Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Phạm Võng - Phần Năm

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH PHẠM VÕNG  

PHẦN NĂM  

Này các Tỳ Kheo, có một số Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp.

Và những Sa Môn, Bà La Môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp?

Này các Tỳ Kheo, có Sa Môn hay Bà La Môn chủ trương và quan niệm: Khi nào bản ngã này tận hưởng, sung mãn năm món dục lạc, như thế bản ngã ấy đạt đến tối thượng Niết Bàn của loài hữu tình.

Một vị khác lại nói: Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói.

Tôi không nói bản ngã ấy không có.

Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng Niết Bàn.

Vì cớ sao?

Vì rằng tính của dục lạc là vô thường, khổ, biến dịch.

Vì tánh của chúng là biến dịch, chuyển hóa, nên ưu, bi, khổ, muộn, não phát sanh.

Khi nào bản ngã ấy ly các dục lạc, ly các ác pháp, đạt đến và an trú vào đệ nhất thiền.

Thiền định này có tầm, có tứ, có hỷ và có lạc, do ly dục sanh.

Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình.

Một vị khác lại nói: Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói.

Tôi không nói bản ngã ấy không có.

Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Vì cớ sao?

Vì ở đây thiền định ấy có tầm, có tứ nên gọi là thô tháo.

Khi nào bản ngã ấy có tầm và tứ, đạt đến và an trú đệ Nhị Thiền.

Thiền định này nội tâm yên tĩnh, trí chuyên nhất cảnh, không tầm, không tứ, hỷ lạc do định sanh.

Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình.

Một vị khác lại nói: Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói.

Tôi không nói bản ngã ấy không có.

Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Vì cớ sao?

Vì ở đây tâm trí có hỷ và bị kích động nên gọi là thô tháo.

Khi nào bản ngã ấy không tham hỷ, trú xả, chánh niệm, chánh trí, thân hưởng lạc mà các Bậc Thánh gọi là hỷ niệm lạc trú  đạt đến và an trú đệ tam thiền.

Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Như vậy, có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình.

Một vị khác lại nói: Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói.

Tôi không nói bản ngã ấy không có.

Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Vì cớ sao?

Vì ở đây tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy xả lạc và xả khổ, diệt trừ hỷ và ưu về trước, đạt đến và an trú vào đệ tứ thiền.

Thiền này không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết Bàn.

Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình.

Này các Tỳ Kheo, những Sa Môn, Bà La Môn ấy chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp.

Này các Tỳ Kheo, nếu có những Sa Môn, Bà La Môn nào chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình, những vị này sẽ chấp cả năm luận chấp trên, hay một trong năm luận chấp trên, ngoài ra không còn một luận chấp nào khác nữa.

Này các Tỳ Kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy. Như Lai tuệ tri như vậy.

Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh.

Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng.

Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỳ Kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỳ Kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết.

Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết.

Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

Này các Tỳ Kheo, những Sa Môn, Bà La Môn ấy luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, sẽ đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp.

Này các Tỳ Kheo, những Sa Môn hay Bà La Môn nào, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác.

Chúng sẽ chấp bốn mươi bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các Tỳ Kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy. Như Lai tuệ tri như vậy.

Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy.

Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh.

Ngài như thật tuệ tri sư tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng.

Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỳ Kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Này các Tỳ Kheo, những Sa Môn, Bà La Môn ấy luận bàn về quá khứ tối sơ và luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp.

Này các Tỳ Kheo, những Sa Môn hay Bà La Môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác.

Những vị ấy sẽ chấp sáu mươi hai luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các Tỳ Kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mệnh như vậy. Như Lai tuệ tri như vậy.

Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh.

Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng.

Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỳ Kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Những pháp ấy, này các Tỳ Kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết.

Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết, và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

Kết luận: Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương thường trú luận, chấp bản ngã và Thế Giới là thường trú với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương một phần thường trú luận, một phần vô thường luận, chấp bản ngã và Thế Giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu biên vô biên luận, chấp Thế Giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương ngụy biện luận.

Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương vô nhân luận, chấp bản ngã và Thế Giới do vô nhân sanh với hai luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp trước sự hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp.

Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa Môn, Bà La Môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương thường trú luận, chấp bản ngã và Thế Giới là thường trú với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương một phần thường trú luận, một phần vô thường luận, chấp bản ngã và Thế Giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu biên vô biên luận, chấp Thế Giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương ngụy biện luận.

Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi là do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương vô nhân luận, chấp bản ngã và Thế Giới do vô nhân sanh với hai luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y chỉ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương phi hữu tưởng phi vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp trước sự hiện tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp.

Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm của các căn.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương thường trú luận, chấp bản ngã và Thế Giới là thường còn với bốn luận chấp.

Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương một phần thường trú luận, một phần vô thường luận, chấp bản ngã và Thế Giới, là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp.

Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu biên vô biên luận, chấp Thế Giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp.

Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương ngụy biện luận.

Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp.

Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương vô nhân luận, chấp bản ngã và Thế Giới do vô nhân sanh với hai luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y chỉ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp.

Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương, trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hiện tại Niết Bàn luận, chấp trước hiên tại Niết Bàn của loài hữu tình với năm luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp.

Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp.

Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc.

Này các Tỳ Kheo, ở đây có những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương thường trú luận, chấp bản ngã và Thế Giới là thường còn với bốn luận chấp.

Những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương một phần thường trú luận, một phần vô thường luận.

Những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương ngụy biện luận.

Những Sa Môn, Bà La Môn, chủ trương vô nhân luận.

Những Sa Môn, Bà La Môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hữu tưởng luận sau khi chết, những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương vô tưởng luận sau khi chết.

Những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết.

Những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương đoạn diệt luận.

Những Sa Môn, Bà La Môn chủ trương hiện tại Niết Bàn luận.

Những Sa Môn, Bà La Môn luận bàn về quá khứ tối sơ.

Những Sa Môn, Bà La Môn luận bàn về tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp.

Tất cả những vị này có những cảm thọ những chủ trương trên do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ.

Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi.

Do duyên tham ái, thủ phát khởi.

Do duyên thủ, hữu phát khởi.

Do duyên hữu, sanh phát khởi, do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi.

Này các Tỳ Kheo, khi Tỳ Kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên.

Này các Tỳ Kheo, có những Sa Môn, Bà La Môn nào luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai.

Y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.

Này các Tỳ Kheo, cũng ví như người đánh cá lành nghề hay người học đánh cá vung lưới trên mặt hồ nước nhỏ có mắt sít sao.

Người ấy nghĩ: Những con cá lớn ở trong hồ nước nhỏ này, tất cả chúng đều bị bao phủ trong tấm lưới này, dầu chúng có nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.

Cũng như vậy này các Tỳ Kheo, những Sa Môn, Bà La Môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác, tất cả những vị này đều bị bao phủ trong lưới của sáu mươi hai luận chấp này.

Dầu có nhảy vọt lên, những vị này vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây.

Này các Tỳ Kheo, thân của Như Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến đời sống khác đã bị chấm dứt.

Khi thân của vị này còn tồn tại thời Chư Thiên và loài người còn có thể thấy thân ấy.

Khi thân hoại mạng chung, thời Chư Thiên và loài người không thể thấy được.

Này các Tỳ Kheo, như nhánh có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung một số phận với nhánh kia. Cũng như vậy này các Tỳ Kheo, thân của Như Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt.

Khi thân của vị này còn tồn tại thời Chư Thiên và loài người có thể thấy thân ấy.

Khi thân hoại mạng chung thời Chư Thiên và loài người không thể thấy được.

Khi nghe nói vậy, Đại Đức A Nan Đa bạch Đức Thế Tôn: Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn!

Pháp môn này gọi là gì, bạch Thế Tôn?

Này A Nan Đa, pháp môn này gọi là Lợi Võng, hãy như vậy mà phụng trì.

Gọi là Pháp Võng, hãy như vậy mà phụng trì.

Gọi là Phạm Võng, hãy như vậy mà phụng trì.

Gọi là Kiếm Võng, hãy như vậy mà phụng trì.

Gọi là vô thượng chiến thắng, hãy như vậy mà phụng trì.

Thế Tôn thuyết như vậy.

Các Tỳ Kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Trong khi Kinh này được truyền thuyết, một ngàn Thế Giới đều rung động.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường