Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai - Pháp Hội Vô Biên Trang Nghiêm - Phẩm Thứ Ba - Thanh Tịnh đà La Ni - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ HAI
PHÁP HỘI VÔ BIÊN TRANG NGHIÊM
PHẨM THỨ BA
THANH TỊNH ĐÀ LA NI
PHẦN BỐN
Này Vô Biên Trang Nghiêm! Do đây nên Bồ Tát sau khi ưa thích giáo pháp này rồi, vì nhiếp thọ pháp này cho được còn lâu, lại vì thương xót chúng sanh, thời nên biên chép, thọ trì, đọc tụng.
Này Vô Biên Trang Nghiêm! Nếu có người được nghe pháp này, thường có quan niệm kính mến Như Lai, những người này sẽ đượcvô biên Pháp Tạng của Như Lai, sẽ được các môn Đà La Ni và đầy đủ biện tài, mau được tự tại đối với tất cả pháp, sẽ nhiếp thọ đầy đủ Phật Độ trang nghiêm bất tư nghì, chúng Bồ Tát và chúng Thanh Văn cũng bất tư nghì.
Này Vô Biên Trang Nghiêm! Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi tất cả pháp không hí luận do môn thanh tịnh Đà La Ni, nên các pháp môn thường được hiện tiền, nhiếp thọ được công đức thù thắng bất tư nghì.
Này Vô Biên Trang Nghiêm! Đây là môn thanh tịnh Đà La Ni thứ ba.
Thời kỳ sau đây, nếu Chư Bồ Tát muốn theo Phật để học pháp môn Đà La Ni này, thời phải gần gũi thiện hữu, xa lìa ác hữu, ủng hộ các pháp môn này, trọn đời thọ trì pháp ấn thanh tịnh Đà La Ni, dầu phải bỏ thân mạng.
Ví như trăng tròn đêm rằm tháng tám chiếu sáng rực rỡ hơn tất cả tinh tú. Ba pháp ấn Đà La Ni này, quang minh rất sáng suốt trong tất cả Khế Kinh cũng như vậy.
Chư Bồ Tát do tôn trọng pháp môn này nên được vô lượng biện tài. Vô lượng biện tài đây chính là bậc bất phóng dật.
Những gì là bậc bất phóng dật?
Nghĩa là nơi những pháp này tư duy quán sát đúng như lý, chẳng sanh vọng niệm do đây có thể làm cho chí nhẫn được thanh tịnh. Chư Bồ Tát tinh tấn cầu bậc bất phóng dật thời phải khéo tu tập pháp môn này.
Vì muốn cho pháp này được còn lâu, nên tâm thường khiêm hạ tôn trọng chánh pháp, biên chép quyển Kinh chẳng rời nơi tay.
Thấy người có chí mong cầu pháp này, phát tâm hướng đến đại bồ đề, thời phải vì họ khai thị diễn thuyết bảo họ đọc tụng biên chép, đúng theo nghĩa mà giải thích cho họ, chẳng nên ẩn giấu pháp môn của mình đã thọ trì.
Phải nguyện cho chúng sanh được Phật Pháp vô thượng này, phải làm cho tất cả chúng sanh thường chẳng khuyết giảm các Phật Pháp.
Chư Bồ Tát này chẳng lẩn pháp, thường thích đem ban bố cho người, nơi nghĩa lý chẳng giấu giếm, đều vì người diễn giải, không có chút pháp gì mà chẳng khai thị.
Này Vô Biên Trang Nghiêm! Vì an lạc lợi ích các chúng sanh, các ông phải thọ trì pháp môn thanh tịnh Đà La Ni này.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Tôn Giả A Nan Đà rằng: Ông nên thọ trì pháp môn này. Hàng đệ tử kính thờ ta, cũng phải thọ trì Kinh Điển này.
A Nan bạch Phật rằng: Thế Tôn! Do thần lực của Phật, tôi đã thọ trì. Do tôi thành tựu pháp môn này nên vô lượng pháp môn đều được hiện tiền.
Phật nói: Đúng như lời ông.
Này A Nan! Do oai lực của Phật và vì pháp môn này khắp thanh tịnh, nên những người thọ trì pháp môn này, những người gần gũi ta thọ trì được pháp này, thời vô lượng pháp môn đều được hiện tiền.
Do đây ông phải thọ trì vô lượng Pháp Tạng của Như Lai.
Lúc Phật nói pháp này rồi, trong Pháp Hội, vô lượng Bồ Tát chứng được đại pháp quang minh. Do được pháp quang nên vô lượng pháp môn của Chư Phật nói đều được hiện tiền, được gần Nhất thiết chủng trí, được thành tựu những nguyện cầu thù thắng trang nghiêm.
Phật bảo A Nan: Ông xem bổn tánh của các pháp rất sâu như vậy. Như Lai có thể ở nơi pháp không danh tướng mà diễn thuyết danh tướng, lại có thể khai thị bổn tánh của các pháp, lại cũng trừ sạch làm cho được thấy thanh tịnh.
Dầu rằng nói các pháp nhưng không pháp gì là có thể nói và cũng không người hay nói.
Này A Nan! Nếu có thể quan sát pháp tánh như vậy thì có thể phát sanh được vô lượng trí huệ.
Lúc Phật nói pháp này, vô số Bồ Tát chứng vô sanh pháp nhẫn. Vô lượng chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn gia trì môn Đà La Ni này, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới của Chư Phật.
Do ánh sáng này, Chư Bồ Tát ở các thế giới kia đều được nghe môn Đà La Ni này, được thành thục pháp phần bồ đề. Trong những Thế Giới đó lại có vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Lúc đó tất cả chúng sanh đều được an lạc.
Chư Thiên rưới hoa Trời, ở giữa đại hội xướng lên rằng: Nguyện tất cả chúng sanh đồng được Phật huệ.
Chư Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn!
Pháp môn này tên gọi là gì?
Chúng tôi phải phụng trì thế nào?
Phật nói: Pháp môn này hiệu là Đà La Ni Vương, gọi là Đà La Ni Án, cũng gọi là Tam Phẩm Nhiếp Trì Thiện Xảo. Các ông phải phụng trì.
Đây là pháp môn thiện xảo vô biên biện tài nhiếp tất cả nghĩa. Do pháp môn này mà chiếu rõ được tất cả pháp, dứt tất cả nghi.
Do đây nên Chư Bồ Tát phải phụng trì pháp môn này.
Lúc bấy giờ vì cúng dường pháp nên tất cả đại chúng dùng hoa ngũ sắc rải lên Phật.
Phật nói Kinh này rồi, Chư Đại Bồ Tát, toàn thể chúng hội và Trời, Người, Bát Bộ, nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Hai Mươi Năm - Hóa Vô Sở Hóa
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Kinh Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi ích đại Sự Nhân Duyên
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô úy - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Học - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Thiền đạt Ma đa La - Phần Mười Bảy - Tu Hành Quán Mười Hai Nhân Duyên