ dục mà chẳng phạm trọng tội được lìa các tội và xa tất cả nghiệp đọa ác đạo.

Này Chúng Tôn Vương! Ta nhớ quá khứ A tăng kỳ kiếp, lại quá số kiếp ấy, bấy giờ có phạm chí tên Thọ Đề bốn mươi hai ức năm ở trong rừng vắng thường tu phạm hạnh. Quá năm ấy, phạm chí Thọ Đề ra khỏi rừng vào thành Cực Lạc.

Vào thành rồi thấy một nữ nhân. Lúc nữ nhân ấy thấy Phạm Chí nghi dung đoan nghiêm liền sanh dục tâm chạy đến té xuống đất nắm chân Phạm Chí.

Phạm Chí hỏi nữ nhân: Chị tìm cầu gì?

Nữ nhân đáp: Tôi cầu Phạm Chí.

Phạm Chí nói: Tôi chẳng hành dục.

Nữ nhân nói: Nếu không theo ý tôi nay tôi sẽ chết.

Phạm Chí Thọ Đề suy nghĩ: Sự này chẳng phải pháp của tôi cũng chẳng phải thời của tôi.

Tôi đã bốn mươi hai ức năm Tu Tịnh phạm hạnh nay sao lại hủy hoại?

Phạm Chí cố gắng tự chế rời đi bảy bước.

Đi được bảy bước rồi sanh lòng sót thương suy nghĩ như vậy: Tôi dầu phạm giới bị đọa ác đạo, tôi có thể chịu được khổ địa ngục, nay tôi chẳng nở thấy nữ nhân này thọ khổ não, chớ để nàng vì tôi mà chết.

Suy nghĩ rồi, phạm chí Thọ Đề lấy tay hữu nắm nữ nhân nói: Chị dậy đi, tùy ý chị muốn. Sau mười hai năm cùng nữ nhân ấy làm chồng vợ, Phạm Chí Thọ đề lại xuất gia tức thì lại đủ tứ vô lượng tâm, mạng chung sanh trong Cõi Trời Phạm Thiên.

Này Chúng Tôn Vương! Ông chớ có nghi. Thuở ấy Phạm Chí Thọ Đề tức là thân ta, nữ nhân kia tức là Cù Di hiện nay vậy.

Này Chúng Tôn Vương! Thuở ấy vì lòng dục của nữ nhân kia mà ta tạm khởi tâm đại bi liền được siêu việt khổ sanh tử trăm vạn kiếp. Chúng Tôn Vương, ông xem các chúng sanh khác do vì ái dục mà đọa địa ngục, còn Bồ Tát hành phương tiện do đó mà sanh Phạm Thiên. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Đức Phật lại bảo Trí Thắng Bồ Tát: Này Trí Thắng! Nếu Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên v.v... hành phương tiện thì chẳng khiến Cù Già Ly phải đọa địa ngục.

Này Trí Thắng! Ta nhớ thuở quá khứ thời kỳ Phật Cựu Lưu Tôn có một Tỳ Kheo tên Vô Cấu ở tu tại hang trong rừng vắng. Gần hang ấy có năm Tiên Nhân.

Một hôm Trời bỗng mưa to, có cô gái nghèo bị mưa lạnh và kinh sợ liền vào hang ẩn núp, tạnh mưa rồi Vô Cấu Tỳ Kheo cùng cô gái đồng ra khỏi hang.

Năm Tiên Nhân thấy bảo nhau: Vô Cấu Tỳ Kheo lòng gian siểm làm hạnh bất tịnh. Biết vậy Vô Cấu Tỳ Kheo liền vọt thân lên hư không cao bằng bảy cây Đa La.

Năm Tiên Nhân thấy thế lại bảo nhau: Chúng ta được thấy Kinh Luận có ghi rằng nếu người làm hạnh bất tịnh thì không thể bay lên hư không như vậy còn người tu tịnh hạnh thì bay được như vậy. Năm Tiên Nhân liền hướng Vô Cấu Tỳ Kheo phát lồ sám hối.

Này Trí Thắng! Nếu lúc ấy Vô Cấu Tỳ Kheo không phương tiện bay lên hư không thì năm Tiên Nhân ấy sẽ bị đọa địa ngục. Thuở ấy Vô Cấu Tỳ Kheo tức là Di Lặc Bồ Tát vậy.

Này Trí Thắng! Nếu các ông Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên phương tiện bay lên hư không thì Tỳ Kheo Cù Già Ly chẳng đọa địa ngục. Nay ông nên biết những phương tiện được thiệt hành của Đại Bồ Tát, các hàng Thanh Văn và Duyên Giác không có.

Này Trí Thắng! Ví như dâm nữ giời biết sáu mươi bốn thái độ, vì tài bảo mà mỵ ngôn dụ người dối nói xả thân không tiếc, lúc đã được tài bảo rồi liền xua đuổi người đi chẳng có lòng ân hận.

Bồ Tát hành phương tiện giáo hóa tất cả chúng sanh như vậy, tùy theo sở dục của họ mà hiện thân, nơi các vật dùng không hề ham tiếc, nhẫn đến xả thân vì chúng sanh, ưa thích thiện căn chẳng cầu quả báo, khi biết chúng sanh đã làm thiện căn lòng không thối chuyển rồi liền xả ly, nơi ngũ dục được hiện lên không hề luyến tiếc.

Này Trí Thắng! Như trong loài súc sanh con ong đen kia lấy phấn mật trong các bông hoa mà không có ý tưởng cư trụ trong hoa không luyến ái hoa chẳng mang hoa đi.

Vì giáo hóa chúng sanh nên Bồ Tát hành phương tiện ở nơi ngũ dục thấy pháp vô thường chẳng tưởng là thường mà sanh ái nhiễm, lại chẳng hại mình cũng chẳng hại người.

Này Trí Thắng! Vì như hột giống nhỏ dầu sanh mầm nhưng bổn chất không kém tổn chẳng sanh vật khác. Cũng vậy chủng tử trí huệ không vô tướng vô tác vô ngã, Bồ Tát dầu hiện phiền não vui thú trong ngũ dục lạc, mà chẳng sanh mầm ba ác đạo, chẳng tổn bổn chất thiện căn cũng chẳng thối chuyển.

Này Trí Thắng! Ví như ngư ông dùng vật thực trét lưới ném xuống vực sâu, lúc thỏa mãn chỗ mong cầu thì kéo lưới lên.

Cũng vậy, Bồ Tát hành phương tiện dùng không vô tướng vô tác vô ngã trí huệ huân tutâm mình, biết sử dụng làm lưới, nhất thiết trí tâm dùng làm vật thực trét, dầu ném vào vực sâu bùn lầy ngũ dục, lúc thỏa bổn nguyện liền kéo lên khỏi Dục Giới, sau khi mạng chung sanh Trời Phạm Thế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần