Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bảy - Phẩm Thi La Ba La Mật - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
PHẨM THỨ BẢY
THI LA BA LA MẬT
PHẦN NĂM
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Đấng mắt sáng cứu đời
Bậc tối thượng tất cả
Giỏi hiểu phương chữa trị
Nên chứng quả tịch diệt
Qua lại theo lời thầy
Cảm báo lành như vậy
Chưa từng bị khổ não
Và các nghiệp bất thiện
Mau sanh lên Cõi Trời
Mau trở lại loài người
Mau gặp Phật xuất thế
Mau rời xa các nạn
Giàu to của cải nhiều
Mắt thấy các kho kín
Tay rờ đến chỗ nào
Tự nhiên đầy của báu
Hóa hiện ao hồ đẹp
Thường đầy nuớc tám đức
Là quả lành tự tại
Chưa từng bị ưu não
Tay chân chẳng què vá
Không có tướng xấu xí
Thân thể chẳng khô héo
Cũng chẳng có giảm thiếu
Chẳng gù chẳng thiếu mắt
Ngón tay chẳng thiếu thừa
Đầu khác đỉnh đầu voi
Là quả lành tự tại
Dung mạo đều tròn đầy
Chất nặng như khối vàng
Đoan nghiêm người thích ngắm
Da thứa đều sáng bóng
Chư Thiên, Long, Quỷ, Thần
Và mọi người trong đời
Cung kính đồng cúng dường
Là diệu đức tự tại
Rời xa các ác đạo
Đến Cõi Trời cõi người
Mau ngộ đại bồ đề
Là quà lành tự tại
So sanh đã biết rõ
Tâm tất cả chúng sanh
Bốn phương đi bảy bước
Tiếng tốt cáo Thế Giới
Người ấy trí tối thượng
Người ấy huệ tối thượng
Giải thoát cũng tối thượng
Tối thượng trong chúng sanh
Huệ khiến huệ thanh tịnh
Huệ nương trí gây dựng
Huệ trí cùng giải thoát
Đều chứng y Chư Phật
Tự tánh sanh do huệ
Thấy biết thì do trí
Nếu có đủ trí huệ
Cầu chi đều toại nguyện
Nghĩa thậm thâm như vậy
Phật vì ông nói lượt
Người thiểu dục vô huệ
Đâu thọ được nghĩa này
Họ bị si làm si
Các ác bức ngặt họ
Phát khởi lòng giận hờn
Chẳng kính trọng chánh pháp
Nếu chúng sanh thiểu dục
Với chánh pháp như vậy
Chẳng có lòng kính trọng
Lại phát khởi việc khác
Chúng sanh chẳng kính pháp
Hờn ghét và mê chấp
Lòng họ thưởng ô nhiễm
Chẳng nên đem dạy họ
Các người đến ngày già
Suy yếu bệnh trầm trọng
Đến giờ họ lâm chung
Luống nói trụ thân sau
Các người đến ngày già
Suy yếu bệnh trầm trọng
Vọng hưởng phần Ứng Cúng
Mau đọa vào địa ngục
Còn khó được đủ giới
Huống quả A La Hán
Người tin xây Miếu Thờ
Do đó lại bị đọa.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát siêng tu hành giới hạnh như vậy. Vì cầu Bồ Tát tạng nên Đại Bồ Tát đem thân thờ các bậc thầy chánh hạnh, do đó được công đức như trên đã nói, lại còn được công đức bội hơn trước vô số lượng vô biên bất khả tư nghị. Phải biết Đại Bồ Tát an trụ tạng Bồ Tát như vậy khéo thật hành tự tại các Bồ Tát hạnh giới thanh tịnh vi diệu.
Này Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là giới thanh tịnh vi diệu?
Này Xá Lợi Phất! Vì thật hành Thi La Ba la mật nên Đại Bồ Tát được mười thứ Thi La thanh tịnh mà ông nên biết:
Một là đối với chúng sanh không bao giờ làm tổn hại.
Hai là đối với tài vật của kẻ khác chẳng bao giờ cướp trộm.
Ba là đối với thê thiếp của người chẳng bao giờ nhiễm ô.
Bốn là đối với tất cả chúng sanh chẳng bao giờ khi dối.
Năm là với quyến thuộc thì hòa hiệp chẳng bao giờ trái rời.
Sáu là đối với chúng sanh chẳng bao giờ nói thô cộc, vì hay nhịn chịu ác ngôn của họ.
Bảy là xa rời ỷ ngữ, vì lời nói ra đều đã suy gẫm kỹ.
Tám là xa rời tham lam, vì đối với sự thọ dụng của người không có ngã sở.
Chín là xa rời giận hờn, vì hay nhịn chịu lời thô việc nhục.
Mười là xa rời tà kiến, vì chẳng tôn thờ Chư Thiên Tiên thần quỷ khác.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi La thanh tịnh mà ông nên biết:
Một là Thi La chẳng khuyết, vì chỗ chứng được chẳng do vô trí.
Hai là Thi La chẳng thủng vì sự bất bình đẳng đã xa rời.
Ba là Thi La chẳng lem, vì tất cả phiền não chẳng xen tạp.
Bốn là Thi La chẳng nhiễm ô, vì được pháp lành làm tăng trưởng.
Năm là Thi La đáng dâng cúng, vì tùy ý muốn đều tự tại hành động.
Sáu là Thi La đáng ngợi khen, vì các bậc trí chẳng quở rầy.
Bảy là Thi La chẳng thể chê, vì tất cả lỗi xấu đều chẳng dung chứa.
Tám là Thi La khéo bảo hộ, vì khéo giữ gìn sáu căn.
Chín là Thi La khéo phòng thủ, vì chánh trí tự nhiên luôn hiện tiền.
Mười là Thi La khéo xu hướng, vì Bồ Đề nguyện làm trợ bạn.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi La thanh tịnh mà ông nên biết:
Một là Thi La thiểu dục, vì đúng pháp thanh tịnh khéo biết lượng.
Hai là Thi La tri túc, vì dứt hẳn tất cả sự tham trước.
Ba là Thi La chánh hạnh, vì hay làm cho thân tâm đều xa rời.
Bốn là Thi La tịch tĩnh, vì những ồn náo đều bỏ xa.
Năm là Thi La có nhiều công đức trừ bỏ thị cục, vì do thiện căn tự tại mà thành.
Sáu là Thi La Thánh chủng tri túc, vì với dung nhan người chẳng đoái chẳng hy vọng.
Bảy là Thi La làm đúng như lời, vì trong tối hay sáng đều phụng nhiếp chẳng khi Trời, Người.
Tám là Thi La tự xét lỗi mình, vì thường dùng gương pháp soi rõ tâm mình.
Chín là Thi La chẳng chê người kém, vì giữ ý cho người.
Mười là Thi La thành thục chúng sanh, vì chẳng bỏ rời các nhiếp pháp.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi La thanh tịnh mà ông nên biết:
Một là Thi La lòng tin thanh tịnh đối với pháp, vì thủ hộ chánh pháp.
Ba là Thi La lòng tin thanh tịnh đối Tăng, vì tôn kính Thánh Chúng.
Bốn là Thi La cúi xuống làm việc, vì chẳng rời suy tư Phật bồ đề.
Năm là Thi La gần thiện hữu, vì khéo chứa nhóm giác phần tư lương.
Sáu là Thi La rời xa ác hữu, vì vứt bỏ tất cả ác pháp.
Bảy là Thi La Đại Từ Ba la mật, vì thành thục các chúng sanh.
Tám là Thi La Đại Bi Ba la mật, vì làm cho chúng sanh khốn ách được giải thoát.
Chín là Thi La Đại Hỉ Ba la mật, vì với chánh pháp sanh lòng hỉ lạc.
Mười là Thi La Đại Xả Ba la mật, vì với các tham sân đều xả bỏ cả.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi La thanh tịnh mà ông nên biết:
Một là Thi La Đàn Na Ba la mật, vì khéo thành thục các chúng sanh.
Hai là Thi La Sằn Đề Ba la mật, vì khéo hộ trì tâm chúng sanh.
Ba là Thi La Tỳ Lê Gia Ba la mật, vì với các chúng hạnh chẳng thối chuyển.
Bốn là Thi La Tĩnh Lự Ba la mật, vì khéo đầy đủ tịnh lự tư lương.
Năm là Thi La Bát Nhã Ba la mật, vì lắng nghe căn bổn không nhàm không đủ.
Sáu là Thi La vui cầu nghe pháp, vì thường tra thỉnh cầu Bồ Tát tạng.
Tám là Thi La chẳng bảo trọng mạng sống, vì dùng tâm như ảo thường quán sát.
Chín là Thi La các ý nguyện đầy đủ, vì khéo thanh tịnh từ lúc phát tâm.
Mười là Thi La hòa hiệp Phật Giới luật, vì hồi hướng tất cả giới của Như Lai.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, vì Đại Bồ Tát đầy đủ giới thanh tịnh như vậy nên chẳng có sự khoái lạc vi diệu nào của Trời của người mà Đại Bồ Tát chẳng hưởng thọ, chẳng có nghề nghiệp khéo giỏi nào của thế gian mà Đại Bồ Tát chẳng biết.
Chẳng có đồ cần dùng náo của chúng sanh thế gian mà Đại Bồ Tát chẳng đủ, chẳng có phàm phu nào chẳng gây oán hại mà Đại Bồ Tát chẳng hề giận họ.
Chẳng có thế gian nào chẳng hư dối gạt gẫm mà Đại Bồ Tát đều chẳng tin nhận, không có chúng sanh thế gian nào mà Đại Bồ Tát chẳng tưởng là cha ruột đối với họ, không có chúng sanh thế gian nào mà Đại Bồ Tát chẳng tưởng là mẹ ruột đối với họ.
Không có chúng sanh thế gian nào mà Đại Bồ Tát chẳng có ý tưởng bảo nhiệm gần gũi họ, không có một pháp hữu vi nào mà Đại Bồ Tát chẳng tưởng là vô thường sanh diệt.
Này Xá Lợi Phất! Biết rõ các hành vô thưởng rồi Đại Bồ Tát chẳng kể thân mạng tu tập giới thanh tịnh thật hành chánh hạnh của Chư Bồ Tát làm, đó là sẽ thành mãn Thi La Ba la mật vậy.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Trụ Thi La thanh tịnh
Bồ Tát có thể dùng
Diệu sắc diệu âm thanh
Tế độ người ưa pháp
Mặt mắt đều viên tịnh
Chẳng đui điếc què gù
Các thân phần đoan chánh
Đều do tịnh giới sanh
Có đủ thế lực lớn
Chói rực oai quang lớn
Lại do tinh tấn huệ
Khiến ác ma kinh sợ
Vua chúa đều cúng dường
Trời Rồng đều tôn kính
Khéo dứt các lưới nghi
Siêng tu hành đại từ
An trụ tại giới tụ
Pháp hành danh xưng lớn
Khổ bức chẳng e sợ
Trọn chẳng đọa ác thú
Chúng sanh hôn mê ngủ
Bồ Tát đánh thức họ
Thường không có tạm ngủ
Cầu pháp khắp bốn phương
An trụ tại giới tụ
Vì cầu tại giới tụ
Xả thí thượng trân bửu
Vợ con xương thịt mình
Cầu giáo pháp vô thượng
Phải cung kính cúng dường
Các bậc đời dựa nương
Nếu bị người mắng nhiếc
Não hại cùng đánh đập
Thêm thương và khen họ
Là do được lòng nhẫn
Tu hành đúng như lời
Lời nói thường chẳng dối
An tọa Đạo Tràng rồi
Đại Địa đều chấn động
Với Phật Pháp không nghi
Bỏ rời đại chúng tà
Được nhân Thiên tôn thờ
Gọi là cúng Thế Tôn
Các chúng sanh thế gian
Dùng dao gậy hại nhau
Hay khiến họ hòa hiệp
Đây là trí Bồ Tát
Chúng sanh bị khổ nặng
Nhiều trăm câu chi kiếp
Dầu họ chẳng đến cầu
Bồ Tát chẳng bỏ họ
Bạn lành đàm luận chung
Do đây được nghĩa lợi
Mà chúng sanh chẳng cầu
Trở lại hại lẫn nhau
Bồ Tát đem trân bửu
Đầy khắp cả đại địa
Và quốc độ Chư Phật
Dùng để cầu thiện hữu
Giả sử lầy dao bén
Cắt dứt lìa thân ta
Với các chúng sanh ấy
Thường có lòng bình đẳng
Bỏ hành động kẻ ngu
Làm nhân duyên Phật Pháp
Thường giự giới thanh tịnh
An trụ pháp vi diệu
Tu Tập pháp tùy thuận
Hành diệu hạnh bồ đề
Tam minh huệ Cam Lộ
An trụ tại giới tụ
Tu học các Phật Pháp
Đây là người trí huệ
Trời người nên cúng dường
Biết rõ tất cả pháp
Khéo thấu các nghề giỏi
Hiểu sâu ý chúng sanh
Hoằng dương pháp vi diệu
Giới tụ đã thanh tịnh
An tọa cội Bồ Đề
Hàng phục quân ma dữ
Ngộ vô thượng Chánh Giác
Sáng soi khắp Thế Giới
Như tia sáng nhật nguyệt
Bồ Tát bậc tôn quí
Hay mở mắt huệ Thánh
Trao tay dìu chúng sanh
Hỏi đạo đều khai thị
Thường vui nhận lời người
Chẳng hề có ganh ghét
Bỏ vô lượng thân mình
Bố thí nhiều của báu
Chẳng hề có xa rời
Phật bồ đề tối thượng
Tín giới đã tròn đủ
Khéo trụ lời chắc thiệt
Chẳng hề có ảo ngụy
An trụ tại giới tụ
Người đến chỗ Bồ Tát
Hợc đặt lời hư vọng
Dầu nghe chẳng phản đối
Mà luôn nương lời thiệt
Nếu ai hứa Bồ Tát
Giả nói cho y thực
Trọn không đem đến cho
Bồ Tát không hề giận.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, vì đầy đủ Thi La thanh tịnh như vậy nên Đại Bồ Tát đối với các hành thường tưởng là chẳng nên ưa thích, với các chúng sanh trưởng là cha mẹ, với các hữu tình tưởng khó bảo toàn, với diệu ngũ dục tưởng chẳng phải diệu, với cảm giác hay biết tưởng chẳng hay biết. Có quan niệm như vậy rồi chẳng sanh khởi tâm bình đẳng chẳng bình đẳng.
Tại sao?
Lúc Bồ Tát quan niệm như vậy, nếu sẽ phát khởi tâm bất bình đẳng thì nên khiến nhiễm tâm chuyển đổi bất bình đẳng, suy gẫm rằng nhãn và sắc làm duyên mà sanh nhãn thức, nhiễm tâm sanh diệt đều do chủng tử mà tâm thể ấy phát sanh, đối cảnh sở duyên vọng tâm cho là tịnh. Nếu suy gẫm biết được nó là phi lý và thể chất bất tịnh thì được giải thoát, nếu giải thoát nó thì là nó hết.
Nó hết chỗ nào?
Đó là tham hết, sân hết, si hết. Hết như vậy thì chẳng phải tham hết sân hết si hết.
Tại sao?
Nếu sát na tham có tận diệt thì lẽ ra có tham khác hết khác. Như vậy thì lẻ ra tham là thiệt hết là thiệt. Nếu tham là thiệt thì lẽ ra chẳng diệt tận.
Nhưng này Xá Lợi Phất! Tất cả hữu tình đều do chẳng chánh tư duy chẳng tác ý đúng lý nên sanh tham dục, xét về tham dục do phân biệt mà khởi lên.
Nếu không phân biệt thì tình chấp dứt, nếu tình chấp dứt thì không có thiệt, do vì không thiệt nên trong đó không có tham, vì không tham nên tức là chân thật.
Nếu là chân thật thì trong ấy không khổ. Do vì không khổ thì không thiêu não. Vì không thiêu não nên tức là chân thật. Nếu là chân thật thì trong ấy không thật. Vì không nhiệt nên tức là thanh lương nên tức là Niết Bàn. Ở trong Niết Bàn không có tham ái.
Tại sao?
Này Xá Lợi Phất! Xét về Niết Bàn không có tư lự. Ta phải trừ diệt tham ái ấy. Vì tham ái hết nên gọi là được Niết Bàn. Nếu như vậy thì năng tham khác và sở tham khác, Niết Bàn lại khác. Đây nếu khác thì ở kia là kia.
Nếu ở kia là kia, người trí phải nên suy tầm chỗ thiệt của kia. Suy tầm rồi chẳng được chỗ chắc thiệt. Nếu không chắc thiệt thì là hư giả. Nếu là hư giả thì là tịch tĩnh. Nếu là tịch tĩnh thì là không.
Không có pháp gì?
Không có ngã và ngã sở hoặc thường hoặc hằng hoặc trụ hoặc biến dị thì không có hữu tình không có thọ giả. Do như vậy nên không có khởi tham sân si.
Này Xá Lợi Phất! Do cớ gì có ngã và ngã sở, chấp đây là ngã đây là ngã sở hữu?
Vì điên đảo chấp ngã nên chấp ngã sở hửu. Vì chấp ngã sở hữu nên có sở tác. Ở trong sở tác phát khởi bốn hành động, đó là thân sở tác, ngữ sở tác, ý sở tác, do ý tư duy khởi thô ác ngữ, từ đó bèn phát sanh vận dụng thân để làm hại.
Này Xá Lợi Phất! Tất cả phàm phu ngu si do vì họ phát khởi ý tưởng mình người dị biệt nên bị ý tưởng nó nắm, bị ý tưởng nó trói. Đại Bồ Tát do thật hành Thi La Ba la mật nên biết rõ sự ấy là điên đảo rồi chẳng quen gần các hành.
Tại sao?
Vì do quen gần mà sanh sợ sệt. Đại Bồ Tát nghĩ rằng nay ta vì cầu không sợ sệt để độ các chúng sanh thì chẳng nên ở nơi kia mà sanh sợ sệt, ta phải cùng kia thân ái.
Này Xá Lợi Phất! Thế nào là đối với chúng sanh Đại Bồ Tát tưởng là cha mẹ?
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát nghĩ rằng từ đời lâu xa quá khứ đến nay không có một chúng sanh nào mà chẳng phải là cha là mẹ. Tất cả chúng sanh chắc chắn từng làm cha hoặc mẹ ta, do vì ở nơi họ sanh tâm tham nên bỏ ý tưởng là mẹ, sanh tâm sân nên bỏ ý tưởng là cha, mãi lưu chuyển sanh tử chẳng dứt. Suy nghĩ như vậy rồi ở nơi chúng sanh Đại Bồ Tát đều tưởng là quyến thuộc cả.
Này Xá Lợi Phất! Như thuở quá khứ vô số vô lượng bất tư nghị kiếp, bấy giờ có Phật Hiệu Tối Thắng Chúng xuất thế đủ mười hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện thệ, Thế Gian Giải, vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Phật ấy thọ chín câu chi năm cùng chín câu chi na do tha chúng đại Thanh Văn câu hội. Lúc ấy có Bồ Tát tên Đắc Niệm sanh tại Vương cung, thân hình đoan nghiêm khả ái có đủ sắc tướng tròn sạch đệ nhất.
Lúc Bồ Tát sơ sanh, Phụ Vương đã ban cho tám vạn bốn ngàn thể nữ trẻ, quyến thuộc lại tặng tám vạn bốn nghìn thể nữ trẻ đẹp, bạn hữu của Phụ Vương cũng tặng tám vạn bốn ngàn thể nữ trẻ đẹp, muốn lúc Bồ Tát lớn lên có người theo hầu.
Bấy giờ Phụ Vương lại vì Bồ Tát mà xây cung điện ba mùa: Điện mùa nóng, điện mùa mưa và điện mùa lạnh, để Bồ Tát theo mùa tùy ý ở. Lại còn ban cho trăm ngàn kỹ nhạc làm vui Bồ Tát. Lúc nghe nhạc âm nổi lên, Bồ Tát ấy có ý tưởng sanh diệt vô thường.
Lúc tiếng nhạc tạm dứt, Bồ Tát ấy suy tìm âm thanh ấy nương gì mà khởi, chỗ nào mà sanh, từ đâu mà dứt, chỗ nào mà mất. Lúc quan sát như vậy, Bồ Tát ấy chẳng còn ý tưởng ngày đêm sai biệt, chỉ luôn tưởng vô thường, tưởng không có gì đáng vui ưa ở thế gian cả.
Này Xá Lợi Phất! Trong bốn vạn năm, Bồ Tát Đắc Niệm chưa hề ham say âm nhạc, lại trong bốn vạn năm nữa, đối với ngũ dục chưa hề tham nhiễm.
Khi ấy Bồ Tát Đắc Niệm ở trong thâm cung nhập tứ tĩnh lự phát ngũ thần thông, liền dùng sức thần túc bay lên hư không thẳng đến chỗ đức Tối Thắng Chúng Như Lai thưa thỉnh được chút ít chánh pháp rồi trở về bổn cung.
Ngày đức Tối Thắng Chúng Như Lai nhập Niết Bàn, Bồ Tát Đắc Niệm lại đến chỗ ở của Phật hỏi Chư Tỳ Kheo hiện nay Đức Như Lai ở đâu, tôi muốn được hầu cận cúng dường. Chư Tỳ Kheo cho biết là Đức Phật Tối Thắng Chúng đã nhập Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lê Tê đạt đa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Tán Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba - Phẩm Quán Chiếu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Mười Hai - Tâm Giải Thoát