Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Chín - Pháp Hội đại Thừa Thập Pháp - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ CHÍN

PHÁP HỘI ĐẠI THỪA THẬP PHÁP  

PHẦN BỐN  

Này thiện nam tử! Có kẻ bảo đó là Ma Ba Tuần khuyên các nhà Bà La Môn Trưởng Giả, Cư Sĩ đừng cúng dường Đức Như Lai. Lời nói ấy cũng chẳng đúng.

Tại sao vậy?

Này thiện nam tử! Ma Vương Ba Tuần không có năng lực khuyên được các Trưởng Giả đừng dâng cúng Đức Như Lai.

Này thiện nam tử! Việc ấy chớ nên quan niệm như vậy. Vì Ma Vương không đủ sức ngăn chặn sự cúng dường Đức Như Lai. Đó là Đức Như Lai sai khiến Ma Vương đến nói với các Trưởng Giả v.v… để họ không cúng dường.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai đã diệt hết các chướng ngại, đã thành tựu vô lượng công đức thù thắng, không bao giờ có ai làm chướng ngại được sự cúng dường Đức Như Lai.

Đức Như Lai không có nghiệp báo thiệt. Chỉ vì muốn cho các chúng sanh đắc đạo mà thị hiện các sự việc phương tiện thiện xảo như vậy.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai nếu đoạn một bữa ăn, khiến hàng Thanh Văn và Ma Vương, Thiên, Long Bát Bộ cùng Chư Thiên nghĩ rằng chớ để quyến thuộc sanh lòng lo khổ.

Vì những sự việc như vậy nên Đức Như Lai ngày đêm thị hiện khiến họ sanh một tâm niệm bất thiện, cho đời sau biết rằng Đức Như Lai đã dứt khỏi tam giới mà còn có sự việc ấy huống là chúng ta và các người khác. Lúc ta hiện ra sự việc ấy, có bảy vạn Chư Thiên sanh lòng tin thanh tịnh đối với Đức Như Lai. Biết lòng tin của tám vạn Chư Thiên ấy, Đức Như Lai liền vì họ. Mà thuyết pháp. Họ nghe pháp rồi đều được pháp nhãn thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Vì sự lợi ích như vậy và vì quan sát thương sót các chúng sanh đời sau nên thị hiện các sự việc ấy. Đức Như Lai không có nghiệp báo như vậy.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Còn việc nàng Tôn Đà Lê dùng gáo gỗ độn bụng vu báng Đức Như Lai thì thế nào?

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Việc ấy cũng chẳng phải vậy. Đức Như Lai đã thành tựu vô lượng công đức, không có hoạn nạn về nghiệp báo.

Này thiện nam tử! Thần lực của công Đức Như Lai có thể đem những người như nàng Tôn Đà Lê ra ngoài vô lượng hằng hà sa Thế Giới, mà vẫn bị vu báng đó là Đức Như Lai dùng sức phương tiện hiển thị nghiệp báo.

Đời sau này hàng đệ tử của ta, người phước bạc dầu được xuất gia trong pháp của Phật mà bị vu báng hoặc lại thối thất, bởi họ chẳng suy nghĩ lời dạy của Phật mà quan niệm rằng: Nay tôi đã bị vu báng, tôi chẳng nên còn ở trong chánh pháp của Phật. 

Vì muốn cho những hàng đệ tử ấy nhớ biết rằng Chư Phật Như Lai đầy đủ trọn vẹn tất cả pháp lành, đã dứt pháp ác, mà còn có ác đối bị vu báng như vậy, huống là tôi và những người khác. Vì họ nhớ biết như vậy nên chẳng còn thối thất mà vẫn tu phạm hạnh.

Này thiện nam tử! Nàng Tôn Đà Lê v.v… sanh ác tâm, do thần lực của Phật, làm cho họ chiêm bao để được Khai Ngộ: Nếu tôi thiệt vu báng Đức Phật, lúc thân tôi chết ắt phải đọa ác đạo.

Này thiện nam tử! Nếu Đức Như Lai biết là người có thể phòng hộ được tất liền phòng hộ họ. Vì thế nên Như Lai thị hiện sự việc như vậy.

Này thiện nam tử! Không có một chúng sanh nào mà Như Lai bỏ sót, nên thị hiện như vậy.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Còn việc ngày trước Đức Như Lai ở tại nước Tỳ Lan Đa nhận lời thỉnh an cư ba tháng của Tỳ Lan Nhã Bà La Môn mà ăn cơm lúa mạch là thế nào?

Đức Phật phán: Này thiện nam tử! Cũng là vì thương chúng sanh đời sau mà ta hiện ra sự việc ấy.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai thiệt biết các Bà La Môn Cư Sĩ v.v… thỉnh an cư mà chẳng cúng dường nhưng vẫn nhận lời an cư tại xứ ấy.

Tại sao vậy?

Này thiện nam tử! Tại chỗ ta an cư ấy có năm trăm con ngựa, phần lúa mạch của bầy ngựa ấy cung cấp đủ cho Chúng Tăng trong ba tháng.

Này thiện nam tử! Bầy ngựa ấy đều là Đại Bồ Tát đã từng trồng cội phước đức, mà vì gặp bạn ác gây tạo nghiệp ác nên phải sanh làm thân súc sanh.

Này thiện nam tử! Người chăn nuôi bầy ngựa ấy chính là Ngài Nhật Tạng Bồ Tát do nguyện lực mà sanh ở đó. Ngài Nhật Tạng Bồ Tát khuyến cáo năm trăm con ngựa phát tâm bồ đề cho chúng được thoát khỏi ác báo. Cũng vì việc ấy mà Ngài nguyện sanh ở đó. Do sức khéo giỏi chăn nuôi của Ngài mà năm trăm con ngựa ấy đều nhớ được đời trước phát tâm bồ đề giác ngộ bổn tâm.

Này thiện nam tử! Vì thương bầy ngựa ấy mà Như Lai nhận lời thỉnh an cư ở xứ ấy. Lúa mạch phần ăn của người chăn ngựa thì cấp cho Như Lai, phần lúa mạch của năm trăm con ngựa thì cấp cho Chúng Tăng.

Này thiện nam tử! Người chăn ấy dùng âm thanh của loài ngựa dạy năm trăm con ngựa ấy sám hối khuyên nó phát tâm. Lại làm cho bầy ngựa sanh lòng kính trọng đối với Tam Bửu.

Này thiện nam tử! Quá ba tháng, năm trăm con ngựa ấy bỏ thân sanh lên Trời Đạo Lợi. Đức Như Lai vì họ thuyết pháp cho họ được thọ ký vô thượng bồ đề.

Này thiện nam tử! Ở xứ ấy có bao nhiêu người chăn ngựa, người giữ ngựa, Đức Như Lai thọ ký cho họ sẽ thành tựu tâm tự điều phục được đạo Duyên Giác.

Này thiện nam tử! Trong thế gian không có món ăn nào mà khi Đức Như Lai ăn lại chẳng thành mùi vị thơm ngon vi diệu.

Này thiện nam tử! Gỉa sử các vật như đất cục ngói đá v.v… được Như Lai ăn cũng đều thành món ăn có mùi vị vi diệu cả.

Này thiện nam tử! Món ăn được Đức Như Lai ăn đều thành thượng vị cả, trong Cõi Đại Thiên khắp thế gian không có món ăn của ai ăn mà có thể sánh bằng được.

Tại sao vậy?

Bởi Đức Như Lai đã được tướng hảo Đại Trượng Phu được thượng vị trong các vị được thượng vị trong các món ăn vậy.

Này thiện nam tử! Nay ông phải nhận biết sở thực của Đức Như Lai đều là vị vi diệu không món nào sánh bằng.

Này thiện nam tử! A Nan Tỳ Kheo vì thương mến ta nên nói rằng: Đức Như Lai vốn dòng Chuyển Luân Thánh Vương bỏ ngôi xuất gia sao lại phải ăm cơm lúa mạch?

Biết tâm niệm của A Nan, Đức Như Lai liền trao một hột cơm lúa mạch cho A Nan mà bảo rằng: Ông nếm coi đó là muì vị gì?

A Nan ăn rồi lấy làm lạ lùng bạch với ta rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi sanh trưởng trong hoàng gia mà chưa bao giờ được ăn món nào có mùi vị ngon thơm như vậy.

Này thiện nam tử! Do ăn thượng vị ấy mà A Nan thân tâm an ổn bảy ngày chẳng cần ăn.

Này thiện nam tử! Do những cớ sự ấy nên biết Đức Như Lai không có nghiệp báo. Nhưng Chư Cư Sĩ, Bà La Môn kia thỉnh Chư Tỳ Kheo thanh tịnh có đức qua ở xứ ấy mà chẳng cúng dường, cũng để thị hiện quả báo.

Này thiện nam tử! Bà La Môn kia thỉnh Phật và Tăng mà chẳng cúng dường, ông nên xem thần lực của Như Lai, Đức Như Lai thọ ký Bà La Môn kia chẳng bị đọa vào các ác đạo.

Này thiện nam tử! Trong hàng Chư Tăng năm trăm Tỳ Kheo cùng ta an cư lúc ấy, có bốn mươi Tỳ Kheo có nhiều tâm tham, vì họ chẳng quán được hạnh bất tịnh, nếu họ được món ăn ngon vừa ý thì sẽ đều thối đạo.

Do họ ăn cơm lúa mạch của ngựa nên họ chẳng sanh lòng dục, quá bảy ngày, cả bốn mươi Tỳ Kheo ấy đều được quả A La Hán.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai có trí phương tiện thiện xảo biết rõ tâm tánh của chúng sanh, vì độ chúng sanh mà Như Lai nhận sự thỉnh ấy.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát khéo thành tựu những sự thị hiện giáo pháp thậm thâm bí mật như vậy. Nếu biết như vậy thì gọi là khéo hiểu giáo pháp bí mật của Đức Như Lai.

Vì tuyên bày nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Khéo biết pháp môn tiệm

Và biết pháp môn đốn

Trong tâm khéo biết rõ

Chư Bồ Tát thị hiện

Khéo biết bí Mật Giáo

Xa lìa những nghi hoặc

Khéo biết lời Phật dạy

Những giáo pháp bí mật.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát chẳng cầu Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa?

Đức Phật phán: Này thiện nam tử! Dầu Đại Bồ Tát có ở địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh chịu khổ rất nặng chẳng thể kể nổi, nhưng tâm các Ngài vẫn chẳng cầu Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa, cũng không có tâm cầu tự giải thoát, chẳng nghĩ thiểu dục, chẳng nghĩ thiểu tác, chẳng làm sự thiểu dục chẳng làm sự thiểu tác.

Này thiện nam tử! Với các chúng sanh thiện nghiệp, Bồ Tát cùng họ đồng sự, nhưng chính là Bồ Tát khuyên họ làm lành phát tâm vô thượng bồ đề vậy.

Này thiện nam tử! Vì thành tựu pháp như vậy nên Đại Bồ Tát chẳng cầu Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa.

Vì tuyên bày nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thường giáo hóa chúng sanh

Tâm chẳng biết mệt mỏi

Với vô thượng bồ đề

Vững chắc chẳng thối chuyển

Tâm Bồ Tát chẳng động

Dường như núi Tu Di

Tu tập tâm từ bi

Chẳng cầu nhị thừa đạo.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai đã nói Bồ Tát thành tựu những pháp như vậy nên gọi là hành đại thừa, trụ đại thừa. Nhưng Đức Như Lai chẳng nói do nghĩa gì mà đại thừa ấy được tên là đại thừa.

Đức Phật phán: Này thiện nam tử! Nay ta hỏi ông tùy ý ông đáp.

Này thiện nam tử! Chuyển Luân Thánh Vương mang đủ bốn binh chủng đi qua những con đường.

Con đường được Thánh Vương đi ấy dùng danh từ gì để gọi?

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con đường ấy gọi là vương đạo, là đại đạo, là vô úy đạo, là vô ngại đạo, là con đường hơn tất cả đường của các Quốc Vương.

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Đạo sở hành của Chư Phật Như Lai chánh chân Chánh Giác gọi là đại thừa, là Thượng Thừa, là Diệu Thừa, lá thắng thừa, là vô thượng thừa, là vô thượng Thượng thừa, là vô đẳng thừa, là vô đẳng đẳng thừa, là bất ác thừa.

Này thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên gọi là đại thừa.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói danh nghĩa đại thừa như vậy thiệt là rất hay. Lúc Đức Như Lai nói mười pháp đại thừa ấy, Ma Vương Ba Tuần nghĩ rằng ngày nay Sa Môn Cù Đàm quá cảnh giới của tôi. Nếu tôi cụ bị bốn binh chủng làm não ông Cù Đàm cho ông chẳng nói pháp môn ấy được.

Nghĩ xong, Ma Vương Ba Tuần mang bốn binh chủng đến núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá.

Lúc ấy, Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát thấy Ma Ba Tuần mang bốn binh chủng đến muốn làm não Đức Như Lai để Như Lai chẳng nói pháp môn ấy được, Bồ Tát liền hiển hiện thần thông khiến Ma Ba Tuần đến ngã tư dường trong thành Vương Xá xướng to rằng: Hỡi nhân dân Vương Xá thành nên biết rằng ngày hôm nay tại núi Kỳ Xà Quật, Sa Môn Cù Đàm vì tứ chúng thuyết pháp, sơ trung và hậu đều lành, văn nghĩa sâu xa đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Mọi người nên đến núi Kỳ Xà Quật nghe Sa Môn Cù Đàm thuyết pháp.

Mọi người nghe pháp sẽ được đại an lạc, đại lợi ích! Được sự khuyến cáo của Ma Vương Ba Tuần, nhân dân trong thành Vương Xá: Bà La Môn, Sát Lợi, Trưởng Giả, Cư Sĩ v.v… mang theo hoa hương phan lọng ra khỏi thành Vương Xá đến núi Kỳ Xà Quật chỗ Đức Thế Tôn ngự, đảnh lễ chân Phật tôn trọng tán thán rồi ngồi một phía.

Biết ma ngồi xong, Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát nói với Ma Vương Ba Tuần rằng: Này Ba Tuần! Duyên cớ gì ông mang binh ma đến muốn làm não và ngăn trở Đức Như Lai nói pháp môn ấy?

Nay ông phải đối với Đức Như Lai sanh lòng hổ thẹn, lòng sám hối. Bằng không ông sẽ tự hại mãi mãi và mắc khổ báo.

Nghe lời Bồ Tát, Ma Vương Ba Tuần chắp tay lễ chân Đức Phật, sanh lònh hổ thẹn, lòng sám hối mà bạch rằng: Ngày hôm nay tôi rất sợ Đức Như Lai Rất lạ lùng thay Đức Như Lai. Xin đức Đại Thọ thọ tôi sám hối. Tôi ngu si không có trí huệ, không có trí thiện xảo, chẳng tự tiếc thân mà sanh ác tâm đối với Đức Như Lai, lại muốn pháp môn ấy dứt tuyệt.

Lành thay Đức Thế Tôn! Xin lại thọ tôi sám hối.

Đức Phật phán: Lành thay, lành thay! Nuôi lớn thiện căn.

Này Ba Tuần! Trong pháp của Phật, nếu có thiện nam thiện nữ hay khởi tâm sám hối để cầu thanh tịnh.

Lành thay cho Ba Tuần! Bấy giờ Ma Vương Ba Tuần đến đứng trước Đức Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng các Kinh của Phật đều dứt ác ngữ và bất tiện?

Đức Phật phán: Đúng như vậy.

Ma Vương Ba Tuần bạch rằng: Sao Đức Như Lai là Pháp Vương là pháp chúa đủ pháp tự tại mà gọi tôi là Ba Tuần, lại dùng tên ấy để gọi tôi?

Đức Phật phán: Này Ba Tuần! Nay ta vì ông mà nói ví dụ.

Này thiện nam tử! Ví như trưởng giả cư sĩ giàu có vô lượng chỉ có một con trai rất thương yêu, chẳng rời trước mắt đem sanh mạng mình buộc chặt với con. Nhưng đứa con trai ấy tánh tình ngang ngược rất hung dữ. Vì thương yêu nên trưởng giả cư sĩ dùng gậy đánh nó, muốn nó bỏ tánh xấu.

Này thiện nam tử! Trưởng giả cư sĩ ấy đập đứa con như vậy mà có ác tâm chăng?

Ma Vương Ba Tuần bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Không có ác tâm. Vì thương yêu muốn cho con nên người mà làm như vậy.

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Phải biết rằng Đức Như Lai chánh chân Chánh Giác biết rõ tâm tánh căn dục của chúng sanh: Kẻ nên dùng ác ngôn được độ thì Như Lai dùng ác ngôn, kẻ nên dùng nín lặng không nói mà được độ thì Như Lai dùng nín lặng, kẻ nên dùng đuổi xua mà được độ thì Như Lai dùng đuổi xua, kẻ nên dùng thuyết pháp được độ thì Như Lai vì họ mà thuyết pháp.

Kẻ nên dùng nhiếp thọ được độ thì Như Lai nhiếp thọ họ, kẻ nên thấy sắc thân Phật mà được độ thì Như Lai thị hiện sắc thân cho họ thấy, kẻ nên nghe tiếng hoặc nghe mùi vị chạm xúc mà được độ thì Như Lai hiện thuyết pháp nhẫn đế mùi vị và chạm xúc để độ họ.

Ma Vương Ba Tuần vui mừng hớn hở lại chắp tay đảnh lễ chân Đức Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Phàm chỗ nào xứ nào có nói pháp môn này, hoặc thôn xóm thành ấp vương đô, tôi vì nghe pháp nên đến nơi ấy hộ trì pháp môn này, cũng thủ hộ pháp khí thọ trì pháp môn này.

Bạch Đức Thế Tôn! Lúc tôi đến nơi ấy tất có các tướng dạng, các tướng tịch định rời lìa chứng thùy miên, tôi lại làm cho những pháp khí thượng thắng ở các nơi khác đến đó hỏi pháp, hoặc đọc tụng hoặc thọ trì, tất cả đều được thân tâm an lạc chẳng sanh lòng kiêu mạn.

Tùy người nói pháp này hoặc nói rộng hoặc nói lược, đều khiến sanh lòng hoan hỷ đối với Đức Như Lai, và Đức Như Lai cũng sanh lòng hoan hỷ đối với họ.

Các chúng sanh ấy, khi lòng họ đã hoan hỷ thì thiện căn thêm lớn, pháp ác tiêu diệt. Lúc ấy trong Đại Chúng có các nhà ngoại đạo Ni Kiền Tử v.v…nghe Ma Vương Ba Tuần đối trước Đức Phật sám hối phát nguyện như vậy, lòng họ rất vui mừng hớn hở vô lượng được vô sanh nhẫn.

Ngài A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Do Nhân duyên gì lúc nói pháp này chư ngoại đạo ấy được vô sanh nhẫn?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Quá vô lượng kiếp về trước, tại Thánh Vương Xá núi Kỳ Xà Quật này có Đức Phật Hiệu là Thượng Lực Túc Như Lai Chánh Chân Chánh Giác. Đức Phật ấy thuyết pháp tại nơi đây. Đức Phật ấy thuyết pháp xong, có chư ngoại đạo đến muốn làm não Như Lai, họ lại muốn làm trở ngại Đức Phật nói pháp môn này.

Nhưng sau khi nghe pháp, chư ngoại đạo ấy sanh lòng vui mừng ca ngợi Đức Phật ấy và sanh lòng kính ngưỡng. Do nhân duyên ấy nên trong sáu mươi kiếp, họ chẳng bị đọa địa ngục ngạ quỷ súc sanh mà chỉ thọ sanh ở trong người Cõi Trời. Sanh ở chỗ nào họ vẫn nhớ nghĩ Đức Phật Thượng Lực Túc ấy. Dầu họ nhớ Phật mà không gặp thiện hữu.

Này A Nan! Chư ngoại đạo thuở xưa ấy là các nhà ngoại đạo Ni Kiền Tử v.v… trong đại chúng đây vậy. Các nhà ngoại đạo ấy thuở xưa có ác ý muốn trở ngại pháp môn này và làm não Đức Phật Thượng Lực Túc. Nhưng sau khi nghe pháp sanh lòng vui mừng kính ngưỡng niệm Phật, nay đáng được ta thọ ký vô thượng bồ đề, huống là họ lại được vô sanh nhẫn.

Lúc Đức Thế Tôn nói pháp môn trên đây, có một muôn hai ngàn chúng sanh xa trần lìa cấu được pháp nhãn thanh tịnh, hai muôn chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề.

Tôn Giả A Nan Bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ đối với pháp môn này sanh một niệm kính tin thì được vô lượng công đức, huống là người đọc tụng thọ trì ủng hộ rộng nói cho người khác.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Nếu có thiện nam, thiện nữ khuyên vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Lại có thiện nam, thiện nữ, nơi pháp môn này, sanh một niệm kính tin đọc tụng vì người mà rộng nói được phước nhiều hơn người trên.

Tại sao vậy?

Này A Nan! Bởi pháp môn này là con đường của nhất thiết chủng trí.

Này A Nan! Nếu có nam tử, nữ nhân nghe pháp môn này và thấy Pháp Sư thọ trì pháp môn này mà sanh ác ý thì mắc tội vô lượng hơn tội trước.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có nam tử, nữ nhân hủy báng Kinh này thì mắc tội thế nào mà Đức Như Lai nói mắc tội hơn trước.

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Nếu có nam tử, nữ nhân trong một thời gian móc mắt của tất cả chúng sanh, nếu lại có nam tử, nữ nhân sanh một niệm ác ý đối với pháp môn này và người thọ trì thì mắc tội hơn người trên.

Tại sao vậy?

Vì pháp môn này có tên là quang minh, hay ban bố con mắt trí huệ cho tất cả chúng sanh.

Ngài A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng nên ở trước nam tử, nữ nhân bất tín mà nói pháp môn này.

Tại sao vậy?

Vì cần phải thủ hộ chúng sanh vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi từng thấy người tạo nghiệp duyên hủy báng chánh pháp phải đọa vào địa ngục ngạ quỷ và súc sanh.

Đức Phật phán: Này A Nan! Nên nói pháp môn này, chẳng nên chẳng nói.

Tại sao vậy?

Vì để làm nhân cho họ, khiến họ tu hành được vô thượng bồ đề.

Tôn gỉa A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp môn này nên đặt tên là gì và phụng trì thế nào?

Đức Phật phán: Này A Nan! Do vì nói mười pháp nên gọi pháp môn ấy là thập pháp pháp môn, phải thọ trì như vậy. Lại cũng gọi là Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Bồ Tát Sở Vấn, phải thọ trì như vậy.

Lúc Đức Phật nói pháp môn này rồi, Tôn Gỉa A Nan, Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát và Chư Đại Bồ Tát, Chư Thanh Văn cùng Thiên, Long Bát Bộ, tất cả chúng hội nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng đảnh thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần