Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Năm - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI NĂM

PHÁP HỘI

VĂN THÙ SƯ LỢI THỌ KÝ  

PHẦN HAI  

Này thiện nam tử! Thế Giới ấy cũng có thiện nam tử, thiện nữ nhân tu hành Bồ Tát thừa đã từng cúng dường vô lượng Chư Phật, thành tựu hạnh nhẫn nhục cứu hộ chúng sanh giỏi tự điều phục.

Nếu bị gia hại những người này đều có thể nhẫn chịu không hề buông lung tham sân si. Do có những thiện trượng phu ấy nên gọi là Thế Giới Ta Bà.

Lại trong cõi ấy cũng có chúng sanh đầy đủ những điều ác ít biết hối lỗi tâm họ thô dữ không tàm quí, chẳng kính Phật, chẳng trọng pháp, chẳng mến Tăng nên thường đọa địa ngục ngạ quỉ súc sanh.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong các chúng sanh hạ liệt ấy đều nhẫn thọ được tất cả sự mạ nhục ghét hờn chê bai não loạn mắng chửi khủng bố, tâm Phật như Đại Địa chẳng ai lay động được, không chỗ trái nghịch được. Nếu được cúng dường tôn trọng, tâm Phật không cao hạ cũng không ghét thương. Vì cớ đó nên Thế Giới ấy tên là Ta Bà.

Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi được lợi lành lớn là chẳng sanh vào trong chúng sanh hạ liệt tệ ác ấy.

Này thiện nam tử! Chớ có nói như vậy.

Tại sao?

Phương Đông Bắc có Thế Giới tên Diệu Trang Nghiêm Nhẫn hiện có Phật Hiệu Đại Tự Tại Vương. Chúng sanh cõi ấy thảy đều đầy đủ một bề an vui như Tỳ Kheo nhập diệt tận định. Nếu có người ở cõi ấy tu phạm hạnh trăm ngàn ức năm chẳng bằng ở cõi Ta Bà tu khoảng đàn chỉ.

Đối với chúng sanh khởi tâm từ bi được công đức còn nhiều hơn nữa, huống là an trụ tâm thanh tịnh một ngày một đêm.

Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi muốn qua Thế Giới Ta Bà kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni và Chư Bồ Tát cùng nghe pháp.

Đức Phật Ta La Khởi Vương bảo Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tụ Vương Bồ Tát rằng: Nên đi, nay đã phải lúc.

Bồ Tát ấy nghĩ rằng nay tôi phải hiện thần thông gì để qua lễ kính Thích Ca Mâu Ni Như Lai?

Nghĩ xong liền hóa lọng báu che trùm Cõi Đại Thiên này, có trăm ngàn muôn ức chuỗi ngọc phan báu rũ thòng giáp vòng, mưa các thứ hoa.

Tự nhiên trỗi trăm ngàn âm nhạc, lại khiến trong hội này hàng tứ chúng và Bát Bộ Nhân Phi Nhân tự thấy mình có đủ ba mươi hai tướng hiện ra trong lọng báu ấy.

Hiện thần thông xong, Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tụ Vương Bồ Tát cùng mười ức Bồ Tát trong khoảng một niệm ẩn nơi kia hiện ra nơi đây, đến lễ chân Phật rồi theo hướng đã đến dùng nguyện lực hiện đài sen mà ngồi.

Như vậy khắp mười phương có vô lượng Phật Độ, trăm ngàn ức Bồ Tát thấy ánh sáng và nghe tiếng đặng hắng của Phật, đồng thưa bạch cùng Đức Như Lai bên ấy rồi đồng qua Thế Giới này lễ chân Phật hiện đài sen mà ngồi.

Trong Thế Giới này, hàng Thích Phạm Hộ Thế đại oai đức Chư Thiên Bát Bộ đều thấy ánh sáng và nghe tiếng Phật cũng đồng đến lễ chân Phật rồi ngồi một phía.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hiện thần biến làm cho vô lượng Bồ Tát ở mười phương đến đều thấy cõi này công đức trang nghiêm và thân lượng của Phật cũng đồng với Phật Độ mình không chút sai khác. Nhưng Chư Bồ Tát ấy vẫn biết rõ độ kia cõi này chẳng tạp loạn.

Đức Di Lặc Bồ Tát đứng dậy chỉnh y trịch bày vai hữụ gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật mà nói kệ rằng:

Danh chấn mười phương trí vô lượng

Phóng đại quang minh chiếu thế gian

Tất cả chúng sanh cùng đo lường

Chẳng lường được trí huệ Thế Tôn

Mười phương vô lượng ức Bồ Tát

Vì cầu pháp nên đồng đến họp

Mà đều tin ưa các pháp môn

Nguyện Phật diễn nói cho vui mừng

Như Lai giới định và trí huệ

Danh xưng nghe khắp mười phương cõi

Thuyết pháp vô úy như sư tử

Sáng khắp hư không như mặt nhật

Tất cả Trời Rồng và La Sát

Và Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni

Chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di

Chắp tay thích nghe Đức Phật nói

Quá khứ vị lai và hiện tại

Thế Tôn nơi ấy đều biết rõ

Dùng sức thắng giải cứu quần mê

Mong giải quyết nghi cho hiểu rõ

Thế nào trí hành của Bồ Tát

Nghiêm tịnh Phật Độ cho sáng sạch

Thế nào thệ nguyện mau thành mãn

Nay thỉnh Như Lai tuyên nói cho

Thế nào không tham giới không khuyết

Hay nhẫn các sự mắng nhục đánh

Tinh tấn tu hành không biếng lười

Giải thoát vô lượng chúng sanh khổ

Chuyên tâm ưa nhập môn Tam Muội

Ở yên Cung Điện thiền thanh tịnh

Ở Đời lợi ích mà không nhiễm

Ví như hoa sen chẳng dính nước

Thế nào trí huệ xuất thế gian

Diễn nói pháp thậm thâm vi diệu

Hàng phục tất cả các chúng ma

Mau đầy đủ được Xa Ma Tha.

Đức Thế Tôn bảo Di Lặc Bồ Tát rằng: Nay ông vì Phật mà sắp đặt Pháp Tọa. Phật sẽ thăng tòa nói chỗ tu hành theo trí nguyện thuở trước, hay khéo xuất sanh Phật Độ công đức trang nghiêm xu hướng pháp môn chân thật.

Di Lặc Bồ Tát tự nghĩ rằng nay do ý nghĩa gì mà Đức Thế Tôn truyền tôi sắp đặt Pháp Tọa mà chẳng bảo các ông A Nan, Mục kiền Liên v.v... Tại sao Phật lại bỏ rơi các Thanh Văn.

Phải chăng Đức Thế Tôn chỉ vì Chư Bồ Tát mà thuyết pháp. Hoặc là hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng phải pháp Khí đối với Pháp Môn ấy. Vì lẽ ấy mà Đức Phật Thế Tôn truyền tôi sắp đặt Pháp Tọa.

Di Lặc Bồ Tát liền dùng thần thông hóa hiện Tòa Sư Tử báu cao bốn vạn do tuần giáp vòng trang nghiêm đẹp, trải tòa với thiên y mềm nhuyễn, từ Bảo Tòa ấy phát ra những tia sáng chiếu suốt tam thiên đại thiên Thế Giới này. Đức Như Lai thăng tòa, cả Thế Giới này chấn động sáu cách.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng: Bồ Tát thành tựu bốn pháp có thể làm cho sở nguyện đều được đầy đủ.

Những gì là bốn?

Một là phát trí nguyện thù thắng

Hai là đối với chúng sanh phát tâm thương xót.

Ba là phát khởi tinh tấn.

Bốn là kính thờ bậc Thiện Tri Thức.

Lại này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu một pháp làm cho sở nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Đó là Bồ Tát phải thích học theo đức Bất Động Như Lai lúc làm Bồ Tát tu hành lập thệ nguyện rộng lớn rằng: Tôi sanh vào xứ nào, lúc sơ sanh nếu chẳng xuất gia thì là khi dối Chư Phật mười phương. Chư Bồ Tát phải học theo như vậy. Hoặc có Phật xuất thế hay không có Phật xuất thế, tất cả đời sanh vào xứ nào đều quyết định xuất gia.

Tại sao?

Vì chỗ tối thắng của Bồ Tát là xuất gia vậy.

Này Xá Lợi Phất! Người thích xuất gia hay nhiếp lấy mười thứ công đức.

Những gì là mười?

Một là chẳng nhiễm lấy các dục lạc.

Hai là ưa thích nơi A Lan Nhã.

Ba là thật hành chỗ sở hành của Phật.

Bốn là rời lìa việc làm của phàm phu

Năm là chẳng nhiễm lấy vợ con và tài sản

Sáu là rời lìa nhân nghiệp ác đạo.

Bảy là tu tập các pháp thiện đạo.

Tám là căn lành đời trước đều chẳng tổn giảm.

Chín là luôn được Chư Thiên khen tặng.

Mười là tất cả quỉ thần đều cung kính thủ hộ.

Nếu Bồ Tát thường thích xuất gia thì được mười thứ công đức như vậy. Vì thế nên Bồ Tát có trí cầu bồ đề muốn độ chúng sanh thường phải xuất gia. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu một pháp.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu hai pháp làm cho sở nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ. Đó là Bồ Tát chẳng thích Thanh Văn địa chẳng cầu Thanh Văn thừa, chẳng ưa thích nói pháp Thanh Văn thừa, chẳng gần gũi người Thanh Văn thừa, chẳng học giới Thanh Văn, chẳng thích nói pháp cùng tương ưng với Thanh Văn thừa, cũng chẳng khuyên người hành Thanh Văn thừa.

Với Duyên Giác thừa, Bồ Tát chẳng ưa thích cũng như vậy. Bồ Tát chỉ vì Phật Pháp khuyến phát chúng sanh thành tựu tối thượng vô thượng bồ đề. Đây gọi là hai pháp vậy.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có ai khuyên người xu nhập Phật Thừa, Bồ Tát này có thể nhiếp lấy mười thứ công đức.

Những gì là mười?

Một là được Quốc Độ thanh tịnh không có Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Hai là được thuần một chúng Bồ Tát thanh tịnh.

Ba là được Chư Phật Thế Tôn hộ niệm.

Bốn là thường được Chư Phật xướng danh khen ngợi và thuyết pháp cho.

Năm là chỗ phát tâm đều rộng lớn.

Sáu là nếu sanh Cõi Trời thường làm Đế Thích hoặc Phạm Thiên Vương.

Bảy là nếu sanh nhân gian thì làm Chuyển Luân Vương.

Tám là thường thấy Chư Phật.

Chín là được Chư Thiên và người mến nhớ.

Mười là nhiếp lấy vô lượng vô biên A tăng kỳ công đức.

Tại sao?

Nếu có người hay khiến bao nhiêu chúng sanh toàn Cõi Đại Thiên. Tất cả đều được quả A La Hán, hoặc quả Duyên Giác. Nếu lại có người hay đặt một chúng sanh nơi Phật Bồ Đề, thì công đức này nhiều hơn công đức kia.

Tại sao?

Vì chẳng phải do Thanh Văn Duyên Giác xuất hiện mà Phật chủng chẳng dứt. Thế gian nếu không Phật thì không có Thanh Văn Duyên Giác.

Do Phật xuất hiện mà Phật chủng chẳng dứt và xuất sanh Thanh Văn Duyên Giác. Vì thế nên Bồ Tát làm cho người an trụ trong Phật Thừa thì được mười thứ công đức như vậy và được Quốc Độ thanh tịnh.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu ba pháp khiến sở nguyện chẳng thối lui nhiếp thọ Phật Độ công đức trang nghiêm.

Những gì là ba?

Một là tôn trọng ưa thích an trụ A Lan Nhã.

Hai là không chỗ nhiễm trước mà làm pháp thí.

Ba là bền vững an trụ luật nghi thanh tịnh.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát an trụ giới luật thì được mười thứ vô úy.

Những gì là mười?

Một là vào tụ lạc vô úy.

Hai là ở trong chúng thuyết pháp vô úy.

Ba là ẩm thực vô úy.

Bốn là ra khỏi tụ lạc vô úy.

Năm là vào Chùa vô úy.

Sáu là ở trong chúng ăn uống vô úy.

Bảy là giáo thọ vô úy.

Tám là thân cận Hòa Thượng A Xà Lê vô úy.

Chín là đối với quyến thuộc của mình, từ tâm dạy bảo vô úy.

Mười là thọ dụng bốn sự y phục, uống ăn, mền mùng, thuốc men vô úy.

Này Xá Lợi Phất! Người an trụ giới luật, có lời nói ra mọi người đều tin nhận. Đây là mười thứ vô úy của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thuyết pháp tâm không có chỗ nhiễm trước thì hay nhiếp thọ mười thứ công đức.

Những gì là mười?

Một là chẳng sanh ác dục.

Hai là chẳng cầu người khác biết mình.

Ba là chẳng phát khởi tâm cầu danh.

Bốn là đối với nhà đàn việt tâm chẳng nhớ luyến.

Năm là chẳng trông nom giữ gìn nhà đàn việt.

Sáu là với tứ sự cúng dường rất hạ liệt cũng lấy làm vui đủ.

Bảy là thuyết pháp khiến người tin nhận.

Tám là được thiện thần ủng hộ.

Chín là chẳng sanh tà giác.

Mười là phát khởi tâm niệm Phật.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát tôn kính thích ở A Lan Nhã thì thành tựu mười thứ công đức lợi ích.

Những gì là mười?

Một là xa rời ngôn luận thế tục.

Hai là chuyên quên nhàn tĩnh.

Ba là tâm duyên định cảnh.

Bốn là bỏ rơi những danh vụ.

Năm là mến ưa Chư Phật.

Sáu là hằng thọ thiền định hỉ lạc.

Bảy là lúc tu phạm hạnh không có chướng ngại.

Tám là dùng ít công lực mà được tam muội.

Chín là giáo pháp được thọ chưa hề quên mất.

Mười là pháp nghĩa được nghe thảy đều biết rõ.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu bốn pháp khiến sở nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Những gì là bốn?

Một là như lời nói hay làm được, như việc làm hay nói được.

Hai là thường tự khiêm hạ.

Ba là xa rời bỏn xẻn và ghen ghét.

Bốn là thấy người được lợi sanh lòng hoan hỉ.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát ấy như việc làm hay nói được có bốn điều lợi ích.

Những gì là bốn?

Một là trong miệng thường phát ra mùi thơm hoa sen xanh.

Hai là ngữ nghiệp thanh tịnh, lời nói không sai lầm.

Ba là tất cả thế gian đồng tin nhận.

Bốn là nhiếp thọ âm thanh viên mãn của Phật.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát khiêm hạ có bốn điều lợi ích:

Một là xa rời những thân súc sanh ác thú.

Hai là thọ khoái lạc vi diệu.

Ba là mưu ngầm giặc giữ đều chẳng hại được.

Bốn là kham thọ Trời và người cung kính lễ bái.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát rời bỏn xẻn ganh ghét có bốn điều lợi ích:

Một là chẳng quên mất lòng bố thí.

Hai là lúc đói khát thì làm nhà đại thí chủ.

Ba là thấy người trì giới đến thì tiếp rước dẫn vào.

Bốn là hoặc thọ người thí hay thí cho người không có ai ganh ghét.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thấy người được lợi sanh lòng hoan hỉ có bốn điều lợi ích:

Một là thường sanh tâm này: Tôi nhiếp chúng sanh phải cho họ lợi lạc, nay họ tự được lợi lạc nên tôi sanh lòng vui mừng.

Hai là chỗ có tài vật, Vua quan nước lửa cướp giặc oán thân đều chẳng xâm đoạt được.

Ba là tùy sanh xứ nào của báu và các con thảy đều đầy đủ, Vua chẳng còn đố kỵ huống là người khác.

Bốn là của cải chứa dùng đều vô tận.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu năm pháp khiến sở nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Những gì là năm?

Một là Bồ Tát đến chỗ Pháp Sư thăm hỏi tu những công hạnh gì có thể được Phật Độ thanh tịnh trang nghiêm?

Nếu được nghe, như lời tu hành.

Hai là do Bồ Tát trì giới thanh tịnh và nguyện lực nên sanh trong Phật Quốc. Được sanh Phật Quốc rồi quan sát nước ấy nhiều thứ trang nghiêm các thứ đồ dùng báu đẹp, chúng Thanh Văn và Bồ Tát thân tướng vi diệu.

Đối với Phật cung kính tôn trọng bạch hỏi Bồ Tát tu những công hạnh gì được Phật Độ rộng lớn thanh tịnh trang nghiêm?

Được Phật dạy cho rồi như pháp tu hành.

Ba là Bồ Tát có trí hành, phải tịnh trí ấy, phải tấn hành ấy.

Thế nào là tịnh trí?

Đó là ở nơi pháp năng duyên và pháp sở duyên xa rời trí Thanh Văn và Duyên Giác.

Thế nào là tấn hành?

Đó là như chỗ được nghe quyết định tu hành, rời lìa chẳng tu hành.

Bốn là Bồ Tát khéo biết nhân sanh tử và biết xuất ly. Nhân sanh tử là chẳng chánh tư duy, đây là chỗ y chỉ của bốn điên đảo làm nhân sanh tử. Xuất ly là chánh tu hành, với tất cả pháp chẳng sanh phân biệtđó là xuất ly vậy.

Năm là chỗ Bồ Tát biết rõ thể tánh Chư Phật và tánh Quốc độ đều chỉ có giả danh, giả danh cũng tịch diệt. Biết rõ như vậy nên chẳng sanh khởi tri tưởng.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu sáu pháp khiến mau được vô thượng bồ đề, cũng hay nhiếp lấy Phật Độ tối thượng: Một là Bồ Tát làm đại thí chủ, bao nhiêu vật sở hữu trân ngoạn khả ái đều hoan hỉ bố thí chẳng tiếc, lại nghĩ rằng tôi làm bố thí lớn để viên mãn đại thừa.

Nghĩa là lúc cầu vô thượng bồ đề, tất cả đều xả thí, lòng không luyến tiếc, đầy đủ thành tựu tư lương bồ đề, bỏ thân mạng này còn chẳng hối tiếc, huống là tư sản vợ con.

Này Xá Lợi Phất! Cớ chi Như Lai được gọi là Đấng nhất thiết trí?

Đó là lúc tu Bồ Tát hạnh, nơi sở hữu của mình đều xả bỏ tất cả, do đó được Bồ Đề rồi gọi là nhất thiết trí. 

Hai là Bồ Tát tại gia hay xuất gia, thà bỏ thân mạng chớ trọn chẳng phá giới. Đem sự trì giới ấy cùng chúng sanh hồi hướng vô thượng bồ đề. Trì giới như vậy tự cảm thấy vui mừng thích tu phạm hạnh, ngày đêm an vui càng siêng cầu pháp an trụ chánh tu hành, chán sợ Tam Giới mong cầu thoát ly.

Dầu thấy sức yếu mà nhớ đến chúng sanh, họ cũng khổ như tôi, tôi sẽ gánh lấy gánh nặng ấy nhiếp lấy chúng sanh đặt tại Niết Bàn an lạc. Trì giới như vậy lúc tự giác hỉ liền được tâm đại bi, nhẫn đến khi chưa được nhất thiết chủng trí chẳng bỏ tinh tấn xem như tự cứu lửa cháy đầu.

Ba là Bồ Tát mặc giáp nhẫn nhục rời cao mạn được sức đại nhẫn, nếu bị mắng hay đánh, tâm nhẫn thành tựu chẳng sanh sân hận. Giả sử có gậy lớn như núi Tu Di, có người cầm đánh mắng suốt cả ức kiếp cũng chẳng sanh lòng oán giận.

Tại sao?

Vì các chúng sanh ấy chẳng theo Phật Học, mà tôi thì đương theo Phật Học, được họ đánh mắng bao nhiêu thêm lớn đại bi bấy nhiêu. Tôi phải mặc giáp hoằng thệ nhiếp thủ chúng sanh làm cho họ được giải thoát nhập Niết Bàn, vì thế nên tôi chẳng nên sân hận.

Bồ Tát lúc đương an trụ nhẫn lực như vậy thì thành tựu mười điều đầy đủ: Một là chủng tánh, hai là tài sản, ba là quyến thuộc, bốn là sắc tướng, năm là thiện xả, sáu là thiện hữu, bảy là được nghe chánh pháp, tám là như lời nói tu hành, chín là lúc mạng chung được thấy Chư Phật, mười là được thấy Phật rồi sanh lòng tin thanh tịnh.

Bốn là Bồ Tát vì muốn thành tựu thiện pháp nên kiên cố tự định thời khóa phát khởi tinh tấn, lại vì mỗi mỗi chúng sanh mà tận thuở vị lai ở trong sanh tử thứ đệ tu hành các hạnh tinh tấn chẳng mỏi mệt.

Đem công nghiệp tự định khóa và đại bi ấy vì tất cả chúng sanh trong tất cả thời gian lúc còn lưu chuyển sanh tử chẳng bỏ chúng sanh.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát đem thất bảo đầy hằng sa Thế Giới mười phương, trong mỗi niệm, dâng lên Đức Như Lai, cúng dường nối tiếp như vậy mãi đến tận vị lai tế. Nếu có Bồ Tát phát tâm đại bi mặc giáp tinh tấn, công đức này nhiều hơn công đức kia.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát có đủ tinh tấn này thì được mười thứ pháp chi nguyện thù thắng.

Những gì là mười?

Một là rời lìa hạnh phàm ngu.

Hai là nhiếp thọ hạnh Phật.

Ba là thấy lỗi sanh tử.

Bốn là an trụ tâm đại bi.

Năm là chẳng thối thất tâm bổn nguyện.

Sáu là ít bệnh tật.

Bảy là thuận Chư Phật Giáo.

Tám là mỏng nhẹ dâm nộ si.

Chín là theo văn rõ nghĩa.

Mười là tu hành thành tựu.

Năm là Bồ Tát nghĩ rằng Chư Phật Như Lai tâm thường ở tại chánh định chưa hề thất niệm, tôi phải theo chỗ làm của Phật. Nếu tâm tán loạn thì trọn chẳng chứng được chỗ làm của Phật. Vì thế nên phải rời bỏ tất cả tâm chấp lấy, cũng bỏ tất cả lợi dưỡng cung kính tụ lạc thành ấp uống ăn đồ cần dùng và các thân hữu.

Vì muốn lợi ích các chúng sanh nên chẳng bỏ chúng sanh. Thường ưa ở A Lan Nhã chỗ tịch tĩnh, độc hành không bạn như con tê giác một sừng.

Ở chỗ tịch tĩnh rồi khởi tâm đại từ ban đầu khắp một phương rồi lần lần đến khắp mười phương đến khắp chúng sanh. Tâm từ khắp cả rồi được nhập thiền định.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát tại gia đem tất cả đồ dùng đáng ưa thích cúng dường tất cả hằng sa Chư Phật và Tỳ Kheo Tăng trong hằng sa kiếp.

Nếu có Bồ Tát xuất gia đi bảy bước hướng đến chỗ A Lan Nhã tịch tĩnh, phước đức này hơn phước đức kia nhiều. Vì có thể mau được đại Bồ Đề vậy.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát ưa ở tịch tĩnh nhập thiền định thì được mười thứ công đức lợi ích.

Những gì là mười?

Một là được niệm, hai là được huệ, ba là tu hành, bốn là biện luận mau, năm là được Đà La Ni, sáu là khéo biết pháp sanh, bảy là khéo biết pháp diệt, tám là giới tụ chẳng phạm, chín là Chư Thiên cúng dường, mười là chẳng tham sự tốt của người.

Sáu là Bồ Tát khéo biết trí huệ chẳng lưu, đó là trí huệ lấy giới làm đầu, pháp lành tăng trưởng lấy huệ làm đầu. Vì thế nên Bồ Tát phải học trí huệ.

Thế gian có bao nhiêu tất cả công xảo khó làm khó thành, tất cả y dược đều học hết mà sự thông hiểu này chẳng chứng nhập được ly dục tịch diệt, cũng chẳng thể xu hướng Bồ Đề, chẳng phải hướng Sa Môn, Bà La Môn, chẳng phải xu hướng Niết Bàn. Vì thế nên nay tôi phải lại khắp cầu công xảo pháp dược, do trí này khiến tôi được cứu cánh tịch diệt.

Bồ Tát cầu pháp bổn: Chẳng thấy chút pháp hay khởi được pháp. Do chẳng thấy nên an trụ nơi tịch diệt. Do an trụ tịch diệt thì không nhiệt não. Do không nhiệt não nên biết rõ sanh tử, vì chúng sanh mà thọ sanh để làm cho chúng sanh trừ diệt khổ sanh tử vậy. Đây là sáu pháp.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu bảy pháp khiến sở hữu chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Những gì là bảy?

Một là tự bỏ tất cả, mà thí bất khả đắc vậy.

Hai là chẳng khuyết phạm, mà chẳng dính mắc nơi giới vậy.

Ba là nhẫn nhục nhu hòa, mà chúng sanh bất khả đắc vậy.

Bốn là phát khởi tinh tấn, mà thân tâm bất khả đắc vậy.

Năm là thành tựu thiền định, mà chẳng trụ nơi thiền vậy.

Sáu là trí huệ viên mãn, mà vô phân biệt vậy.

Bảy là tùy niệm Chư Phật, mà xa rời tướng vậy.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu tám pháp khiến sở nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Những gì là tám?

Một là chẳng thích Niết Bàn, hai là bố thí đồ trang nghiêm, ba là tâm quảng đại, bốn là tôn kính Pháp Sư, năm là chẳng làm tà mạng, sáu là bình đẳng ban cho, bảy là chẳng tự căng cao, tám là chẳng khinh miệt người.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu chín pháp khiến nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Những gì là chín?

Một là đủ thân luật nghi, hai là đủ ngữ luật nghi, ba là đủ ý luật nghi, bốn là diệt các tham dục, năm là diệt các sân hận, sáu là diệt các ngu si, bảy là chẳng làm điều khi dối, tám là làm bạn kiên cố, chín là chẳng khinh mạn thiện tri thức.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu mười pháp khiến sở nguyện chẳng thối lui nghiêm tịnh Phật Độ.

Những gì là mười?

Một là nghe địa ngục khổ chỉ khởi đại bi mà chẳng kinh sợ.

Hai là nghe súc sanh khổ chỉ khởi đại bi mà chẳng kinh sợ.

Ba là nghe ngạ quỷ khổ chỉ khởi đại bi mà chẳng kinh sợ.

Bốn là nghe Chư Thiên suy não chỉ khởi đại bi mà chẳng kinh sợ.

Năm là nghe nhân gian đói khát giặc cướp oán địch giết hại chỉ khởi đại bi mà chẳng kinh sợ.

Sáu là Bồ Tát tự nghĩ: Giờ đây tôi phải phát khởi tinh tấn, nhẫn đến chưa được Phật Độ thanh tịnh trọn chẳng lười trễ.

Bảy là khiến trong nước tôi đồ uống ăn y phục theo ý niệm liền được.

Tám là các chúng sanh trong nước tôi thọ mạng vô lượng.

Chín là các chúng sanh trong nước tôi không tâm bỉ ngã.

Mười là bao nhiêu chúng sanh trong nước tôi quyết định xu hướng vô thượng bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần