Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Thí Bình đẳng - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

PHẨM THÍ BÌNH ĐẲNG  

PHẦN MỘT   

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp đạt được tướng vi diệu?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng như người được Thế Tôn biến hóa ra, không hành tham dục, sân nhuế, ngu si. Không hành sắc uẩn cho đến thức uẩn.

Cho đến không hành trí nhất thiết trí. Không hành nội pháp, không hành ngoại pháp. Không hành tùy miên, không các triền cái. Không hành các pháp hữu lậu, vô lậu. Không hành các pháp thế gian, xuất thế gian. Không hành các pháp hữu vi, vô vi. Không hành Thánh đạo và quả Thánh đạo.

Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng lại như vậy, đối với tất cả pháp đều vô sở hành. Đại Bồ Tát này thí tất cả pháp, đạt tướng vi diệu là đối với pháp tánh không bị phân biệt.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào người được Như Lai biến hóa ra tu được Thánh đạo?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Người được biến hóa kia nương tu Thánh đạo không nhiễm, không tịnh, cũng không luân hồi trong năm đường sanh tử, cũng không chứng đắc Niết Bàn của tam thừa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa thông suốt các pháp đều không thật sự?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Người được Chư Phật Thế Tôn biến hóa ra, vì có thật sự, nương thật sự kia có nhiễm, có tịnh.

Do đây nên luân hồi sanh tử trong năm đường và chứng được Niết Bàn của tam thừa không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không có. Người được Thế Tôn biến hóa ra không có chút thật sự, chẳng nương thật sự kia có nhiễm, có tịnh, cũng không luân hồi sanh tử trong năm đường, cũng không chứng được Niết Bàn của tam thừa.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đối với tất cả pháp thông suốt thật tướng cũng lại như vậy, thông suốt các pháp đều không thật sự, tánh tướng đều không.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có phải vì tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nói rộng cho đến pháp hữu vi, vô vi đều giống việc biến hóa kia không?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy!

Sắc v.v… năm uẩn, nói rộng cho đến hữu vi, vô vi, tất cả đều giống việc đã biến hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều giống việc biến hóa thì những gì được biến hóa ra đều không thật. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến hữu vi, vô vi cũng không thật. Do đây nên không tạp nhiễm, không thanh tịnh, cũng không luân hồi sanh tử trong năm đường, cũng không theo nghĩa ấy để được giải thoát.

Như vậy, các Đại Bồ Tát làm sao đối với các hữu tình có trì giới thanh tịnh?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Khi các Đại Bồ Tát còn hành đạo Bồ Tát, có thấy hữu tình có thể thoát khỏi đường Địa ngục, súc sanh, quỷ giới, Cõi Trời, Người không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thấy.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Khi các Đại Bồ Tát còn hành đạo Bồ Tát, không thấy có hữu tình thoát khỏi năm đường và ba cõi ấy.

Vì sao?

Vì các Đại Bồ Tát hiểu biết thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, đều chẳng thật có.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào hiểu biết thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, đều chẳng thật có, vì việc gì mà tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Nói rộng cho đến vì việc gì mà thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các hữu tình nào tự mình có thể thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, đều chẳng thật có, thì các Đại Bồ Tát không cần trải qua vô số đại kiếp, vì các hữu tình mà hành đạo Bồ Tát. Do vì các hữu tình đối với tất cả pháp không hiểu nó là như huyễn hóa, là chẳng thật có. Vì vậy, nên chúng Đại Bồ Tát phải trải qua vô số kiếp vì các hữu tình mà hành đạo Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nào đối với tất cả pháp không thể thông suốt là không thể thật có, thì trải qua vô số kiếp vì các hữu tình mà tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật.

Do chúng Đại Bồ Tát như thật thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, đều chẳng thật có, nên vô số kiếp vì các hữu tình mà tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.

Bấy giờ, Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như mộng, như huyễn, như tiếng vang, như bóng, như ảnh trong gương, như quáng nắng, như việc biến hóa, như thành Tầm hương thì sự biến hóa ra các hữu tình trụ ở nơi nào, các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa dùng phương tiện thiện xảo nào để cứu vớt làm cho họ thoát khỏi?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Sự biến hóa ra các hữu tình trụ ở danh tướng hư dối phân biệt. Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo, từ danh tướng hư dối phân biệt kia cứu vớt cho họ giải thoát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Danh là thế nào?

Tướng là thế nào?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Danh chỉ là khách, chỉ là nghĩa giả lập nêu bày, hiển thị. Nghĩa ở đây là tên chỉ cho sắc, thọ, tưởng, hành, Thức. Tên nhãn xứ cho đến ý xứ. Tên sắc xứ cho đến pháp xứ. Tên nhãn giới cho đến ý giới. Tên sắc giới cho đến pháp giới. Tên nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Tên nam nữ. Tên đại tiểu. Tên Địa Ngục cho đến Trời, Người. Tên hữu lậu, tên vô lậu.

Tên thế gian, tên xuất thế gian. Tên hữu vi, tên vô vi. Tên quả Dự Lưu. Nói rộng cho đến tên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tên phàm phu, tên Thanh Văn, tên Độc Giác, tên Bồ Tát, tên Như Lai.

Này Thiện Hiện! Tất cả tên như vậy là tiêu biểu cho các nghĩa, chỉ là giả lập nên tất cả tên đều chẳng thật có. Các pháp hữu vi cũng chỉ có danh, do vô vi này cũng chẳng thật có.

Kẻ phàm phu ngu muội vọng chấp là có, còn các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, với tâm bi nguyện, dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa làm cho họ xa lìa, dạy như vậy: Danh là vọng tưởng phân biệt mà sanh ra, cũng là do nhiều nhân duyên hòa hợp giả lập. Các ngươi ở nơi ấy không nên chấp trước. Danh không thật sự, tự tánh đều không, chẳng có người trí nào mà chấp lấy pháp không ấy.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình mà nói pháp vứt bỏ danh tự, đây gọi là danh.

Tướng là như thế nào?

Thiện Hiện nên biết! Tướng có hai thứ, do kẻ phàm phu chấp trước nên nói có hai tướng.

Hai tướng đó là gì?

Một là sắc tướng. Hai là vô sắc tướng.

Sắc tướng là thế nào?

Nghĩa là các sắc hoặc thô, hoặc tế, hoặc liệt, hoặc thắng, tất cả như vậy tự tánh đều không. Kẻ phàm phu do phân biệt chấp trước, cho đó là sắc, nên gọi là sắc tướng.

Còn vô sắc tướng là trong tất cả pháp Vô Sắc, vì kẻ phàm phu phân biệt chấp có tướng, nên sanh ra các phiền não, gọi là vô sắc tướng.

Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa các hữu tình, giúp họ đoạn trừ hai tướng ấy. Lại dạy họ an trụ trong giới vô tướng. Tuy dạy họ an trụ trong giới vô tướng nhưng không làm họ rơi vào chấp nhị biên, cho rằng đây là tướng, đây là vô tướng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa các hữu tình xa lìa các tướng, trụ giới vô tướng nhưng không còn chấp trước.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chỉ có danh tướng, đều là giả lập thì các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, làm sao đối với các thiện pháp tự mình được tăng trưởng?

Cũng làm cho người khác đối với thiện pháp được tăng trưởng?

Do tự mình đối với thiện pháp tuần tự tăng trưởng nên có thể làm cho các Địa tuần tự được viên mãn, cũng có thể an lập các loài hữu tình làm cho họ tùy theo chỗ nên an trụ vào quả tam thừa?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu trong các pháp có chút sự thật, chẳng phải chỉ giả lập có danh tướng ấy, thì các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đối với thiện pháp tự mình không được tăng trưởng, cũng không làm cho người khác đối với thiện pháp được tăng trưởng.

Do vì trong các pháp không có chút sự thật, chỉ có giả lập các danh tướng. Vì vậy, nên Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đối với các thiện pháp tự mình được tăng trưởng, cũng có thể làm cho người khác đối với thiện pháp được tăng trưởng.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn bát nhã cho đến bố thí Ba la mật đa.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn Đại Bồ Tát Địa.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn ba mươi hai tướng Đại Sĩ, tám mươi vẻ đẹp.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn hạnh của Đại Bồ Tát và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn trí nhất thiết trí.

Nên đem vô tướng làm phương tiện để viên mãn thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật.

Như vậy, này Thiện Hiện! Do tất cả pháp không có mảy may thật sự, chỉ có giả lập các danh tướng nên các Đại Bồ Tát đối với các pháp ấy không sanh điên đảo, chấp trước, nên đem vô tướng làm phương tiện, đối với các thiện pháp tự mình tăng trưởng, rồi cũng làm cho người khác đối với thiện pháp được tăng trưởng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu trong các pháp có tướng thật pháp bằng đầu sợi lông, thì các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đối với tất cả pháp không thể giác tri vô tướng, vô niệm, cũng vô tác ý, vô lậu tánh, mới chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, an lập hữu tình nơi pháp vô lậu. Vì các pháp vô lậu đều là pháp không tướng, không niệm, không tác ý.

Như vậy này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, phương tiện thiện xảo an lập hữu tình và pháp vô lậu, mới gọi là làm lợi ích hữu tình một cách chơn thật.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chơn thật đều vô lậu, vô tướng, vô niệm, vô tác ý thì do duyên gì Thế Tôn ở trong các Kinh thường dạy như vậy: Đây là pháp hữu lậu, đây là pháp vô lậu. Đây là pháp thế gian, đây là pháp xuất thế gian. Đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi. Đây là pháp Thanh Văn, đây là pháp Độc Giác.

Đây là pháp Bồ Tát, đây là pháp Như Lai?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Các pháp hữu lậu cùng với các pháp tánh vô tướng, vô lậu có khác nhau không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không khác.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Các pháp Thanh Văn cùng với pháp tánh vô tướng, vô lậu có khác nhau không?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không khác.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Các pháp hữu lậu không thể là pháp tánh vô tướng, vô niệm.

Cũng không là vô tác ý, vô lậu hay sao?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Có quả Dự Lưu cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề không thể là pháp tánh vô tướng, vô niệm, cũng không là vô tác ý, vô lậu hay sao?

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Do đây nên biết, các pháp đều là pháp tánh vô tướng, vô niệm, cũng vô tác ý, vô lậu.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát nào khi học tất cả pháp tánh vô tướng, vô niệm, vô tác ý, vô lậu thì thường được tăng trưởng các thiện pháp. Đó là bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật. Tất cả Phật Pháp như vậy đều là do tu học pháp tánh vô tướng, vô niệm, vô tác ý, vô lậu mà được tăng trưởng.

Vì sao?

Vì trừ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, các Đại Bồ Tát không còn pháp yếu nào phải học.

Vì sao?

Vì ba pháp môn giải thoát tóm thâu tất cả pháp thiện vi diệu.

Vì sao?

Pháp Môn giải thoát không quán tất cả pháp tự tướng đều không. Pháp môn giải thoát vô tướng quán tất cả pháp xa lìa các tướng. pháp môn giải thoát vô nguyện quán tất cả pháp xa lìa sở nguyện.

Các Đại Bồ Tát nương vào ba môn này có thể tóm thâu tất cả thiện pháp thù thắng. Nhưng nếu xa lìa ba môn này thì sự tu học thiện pháp thù thắng đều không sanh trưởng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào có thể học được ba pháp môn giải thoát như vậy, thì có thể học được năm uẩn. Cũng có thể học mười hai xứ. Cũng có thể học mười tám giới.

Cũng có thể học bốn Thánh đế. Cũng có thể học mười hai duyên khởi. Cũng có thể học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Cũng có thể học chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Cũng có thể học bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến cũng có thể học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng có thể học thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật. Cũng có thể học vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa có thể học năm uẩn?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa có thể như thật biết sắc cho đến thức hoặc tướng, hoặc sự sanh diệt, hoặc chân như. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa có thể học năm uẩn.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của sắc?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về sắc hoàn toàn có lỗ trống, hoàn toàn có khoảng cách, như bọt nước, tánh không bền chắc. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của sắc.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của sắc?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về sắc khi sanh không từ đâu đến, khi diệt không đi về đâu, tuy không đến, không đi mà tương ưng sanh diệt. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của sắc.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của sắc?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết chân như của sắc không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tánh nó là chơn thường, không hư dối, không biến đổi, nên gọi là chân như. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của sắc.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của thọ?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về thọ hoàn toàn như ung nhọt, như tên bắn, chóng khởi, chóng diệt, giống như bọt nước, hư dối chẳng trụ, phát sanh do ba sự hòa hợp. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của thọ.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của thọ?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về thọ khi sanh không từ đâu đến, khi diệt cũng không đi về đâu, tuy không đến, không đi mà tương ưng sanh diệt. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của thọ.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của thọ?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết chân như của thọ không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tánh nó là chơn thường, không hư dối, không biến đổi, nên gọi là chân như. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của thọ.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của tưởng?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về tưởng hoàn toàn như là bóng nắng dưới nước, không thật có, do nhân duyên khác ái vọng tưởng này, nói lời giả dối. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của tưởng.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của tưởng?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về tưởng khi sanh không từ đâu đến, khi diệt cũng không đi về đâu, tuy không đến, không đi mà tương ưng sanh diệt. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của tưởng.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của tưởng?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết chân như của tưởng không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tánh nó là chơn thường, không hư dối, không biến đổi, nên gọi là chân như. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của tưởng.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của hành?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về hành như cây chuối, lột bỏ từng bẹ không thật có. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của hành.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của hành?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về hành khi sanh không từ đâu đến, khi diệt cũng không đi về đâu, tuy không đến, không đi mà tương ưng sanh diệt. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của hành.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của hành?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết chân như của hành không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tánh nó là chơn thường, không hư dối, không biến đổi, nên gọi là chân như. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của hành.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của thức?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về thức giống như việc huyễn hóa. Do nhiều duyên hòa hợp giả lập mà có, thật nhưng bất khả đắc.

Như nhà ảo thuật hay học trò của ông, ở nơi ngã tư đường hóa ra làm bốn đội quân, đó là: Quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ. Hoặc hiện ra các loại màu sắc, tướng của nó tuy giống nhau, có nhưng không thật. Thức cũng như vậy, thật nhưng bất khả đắc. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về tướng của thức.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của thức?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết về thức khi sanh không từ đâu đến, khi diệt cũng không đi về đâu, tuy không đến, không đi mà tương ưng sanh diệt. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về sự sanh diệt của thức.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của thức?

Nghĩa là Đại Bồ Tát như thật biết chân như của thức không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, tánh nó là chơn thường, không hư dối, không biến đổi, nên gọi là chân như. Đây gọi là Đại Bồ Tát như thật biết về chân như của thức.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học mười hai xứ?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thật biết nội xứ, tự tánh nội xứ không. Như thật biết ngoại xứ, tự tánh ngoại xứ không. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học mười hai xứ.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học mười tám giới?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, như thật biết nhãn giới, tự tánh nhãn giới không. Nói rộng cho đến như thật biết ý thức giới, tự tánh ý thức giới không. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học mười tám giới.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học bốn Thánh đế?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thật biết tướng khổ là bức bách, như thật biết tướng tập là sanh khởi, như thật biết tướng diệt là vắng lặng, như thật biết tướng đạo là xa lìa. Lại như thật biết tự tánh Khổ, Tập, Diệt, Đạo vốn không, xa lìa hai pháp gọi là Thánh Giả.

Khổ đế v.v… lý bốn đế tức là chân như, chân như tức là khổ v.v… lý bốn đế không hai, không sai khác, chỉ có Bậc Thánh chơn mới như thật biết được. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học bốn Thánh đế.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học mười hai duyên khởi?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thật biết tự tánh vô minh cho đến lão tử không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vốn không, xa lìa hai pháp. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học mười hai duyên khởi.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, như thật biết pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không đều vô tự tánh, đều bất khả đắc mà được an trụ. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thật biết chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều không hý luận, không phân biệt nhưng được an trụ. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học bố thí Ba la mật đa cho đến vô lượng, vô biên Phật Pháp?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thật biết bố thí Ba la mật đa cho đến vô lượng, vô biên Phật Pháp không tăng, không giảm, không nhiễm, không tịnh, không tự tánh, bất khả đắc nhưng có thể tu tập. Đây gọi là Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học bố thí Ba la mật đa cho đến vô lượng, vô biên Phật Pháp.

Lúc ấy, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thật biết sắc v.v… các pháp đều riêng biệt, không xen tạp thì làm sao Thế Tôn đem pháp sắc v.v… làm hư hoại chân như pháp giới?

Vì sao?

Vì pháp giới không hai, không sai khác.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu lìa pháp giới mà có các pháp khác thì nói rằng pháp ấy có thể làm hoại pháp giới. Nhưng nếu lìa pháp giới mà không có các pháp khác thì các pháp kia không thể làm hoại pháp giới.

Vì sao?

Vì Chư Phật, Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn đều biết lìa pháp giới không có các pháp khác. Đã biết các pháp không là pháp giới, cũng chẳng thể vì người khác mà lập bày giảng nói. Vì vậy, nên pháp giới không ai có thể phá hoại được.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên học tướng pháp giới không hai, không sai khác và không thể phá hoại được.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát muốn học pháp giới thì nên học ở đâu?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn học pháp giới thì nên học nơi tất cả pháp.

Vì sao?

Vì tất cả pháp đều thể nhập vào pháp giới.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì nói tất cả pháp đều thể nhập vào pháp giới?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Như Lai ra đời hoặc chẳng ra đời, thì các pháp vẫn thể nhập vào pháp giới, không có tướng sai khác, không do Phật nói.

Vì sao?

Vì pháp thiện hoặc pháp chẳng thiện, pháp hữu lậu hoặc pháp vô lậu, pháp thế gian hoặc pháp xuất thế gian, pháp hữu vi hoặc pháp vô vi v.v… tất cả pháp như vậy không có pháp nào là không thể nhập vào pháp giới tánh không vô tướng vô vi.

Vậy nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, muốn học pháp giới nên học tất cả pháp, nếu học tất cả pháp tức là học pháp giới.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều nhập vào pháp giới, không hai, không riêng biệt thì vì sao các Đại Bồ Tát phải học sáu pháp Ba la mật đa?

Vì sao phải học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc?

Vì sao phải học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo?

Vì sao phải học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không?

Vì sao phải học chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì?

Vì sao phải học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo?

Vì sao phải học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện?

Vì sao phải học tám giải thoát cho đến mười biến xứ?

Vì sao phải học Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa?

Vì sao phải học tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa?

Vì sao phải học năm loại mắt, sáu phép thần thông?

Vì sao phải học mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng?

Vì sao phải học đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả?

Vì sao phải học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả?

Vì sao phải học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng?

Vì sao phải học thành tựu viên mãn ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp?

Vì sao phải học để sanh vào đại tộc Sát Đế Lợi cho đến đại tộc Cư Sĩ?

Vì sao phải học sanh vào Cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương cho đến Trời Tha Hóa Tự Tại?

Vì sao phải học sanh vào Cõi Trời Phạm Chúng cho đến Trời Quảng Quả?

Vì sao phải học pháp sanh vào Cõi Trời Vô Tưởng Hữu Tình nhưng không muốn sanh vào Cõi Trời ấy?

Vì sao phải học pháp sanh vào Cõi Trời Tịnh Cư nhưng không muốn sanh vào Cõi Trời ấy?

Vì sao phải học pháp sanh vào Cõi Trời không Vô Biên Xứ cho đến Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, nhưng không muốn sanh vào Cõi Trời ấy?

Vì sao phải học sơ phát bồ đề tâm cho đến phát bồ đề tâm thứ mười?

Vì sao phải học Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát?

Vì sao phải học Chánh tánh ly sanh của Bậc Thanh Văn và Độc Giác mà không tác chứng?

Vì sao phải học thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật?

Vì sao phải học các pháp môn Đà La Ni và vô ngại biện tài?

Vì sao phải học đạo của Đại Bồ Tát và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật?

Học như vậy rồi biết tất cả pháp, tất cả chủng tướng mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí?

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu trong pháp giới không có các pháp sai biệt như vậy thì chúng Đại Bồ Tát đâu có thể do đây mà phân biệt thực hành nơi điên đảo, trong không hý luận phát sanh hý luận.

Vì sao?

Vì trong chân như pháp giới không có sự phân biệt hý luận.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Pháp giới chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc cho đến thức tức là pháp giới, pháp giới tức là sắc cho đến thức. Nói rộng cho đến pháp giới chẳng phải là pháp hữu vi, vô vi, cũng không lìa pháp hữu vi, vô vi. Pháp hữu vi, vô vi tức là pháp giới, pháp giới tức là pháp hữu vi, vô vi.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Trong chân như pháp giới không có tất cả sự phân biệt hý luận. pháp giới chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Pháp Giới tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là pháp giới. Nói rộng cho đến pháp giới chẳng phải pháp hữu vi, vô vi, không lìa pháp hữu vi, vô vi. Pháp giới tức là pháp hữu vi, vô vi, pháp hữu vi, vô vi tức là pháp giới.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thấy có pháp lìa pháp giới thì không hướng đến sự mong cầu đạt được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì không thấy các pháp xa chân như pháp giới.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, biết tất cả pháp tức là chân như pháp giới, dùng phương tiện thiện xảo pháp vô danh tướng, vì các hữu tình mà giảng thuyết danh tướng, nghĩa là:

Đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Đây là nhãn xứ cho đến ý xứ.

Đây là sắc xứ cho đến pháp xứ.

Đây là nhãn giới cho đến ý giới.

Đây là sắc giới cho đến pháp giới.

Đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới.

Đây là nhãn xúc cho đến ý xúc.

Đây là các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra.

Đây là Địa giới cho đến thức giới.

Đây là nhân duyên cho đến tăng thượng duyên.

Đây là các pháp theo duyên sanh ra.

Đây là vô minh cho đến lão tử.

Đây là pháp thiện, pháp phi thiện.

Đây là pháp hữu lậu, pháp vô lậu.

Đây là pháp thế gian, pháp xuất thế gian.

Đây là pháp hữu vi, pháp vô vi.

Đây là bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Nói rộng cho đến đây là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Như nhà ảo thuật hoặc đệ tử của ông giữ lấy một ít đồ vật ở trước mọi người, ảo thuật ra các sắc tượng khác lạ, hoặc là hiện ra hình nam nữ lớn nhỏ. Hoặc hiện làm voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, lừa, gà v.v… các loài cầm thú.

Hoặc hiện làm thành ấp, xóm làng, vườn rừng, ao hồ v.v… các thứ xinh đẹp, ai cũng ưa thích. Hoặc hiện làm y phục, thức ăn, nước uống, phòng nhà, đồ nằm, hoa hương, chuỗi ngọc, các thứ trân báu kỳ lạ, tiền tài, thóc gạo đầy kho.

Hoặc hiện ra vô lượng các loại kỹ nhạc, kỹ nữ, làm cho nhiều người hoan hỉ, ưa thích. Hoặc hiện bày các thứ hình tướng làm cho người tu học, hành trì bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã v.v…

Hoặc hiện sanh trong đại tộc Sát Đế Lợi cho đến đại tộc cư sĩ. Hoặc hiện ra núi non, biển cả, núi Diệu cao, núi Luân vi v.v… Hoặc hiện sanh trong Cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương cho đến Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Hoặc hiện chứng quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác. Hoặc hiện làm Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc.

Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Học trụ pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không, học trụ chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì, học trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Hướng đến Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát. Tu hành Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa. Phát sanh các thứ thần thông thù thắng, phóng đại quang minh chiếu soi khắp Thế Giới. Trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình. Dạo chơi trong các Cõi Tịnh Lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí. Tu hành các món công đức của Phật.

Hoặc lại biến hiện ra hình của Như Lai đầy đủ ba mươi hai tướng Đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp viên mãn trang nghiêm. Thành tựu mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám Pháp Phật bất cộng, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và vô lượng, vô biên công đức.

Như vậy, nhà ảo thuật và học trò của ông ta vì dối gạt kẻ khác nên ở trước mọi người làm các việc ảo thuật.

Trong ấy, có những người nam nữ lớn nhỏ vô trí, thấy việc này rồi đều khen: Người này lạ thay, giỏi học các môn kỹ xảo, có thể làm các việc hi hữu, kỳ lạ. Cho đến có thể hiện được thân Như Lai tướng hảo trang nghiêm, đầy đủ các công đức. Tự mình biến hiện được những kỹ xảo tài giỏi.

Nhưng trong ấy có những người có trí, thấy việc này rồi suy nghĩ: Thật là thần thông kỳ lạ, làm thế nào mà người ấy có thể biến hóa và làm việc này. Trong ấy tuy không có pháp thật, nhưng làm cho mọi người mê lầm, ưa thích. Với những vật không thật mà tưởng là thật. Chỉ có người trí mới thấu rõ tất cả đều không, tuy có thấy nghe nhưng không chấp trước.

Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tuy không thấy pháp giới lìa các pháp mà có, cũng không thấy các pháp lìa pháp giới mà có, không thấy hữu tình và sự hoạt động của họ là thật có đắc, nhưng có thể phát sanh phương tiện thiện xảo, tự tu hành sáu pháp Ba la mật đa, cũng khuyên người khác tu hành sáu pháp Ba la mật đa, tùy thuận tán thán tu hành sáu pháp Ba la mật đa, vui mừng khen ngợi người tu hành sáu pháp Ba la mật đa.

Nói rộng cho đến tự mình viên mãn trí nhất thiết tướng, cũng khuyên người khác viên mãn trí nhất thiết tướng, tùy thuận tán thán pháp viên mãn trí nhất thiết tướng, vui mừng khen ngợi người viên mãn trí nhất thiết tướng.

Tự mình viên mãn ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, cũng khuyên người khác viên mãn ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, tùy thuận tán thán pháp viên mãn ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, vui mừng khen ngợi người viên mãn ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp.

Thiện Hiện nên biết! Nếu chân như pháp giới ở chặn đầu, giữa, sau có sai khác, thì các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, không thể lập bày phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình mà thuyết chân như pháp giới, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình, tu các hạnh của Đại Bồ Tát, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vận chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình.

Vì chân như pháp giới ở chặn đầu, giữa, sau thường không sai khác, nên các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa lập bày các phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình mà thuyết chân như pháp giới, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình, tu các hạnh của Đại Bồ Tát, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vận chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần