Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại ðiển Tôn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
KINH ĐẠI ĐIẾN TÔN
PHẦN MỘT
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn ở tại Vương Xá, núi Linh Thứu.
Khi đêm đã gần mãn, Pancasikha Ngũ Kế, thuộc dòng họ Càn Thát Bà Gandhabba, với dung mạo đoan chánh, chói sáng toàn vùng núi Linh Thứu, đến tại chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và đứng một bên.
Sau khi đứng một bên, Pancasikha, thuộc dòng họ Càn Thát Bà bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, những điều con đã tự thân nghe và chấp nhận trước mặt Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, bạch Thế Tôn con muốn bạch lại Thế Tôn.
Này Pancasikha, hãy nói cho ta nghe!
Thế Tôn nói như vậy!
Bạch Thế Tôn, trong những ngày xưa, những ngày xa xưa, nhân đêm trăng rằm Bố tát Uposatha, trong tháng nhập cư mùa mưa, toàn thể Chư Thiên ở Cõi Tam Thập Tam Thiên ngồi hội họp tại Thiện Pháp đường, xung quanh có Ðại Thiên Chúng ngồi khắp mọi phía.
Tại bốn phương hướng có bốn vị Đại Vương ngồi.
Đại Vương Dhatarattha Trì Quốc Thiên Vương, Vua ở phương Ðông, ngồi xây mặt hướng Tây, trước mặt Thiên Chúng.
Đại Vương Virùlhaka Tăng Trưởng Thiên Vương, Vua ở phương Nam, ngồi xây mặt hướng Bắc, trước mặt Thiên Chúng.
Đại Vương Virùpakkha Quảng Mục Thiên Vương, Vua ở phương Tây, ngồi xây mặt hướng Ðông, trước mặt Thiên Chúng.
Đại Vương Vessavana Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Vua ở phương Bắc, ngồi xây mặt hướng Nam, trước mặt Thiên Chúng.
Bạch Thế Tôn, khi nào toàn thể Chư Thiên ở cõi Tam Thập Tam Thiên ngồi hội họp tại Thiện Pháp đường, xung quanh có Ðại Thiên chúng ngồi khắp mọi phía và tại bốn phương hướng có bốn vị Đại Vương ngồi, như vậy là thứ tự các chỗ ngồi của các vị này, rồi đến chỗ ngồi của chúng con.
Bạch Thế Tôn, Chư Thiên nào trước sống phạm hạnh theo Thế Tôn và nay mới sanh lên Cõi Tam Thập Tam Thiên, những vị này thắng xa Chư Thiên khác về thân sắc và danh tiếng.
Bạch Thế Tôn, Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên đẹp lòng, thoải mái, hoan hỷ sanh: Thiên Giới thật sự được tăng thịnh, còn A Tu La giới bị hoại diệt.
Bạch Thế Tôn, lại bây giờ Thiên Chủ Đế Thích Sakka thấy Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên hoan hỷ bèn tùy hỷ nói lên bài kệ như sau:
Chư Tam Thập Tam Thiên,
Cùng Đế Thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Cùng chánh pháp vi diệu.
Thấy Thiên Chúng tân sanh,
Quang sắc thật thù thắng,
Các vị sống phạm hạnh,
Nay sanh tại cõi này.
Họ thắng về quang sắc,
Thọ mạng và danh xưng.
Ðệ tử bậc đại tuệ,
Thù thắng sanh cõi này.
Chư Tam Thập Tam Thiên,
Cùng Đế Thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Và chánh pháp vi diệu.
Bạch Thế Tôn, Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên lại càng đẹp lòng thoải mái hoan hỷ hơn nữa và nói: Thiên Giới thật sự được tăng thịnh, còn A Tu La giới bị hoại diệt.
Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Đế Thích biết được Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên hoan hỷ, liền nói với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên: Các vị có muốn nghe tám pháp như thật của Thế Tôn không?
Chúng tôi muốn nghe tám pháp như thật của Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Đế Thích ở Tam Thập Tam Thiên giải thích về tám pháp như thật của Thế Tôn như sau: Này chư thiện hữu ở Tam Thập Tam Thiên các vị nghĩ thế nào?
Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài Trời và lời người.
Một vị Ðại Sư dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài Trời và loài người như vậy, một vị Ðại Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Chánh pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, một chánh pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu.
Một vị giảng sư thuyết pháp hướng thượng như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Ðây là thiện, đây là bất thiện đã được Thế Tôn khéo giải thích. Ðây có tội, đây không tội, đây cần phải tuân theo. Ðây cần phải né tránh, đây là hạ liệt, đây là cao thượng. Ðây là đen trắng đồng đẳng, được Thế Tôn khéo giải thích.
Một vị khéo giải thích các pháp thiện, bất thiện, có tội, không có tội, cần phải thuận theo, cần phải né tránh, hạ liệt, cao thượng, đen trắng đồng đẳng, một vị Ðại Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Con đường đưa đến Niết Bàn cho các đệ tử, Niết Bàn và con đường phối hợp thành một, đã được Thế Tôn khéo giải thích như nước Sông Hằng phối hợp và cùng chảy với nước sông Yamuna Diệm Mâu Na.
Cũng vậy con đường đưa đến Niết Bàn cho các đệ tử, Niết Bàn và con đường phối hợp thành một đã được Thế Tôn khéo giải thích.
Một vị khéo giải thích con đường hướng đến Niết Bàn như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Thế Tôn cũng đã đào tạo được chúng thiện hữu hữu học đang đi trên nẻo đạo và các vị Lậu Tận đã hoàn tất Thánh Đạo.
Ngài không di tản chúng nhưng sống cùng chung một niềm hòa hợp lạc trú.
Một vị sống cùng chung một niềm hòa hợp lạc trú, một Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Lợi dưỡng cúng dường cho Thế Tôn đã được an bài chắc chắn, danh tiếng cũng đã được an bài chắc chắn, và con nghĩ rằng các vị Sát Đế Lỵ sống với gương mặt rất quý mến Ngài. Nhưng Thế Tôn sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn.
Một vị sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy.
Một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy.
Một vị đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. Thế Tôn đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh.
Một vị đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh, một bậc Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, rồi một số Chư Thiên nói như sau: Chư thiện hữu, nếu có được bốn vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, diễn giảng chánh pháp như Thế Tôn.
Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài người và loài Trời.
Một số Chư Thiên khác lại nói như sau: Chư thiện hữu, cần gì có bốn vị Chánh Ðẳng Giác. Chư thiện hữu, nếu có được ba vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, diễn giảng chánh pháp như Thế Tôn.
Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài người và loài Trời.
Một số Chư Thiên khác lại nói như sau: Chư thiện hữu, cần gì có ba vị Chánh Ðẳng Giác. Chư thiện hữu, nếu có được hai vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, diễn giảng chánh pháp như Thế Tôn.
Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài người và loài Trời.
Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, Thiên Chủ Đế Thích nói với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên: Chư thiện hữu, không một chỗ nào, không một thời gian nào cùng chung một Thế Giới mà có hai vị Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác đồng thời ra đời, không ra trước, không ra sau, không bao giờ sự kiện như vậy có thể xảy ra.
Chư thiện hữu, một bậc Thế Tôn như vậy, không có tật bệnh, không có đau khổ, sống như vậy trong khoảng thời gian rất dài.
Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài người và loài Trời.
Bạch Thế Tôn, rồi với mục đích gì Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên ngồi hội họp tại thiện pháp đường, các vị này suy tư, thảo luận về mục đích ấy.
Và tùy thuộc về mục đích ấy, bốn vị Đại Vương được thuyết giảng: Theo mục đích ấy, bốn vị Đại Vương được khuyến giáo, bốn vị này đều đứng một bên chỗ ngồi của mình.
Các Đại Vương chấp nhận,
Lời giảng dạy khuyết giáo,
Thanh thoát và an tịnh,
Ðứng bên chỗ mình ngồi.
Bạch Thế Tôn, rồi từ phương Bắc, một ánh sáng vi diệu khởi lên, một hào quang hiện ra thắng xa oai lực của Chư Thiên.
Bạch Thế Tôn, rồi Thiên Chủ Sakka, nói với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên: Này các thiện hữu, theo các hiện tượng được thấy, ánh sáng khởi lên, hào quang hiện ra. Như vậy là báo hiệu Phạm Thiên sẽ xuất hiện. Vì hiện tượng báo hiệu Phạm Thiên xuất hiện là ánh sáng khởi lên và hào quang hiện ra.
Theo hiện tượng được thấy,
Phạm Thiên sẽ xuất hiện,
Hiện tượng bậc Phạm Thiên,
Là hào quang vi diệu.
Bạch Thế Tôn, rồi Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, ngồi xuống trên ghế ngồi của mình và nói rằng: Chúng tôi sẽ tìm hiểu kết quả của hào quang này là thế nào, sau khi được biết, chúng tôi sẽ đi gặp vị ấy.
Cũng vậy bốn vị Đại Vương ngồi xuống trên ghế của mình và nói rằng: Chúng tôi sẽ tìm hiểu kết quả của hào quang này là thế nào, sau khi được biết, chúng tôi sẽ đi gặp vị ấy.
Sau khi nghe vậy, Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên đều đồng một lòng một ý: Chúng ta sẽ tìm hiểu kết quả của hào quang này là thế nào, sau khi đã được biết, chúng ta sẽ gặp vị ấy.
Bạch Thế Tôn, khi Phạm Thiên Sanamkumàra Thường Ðồng hình Phạm Thiên xuất hiện trước Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, Ngài xuất hiện với một hóa tướng thô xấu.
Bạch Thế Tôn, vì khi Phạm Thiên tự nhiên hiện hóa, các tướng không đủ thù thắng để Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên khâm phục.
Bạch Thế Tôn, khi Phạm Thiên Sanamkumàra xuất hiện trước Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vị này thắng xa Chư Thiên khác về sắc tướng và danh tiếng.
Bạch Thế Tôn, như một hình tượng bằng vàng chói sáng hơn thân hình con người, cũng vậy bạch Thế Tôn khi Phạm Thiên Sanamkumàra xuất hiện trước Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, vị này thắng xa Chư Thiên khác về sắc tướng và danh tiếng.
Bạch Thế Tôn, khi Phạm Thiên Sanamkumàra xuất hiện trước Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, không một vị Thiên trong chúng này đảnh lễ hoặc đứng dậy mời Phạm Thiên ngồi.
Tất cả đều yên lặng, chắp tay, không ngồi trên chỗ ngồi của mình và nghĩ rằng: Nếu nay Phạm Thiên Sanamkumàra muốn gì với vị Thiên nào, thì hãy ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ.
Bạch Thế Tôn, như vị Vua Sát Đế Lỵ vừa mới làm lễ quán đảnh và lên vương vị, vị ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, Phạm Thiên Sanamkumàra ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên nào, vị Thiên ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ.
Bạch Thế Tôn, rồi Phạm Thiên Sanamkumàra biết được sự thoải mái hoan hỷ của Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên liền ân hình tùy hỷ nói lên bài kệ sau đây:
Chư Tam Thập Tam Thiên,
Cùng Đế Thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Và chánh pháp vi diệu.
Thấy Thiên Chúng tân sanh,
Quang sắc thật thù thắng,
Các vị sống phạm hạnh,
Nay sanh tại cõi này,
Thắng xa về quang sắc,
Thọ mạng và danh xưng,
Ðệ tử bậc đại tuệ,
Thù thắng sanh cõi này.
Chư Tam Thập Tam Thiên,
Cùng Đế Thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Và chánh pháp vi diệu.
Bạch Thế Tôn, đó là nội dung lời nói của Phạm Thiên Sanamkumàra.
Bạch Thế Tôn tiếng nói của Phạm Thiên Sanamkumàra có tám đặc điểm sau đây: Lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động.
Bạch Thế Tôn, khi Phạm Thiên Sanamkumàra giải thích cho hội chúng với tiếng nói của mình, tiếng nói không vượt ra khỏi đại chúng.
Bạch Thế Tôn một tiếng nói có tám đặc điểm như vậy được gọi là Phạm Âm.
Bạch Thế Tôn, Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên nói với Phạm Thiên Sanamkumàra như sau: Này Phạm Thiên, chúng tôi thật sự hoan hỷ với những điều chúng tôi đã được chú ý. Hơn nữa Thiên Chủ Sakka đã nói đến tám pháp như thật của Thế Tôn. Và chúng tôi hoan hỷ với tám pháp này.
Bạch Thế Tôn, rồi Phạm Thiên Sanamkumàra nói với Thiên Chủ Đế Thích: Thật lành thay, Thiên Chủ, nếu chúng tôi được nghe tám pháp như thật của Thế Tôn.
Vâng, Ðại Phạm Thiên!
Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Đế Thích, giải thích tám pháp như thật của Thế Tôn cho Phạm Thiên Sanamkumàra: Này thiện hữu Ðại Phạm Thiên, Ngài nghĩ thế nào?
Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời, loài người.
Một vị Đạo Sư dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời, loài người như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy chúng ta khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Chánh Pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, một chánh pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thiện, chỉ người có trí tự mình giác hiểu.
Một vị giảng sư thuyết pháp hướng thượng như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Ðây là thiện, đây là bất thiện, đã được Thế Tôn khéo giải thích. Ðây là có tội, đây là không tội. Ðây cần phải tuân theo, đây cần phải né tránh, đây là hạ liệt. Ðây là cao thượng, đây là đen trắng đồng đẳng, đã được Thế Tôn khéo giải thích.
Một vị khéo giải thích các pháp thiện, bất thiện, có tội, không có tội, cần phải thuận theo, cần phải né tránh, hạ liệt, cao thượng, đen trắng đồng đẳng, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Con đường đưa đến Niết Bàn cho các đệ tử, Niết Bàn và con đường phối hợp thành một, đã được Thế Tôn khéo léo giải thích.
Như nước Sông Hằng phối hợp và cùng chảy với nước sông Yamunà, cũng vậy con đường đưa đến Niết Bàn cho các đệ tử, Niết Bàn và con đường phối hợp thành một đã được Thế Tôn khéo giải thích.
Một vị khéo giải thích con đường hướng đến Niết Bàn như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Thế Tôn cũng đã đào tạo được chúng thiện hữu hữu học đang đi trên nẻo đạo và các vị Lậu Tận đã hoàn tất Thánh Đạo. Ngài không di tản chúng, nhưng sống cùng chung một niềm hòa hợp lạc trú.
Một vị sống cùng chung một niềm hòa hợp lạc trú, một Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Lợi dưỡng cúng dường cho Thế Tôn đã được an bài chắc chắn, danh tiếng cũng đã được an bài chắc chắn, và con nghĩ rằng các vị Sát Đế Lỵ sống với diện mạo rất quý mến Ngài. Nhưng Thế Tôn sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn.
Một vị sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn như vậy, một vị Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Thế Tôn nói gì thì làm vậy, làm gì thời nói vậy, một vị nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Thế Tôn đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư hoặc thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh.
Một vị đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh, một bậc Đạo Sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Sakka giải thích tám pháp như thật của Thế Tôn cho Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên.
Bạch Thế Tôn, Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên lại càng hoan hỷ, lại càng thích thú, hỷ duyệt sung mãn khi được nghe tám pháp như thật của Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, Phạm Thiên Sanamkumàra xuất hiện với hình tướng thô xấu, hiện thành một đồng tử tên là Pancasikha Ngũ Kế trước mặt Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, bay bổng lên Trời, vị này, ngồi kiết già giữa hư không.
Bạch Thế Tôn, như một vị lực sĩ ngồi kiết già trên một chỗ ngồi được trải bằng phẳng trên một mặt đất thăng bằng, cũng vậy bạch Thế Tôn, Phạm Thiên Sanamkumàra bay bổng trên Trời, ngồi kiết già trên hư không và nói với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên: Chư thiện hữu ở Tam Thập Tam Thiên nghĩ thế nào?
Thế Tôn đã được đại trí tuệ bao lâu rồi?
Chư thiện hữu, thuở xưa có vị Vua tên là Disampati Thành Chủ. Vua Disampati có vị Quốc Sư tên Govinda Ðiển Tôn, và có vị Hoàng Tử tên là Renu Lê Nô. Bà La Môn Govinda có người con trai tên là Jotipàla Hộ Minh Đồng Tử.
Hoàng Tử Renu, Đồng Tử Jotipàla cùng sáu người Sát Đế Lỵ nữa, tám người này là thân hữu. Sau một thời gian, Bà La Môn Govinda mệnh chung.
Khi nghe Bà La Môn Govinda mệnh chung, Vua Sisampati than khóc như sau: Tiếc thay, khi chúng ta giao mọi công việc cho Bà La Môn Govinda để chúng ta có thể được đầy đủ và thọ hưởng năm món dục tăng thịnh, chính khi ấy Bà La Môn lại mệnh chung.
Nghe nói vậy, Hoàng Tử Renu tâu với Vua Disampati: Tâu Đại Vương, chớ có quá sầu khổ than khóc vì Bà La Môn Govinda từ trần.
Tâu Đại Vương, con của Bà La Môn Govinda, thanh niên Jotipàla còn sáng suốt hơn phụ thân, còn biết kế hoạch sinh lợi hơn phụ thân. Những trách nhiệm gì Đại Vương giao cho phụ thân, nay hãy giao cho thanh niên Jotipàla.
Như vậy là phải, Hoàng Tử!
Xin vâng, tâu Đại Vương!
Rồi Vua Disampati cho gọi một người và bảo: Khanh hãy đi đến thanh niên Jotipàla, và nói như sau:
Mong rằng mọi tốt lành hãy đến với thanh niên Jotipàla!
Vua Disampati có cho gọi thanh niên Jotipàla!
Vua Disampati muốn được gặp thanh niên Jotipàla!
Tâu Đại Vương, xin vâng!
Người ấy vâng lệnh Vua Disampati, đến chỗ thanh niên Jotipàta ở, khi đến xong liền nói với thanh niên Jotipàla:
Mong rằng mọi tốt lành hãy đến với thanh niên Jotipàla!
Vua Disampati cho gọi thanh niên Jotipàla!
Vua Disampati muốn được gặp thanh nhiên Jotipàla!
Xin vâng, này thiện hữu!
Thanh niên Jotipàla vâng theo lời người ấy, đi đến chỗ Vua Disampati ở, khi đến xong liền nói lên những lời viếng thăm, và những lời khen tặng xã giao, rồi ngồi xuống một bên.
Vua Disampati nói với thanh niên Jotipàla đang ngồi bên như sau:
Này thanh niên Jotipàla!
Nay ta muốn khanh chấp chánh!
Thanh niên Jotipàla, chớ có từ chối chấp chánh!
Ta sẽ đặt khanh trong địa vị của phụ thân.
Ta sẽ phong cho khanh chức chưởng của Govinda!
Tâu Đại Vương, xin vâng!
Thanh niên Jotipàla vâng theo lời dạy của Vua Disampati. Rồi Vua Disampati phong cho thanh niên Jotipàla chức chưởng của Govinda và đặt vào địa vị của phụ thân.
Thanh niên Jotipàla được phong chức chưởng của Govinda như vậy và được đặt vào địa vị của phụ thân như vậy, những phần việc gì phụ thân điều hành, những phần việc ấy thanh niên Jotipàla điều hành, những phần việc gì phụ thân không điều hành, những phần việc ấy thanh niên Jotipàla không điều hành.
Những công tác gì phụ thân thực hiện, những công tác ấy thanh niên Jotipàla thực hiện. Những công tác gì phụ thân không thực hiện, những công tác ấy thanh niên Jotipàla không thực hiện.
Do vậy, dân chúng nói về Jotipàla: Vị Bà La Môn thật sự là Govinda!
Vị Bà La Môn thật sự là Mahà Govinda và được danh tiếng là Mahà Govinda!
Rồi Mahà Govinda đến tại chỗ sáu vị Sát Đế Lỵ ở, khi đến xong, liền nói với sáu vị Sát Đế Lỵ như sau: Vua Disampati nay đã già, trọng tuổi, lớn tuổi, đã đến thời, đã đến hạn cuối cuộc đời.
Này thiện hữu, ai có thể biết được thọ mạng của Vua?
Sự việc này có thể xảy ra, nếu Vua Disampati mệnh chung, thời những vị có trách nhiệm phong Vua, hãy phong Hoàng Tử Renu lên Vương vị.
Chư thiện hữu, quí vị hãy đến chỗ Hoàng Tử Renu an trú, khi đến xong hãy thưa với Hoàng Tử Renu: Chúng tôi là những bạn hữu thân tình, thân ái, tâm đầu ý hiệp với thiện hữu Renu!
Chúng tôi sung sướng khi thiện hữu sung sướng, chúng tôi đau khổ khi thiện hữu đau khổ.
Nay Vua Disampati đã già, trọng tuổi, lớn tuổi, đã đến thời, đã đến hạn cuối cuộc đời. Này thiện hữu, ai có thể biết thọ mạng của Vua. Sự việc này có thể xảy ra.
Nếu Vua Disampati mệnh chung, thời những vị có trách nhiệm phong Vua, hãy phong Hoàng Tử Renu lên Vương vị.
Nếu thiện hữu Renu lên Vương vị, hãy chia xẻ Vương vị với chúng tôi!
Xin vâng, thiện hữu!
Sáu vị Sát Đế Lỵ này, vâng theo lời của Bà La Môn Mahà Govinda, đến tại chỗ của Hoàng Tử Renu, khi đến xong liền thưa với Hoàng Tử Renu: Chúng tôi là những bạn hữu thân tình, thân ái, tâm đầu ý hợp với thiện hữu Renu, chúng tôi sung sướng khi thiện hữu sung sướng, chúng tôi đau khổ khi thiện hữu đau khổ.
Nay Vua Disampati đã già, trọng tuổi, lớn tuổi, đã đến thời, đã đến hạn cuối cuộc đời.
Này thiện hữu, ai có thể biết được thọ mạng của Vua. Sự việc này có thể xảy ra.
Nếu Vua Disampati mệnh chung, thời những vị có trách nhiệm phong Vua, hãy phong Hoàng Tử Renu lên vương vị.
Nếu thiện hữu Renu lên Vương vị, hãy chia Vương vị với chúng tôi!
Chư thiện hữu, có ai khác có quyền hưởng an lạc trong Quốc Độ của tôi, ngoài quý vị?
Nếu tôi được lên Vương vị, tôi sẽ chia xẻ Vương vị cho quý vị. Chư thiện hữu, sau một thời gian Vua Disampati mệnh chung.
Khi Vua Disampati mệnh chung, những vị có trách nhiệm phong Vua, liền phong Hoàng Tử Renu lên vương vị. Khi được phong Vương vị, Hoàng Tử Renu sống đầy đủ và thọ hưởng năm pháp dục tăng thịnh.
Khi ấy Bà La Môn Mahà Govinda đi đến chỗ sáu vị Sát Đế Lỵ ở, khi đến xong liền nói rằng: Chư thiện hữu, Vua Disampati đã mệnh chung. Thiện hữu Renu được phong Vương vị lại sống đầy đủ và thọ hưởng năm pháp dục tăng thịnh.
Chư thiện hữu, ai có thể biết được?
Dục vọng khiến con người si loạn.
Chư thiện hữu, hãy đi đến chỗ Vua Renu ở, khi đến xong, hãy nói với Vua Renu như sau: Thiện hữu, Vua Disampati đã mệnh chung. Thiện hữu Renu được phong Vương vị.
Thiện hữu có nhớ lời hứa của mình không?
Xin vâng, này thiện hữu.
Sáu vị Sát Đế Lỵ này vâng theo lời của Bà La Môn Mahà Govinda đi đến chỗ Vua Renu ở, khi đến xong, liền tâu Vua Renu như sau: Thiện hữu, Vua Disampati đã mệnh chung. Thiện hữu Renu đã được phong Vương vị.
Thiện hữu có nhớ lời hứa của mình không?
Chư thiện hữu, tôi có nhớ lời hứa của tôi. Chư thiện hữu, ai có thể khéo phân chia Đại Địa này thành bảy phần đồng đều.
Ðại địa này, phía Bắc thì rộng, phía Nam như bộ phận trước của cỗ xe?
Này thiện hữu, ai có thể làm được, ngoại trừ Bà La Môn Mahà Govinda?
Rồi Vua Renu cho gọi một người và nói: Này khanh, khanh hãy đi đến chỗ Bà La Môn Mahà Govinda, khi đến xong hãy nói với Bà La Môn Govinda: Này thiện hữu, Vua Renu cho gọi thiện hữu.
Xin vâng, tâu Đại Vương!
Người ấy vâng theo lời của Vua Renu, đến tại chỗ của Bà La Môn Ma hà Govinda ở, khi đến xong liền nói với Bà La Môn Mahà Govinda: Thiện hữu, Vua Renu cho gọi thiện hữu.
Xin vâng, thiện hữu!
Bà La Môn Mahà Govinda vâng theo lời nói của người ấy, đến tại chỗ Vua Renu ở, khi đến xong liền nói lên những lời thăm viếng và những lời khen tặng xã giao với Vua Renu rồi ngồi xuống một bên.
Và Vua Renu nói với Bà La Môn Govinda đang ngồi xuống một bên như sau: Này thiện hữu Govinda, hãy đến và phân chia Đại Địa này thành bảy phần đồng đều, Đại Địa này phía Bắc thời rộng, phía Nam như bộ phận trước của cỗ xe.
Bà La Môn Mahà Govinda vâng theo lời nói của Vua Renu phân chia Đại Địa này thành bảy phần đồng đều, Đại Địa này phía Bắc rộng, phía Nam như bộ phận trước của cỗ xe, tất cả phần như hình phần trước của cỗ xe. Và Vua Ruenu giữ phần Quốc Độ trung ương.
Dantapura Nại Đa Bố La cho dân Kàlingà Ca Lăng Giớ và Potana Bao Tĩnh Noa cho dân Assaka Ma Thấp Na Ka.
Mahissati Ma Hê Sa Ma cho dân Avanti Ương Đế Na và Roruka Lao lỗ ca cho dân Sovira Tô Vĩ La.
Mithilà Di Thế La cho dân Videhà Vi Đề Hê và Campà Thiềm Ba được tạo ra cho dân Anga Ương Già, Bàrànasì Ba La Nạcho dân Kàsi Ca Thi. Tất cả đều do Govinda tạo lập.
Và sáu vị Sát Đế Lỵ này đều hoan hỷ về khu phần của mình được và sự thành tựu của điều mong ước: Những điều gì chúng tôi muốn, những điều gì chúng tôi ao ước, những điều gì chúng tôi nhắm đến, những điều gì chúng tôi hy vọng, chúng tôi đều được hết.
Sattabhù Phá Oan Vương và Brahmadatta Phạm Thọ Vương, Vessabhũ Thắng Tôn Vương và Bharata Minh Ái Vương, Renu Lê Nô Vương và hai Dhataratthà Trì Quốc Vương. Tất cả là bảy vị BharaTa Bà La Đa Vương.
Rồi sáu vị Sát Đế Lỵ ấy đến tại chỗ Bà La Môn Màhà Govinda ở, khi đến xong liền nói với Bà La Môn Mahà Govinda Ðại Ðiển Tôn.
Như thiện hữu Govinda là bạn hữu thân tình, thân ái, tâm đầu ý hiệp với Vua Renu, cũng vậy thiện hữu Mahà Govinda và bạn hữu thân tình, thân ái, tâm đầu ý hiệp với chúng tôi. Thiện hữu Govinda hãy giáo hóa chúng tôi, thiện hữu Govinda chớ có từ chối giáo hóa.
Xin vâng, Chư thiện hữu!
Thiện hữu Mahà Govinda trả lời cho sáu vị Sát Đế Lỵ này. Rồi thiện hữu Mahà Govinda giáo hóa về vương chánh cho bảy vị Sát Đế Lỵ đã được phong Vua, và Mahà Govinda dạy các Chú thuật cho bảy vị triệu phú Bà La Môn và bảy trăm vị tịnh hạnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại ðiển Tôn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Một - Phẩm đại - Kinh Thích Vấn
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Quang Minh đồng Tử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Chiếu Minh
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Hội Tông