Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI

THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BẢY  

Lại nữa, nước ấy không có tên gọi người nữ, cũng không do người nữ sinh ra. Dân chúng ở đó không khởi sinh điều nhơ, xấu ác, đều do hoa sen hóa sinh, họ ngồi kiết già thiền định. Chúng sinh cõi ấy, không có dâm, nộ, si. Không có ý tưởng ham muốn. Không có ý tưởng sân tức giận dữ. Không có tưởng lo sợ bị hại.

Cũng không vào bào thai. Đức Phật ở cõi đó, hiệu là Bảo Thành Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Điều Đức Như Lai giảng nói hoàn toàn là tạng của pháp điển Bồ Tát, Tổng trì, Kim cang, Phân biệt tam trường, phụng tu Lục độ cực hạnh.

Có vô số loài chúng sinh không thể nghĩ bàn đều phát đạo ý vô thượng chánh chân. Có rất nhiều người đạt được pháp nhẫn bất khởi. Đức Như Lai thọ ký cho vô lượng người được ý đạo vô thượng chánh chân. Cõi đó không có tên gọi là nhị thừa, tức là hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Mà chỉ toàn là đại thừa, không có tình dục, thảy đều trong sáng, không có chút xấu dơ nào. Các chúng Bồ Tát đầy cả Thế Giới. Thọ mạng của Đức Phật ấy, là tám vạn bốn ngàn năm. Chúng sinh cõi đó, sau khi chết không rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không đạo lạc vào tám nạn.

Các Bồ Tát ở đó, lúc thâu thần, mạng chung liền được sinh về Cõi Phật thanh tịnh mà Đức Như Lai đang ở, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu Luân, Kiền Đà La, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc tâm chí đều đồng nhất, hướng đến Nhất thiết trí, các tuệ đều thông. Không thích nghĩa khác, chỉ thích Phật Pháp.

Hình thể y phục của Trời, Rồng, Quỷ, Thần cử động tới lui, không thể phân biệt được, họ chỉ có tên khác nhau mà thôi. Trời, Rồng, Quỷ, Thần cùng với nhân dân ở đó, đều từ một cội nguồn, không có khác nhau.

Này Tôn Giả Mục Liên! Ý ông thế nào?

Đức Bảo Thành Như Lai ấy đang giảng thuyết Kinh đạo, mở bày, giáo hóa chúng sinh ở cõi đó, là ai khác chăng?

Đừng có nghĩ như vậy.

Vì sao?

Vì đó là thân của ta, do thần túc Như Lai biến hóa ra, hàng Thanh Văn và Duyên Giác không thể nào biết được.

Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, về phương Bắc, cách xa ba mươi sáu lần bốn bờ cõi lớn. Có bốn bờ cõi lớn tên là Vô khủng cụ. Cõi đó, làm bằng vàng ròng, bạc trắng pha trộn mà thành. Cõi đó, không có các hoạn nạn của hàng địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Cũng không có tám nơi sợ hãi.

Hành động của nhân dân xứ ấy, không phạm cấm giới cũng như tà kiến, chí tánh lễ độ, thuận hòa, không tàn bạo, cũng không có nghe tiếng của chúng ngoại đạo, dị học và tà vạy. Đức Phật ở đó, hiệu là Vô Úy Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Đức Phật đó, lúc mới đến dưới gốc cây, thì đã có bảy mươi hai các loại ma, cai quản cõi Tu ma đề muốn chiến đấu với Ngài.

Lại nữa, Đức Như Lai ấy lúc còn làm Bồ Tát tu hành không buông lung, thành tựu các thông tuệ, ma cũng liền đến ngăn chặn. Lúc ấy, Đức Như Lai tùy theo số lượng của ma, mà hóa làm các cây Phật. Biến các Bồ Tát cũng nhiều như vậy. Tất cả đều ngồi dưới gốc cây Phật.

Các ma thấy vậy, nên lo sợ, cho là điều chưa từng có.

Làm sao biết rõ được thân của Bồ Tát, để chúng ta phá hoại đạo ý của họ?

Các hóa Bồ Tát bảo với chúng ma: Tất cả các pháp đều như huyễn hóa, vậy nay các ngươi làm sao náo loạn?

Giả sử các ngươi có thể phân biệt được, thì phải phát đạo phước đức, hoan hỷ, vô thượng chánh chân.

Các ngươi đã không khuyến trợ để phát đạo ý, mà trở lại còn ngăn chặn sự phát đạo ý, rồi còn đến đây tạo tội phá hoại, náo loạn với Bậc giác ngộ?

Các ngươi không bao giờ làm hại hay phá hoại được!

Các ma hỏi lại: Nếu phát đạo ý vô thượng chánh chân và khuyến hóa người khác, thì người phát đạo lớn ấy, phước đức như thế nào?

Bồ Tát đáp lại: Đối với sông ngòi, đất đai của Thế Giới Chư Phật, đầy dẫy bảy báu. Nếu đem ban cho hết, thì so với phước đức của người phát đạo ý, không thể nào hơn được.

Lại nữa, nếu của họ đối với cõi nước của Chư Phật, nhiều như cát Sông Hằng, đều đem cúng dường tất cả cho các chúng học giả, tùy theo ý muốn của họ mà cung cấp đủ cho. Đem so với người khuyến hóa phát đạo ý, thì phước đức còn nhiều hơn người cúng dường ở trên.

Ma lại hỏi: Giả sử có người phá hoại, não loạn đạo ý, thì bị tội như thế nào?

Các Bồ Tát đáp: Nếu có người, móc hết cặp mắt của chúng sinh thì bị tội có nhiều không?

Đáp: Rất nhiều!

Các Bồ Tát nói: Kẻ phá hoại đạo ý còn bị tội nhiều hơn kẻ ấy.

Khi ấy, vô số ức các chúng ma, nghe lời nói đó, thấy sự biến hóa lớn như vậy, đều phát đạo ý vô thượng chánh chân đều dùng hoa Trời, hương Trời, đủ các loại hương, rải hoa, đốt hương, dâng cúng các Bồ Tát, trổi các âm nhạc, có đến trăm ngàn loại.

Họ đều khen ngợi: Nguyện cho Thánh Chúng mau được đạo vô thượng chánh chân.

Bấy giờ, có một vị Bồ Tát đã thành bậc Chánh Giác cao tột, nói với một vị Trời: Các chúng ma này đều thoát khỏi đường ác, nên mới phát đạo ý.

Đức Như Lai là người ban cho sự không sợ hãi. Vì vậy cho nên, gọi Đức Như Lai là Vô Sở Úy.

Đức Như Lai Vô Sở Úy là ai khác chăng?

Đừng có nghĩ như vậy.

Vì sao?

Vì đó chính là thân của ta vậy.

Đức Phật bảo: Này Mục Kiền Liên! Đức Phật biến ra tên gọi Thế Giới ấy, rồi thị hiện thuyết pháp, là do oai thần của Như Lai cảm ứng mà nên, không phải tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác có thể làm được.

Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, về phía Đông nam, cách xa tám vạn bốn ngàn bốn bờ cõi lớn, có một nước, tên là Phổ cẩm thái sắc. Đức Phật hiệu là Chúng Hoa Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Ở bốn bờ cõi lớn ấy, có đủ các thứ tốt đẹp, tám sản phẩm ngọc báu làm thành mặt đất, màn báu che ở những giao lộ.

Mặt đất mềm mại giống như tấm vải tốt, cỏ bằng ngọc báu, cao tự nhiên cao bốn tấc, trải đầy mặt đất, khi ta đặt chân lên cỏ, thì thấy cỏ phủ lên chân, lúc đưa chân lên, rồi đặt xuống, cũng giống như vậy, mặt đất bằng phẳng giống như lòng bàn tay.

Thế Giới Phổ cẩm ấy, có thành quách lớn, tên là Thượng Hiền, nhân dân đông đúc, an ổn, không có các tai họa, lúa gạo dồi dào, dân chúng sung sướng. Không kể thứ lớp, nhưng nhân dân ở đó rất phồn thịnh, đông vui.

Ở phía Đông, phía Tây thành đó dài một ngàn hai trăm tám mươi dặm. Phía Nam, phía Bắc rộng sáu trăm bốn mươi dặm. Nhân dân cư trú trong thành lớn Thượng hiền nhiều vô số kể, còn nhiều hơn cả nhân dân nước An Ca, Ma Kiệt, Câu Lâu Sa.

Đức Như Lai Chúng Hoa thường du hóa ở thành lớn Thượng hiền, mỗi lần thuyết pháp hóa độ có ba na do tha người chứng được La Hán, có ba na do tha người được quả A Na Hàm, có ba na do tha người được quả Tư Đà Hàm, giữ hạnh vắng lặng. Có ba na do tha người chứng được đạo tích, có ba na do tha người hóa Duyên Giác thừa. Lại có gấp đôi số người trên, đều phát đạo ý vô thượng chánh chân. Có vô số người đều gieo trồng các gốc đức.

Tại cảnh giới của bốn bờ cõi lớn ấy, có một loại cây, tên là Mật hợp thành, luôn có hoa quả, mùi vị rất ngon, như món ăn có trăm vị. Người nam, kẻ nữ, nếu lấy hoa quả của cây ấy để ăn, thì no cả bảy ngày đêm, không bị đói khát, sắc mặt tốt đẹp, hình sắc biến đổi, tánh khí sung mãn, sức lực cường thạnh, hình thể nhẹ nhàng.

Từ lúc ăn hoa và trái cây ấy về sau, cũng không có đại tiện, tiểu tiện, không có nước mắt, nước mũi gì cả. Không có cày đất, gieo giống, mua bán, cầu lợi. Khi ăn hoa quả ấy vào, tự nhiên được an ổn. Cũng không có sự giàu nghèo. Việc ăn uống, nhà cửa, họ hoàn toàn không có sai biệt.

Lại nữa, Đức Như Lai ấy, có các Thanh Văn số lượng đến sáu mươi bốn trăm ngàn ức na do tha. Còn các chúng Bồ Tát lại nhiều gấp đôi số ấy. Khu vườn, để Đức Như Lai du hành thưởng ngoạn tên là Phổ hoa, cũng là nơi thọ thực của Phật.

Đức Phật cùng với Thanh Văn và các chúng Bồ Tát ấy, vừa ngồi xuống để thọ thực, thì các cây ấy, liền cong xuống, để đảnh lễ Đức Phật. Các hoa quả ấy, tự nhiên rơi vào trong bát của Tỳ Kheo. Khi thọ thực xong, các cây ấy, lại cong xuống đảnh lễ, rồi đứng thẳng như cũ.

Đức Phật bảo: Này Tôn Giả Mục Liên! Công đức của Thế Giới ấy vời vợi như vậy. Đức Chúng Hoa Như Lai chính là thân của ta, mãi đến bây giờ, ta vẫn lấy danh hiệu đó, giảng thuyết nghĩa Kinh. Điều đó tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể nào biết được.

Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Tại tam thiên đại thiên Thế Giới ấy, về phía Tây Nam, cách xa bảy lần bốn bờ cõi lớn, có cõi tứ phương tên là Tuyển trạch, cứ mỗi một cõi của phương đó có tám vạn bốn ngàn nước.

Cứ mỗi một nước có tám vạn bốn ngàn Vua. Cứ mỗi Vua có tám vạn bốn ngàn thành, châu, cõi, xóm làng, huyện ấp, quận, nước. Dân chúng có đến cả ức trăm ngàn na do tha, đầy dẫy, đông đúc. Các vị Vua ấy, vất bỏ các pháp sai trái.

Cứ mỗi vị Vua có đến tám vạn bốn ngàn phu nhân thể nữ. Đứng đầu tất cả thể nữ trong nước, là Chân ngọc nữ. Mỗi một vị Vua, có năm trăm người con hoặc có một ngàn hai trăm người con. Mỗi một vị Quốc Vương, đều lấy chánh pháp để trị dân, không dùng dao gậy, roi vọt, gươm giáo để tra tấn. Các Vua đều dùng chánh pháp giáo hóa dân, không ra lệnh mà dân vẫn tuân theo.

Đức Phật ở đó, hiệu là Thích Bảo Quang Minh, là Bậc Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác hiện đang thuyết pháp. Chỗ Đức Phật ấy du hóa, là tinh xá Tứ phương cõi, hương tòa của Đức Phật ấy cao đến bốn trượng chín thước, cứ mỗi sàng tòa, có mùi thơm ngào ngạt, lan tỏa khắp nơi.

Ở bốn thiên hạ, có mưa hoa Trời, rải trên Đức Thích Bảo Quang Minh Như Lai, có trăm ngàn loại âm nhạc, tự nhiên tấu lên, đất Trời bỗng nhiên chấn động mạnh, âm thanh như Trời Phạm. Ngài đã tích lũy công đức không thể kể xiết.

Đức Phật ấy có trăm ngàn phước đức để chuyển bánh xe pháp, đoạn các trần lao, Niết Bàn không nhơ bẩn, gọi là Tương hộ. Các vị Bồ Tát nghe Đức Như Lai thuyết pháp về tứ đại, có tám vạn bốn ngàn vị Vua ở trong cung, cùng với các thể nữ, trai, gái, lớn nhỏ, nghe hiểu đạo nghĩa, đều được xa lìa bụi nhơ cõi trần, sinh các pháp nhãn.

Các vợ con của Vua ở trong cung và thân quyến Vua, đều phát đạo ý vô thượng chánh chân, đều đồng thanh nói: Chúng con hết lòng muốn xuất gia.

Đức Như Lai khuyến khích và ca ngợi họ, khiến họ trong một lúc đều là Sa Môn. Hoặc họ du hóa ở quận, nước, huyện ấp, gò đống, thôn xóm. Đời sống của họ cũng không gieo trồng, lúa gạo tự nhiên hóa sinh. Các Trời đều đến để cúng dường. Đức Phật ấy, giảng pháp lần thứ nhất, các chúng Thanh Văn đều được chứng quả Tu Đà Hoàn, các Bồ Tát thừa đều đạt được tín nhẫn.

Đức Phật ấy thuyết pháp lần thứ hai, các chúng Thanh Văn được quả Tư Đà Hàm, các Bồ Tát thừa đều đạt được pháp nhẫn nhu thuận. Pháp hội thứ ba, Đức Phật ấy giảng nói về Kinh Điển, chúng Thanh Văn trụ quả A Na Hàm, các Bồ Tát học đạt đến năm thông. Đức Phật ấy thuyết pháp lần thứ tư, chúng Thanh Văn được quả La Hán. Các Bồ Tát học được pháp nhẫn bất khởi.

Lúc ấy, các người nữ và quyến thuộc ở cung Vua, đều chuyển thân nữ thành nam. Họ được các Đức Như Lai thọ ký, sẽ được đạo vô thượng chánh chân.

Ý ông thế nào?

Đức Như Lai Thích Bảo Quang Minh ở cõi nước ấy tưởng là ai khác chăng?

Đừng nghĩ như vậy.

Vì sao?

Vì đó là thân ta, với danh hiệu ấy, ở Thế Giới ấy, ta thị hiện thuyết pháp là do Đức Như Lai biến hóa ra, chẳng phải là tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác mà có thể biết được.

Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Ở Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này, về phía Tây bắc, cách xa năm mươi lăm lần bốn cõi phương lớn, có bốn cõi phương hiệu là Hương thổ, nơi ấy lấy hương bột chiên đàn thật tốt ở cõi Diêm Phù Đề làm đất. Tại đó, có loại cây, tên là Phổ hương, mỗi cây đều tỏa hương thơm ngào ngạt, lan xa đến bốn mươi dặm.

Hoa sen tự nhiên lớn như bánh xe, có vô số cánh, hương thơm tỏa khắp, hết sức khả ái, cánh hoa như lụa, mềm mại tuyệt hảo, màu sắc đủ loại, ánh sáng rực rỡ, cao đến hai thước. Ở mỗi hoa sen, mùi thơm ngào ngạt, lan tỏa khắp bốn thiên hạ, hương tỏa rất nhiều, hương làm lầu gác, hương làm nơi kinh hành, trong ao sinh ra hoa sen.

Nơi ấy, không có quận huyện, thành ấp, gò đống, thôn xóm. Chỉ có đài cao, vô lượng vô ngàn, đầy khắp cõi ấy. Giống như Trời Vô kiêu lạc thứ sáu. Mọi vật tự nhiên, nhân dân an ổn. Việc ăn uống, nơi ở… hoàn toàn không có sai khác.

Tại đó, khi Đức Như Lai thuyết pháp, chỉ dạy cho các hàng Đại nhân trong sạch, bỏ việc làm của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Bồ Tát thần thông cùng khắp bốn phương, các chúng Bồ Tát không thể nào nghĩ bàn, đạt được pháp nhẫn.

Trong các Bồ Tát ấy, có một Bồ Tát, tên là Biến Chúng Pháp Vương, chí nguyện cao đẹp, được ba oai thần. Nhẫn minh thần thông, biện tài siêu việt, đã từng cúng dường, cúi lạy, đem thân quay về với vô số ức trăm ngàn Chư Phật.

Bồ Tát Đại Sĩ Biến Chúng Pháp Vương, cầu thỉnh Đức Thế Tôn diễn nói Kinh Điển. Đức Phật liền chắp thuận và tuyên dương nghĩa đạo ấy.

Bồ Tát liền ở trước Đức Phật, từ tòa đứng lên, cao đến bốn trăm dặm, từ mỗi lỗ chân lông trong người, đều phóng ra ánh sáng, chiếu khắp Thế Giới. Hoa sen tự nhiên được hóa sinh rất đẹp, sinh ra vô số trăm ngàn ức cánh, trải khắp cõi đó. Hoa sen ấy cao bốn trượng chín thước.

Các loại nhạc của Cõi Trời không đánh mà kêu, phát ra tiếng của tám bộ âm thanh pháp ấn, mỗi một pháp ấn, chứa đựng lời giáo huấn của tám mươi bốn ức Kinh Điển, mỗi một Kinh Điển, thu giữ hai vạn hai ngàn lời dạy sáng suốt, tỏa hương từ trong hư không tự nhiên phát ra.

Có chín mươi sáu trăm ngàn ức người, lập được không thoái chuyển, sẽ thành đạo vô thượng chánh chân, đều mau đạt được pháp nhẫn bất khởi. Các Bồ Tát như vậy có mặt khắp cả cõi đó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần