Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bảy - Phẩm Thi La Ba La Mật - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI

PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG  

PHẨM THỨ BẢY

THI LA BA LA MẬT  

PHẦN MỘT  

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất! Thế nào là Thi La Ba la mật đa của Đại Bồ Tát mà Đại Bồ Tát vì vô thượng bồ đề y theo pháp ấy siêng tu Bồ Tát Đạo?

Này Xá Lợi Phất! Vì thật hành Thi La Ba la mật mà Đại Bồ Tát có ba thứ diệu hạnh, đó là thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh.

Này Xá Lợi Phất! Những gì gọi là thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh?

Đại Bồ Tát rời xa sát sanh, trộm cướp và tà hạnh, đây gọi là thân diệu hạnh.

Đại Bồ Tát rời xa vọng ngữ, ly gián, ác ngữ và ỷ ngữ, đây gọi là ngữ diệu hạnh.

Đại Bồ Tát không có thâm trước, giận hờn và tà kiến, đây gọi là ý diệu hạnh.

Đại Bồ Tát có đủ ba thứ diệu hạnh ấy thì gọi là Thi La Ba la mật đa.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng thế nào là thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh?

Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng nếu thân chẳng làm việc sát sanh, chẳng làm việc trộm cướp, chẳng làm việc tà hạnh thì gọi là thân diệu hạnh. Nếu miệng chẳng nói lời vọng ngữ, ly gián, thô ác, ỷ ngữ thì gọi là ngữ diệu hạnh. Nếu ý chẳng có tham trước, giận hờn, tà kiến thì gọi là ý diệu hạnh.

Do có đủ những chánh tư duy như vậy nên gọi là Đại Bồ Tát hành Thi La Ba la mật đa.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng nếu nghiệp chẳng do thân ngữ ý gây tạo thì có thể kiến lập nghiệp ấy được chăng?

Đại Bồ Tát đúng như lý quan niệm rằng nếu nghiệp chẳng do thân ngữ ý gây tạo thì chẳng kiến lập được hoặc xanh hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng hoặc hồng hoặc màu pha lê, nghiệp ấy lại chẳng phải mắt thấy được, chẳng phải tai nghe được cũng chẳng phải mũi lưỡi thân và ý biết được.

Tại sao?

Vì nghiệp ấy chẳng phải năng sanh, chẳng phải sở sanh, chẳng phải đã sanh, chẳng chấp thọ được, đều không có ai biết rõ được nghiệp ấy. Đại Bồ Tát suy biết tánh Thi La ấy chẳng thể làm được. Đã chẳng thể làm được thì chẳng thể kiến lập được, đã chẳng kiến lập được thì ở trong ấy chúng ta chẳng nên chấp trước.

Do sức quan sát hiểu biết như vậy, Đại Bồ Tát chẳng thấy diệu hạnh và Thi La, cũng chẳng thấy người có đủ Thi La, chẳng thấy chỗ hồi hướng của Thi La. Thấy hiểu như vậy rồi, Đại Bồ Tát chẳng phát khởi chấp lấy có thân.

Tại sao?

Vì có thấy có thân thì có quan niệm đây là trì giới, đây là phạm giới rồi giữ gìn giới luật và oai nghi, hoặc hành động, hoặc cảnh duyên, đều đủ có thấy biết chân chánh mà hành động. Vì biết và làm chân chánh nên gọi là người trì giới.

Đại Bồ Tát chẳng nắm lấy mình chẳng nắm lấy người mà thật hành các việc. Chẳng bỏ Thi La cũng chẳng nắm lấy Thi La mà thật hành các việc.

Nếu nắm lấy ngã thì lấy Thi La. Nếu chẳng lấy ngã thì chẳng lấy Thi La bất khả đắc thì chẳng hủy phạm tất cả luật nghi. Nơi luật nghi nếu chẳng hủy phạm thì chẳng gọi là hủy phạm Thi La, cũng chẳng gọi là nắm lấy Thi La.

Này Xá Lợi Phất! Do nhân duyên gì mà ở nơi Thi La chẳng nắm lấy?

Đó là biết tất cả pháp là tướng nhân duyên. Đã là tướng nhân duyên thì không có ngã.

Ngã đã không thì nắm lấy chỗ nào?

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Nếu có thân ngữ ý thanh tịnh

Lúc làm thường tu hạnh thanh tịnh

Thường ở trong cấm giới thanh tịnh

Gọi là Bồ Tát đủ Thi La

Chư Bồ Tát Hiền Thánh trí huệ

Khéo hay hộ trì mười nghiệp lành

Chẳng do thân ngữ và ý làm

Đây là Thi La bậc trí nói

Nếu chẳng tạo tác chẳng phải sanh

Chẳng chấp thọ không hình không hiển

Vì không có hình không hiển sắc

Nên chưa từng được để kiến lập

Thi La vô vi cũng vô tác

Chẳng phải mắt tai thấy nghe được

Chẳng phải mũi lưỡi chẳng phải thân

Chẳng phải tâm ý hay biết được

Nếu chẳng phải sáu căn hay biết

Thì không có ai thi thiết được

Quan sát Thi La thanh tịnh ấy

Chưa từng nương nắm ở Thi La

Chẳng cậy trì giới sanh kiêu mạn

Chẳn thấy có ngã gìn Thi La

Khéo giữ Thi La không chấp giới

Đầy đủ Thi La tu quán hạnh

Hư vọng thấy thân đã trừ bỏ

Bị thấy hay thấy đều không có

Không có hay thấy không chỗ thấy

Chẳng thấy trì giới và pháp giới

Khéo vào diệu lý pháp không hộ

Đầy đủ oai nghi chẳng nghĩ bàn

Hay thủ hộ diệu thiện chánh tri

Ngoài đây không ai đủ giới được

Người không thấy ngã không Thi La

Không ngã sở y hay y giới

Phật nói rốt ráo thường vô úy

Chẳng chấp thân ngã và Thi La

Người nói vô ngã chẳng nắm giới

Người nói vô ngã chẳng nương giới

Người nói vô ngã chẳng cầu giới

Người nói vô ngã giới vô tâm

Chẳng phá Thi La chẳng nắm giới

Cũng chẳng chấp ngã giữ Thi La

Không tưởng có ngã và luật nghi

Là hạnh bồ đề bậc đại trí

Thi La như vậy vô sở úy

Người này thường chẳng phạm Thi La

Nếu hay chẳng chấp có các pháp

Thi La như vậy được thánh khen

Các ngu phu thường thấy có ngã

Thấy ta đủ giới hay trì giới

Họ hưởng quả trì giới mãn rồi

Thường bị sa đọa ba ác đạo

Nếu người dứt hẳn các ngã kiến

Họ không có ngã không ngã sở

Là chân trì giới vì không chấp

Không còn lo sợ đọa ác đạo

Nếu người biết được giới hạnh ấy

Không ai thấy được phạm Thi La

Còn chẳng thấy ngã và ba cõi

Huống thấy trì giới và pháp giới.

Lại này Xá Lợi Phất! Thật hành Thi La Ba la mật đa như vậy, lúc Đại Bồ Tát thật hành Bồ Tát hạnh giới thanh tịnh, có đủ mười thứ cực trọng thâm tâm:

Một là phát khởi thâm tâm kính phụng các công hạnh.

Hai là phát khởi thâm tâm càng thêm tinh tấn.

Ba là phấn khởi ưa thích Phật chánh pháp.

Bốn là rộng đủ và sùng trọng tất cả nghiệp lành.

Năm là sâu tín và tôn trọng tất cả quả báo.

Sáu là đối với Chư Hiền Thánh sanh lòng kính ngưỡng.

Bảy là đối với Hòa Thượng và A Xà Lê thì thanh tịnh thị phụng.

Tám là thường cúng dường các Bậc Hiền Thánh.

Chín là cố gắng cầu thỉnh chánh pháp.

Mười là lúc cầu bồ đề chẳng kể thân mạng.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát an trụ thâm tâm cực trọng ấy mà tu tập pháp lành.

Những gì là pháp lành?

Đó là ba diệu hạnh: Thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh.

Đại Bồ Tát an trụ ba diệu hạnh ấy là vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Đại Bồ Tát tạng.

Tại sao?

Vì Chư Đại Bồ Tát y pháp môn ấy thì có thể đến Vô Thượng bồ đề vậy.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Do thân mà phát khởi

Nghiệp lành được Phật khen

Vì được nghe chánh pháp

Cúng dường Chư Hiền Thánh

Nơi pháp và Thánh Nhân

Sốt sắn thường kính thờ

Vì lợi ích chúng sanh

Tâm từ chẳng ganh ghét

Nên nói lời người trí

Chớ nói lời khó ưa

Vui vẻ nói dịu dàng

Phát ngôn không thô độc

Ý tưởng thường là lành

Không hề nghĩ điều ác

Cung kính giữ tâm từ

Nơi Thánh Giáo Như Lai

Lòng kính vâng nghe pháp

Mau giác ngộ bồ đề.

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi Ba la mật đa, vì Đại Bồ Tát an trụ mười pháp thù thắng thâm tâm cực trọng ấy mà cần cầu pháp môn Đại Bồ Tát tạng nên đối với Chư Hiền Thánh và tất cả Sư Trưởng càng thêm cung kính thờ phụng cúng dường, nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi Ba la mật đa, Đại Bồ Tát phải có đủ mười thứ phát tâm.

Những gì là mười?

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát quan sát thân thể này là rắn độc luôn trái hại nhau, nhiều khổ nhiều hoạn, điên cuồng ghẻ lác, bệnh phong bệnh nhiệt, bệnh hàn bệnh đàm, là chỗ họp các bệnh tật.

Thân thể này lại như mụt nhọt mụt ung, như bị tên đâm, như dòng nước xiết, như kẻ xắt thịt, luôn dao động chẳng dừng mau sanh chóng diệt. Thân thể này lại hư ngụy, yếu gầy già nua mau chết, dầu tạm thời còn mà khó ưa được như trong huyệt mả.

Đại Bồ Tát lại quan niệm: Thân tật bệnh này của ta dầu trải quan hiều khổ hoạn mà chưa từng gặp phước điền, nay ta được gặp, ta phải nương theo các phước điền để nuôi lớn huệ mạng, bỏ thân chẳng bền, được thân kiên cố.

Vì muốn cần cầu pháp môn Đại Bồ Tát tạng vi diệu nên đối với Chư Hiền Thánh và Hòa Thượng, A Xà Lê thường phụng thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước. Đây gọi là Đại Bồ Tát phát tâm thứ nhất.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Ổ rắn độc tụ họp

Xoay vần nương gá nhau

Một thứ tăng động lên

Thì gây nên khổ lớn

Nào là mắt tai mũi

Lưỡi răng các tạng phủ

Bao nhiêu bệnh đau khổ

Đều do thân thể sanh

Ghẻ nhọt cùng khùng điên

Ung thư và cùi hủi

Dịch lệ các bệnh dữ

Đều do thân phát sanh

Thân này nhiều bệnh hoạn

Như nhọt như trúng tên

Thân độc hại như vậy

Tạm còn rồi mau rã

Như đến trong gò mả

Đều là cảnh vô thường

Thân hư mục động dao

Nhiều bệnh mau sanh diệt

Ta phải tu thân Phật

Nhân nơi nghiệp chánh lành

Đem thân hư mục này

Già suy mau chết mất

Chuyển thành thân Như Lai

Và pháp thân vô thượng

Đem thân hư mục này

Luôn chảy nước thúi hôi

Đổi lấy thân trong sạch

Không dơ không hôi thúi

Nếu người sợ lạnh nóng

Che ngăn phòng ngừa kỹ

Rồi cũng bị bệnh tật

Già chết đồng bức hại

Nếu đem thân lạnh nóng

Chịu đựng tu nghiệp lành

Trang nghiêm hạnh trượng phu

Mau thành thân vô thượng

Đem thân siêng cúng dường

Các Thánh Hiền Tôn Sư

Chuyển thân mỏng manh này

Thành thân thiệt bền chắc.

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát phát tâm thứ nhất như vậy để cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng, đối với thuyết Pháp Sư càng thêm kính thờ cùng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát nghĩ rằng thân thể chẳng bền, phải nhờ che đậy rửa ráy kỳ cọ mà rồi rốt cuộc vẫn hư rã.

Này Xá Lợi Phất! Ví như thợ gốm nắn nung đồ sành hoặc lớn hoặc nhỏ rốt cuộc rồi vẫn hư bể.

Này Xá Lợi Phất! Thân chẳng bền chắc rồi sẽ hư rã như những đồ sành ấy.

Lại này Xá Lợi Phất! Như những lá bông trái nương trên nhánh cây rồi sẽ rơi rụng. Cũng vậy, thân này chẳng bền rồi cũng sẽ chết mất chẳng lâu.

Lại này Xá Lợi Phất! Như giọt sương đọng đầu cỏ bị ánh nắng chiếu đến tất cả chẳng còn. Cũng vậy, thân này chẳng bền chẳng lâu như sương đầu cỏ.

Lại này Xá Lợi Phất! Như giọt nước trong biển sông mềm yếu mỏng manh mau tan mau rã. Cũng vậy, thân này chẳng chắc tánh chất mỏng manh như bọt nước.

Lại này Xá Lợi Phất! Như bóng nước nổi lên khi mưa lớn, nổi mau tan cũng mau. Cũng vậy, thân này chẳng bền tánh chất mỏng nhẹ mau sanh mau diệt.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát quan sát kỹ thân thể mình thấy biết như vậy rồi, lại nghĩ rằng ta từ lâu thọ lấy thân thể chẳng chắc bền như vậy mà chưa gặp được phước điền, nay được gặp ta phải nương theo phước điền để nuôi lớn huệ mạng, đem thân chẳng bền đổi lấy thân bền chắc.

Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ đựng nước. Đây gọi là Đại Bồ Tát phát tâm thứ hai.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Như người thợ gốm kia

Nắn đất làm đồ sành

Đều rồi sẽ hư bể

Mạng sống người cũng vậy

Như những lá hoa trái

Nương mọc trên nhánh cây

Rồi sẽ rơi rụng hết

Mạng sống người cũng vậy

Như giọt sương đầu cỏ

Bị ánh nắng chiếu soi

Giây lát rồi tan biến

Mạng sống người cũng vậy

Như bọt nổi mặt nước

Tánh nọ vốn mỏng manh

Thân này chẳng chắc bền

Hư nổi cũng như vậy

Như trời mưa lớn xuống

Mặt nước nổi bong bóng

Giây phút đều tan rã

Thân chẳng bền cũng vậy

Chẳng bền cho là bền

Còn bền cho chẳng bền

Vì nghĩ tưởng sai lầm

Chẳng chứng được bền chắc

Nơi bền biết là bền

Chẳng bền biết chẳng bền

Hiểu biết chân chánh đúng

Chứng được thân bền chắc

Vì tu trí huệ thiệt

Thí đồ nhỏ đựng nước

Nên đem thân chẳng bền

Đổi lấy thân bền chắc.

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát phát tâm thứ hai như vậy. Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát phát tâm như vậy: Từ lâu ta rời xa thiện hữu, bị nạn ác rủ rê nên lười biếng chẳng siêng tu, ngu độn hạ liệt nhiều tà kiến ác kiến, không bố thí không tạo phước không làm lành thêm lớn các nghiệp quả báo.

Lại nghĩ rằng ta bị tham dục làm mê nên mãi mãi lưu chuyển gây tạo các nghiệp ác, do nghiệp ác ấy mà cảm lấy thân quỷ xấu dơ, thiếu đồ cần dùng không có phước điền tối thắng.

Ta lại từng sanh trong ngạ quỷ luôn ăn tro than trong vô lượng năm, lại trong trăm ngàn năm chẳng nghe tên nước huống là được uống được dùng.

Lại nghĩ rằng nay ta gặp được phước điền tối thắng lại cảm được thân lành này có nhiều đồ cần dùng, ta phải nương phước điền mà tu nghiệp lành chẳng kể thân mạng, kính thờ các bậc Sư Trưởng, Hòa Thượng, A Xà Lê.

Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư Phụng thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước. Đây gọi là Đại Bồ Tát phát tâm thứ ba.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Thường thân cận kính thờ

Thiện tri thức như vậy

Thì được thành tánh ấy

Nên phải luôn gần gũi

Vì kề cận bạn xấu

Rời xa bạn hiền lành

Nên lười biếng buông lung

Ghét ganh bỏn xẻn nịnh

Tà kiến không bố thí

Bác bỏ tất cả lành

Ta từng sanh loài quỷ

Thọ thân hình tệ xấu

Ở sanh tử lâu ngày

Trong tối tăm đáng sợ

Đói khát đốt khổ não

Chịu rất nhiều khổ sở

Trong nhiều trăm ngàn năm

Chưa nghe được tên nước

Chẳng thấy được phước điền

Chẳng thoát khỏi nạn ấy

Nay ta được thân lành

Khó được ở thế gian

Lại gặp được hiền minh

Đầy đủ khỏi các nạn

Lại rời xa bạn ác

Gặp được bạn hiền lành

Thề chẳng kể thân mạng

Để được chứng bồ đề

Dùng tâm lành thanh tịnh

Cung phụng bậc Tôn Sư

Cũng sẽ cúng dường Phật

Để được chứng bồ đề.

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát pháp tâm thứ ba rồi, vì cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư càng thêm kính thờ nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát phát tâm như vậy: Từ lâu ta rời xa bạn lành gần gũi bạn xấu nên biếng lười phóng túng siêng làm việc quấy, ngu si vô trí, lúc thấy có chúng sanh khổ não kêu khóc, lại dùng tay đánh đập não hại. Do đó lại sanh nhiều ác kiến cho rằng không có nghiệp ác báo ác.

Lại do giận hờn mê lòng nên gây tạo nhiều nghiệp ác, do nghiệp ác ấy cảm thọ thân súc sanh xấu dơ, thiếu đồ cần dùng lại không có tất cả phước điền tối thắng.

Bồ Tát nghĩ rằng lúc ta ở trong loài súc sanh, hoặc làm lạc đà hoặc làm bò lừa ăn cỏ rác, thêm bị la mắng đánh đập đe dọa bắt buộc mang nặng đi xa.

Lại nghĩ rằng thuở trước dầu bị khổ nhiều mà chẳng gặp được phước điền, nay ta được gặp, lại được thân lành này, ta nên nương phước điền để tu nghiệp lành, chẳng kể thân mạng, kính thờ Sư Trưởng, đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc.

Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước. Đây gọi là Đại Bồ Tát phát tâm thứ tư.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần