Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Sáu - Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiệt - Phẩm Thứ nhất - Phẩm Tự - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI SÁU
PHÁP HỘI BỒ TÁT KIẾN THIỆT
PHẨM THỨ NHẤT
PHẨM TỰ
PHẦN BỐN
Tôn Giả Ưu Đà Di lại thưa Vua rằng: Tâu Đại Vương! Đức Bà Già Bà là thầy đại chúng hay ngự phục chúng sanh, là đại tiên nhân hay khéo an trụ, trong chúng Sa Môn là Vua Sa Môn, ánh sánh chiếu khắp.
Như trăng đêm rằm muôn sao vây quanh ánh Trăng rất sáng chiếu khắp nơi, Đức Thế Tôn cũng vậy, ở trong chúng Sa Môn ánh sáng chiếu khắp.
Như trăng mùa thu ở trong hư không chẳng có mây che, đức Bà Già Bà cũng vậy, ở trong đại chúng ánh sáng chiếu khắp. Như Thiên Đế Thích là Vua Chư Thiên ở thiện pháp đường, trong hàng Chư Thiên ánh sáng rực rỡ, đức Bà Già Bà ở trong đại chúng ánh sáng rực rỡ cũng như vậy.
Như Dạ Ma Thiên Vương, Đâu Xuất Đà Thiên Vương, Hóa Lạc Thiên Vương, Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương ở trong Chúng Chư Thiên ánh sáng rực rỡ oai đức độc tôn, Đấng Bà Già Bà ở trong đại chúng oai đức độc tôn cũng như vậy.
Như Đại Phạm Thiên Vương chúa Thế Giới Ta Bà trăm ức chúng Phạm Thiên vây quanh ánh sáng rực rỡ oai đức độc tôn, Đấng Bà Già Bà ở trong chúng Sa Môn oai đức hiển hích độc tôn cũng vậy.
Nghe nói Đạo Đức của Đấng Bà Già Bà xong, Tịnh Phạn Vương tự nghĩ rằng Sa Môn này là đệ tử Thanh Văn còn có đại thần thông đại oai đức như vậy, huống là Đức Như Lai.
Vua lại nhớ lúc Thái Tử vừa sanh thì cả Đại Địa chấn động sáu cách mười tám tướng: Động, biến động, đẳng biến động, dũng, biến dũng, đẳng biến dũng, khởi, biến khởi, đẳng biến khởi, chấn, biến chấn, đẳng biến chấn, hống, biến hống, đẳng biến hống, kích, biến kích, đẳng biến kích, phóng ánh sánh lớn, không ai đỡ dìu mà tự đi bảy bước.
Trên không có hai đường nước chảy xuống tắm gội thân thể, tự nhiên có thánh tọa bằng chân kim, trong hư không hóa thành lọng trời, Chư Thiên lễ bái, từ đó đến ngày chưa xuất gia chẳng bị ngũ dục mê hoặc, phàm có làm điều gì thì quyết định chẳng bỏ dở.
Nói gì thì làm được nấy, trong tất cả thời gian kiên cố đại lực, chẳng nói dối, chẳng trái tín hành, từng có lời rằng tôi thành Vô Thượng bồ đề tự độ mình rồi sẽ độ Phụ Vương.
Tịnh Phạn Vương nhớ Phật lúc còn là Thái Tử Bồ Tát đã có bốn thệ nguyện nên Vua nói kệ rằng:
Nếu có người sơ sanh
Trí sáng nói chẳng luống
Lời cùng việc chẳng khác
Người trí ai chẳng tin
Nếu người lúc sơ sanh
Đối cha nói thành Phật
Quyết làm bậc Thế Tôn
Người trí ai chẳng tin
Nếu có người chẳng tiếc
Khối báu bằng núi Tuyết
Rời lìa những tham lẫn
Người trí ai chẳng tin
Nếu người trong giấc mộng
Chẳng nói lời hư vọng
Như lời mà tu hành
Người trí ai chẳng tin
Lời nói như gươm dao
Chẳng não cũng khiến giận
Người rời sự giận hờn
Người trí ai chẳng tin
Không có ai khi được
Tham sân cũng chẳng nhiễm
Vua đầy đủ trí huệ
Người trí ai chẳng tin
Tất cả ngù dục lạc
Và cùng những sang giàu
Đều không cột trói được
Người trí ai chẳng tin
Các thứ sự hi hữu
Và cùng những vật tốt
Không làm động lòng được
Người trí ai chẳng tin
Dùng những lời ngọt ngon
Thông minh lời khéo nói
Không làm mê hoặc được
Người trí ai chẳng tin
Dùng những lời thuận nghĩa
Những câu muốn quyết định
Cũng chẳng buộc ràng được
Người trí ai chẳng tin
Quân lực bố trí mạnh
Cùng nhiều cách canh phòng
Vẫn vượt khỏi hoàng thành
Người trí ai chẳng tin
Rời bỏ ngũ dục lạc
Để cầu hạnh Cam Lộ
Hi vọng được bồ đề
Người trí ai chẳng tin
Sáu năm tu khổ hạnh
Dũng mãnh không ai bằng
Cầu được thắng bồ đề
Người trí ai chẳng tin
Sáu năm ăn thô ít
Cầu được thắng bồ đề
Lợi an các thế gian
Người trí ai chẳng tin
Sáu năm bị ma nhiễu
Nối nhau tìm lỗi dở
Vẫn chẳng gặp được dịp
Người trí ai chẳng tin
Rời xa lỗi ngũ dục
Chẳng cầu vật người khác
Thường lợi ích thế gian
Người trí ai chẳng tin
Chẳng nghe pháp nơi người
Tự nhiên thành bồ đề
Tịch định khó biết được
Người trí ai chẳng tin
Phạm Vương đến khuyến thỉnh
Cần cầu Phật Thế Tôn
Như thỉnh mà diễn thuyết
Người trí ai chẳng tin
Vì thương xót nhớ tôi
Nên đến vườn Ni Câu
Vì độ các Thích chủng
Người trí ai chẳng tin
Như Lai tự độ rồi
Độ tôi khỏi biển khổ
Ghi nhớ thệ nguyện xưa
Người trí ai chẳng tin
Nay là lúc được lợi
Biết Phật nhất thiết trí
Vì thương xót đến tôi
Người trí ai chẳng tin
Nay tôi sẽ đến đó
Thấy thân Đấng Đạo Sư
Lúc nghĩ suy như vậy
Biết mình là nhân Vương.
Tịnh Phạn Vương suy gẫm xong nói với Tôn Giả Ưu Đà Di: Thưa Đại Đức! Ngài đến đây còn cần thứ gì?
Tôn Giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:
Vốn vì lợi ích cho Đại Vương
Tôi dùng thần thông bay đến đây
Nếu nơi thập lực một niệm tin
Nam nữ đều được đến đường lành
Thập lực công đức vô biên tế
Thế Tôn vì thích chủng mà đến
Sự đáng mừng vui nay mới tới
Nhân chúa phải nên phát lòng tin
Đại Vương danh tiếng quyết thêm lớn
Đầy khắp cõi tam thiên đại thiên
Con Vua đã là kho của Vua
Đầy đủ thập lực tâm từ bi
Du hành mười phương tâm vô ngại
Như sen ở nước chẳng dính nước
Tự độ tứ lưu các cõi rồi
Cũng độ Trời người bốn sông dữ
An trí trên bờ đất vô úy
Đại Vương phải nên tin Đạo Sư
Nhổ khỏi tứ lưu ba tên độc
Cũng làm quần sanh thắng Y Sư
Trong chúng Y Sư tôn thượng nhất
Đại Vương phải nên kính tin sâu
Cũng hay hàng phục các quân ma
Ma Vương quyến thuộc bè đảng ác
Chứng được tịch diệt đại bồ đề
Đại Vương phải nên kính tin sâu
Nhân Vương Thiên Vương đều khuyến thỉnh
Vì độ chúng sanh nói diệu pháp
Diễn bày Vô Thượng thuốc Cam Lộ
Là Đấng Pháp Vương phải nên tin
Che lấp tất cả chúng ngoại đạo
Chuyển Diệu pháp luân quá cân lường
Hóa độ vô lượng ức chúng sanh
Đại hùng nhân Vương phải nên tin
Vô minh phủ dầy trong hắc ám
Mắt mình trong sáng sáng mắt người
Thuyết pháp trừ được những mù lòa
Đại hùng nhân vương phải nên tin
Lão bệnh tử khổ bức bách người
Nói pháp trừ được lão bệnh tử
Khiến chúng thế gian lên đường lành
Đại hùng nhân vương phải nên tin
Ba lửa đốt cháy chúng thế gian
Như đất cháy hồng dùng nước tắt
Nói Bát chánh đạo Phật vì người
Đại hùng nhân Vương phải nên tin
Dứt hết ba uế trừ các ác
Hay rời thế gian ba cấu trược
Du hành mười phương rất kỳ diệu
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Như cha yêu con thương thế gian
Thập lực đại từ tâm nhuần khắp
Phát khởi đại bi độ chúng sanh
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Khó điều điều được Đức Thế Tôn
Người đáng được độ nay đều độ
Hay dứt lửa phừng các phiền não
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Chúng sanh đọa trong biển ba cõi
Phật như thuyền tầu hay tế độ
Thập lực đại bi cứu thế gian
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Thân đoan chánh vô lượng công đức
Đại bi du hành hóa thế gian
Khiến tâm trược lâu được thanh tịnh
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Như ngọc Ma Ni lắng nước trong
Đi trong đời làm sạch chúng sanh
Trừ dứt bầy mê đua loạn trược
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Như châu ma ni tánh thanh tịnh
Hay khiến người trí lòng vui đẹp
Thế Tôn rời ác tâm sáng sạch
Khiến những người trí hâm mộ thích
Nơi Đức Thế Tôn khởi tín tâm
Hay khiến Trời người lìa gánh khổ
Bỏ báu sanh tử được tịnh diệt
Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin
Trong khối công đức nói ít phần
Như giữa không gian một dấu chim
Bờ Phật công đức tôi chẳng biết
Đại Vương phải nên kính tin sâu.
Tịnh Phạn Vương nghe Tôn Giả Ưu Đà Di khéo nói công đức được tu lúc Đức Phật còn làm Bồ Tát, Vua liền tự nhớ bổn thệ của Như Lai: Tôi được độ rồi sẽ độ Phụ Vương.
Vì nhớ như vậy nên Vua rất kính tin và nói với Tôn Giả Ưu Đà Di rằng: Này Tỳ Kheo! Nay Ngài chính là con của con trai tôi, Ngài nên ăn rồi mau về chỗ Đức Phật đem cơm dâng lên, nay tôi cũng phải đến ra mắt Đức Thế Tôn. Tôn Giả Ưu Đà Di biết lòng Vua đã kính tin, ăn cơm xong, Tôn Giả bưng cơm canh về dâng lên Đức Phật.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: Ưu Đà Di giáo hóa Tịnh Phạn Vương được chánh tín. Hôm nay Chư Thiên và người đời được lợi ích rất lớn.
Đức Thế Tôn khen ngợi Tôn Giả Ưu Đà Di rằng: Lành thay! Lành thay! Nay ông được phước đức lớn, vì đã làm cho Tịnh Phạn Vương kính tin vậy.
Đức Thế Tôn lại bảo Chư Tỳ Kheo rằng: Ưu Đà Di giáo hóa Tịnh Phạn Vương được công đức, nếu là có sắc thì hằng sa Thế Giới mười phương chẳng dung thọ được, vì khối công đức ấy rộng lớn vô lượng vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba