Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BẢY

PHÁP HỘI MẶC GIÁP TRANG NGHIÊM  

PHẦN BỐN  

Này Vô Biên Huệ! Nếu còn ở nơi sự tướng mà mặc giáp trụ, thì trọn chẳng gọi rằng mặc đại giáp trụ, vì Chư Đại Bồ Tát chẳng ở nơi sự tướng mà cầu đại trí tuệ nên gọi là mặc đại giáp trụ.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Trong vô lượng kiếp

Mặc giáp lớn vô biên

Vì muốn cho chúng sanh

Giải thoát các khổ não

Giáp trụ lớn như vậy

Hoặc ma hay ma sứ

Và kẻ tạo nghiệp ma

Mắt họ chẳng thấy được

Cùng với những chúng sanh

Đi nơi rừng chấp kiến

Họ cũng chẳng thấy được

Giáp trụ bất tư nghị

Giáp trụ này không sắc

Không hình không đối đãi

Giáp trụ chẳng nghĩ bàn

Mắt thường chẳng thấy được

Không danh cũng không tướng

Rời xa tất cả tướng

Giáp trụ này vô biên

Nên không tướng thấy được

Giả sử tên như núi

Đồng loạt nhắm bắn vào

Giáp trụ bất tư nghị

Khiến tên tự gãy nát

Tất cả ma trong đời

Cũng mang tên như núi

Nhắm ngay đại giáp trụ

Đồng loạt bắn thẳng vào

Nhưng đại giáp trụ này

Chẳng tổn chừng đầu lông

Giáp trụ bất tư nghị

Chẳng gì phá hư được

Vì thế nên Bồ Tát

Thân Tân chẳng biến đổi

Giáp trụ bất tư nghị

Ai làm khuynh đọng được

Bồ Tát bất tư nghị

Nếu dùng một tâm niệm

Muốn dẹp trừ chúng ma

Quân ma liền lui tan

Đại giáp trụ như vậy

Chưa từng có động lay

Tất cả các chúng sanh

Không ai có thể thấy

Tất cả các chúng sanh

Chẳng biết tướng giáp trụ

Vì thế các chúng sanh

Mắt họ chẳng thấy được

Bồ Tát làm chỗ dựa

Biết được tất cả pháp

Dường như thắng kim cương

Đây là người khéo mặc

Chẳng thọ tất cả pháp

Cứu hộ các chúng sanh

Thuận theo pháp của Phật

Đây là người khéo mặc

Giáp trụ không chổ lấy

Tuỳ thuận tất cả pháp

Giáp trụ chẳng nghĩ bàn

Đây là người khéo mặc

Giáp trụ không thị hiện

Trị sạch tất cả pháp

Các pháp rời ngôn thuyết

Không ai thị hiện được

Chẳng tương ưng với sắc

Thọ, tưởng, hành và thức

Cũng đều chẳng tương ưng

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Chẳng tương ưng với nội

Chẳng tương ưng với ngoại

Chẳng tương ưng nội ngoại

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Chẳng tương ưng với xứ

Chẳng tương ưng với giới

Hoặc trong xứ, trong giới

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Chẳng tương ưng với địa

Chẳng tương ưng thủy, hỏa

Phong và không cũng vậy

Chẳng tương ưng chẳnh hiệp

Chẳng tương ưng Dục Giới

Sắc Giới, Vô Sắc Giới

Cũng đều chẳng tương ưng

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Tất cả vô sở đắc

Chẳng cùng các hữu tác

Chẳng cùng các vô tác

Tương ưng và hòa hiệp

Giáp trụ bất tư nghị

Không ở không hòa hiệp

Không buộc không giải thoát

Cũng không chẳng tương ưng

Giáp trụ không biên tế

Chẳng cùng Thanh Văn địa

Chẳng cùng Độc Giác địa

Tương ưng và hòa hiệp

Nhẫn đến Chư Phật địa

Và cùng tất cả pháp

Tất cả chẳng tương ưng

Tất cả chẳng hòa hiệp

Tất cả đường ngôn ngữ

Không có thể đến được

Vì giáp trụ vô biên

Không thể, khó nghĩ bàn

Nên chẳng cùng tất cả

Tương ưng chẳng tương ưng

Giáp trụ bất tư nghị

Vượt quá tất cả số

Giáp trụ này vô thượng

Không buộc không chẳng buộc

Cũng không có tướng sắc

Tướng thọ, tưởng, hành, thức

Chẳng cùng các tướng ấy

Tương ưng và hòa hiệp

Chẳng cùng các Pháp Tướng

Tương ưng chẳng tương ưng

Cũng chẳng cùng vô tướng

Tương ưng và hòa hiệp

Giáp trụ này vô thượng

Không buộc không giải thoát

Trong tất cả các pháp

Chẳng vào một pháp nào

Trong tất cả các pháp

Giáp trụ bất khả đắc

Vì thế nên vô thượng

Gọi là bất tư nghị

Giáp trụ không có sắc

Không thọ cũng không tưởng

Không hành cũng không thức

Chẳng nhiếp trong các uẩn

Bậc dũng mãnh như vậy

Mặc đại giáp trụ này

Thân tâm vô sở đắc

Chẳng thấy chút pháp nhỏ

Vì vượt quá nghĩ suy

Tâm thanh tịnh an trụ

Mà thường không khiếp nhược

Gọi là bất tư nghị

Mặc giáp trụ kiên cố

Tâm mình không lay động

Chẳng kể số lương kiếp

Gọi là bất tư nghị

Giáp trụ không số luợng

Chẳng lấy pháp phi pháp

Vì không có thời lượng

Nên gọi bất khả lượng

Chẳng khởi chúng sanh tưởng

Cũng không có ngã tưởng

Vì biết được tưởng này

Tất cả tưởng chăng sanh

Cũng biết tất cả pháp

Pháp ấy đều vô tướng

Mặc giáp trụ như vậy

Gọi là bất tư nghị.

Đức Phật phán tiếp: Lại này Vô biên Huệ! Đại giáp trụ ấy có tên là Diệu Pháp nghiêm cụ trang nghiêm, cũng tên là tối thượng bất khả hoại, cũng tên là nhất thiết pháp vô sai biệt, vì chẳng làm sai biệt chút pháp nào.

Chư Đại Bồ Tát mặc giáp trụ ấy, giữ sức đại trí huệ ngồi nơi đại thừa, tối thượng thừa, vô đẳng đẳng thừa, đại nhiếp thọ thừa, vô biên nhiếp thọ thừa.

Tất cả chúng sanh ngồi nơi thừa này, thì trong thừa này đều dung thọ tất cả, mà thừa này chẳng hề tăng giảm, có thể làm cho chúng sanh đều an vui mà ở, cũng làm cho chúng sanh an vui mà ra. Nếu có chúng sanh nào ngồi nơi thừa quyết định an vui này thì thân tâm họ không có nhọc mệt lao khổ.

Này Vô Biên Huệ! Đại Thừa này chói che tất cả thế gian Thiên, Nhân, A Tu La, Thanh Văn, Duyên Giác và các thừa khác mà sẽ xuất ly.

Đại Thừa này không đến, không đi, không ở, không thấy, không biết, lúc trước bất khả đắc, lúc sau bất khả đắc, lúc giữa bất khả đắc, ba đời bình đẳng, dường như hư không chẳng nhiễm tạp bụi trần, không có chối đãi, không có chướng ngại, cũng không chấp trước. Vì do thừa này mà sẽ xuất ly.

Đại Thừa này vô lượng vì chẳng lường được.

Đại Thừa này vốn không tướng chướng ngại vì chẳng ở nơi tướng.

Đại Thừa này tối thượng đệ nhất. Người ngồi thừa này không có tâm khiếp nhược mà hướng đến vô thượng Chánh Giác.

Này Vô Biên Huệ! Thừa này như ngọn đèn, như mặt nhật mặt nguyệt làm ánh sáng lớn cho các chúng sanh. Đại thừa này cũng vậy, ánh sáng của nó chiếu khắp Cõi Đại Thiên không gì che không gì chướng ngại được, có thể dùng biển lớn công đức vô biên mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Đại Thừa này không tối trừ được bệnh của tất cả thế gian, vượt quá tất cả pháp thế gian nhiếp lấy chúng sanh lớn, chẳng phải các chúng sanh hạ liệt mà có thể ngồi được, chỉ trừ người có thể mặc đại giáp trụ, như ta đã nói người ở trong vô lượng kiếp cứu hộ chúng sanh cúng dường Chư Phật trồng các cội lành tư lương thanh tịnh thì có thể ngồi được.

Những hàng Thanh Văn, Duyên Giác và các hạng hạ liệt bị ràng buộc ở thế gian tương ưng với thế gian, hoặc hạng tăng thượng mạn, những ngoại đạo bất tín, họ còn chẳng muốn nghe tên của đại thừa này huống là có thể ngồi nơi đại thừa này.

Nếu có chúng sanh nào dạo đi trong cảnh giới bất tư nghị, ngồi ở đại thừa này rồi như nguyện thù thắng của mình mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Đại Thừa này không thời gian biên tế, sơ tế, trung tế và hậu tế chẳng thể biết rõ được. đại thừa này tế đoạn bất khả đắc. Vô biên tế là thừa tế này, vô lượng tế là thừa tế này.

Này Vô Biên Huệ! Thừa này vô biên tế, cũng không có trung tế, không có chút ít tế mà có thể đoạn dứt được. Nói là tế đoạn dứt, bởi vì không có chút ít tế nên nói là tế đoạn, vì chẳng phân biệt tế nên nói là tế đoạn, như thế gọi là tế đoạn của đại thừa này.

Tế vô số hữu mà nói là trung tế, tế vô sở hữu mà nói là biên tế, tế vô sở hữu mà dùng tế để nói. Ở trong tế ấy, tế bất khả đắc.

Vì là bất khả đắc nên biên tế, trung tế không có tế không có đoạn mà nhập vào tế môn. Vì nhập vào tế môn nên thừa này vượt quá nơi đó. Vượt quá này cũng vô sở đắc.

Này vô biên Huệ! Những gì là tế?

Đó là đoạn thường tế, vì vào trong ngôn ngữ vậy, nên tế là chẳng phải tế. Đoạn thường tế ấy chẳng có biên tế, bởi tướng của tế ấy là tướng vô biên vậy. Nói là tế không có phân biệt, vì dứt phân biệt, nên vượt quá nơi tế rời xa đoạn thường.

Này Vô Biên Huệ! Người có thân kiến thì ở nơi tế môn có chỗ y chỉ. Nếu là người không có thân kiến thì ở nơi tế môn không có cha trước. Vì không có chấp trước nên có thể vượt quá đoạn thường tế.

Này Vô Biên Huệ! Đoạn thường tế ấy không có thiệt, chỉ là lời nói phỉnh phờ ở trong ba cõi phân biệt có hai tế đoạn và thường. Đối với hai tế ấy, nếu chẳng nắm lấy, nếu chẳng tương ưng mới có thể vượt quá chấp kiến đoạn thường ở nơi hai tế môn mà không chỗ chấp trước.

Này Vô Biên Huệ! Nếu Đại Bồ Tát chưa rời thân kiến thì chẳng gọi là mặc giáp trụ ngôi nơi đại thừa, với tế môn kia là có chấp trước. Dầu có muốn dứt tế lại khởi tưởng niệm dứt tế, lại là có phân biệt tiền tế hậu tế.

Nếu Đại Bồ Tát đã rời thân kiến thì gọi là mặc đại giáp trụ ngồi nơi đại thừa, với tế môn ấy chẳng có chỗ chấp đã vượt quá hai tế dùng thừa an lạc mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát dùng sức đại trí huệ, ở nơi tất cả pháp trụ tế, có thể chẳng đoạn chẳng phá mà phương tiện khôn khéo nhiếp lấy chỉ quán tu tập vô tướng, được chứng vô tướng thì được Chư Phật trao cho ánh sáng pháp. Do ánh sáng pháp mà tất cả tế đoạn dứt.

Đối với tế đoạn ấy cũng không nắm lấy, không có chút ít tế nào ở môn kia hoặc là tương ưng hay chẳng tương ưng, hoặc ghi nhớ hay chẳng ghi nhớ. Với tất cả pháp, phương tiện khôn khéo an trụ ở chỉ quán bèn được vô biên ánh sáng đại pháp.

Vì ánh sáng đại pháp nên rời xa tói tăm bố úy mà dụng đại pháp tràng, phát đại phạm âm, rống Đại Sư tử mà bảo chúng sanh rằng: Mọi người mau đến nơi đại thừa này, đại an lạc thừa này, đại điều ngự thừa này, đại phát thu thừa này để hướng đến vô thượng bồ đề.

Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà diễn ánh sáng pháp. Vì ánh sáng pháp có thể làm cho chúng sanh mặc đại giáp trụ ngồi đại thừa này.

Này Vô Biên Huệ! Đại Bồ Tát ở nơi đại thừa này, ở nơi đại giáp trụ này chớ có lòng lẫn tiếc, nên nguyện cầu cho chúng sanh phát tâm Bồ Đề mặc giáp trụ này và ngồi đại thừa này.

Các chúng sanh ấy ở nơi đại thừa và đại giáp trụ này cũng chớ lẫn tiếc mà phải luân chuyển khuyến cáo chúng sanh khác, lại cũng nguyện cầu các chúng sanh mặc giáp trụ và ngồi đại thừa này để được xuất ly.

Lúc Chư Đại Bồ Tát an trụ trong hạnh nguyện ấy, các Ngài nhiếp thủ Phật Quốc, thanh tịnh Phật Quốc, nhiếp thủ Thanh Văn và Chư Bồ Tát để được viên mãn công đức. Do biển đại công đức vô biên này mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Đại Thừa này đồng với pháp giới, bờ này hay bờ kia đều không có gì để được, nhưng có thể vận tải tất cả chúng sanh từ đây đến ở trong pháp giới, tương ưng với pháp giới, tương ưng với giáp trụ không có chỗ tương ưng. Nếu ở nơi đại thừa đồng pháp giới này mà chuyên cần tu tập thi hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Như Pháp Giới không có nhiễm bụi trần, không ai phá hoại được, không gì nhiễm được. Cũng vậy, đại thừa này không bị hoại, không bị nhiễm. Vì không hoại không nhiễm nên sẽ đến nhất thiết chủng trí. Vì thế nên thừa này tên là đại thừa. Thừa này vô ngại, tất cả Thiên, Nhân, A Tu La ở thế gian chẳng làm thối chuyển được.

Do vì thừa này không chấp trước nên sẽ đến nhất thiết chủng trí, vì thế nên thừa này tên là đại thừa. Gọi là đại thừa có nghĩa là đại trang nghiêm. Tất cả trang nghiêm đều vào trong đại thừa này.

Vô Biên Huệ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Trong đại thừa này há lại có những trang nghiêm hữu vi ư?

Đức Phật phán: Này Vô Biên Huệ! Đúng như vậy. Ta tùy thuận thế tục nên ở trong đại thừa này cũng nói tất cả trang nghiêm hửu vi.

Này Vô Biên Huệ! Như Chuyển Luân Vương, Đế Thích và Phạm Vương đều từ đại thừa này xuất sanh, hoặc đã xuất sanh, hoặc sẽ xuất sanh, dầu ở ngôi tôn quý mà chẳng bị lỗi lầm sanh tử phiền não làm nhiễm trước, có thể ở nơi ngũ dục mỗi mỗi đều vừa chừng. Đã vừa chừng rồi thì nhàm bỏ mà có thể biết rõ được đạo xuất ly.

Nếu Chư Đại Bồ Tát ngồi đại thừa này dầu thọ lãnh sanh tử nhưng ở đâu cũng chẳng bị ô nhiễm mà thấy được sự lỗi lầm có thể biết xuất ly.

Nếu ở nơi đây ta chưa nói các pháp và các trang nghiêm, do tướng của thừa này, Chư Đại Bồ Tát ấy cũng có thể biết được các pháp và các trang nghiêm kia mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Đại thừa vô thượng thừa

Thừa này bất tư nghị

Nếu ai ngồi thừa này

Đều sẽ được xuất ly

Thừa này bất tư nghị

Vô lượng vô biên tế

Là chỗ y chỉ lớn

Nên gọi là đại thừa

Tất cả các chúng sanh

Ngồi nơi đại thừa này

Thừa này vẫn không giảm

Cũng lại không có tăng

Tất cả các chúng sanh

Ngồi nơi đại thừa này

An lạc mà hướng đến

Trong ấy không khổ não

Nếu Chư Đại Bồ Tát

Từ thừa này hướng đến

Thẳng tiến không làm khác

Thân tâm chẳng mỏi nhọc

Soi sáng khắp thế gian

Trời, Người, A tu la

Sẽ ở đại thừa này

Mà hướng đến vô thượng

Chói che các Duyên Giác

Và các Thanh Văn thừa

Ở nơi đại thừa này

Mà hướng đến vô thượng

Không lai cũng không khứ

Không trụ không tiền tế

Không hậu tế trung tế

Không được không chỗ thấy

Ba đời đều bình đẳng

Dường như trong hư không

Thừa này cũng như vậy

Rời xa các phiền não

Thừa này không đối đãi

Không chướng cũng không ngại

Hay cứu tất cả loài

Chỗ hướng không chấp trước

Thừa này không có lượng

Cũng không tất cả tướng

Tự tánh bất khả đắc

Vô úy chẳng nghĩ bàn

Có ai ngồi thừa này

Thì được vô sở úy

Ở trong Chư Phật Pháp

Không chướng cũng không ngại.

Dùng thừa này hướng đến

Chiếu sáng khắp thế gian

Như mặt nhật sáng lớn

Không lúc nào chẳng chiếu

Thừa này chẳng hoại được

Không gì che chói được

Vô lượng đức tư lương

Mà hướng đến vô thượng

Thừa nấy siêu thế gian

Ra khỏi hẳn ba cõi

Rời xa các tối tăm

Thẳng đến quả vô lậu

Thừa này chỉ nhiếp lấy

Tất cả Chư Bồ Tát

Còn các chúng sanh khác

Trong ấy chẳng dung thọ

Nếu có người trí huệ

Trong vô lượng ngàn kiếp

Siêng to tân phương tiện

Mới ngồi được thừa này

Thanh Văn và Duyên Giác

Tất cả hàng ngoại đạo

Tiểu trí và tà kiến

Chẳng ngồi được thừa này

Nếu có các chúng sanh

Hướng đến nơi phi đạo

Hạng này kém phước đức

Chẳng kham nghe thừa này

Nếu có các chúng sanh

Với pháp bất tư nghị

Khôn khéo mà do hí

Ngồi được đại thừa này

Tùy theo họ kiến lập

Những thệ nguyện thù thắng

Ở trong chánh đạo này

Mà hướng đến vô thượng

Thừa này không biên tế

Cũng không có trung tế

Biên tế và trung tế

Thảy đều bất khả đắc

Bởi tế bất khả đắc

Nên thừa này không tế

Vì tất cả tế đoạn

Nên an lạc hướng đến

Thừa này vô biên tế

Vô biên là thừa tế

Thừa này vô lượng tế

Vô lượng là thừa này

Thừa này vô tế đoạn

Vô tế là tế đoạn

Chẳng phân biệt nơi tế

Đoạn cũng chẳng thể được

Thừa tế không biên tế

Cũng không có trung tế

Cũng không tế không tế

Tế tánh vô sở hữu

Nơi tế không tế tướng

Chẳng phải tế làm tướng

Ở trong các tế ấy

Tế tướng vô sở hữu

Chẳng phải tế nói môn

Thừa này đã vượt quá

Ở chỗ quá lượng kia

Tương ưng bất khả đắc

Ta nói đoạn thường tế

Hữu biên vô biên tế

Tất cả tế như vậy

Tế kia chẳng phải tế

Tất cả tế vô biên

Tế tướng vô sở hữu

Tự tánh tất cả tế

Trong ấy chẳng phân biệt

Trong các tế như vậy

Vì dứt nơi phân biệt

Nên biên cùng vô biên

Tất cả đều được dứt

Nếu còn có thân kiến

Thì nói các tế môn

Chấp trước các tế ấy

Là người không chỗ dựa

Nếu không có thân kiến

Chẳng chấp các tế môn

Là bậc đại trí huệ

Có thể nơi các tế

Đều vượt quá tất cả

Do đây trong Phật Pháp

An lạc mà hướng đến

Bồ Tát khéo quán sát

Hay dùng sức trí tuệ

Chẳng có được chút pháp

Dứt được trừ diệt được

Thường dùng phương tiện khéo

Khéo nhiếp lấy chỉ quán

Vì biết rõ một tướng

Các tướng đều biết rõ

An trụ ở chánh pháp

Được ánh sáng đại pháp

Do pháp quang minh này

Quyết xong các tế kia

Chẳng thấy có chút tế

Là tế hay phi tế

Chỗ tương ưng được kia

Không chấp trước tất cả

Nếu thấy chúng sanh khổ

Khuyến dụ mà bảo rằng

Ngươi đến nơi thừa này

An vui mà xuất ly

Thọ sanh ở chốn nào

Hay làm ánh sáng pháp

Mặc giáp ngồi đại thừa

Cũng đem đây khai thị

Thừa này giáp trụ này

Chớ có lòng luyến tiếc

Cũng khiến các chúng sanh

Mặc giáp ngồi đại thừa

Ngồi thừa an lạc này

Mà hướng đến vô thượng

Chư Bồ Tát như vậy

An trụ đây tu hành

Hay ở trong Phật Pháp

Mau hướng đến vô thượng

Thanh tịnh Chư Phật Quốc

Nhiếp thọ Chư Thanh Văn

Và các chúng Bồ Tát

Sự công đức trang nghiêm.

Đức Phật phán tiếp: Này Vô Biên Huệ! Ta nhớ thuở xưa lúc ta tu Bồ Tát hạnh, ta mặc giáp trụ như vậy và ngồi đại thừa như vậy, vượt quá các tế, diệt được tối tăm, trừ được bố úy, ở nơi chỗ vô lượng trăm ngàn câu chi na do tha Chư Phật, dùng sức đại tinh tiến nghe giáp trụ trang nghiêm và đại thừa trang nghiêm này của Đại Bồ Tát, ta vui mừng hớn hở.

Lúc ta quan sát pháp ấy, đối với Đức Phật Thế Tôn ta cung kính tôn trọng, chẳng nghĩ tưởng rằng ta mặc giáp trụ như vậy, ta có giáp trụ như vậy, ta được pháp như vậy, ta có pháp như vậy, ta có các loại pháp như vậy. Lúc ấy ta không có quan niệm có ngã, ta rời xa thân kiến, rời xa ngã mạn, lòng không có cao hạ, không có phân biệt.

Vì muốn nhiếp thọ tất cả chúng sanh, hộ trì Pháp Tạng của Chư Phật Như Lai, thành thực vô lượng trăm ngàn câu chi na do tha chúng sanh, ta không hề có một tâm niệm mỏi nhọc.

Lúc ấy ta chẳng bỏ giáp trụ, ngồi vô biên thừa. Trong nhiều đời ta có thể phá quân ma. Các quyến thuộc ma đều thối bại tiêu diệt. Các sứ giả ma kinh sợ bỏ chạy.

Tất cả hàng ngoại đạo và những phái tương ưng với dị đạo đều bị ta hàng phục, đặt họ vào chỗ an ổ. Tất cả dị luận ta đều dẹp trừ. Tất cả ngoại đạo đều hàng phục ta. Những chúng sanh xu hướng đường tà, ta làm cho họ ở nơi thừa này trồng các cội lành. Ta vì các chúng sanh mà khai thị giáp trụ và giáp trụ trang nghiêm.

Ta cũng vì các chúng sanh mà diễn thuyết các loại pháp đại thừa an lạc như vậy.

An trụ trong thừa này thì được tất cả đồ dùng an vui, đó là đồ dùng an vui hữu vi: Chuyển Luân Vương, Đế Thích và Phạm Vương. Cũng được đồ dùng an vui vô vi. Lúc ta vì các chúng sanh nói pháp này, ta làm cho các chúng sanh vào trong pháp ấy phát sanh chủng tánh Chư Thánh, dựng tràng đại pháp, rống tiếng sư tử mà hướng đến vô thượng bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần