Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN
PHÁP HỘI HƯ KHÔNG MỤC
PHẦN NĂM
Tịnh Quang Bồ Tát nói: Thưa Đại Sĩ! Vì lẽ như vậy nên tôi nói Ngài thành tựu vô lượng công đức. Tại sao, vì đã trong vô lượng vô biên đời siêng tu tinh tiến vậy.
Thưa Đại Sĩ! Nếu Đức Phật có được thập lực, tứ vô sở uý, thập bát bất cộng pháp, xuất gia khổ hạnh ngồi cội Bồ Đề thành Chánh Giác chuyển diệu pháp luân hiện đại thần thông nhập đại Niết Bàn, tất cả đều do tu tứ vô lượng tâm, như vậy tức là tứ vô lượng quả.
Vì nghĩa như trên nên các thiện nam tử các thiện nữ nhân phải nên tu tập tứ vô lượng tâm. Lúc nói pháp ấy, có hai vạn chúng sanh được tuỳ từ nhẫn, vô lượng chúng sanh đủ tứ vô lượng tâm, tất cả đại chúng hoan hỷ đồng cúng dường Phật.
Lúc bấy giờ có một Đồng Tử Bồ Tát tên Vô Thắng Ý quỳ dài chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn!
Từ vô lượng tâm có những tướng gì?
Có những thể gì?
Những nhân duyên gì?
Những quả báo gì?
Thế nào là đầy đủ?
Đức Phật nói: Lành thay lành thay! Vô Thắng Ý có thể hỏi nghĩa thậm thâm như vậy. Như Lai liền nhập tam muội. Tam muội ấy tên là Điều phục chúng sanh vô sở uý cụ. Nhập tam muội rồi từ nhục kế Phật phóng đại quang minh.
Ánh sáng ấy rất mạnh có các màu sắc chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới, phát ra diệu âm thanh nói kệ rằng:
Trong sình lầy mọc hoa sen đẹp
Cũng còn mọc lên các thứ hoa
Chúng sanh mang lấy cúng dường Phật
Và cùng tất cả Chư Thiên Thần
Tất cả ác quốc cũng như vậy
Sanh các Thánh Nhân Đại Bồ Tát
Hay điều chúng sanh rất khó điều
Dường như chúng sanh cúng dường hoa
Ta Bà Thế Giới ngũ trược ác
Trong ấy Thích Ca tuyên nói pháp
Nếu muốn có được vô lượng lợi
Phải nên đến cõi Ta Bà kia.
Các chúng sanh trong vô lượng Thế Giới nghe tiếng nói kệ ấy đều cúng dường Phật Thế Tôn ở cõi mình. Cúng dường rồi thừa thần lực Phật đều đến tập hội tại Ta Bà Thế Giới, đến chỗ Phật kính lễ rồi ngồi một phía. Bấy giờ trong Đại Bảo Phường Đình khắp đầy vô lượng chúng sanh.
Các chúng sanh ấy đều riêng tự nghĩ rằng: Riêng mình ta đến đây cúng dường Như Lai, riêng mình ta ở trước Phật thưa hỏi chánh pháp, Đức Như Lai chỉ riêng mình ta mà thuyết pháp.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Vô Thắng Ý Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Từ có ba thứ. Đó là chúng sanh duyên từ, pháp duyên từ và vô duyên từ. Chúng sanh duyên là duyên nơi ngũ hữu.
Nếu pháp hành Bồ Tát muốn được đầy đủ sáu Ba la mật, đại từ đại bi, Bồ Tát Thập Địa mau được thành tựu vô thượng bồ đề chuyển chánh pháp luân, điều phục vô lượng vô biên chúng sanh qua khỏi sông lớn sanh tử không bờ, muốn phá ác ma bạn đảng, nhập đại Niết Bàn, thì nên tu tập tứ vô lượng tâm.
Phải tu tập thế nào?
Nếu Đại Bồ Tát vì hạ phương chúng sanh đến thượng phương chúng sanh mà tu tập tâm từ này, xem chúng sanh như cha, như mẹ, như Sư Trưởng, như Hoà Thượng, như Phật Thế Tôn, như Thanh Văn, Duyên Giác.
Lúc tu như vậy nên tư duy như vậy: Nếu có chúng sanh vô cớ với tôi mà khởi sự ác hại, nếu tôi có lòng giận hờn chúng sanh ấy thì sẽ bị Thập Phương Chư Phật thấy biết sẽ bị quở trách rất đáng hổ thẹn.
Chư Phật sẽ quở tôi rằng: Sao người ấy vì vô thượng bồ đề mà chẳng tự điều phục được tâm mình. Người ấy khác gì người không có chân cẳng mà muốn đến Bắc Uất Đơn Việt, như người mù muốn đọc sách, như người không có tay mà muốn cầm nắm, xa lìa từ tâm mà muốn được vô thượng bồ đề cũng như vậy. Nếu chẳng dứt được lòng sân hận còn chẳng thể được Thanh Văn Bồ Đề, huống là vô thượng bồ đề.
Nếu ta chẳng điều phục được tự tâm sẽ bị Chư Phật, Chư Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên Long, Bát Bộ quở trách. Nếu ta chẳng điều phục được tự tâm sẽ mắc đại tội thọ khổ địa ngục, chẳng được lợi ích hiện tại và vị lai, vì vậy nên phải tu tập từ tâm.
Pháp hành Bồ Tát ấy lại nghĩ rằng: Nếu có ai đối với ta đã làm các sự ác, hoặc đương làm hay muốn làm, hoặc đem sự ác gia nơi người thân của ta, cũng phải tư duy như trước. Quán như vậy rồi, Bồ Tát trước tiên đối với chúng sanh một phương mà tu từ tâm, lần lần đến cả mười phương. Đây gọi là Bồ Tát tâm từ duyên nơi chúng sanh.
Trong đại hội có một Thiên Tử tên là Minh Tinh bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát sơ tu từ tâm.
Tâm từ ấy có những quả gì?
Hiện tại và vị lai thành tựu bao nhiêu phước đức?
Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát tu tập từ tâm như vậy còn phải đoạ ba ác đạo nữa chăng?
Đức Phật nói: Lành thay lành thay, này thiện nam tử! Thưở xưa ông đã cung kính cúng dường vô lượng Chư Phật nên nay ông có thể hỏi Phật như vậy. Ông đã vun trồng thiện căn kiên cố, trong vô lượng đời tu tập tâm từ, chẳng đồng với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, vì muốn lợi ích vô lượng chúng sanh nên nay ông có thể hỏi Phật như vậy.
Này thiện nam tử! Lắng nghe lắng nghe, nay Phật sẽ vì ông phân biệt giải nói. Nếu có Bồ Tát tu tâm từ như trước đây ta đã nói, người này thì được thức ngủ an lành chẳng thấy ác mộng, những vật cần dùng không thiếu, Chư Thiên thủ hộ, Nhân Thiên đều thích thấy.
Người này chẳng nghe tiếng ác, thân chẳng có ác bệnh, thường thích tịch tĩnh siêng tu tinh tiến, thích học chánh pháp thấy biết vô ngã, thường được Quốc Chủ Sa Môn phạm chí nam nữ lớn nhỏ nhẫn đến điểu thú cúng dường.
Người này thường thân cận bạn lành đó là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật Như Lai. Người này thích ban cho, hay độ chúng sanh, những thiện tâm được có không bị Tam Độc phá hoại.
Danh tiếng tốt của người này lưu bố bốn phương, hay trị lành ác bệnh của chúng sanh, hay khiến chúng sanh xa lìa các sự khổ, hay giải hệ phược cho chúng sanh, hay điều phục phiền não cho chúng sanh, hay phá tất cả ác kiến dị kiến, hay ban cho chúng sanh tín tâm niệm tâm, đại trí huệ tâm.
Trụ vững đại thừa không gì lay động được, chẳng theo lời người, hay trừ thân khẩu ý ác của chúng sanh, hay dứt chúng sanh ba thứ nghiệp chướng chỉ trừ tội ngũ nghịch, tội phỉ báng chánh pháp đại thừa, phỉ báng Bậc Hiền Thánh, tội trộm cướp tài vật tứ phương Tăng.
Này thiện nam tử! Bồ Tát nếu có thể tu tâm từ như vậy, lúc lâm chung diện kiến thập phương Chư Phật Thế Tôn tay xoa đầu, vì tay Phật chạm nên lòng người này vui mừng, vì lòng vui mừng nên được vãng sanh Quốc Độ của Phật ấy, cũng nghe những lời thiện diệu như vậy: Chớ có sợ chớ có sợ!
Ngươi là người thuần thiện tu tâm từ quyết định sanh vào Phật Độ thanh tịnh, thấy vô lượng Chư Phật Thế Tôn, lìa xa ba ác đạo, cứu cánh nhập Niết Bàn. Người này cũng nghe lời thiện diệu nói pháp duyên từ và vô duyên từ, cũng được đầy đủ tứ vô lượng tâm đến được vô thượng bồ đề. Thiên Tử Minh Tinh nghe pháp ấy liền được xuất nhập tự tại các thiền định.
Vô Thắng Ý Bồ Tát hỏi Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thiên Tử ấy do sức gì mà ở nơi các thiền định nhập mau xuất mau như vậy?
Đức Phật nói: Này Vô Thắng Ý! Minh Tinh Thiên Tử đã ở chỗ vô lượng Chư Phật Như Lai trồng các căn lành, đã ở trong vô lượng đời tu từ tâm pháp duyên. Do bổn nguyện nên sanh Cõi Trời Tứ Vương Thiên, cách phía trước Trời Nhật Thiên mười ngàn do tuần.
Cung điện của Trời ấy ngang rộng ba vạn hai ngàn do tuần, lưu ly làm nền, trước sau tả hữu đầy mười do tuần, có Chư Thiên nam nữ cùng vây quanh.
Minh Tinh Thiên Tử ở trong cung ấy xa cách quyến thuộc ba do tuần, một mình ngồi giường báu xuất nhập thiền định một ngày một đêm.
Tứ thiên hạ đây có tám mươi xứ Trời, sáu mười xứ rồng, bốn xứ A Tu La, bốn xứ Ca Lâu La, năm mươi hai xứ Khẩn Na La, bốn mươi sáu xứ Ma Hầu La Già, tám xứ Cưu Bàn Trà, ba mươi xứ Phú Đơn Na, ba mươi xứ Tỳ Xá Xà. Tất cả xứ ấy, Minh Tinh Thiên Tử đều có thể điều phục cả.
Chúng sanh như vậy do bổn nguyện lực từ xưa đã phát thệ, Diêm Phù Đề này qua canh năm, còn dư một phần đêm, sẽ ở trước mặt nhật mười ngàn do tuần, làm tướng sáng phá tối Diêm Phù Đề.
Nếu các thiện chúng sanh ở Diêm Phù Đề muốn khỏi sanh tử mà tu thiền định, thì Thiên Tử Minh Tinh sẽ vì người ấy mà trừ bỏ ngủ nghỉ ban cho niệm tâm.
Nếu muốn thấy thì Thiên Tử ấy sẽ hiện hình Hoà Thượng, Sư Trưởng, cha mẹ. Nếu có phàm phu tu tập pháp ngoại tà, Thiên Tử ấy sẽ phá hoại tà tâm mà chỉ dẫn chánh đạo, nếu có chúg sanh ở nơi việc thế gian việc xuất thế gian mà giải đãi, Thiên Tử ấy sẽ cho thấy, thấy rồi từ bỏ giải đãi siêng tu sự nghiệp. Nếu có chúng sanh mê mất chánh lộ lúc được thấy Thiên Tử ấy thì thấy chánh đạo trở lại.
Nếu có chúng sanh thân mắc bệnh nặng, được thấy Thiên Tử ấy thì bớt hết đau khổ ngủ yên vui vẻ. Nếu có người già nhiều bệnh hay quên mà được thấy Thiên Tử ấy thì lại được niệm tâm. Lúc Thiên Tử ấy xuất hiện có thể làm cho chúng sanh nhiếp tâm niệm pháp lành.
Nếu có chúng sanh lúc lâm chung, một niệm sau cùng, Thiên Tử vì người ấy nói Kinh đại thừa, nghe rồi thấy Tượng Phật liền được vãng sanh Quốc Độ thanh tịnh. Nếu có người hoặc cầu Thanh Văn hoặc cầu Duyên Giác, Thiên Tử ấy sẽ vì họ mà nói pháp Thanh Văn hoặc Pháp Duyên Giác.
Nếu có chúng sanh có ba ác nghiệp nghe Thiên Tử ấy thuyết pháp thì ác nghiệp liền tiêu. Thiên Tử ấy do bổn nguyện lực thường tu hành sáu Ba la mật đến thành vô thượng bồ đề.
Minh Tinh Thiên Tử bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh mà nói Đà La Ni.
Liền nói Chú rằng:
Lô giá na, lô giá na, lô giá na, ba la xoa rũ, sa la xoa rũ, sa la xoa sá, a bà ha ha, a bà trì trà, a bà xà bà, a bà xoa na, a xoa xoa xoa xoa, phú la bà lã, a bà xoa xoa, a bà xà bà, ma ha ca ba, a bà a bà ma ha sa ma, tần đậu, sa xà yết ba, a hoa, a hoa, ha ha ni ma, mạt lã sa luật xà, ca lưu na xà la, sá ha.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hoặc nam hoặc nữ hoặc lớn hoặc nhỏ, nếu ai chí tâm niệm sự của tôi, người ấy thì được thanh tịnh các nghiệp, thần thông, thí, giới, nhẫn, tiến, thiền định, trí huệ và giải thoát cùng Phật Độ tứ vô ngại trí.
Những người ấy nếu chẳng thành tựu các sự như vậy, thì là tôi khi dối thập phương Chư Phật, đời vị lai cũng chớ khiến tôi thành vô thượng bồ đề.
Vô Thắng Ý Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nhân dân các Phật Thế Giới phương khác thường nói rằng Ta Bà Thế Giới tạp uế bất tịnh. Nhưng nay tôi thường thấy thanh tịnh.
Đức Phật nói: Đúng như vậy, đúng như vậy.
Này thiện nam tử! Đúng như lời ông nói. Trong Thế Giới này có Chư Bồ Tát hoặc làm thân Trời điều phục chúng sanh, hoặc làm thân rồng, thân quỷ, hoặc làm thân A Tu La, thân Ca Lâu La, thân Khẩn Na La, thân Càn Thát Bà, thân Ma Hầu La Già điều phục chúng sanh.
Có Bồ Tát làm thân Dạ Xoa, thân Cưu Bàn Trà, thân Tỳ Xá Xà, thân Lệ Tiết Đà, thân thú, thân chim đi trong Diêm Phù Đề để giáo hoá các chủng loại chúng sanh như vậy.
Này Vô Thắng Ý! Nếu làm Nhân Thiên điều phục chúng sanh không lấy gì làm khó. Nếu làm súc sanh để điều phục chúng sanh thì rất khó.
Này Vô Thắng Ý! Ngoài Diêm Phù Đề trong biển phía Đông có núi lưu ly tên là Triều Sơn cao hai mươi do tuần đủ các thứ bảo, núi ấy có hang tên là Chủng Chủng Sắc, nơi ấy là chỗ ở xưa của Bồ Tát. Hang ấy rộng một do tuần cao sáu do tuần có một độc xà ở trong ấy tu tâm từ Thanh Văn.
Núi ấy còn có một hang tên là Vô Tử cao rộng cũng như hang trước, cũng là chỗ ở xưa của Bồ Tát, nơi đây có một con ngựa tu tâm từ Thanh Văn. Còn có một hang tên là Thiện Trụ Xứ, cao rộng cũng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong ấy có một con dê tu tâm từ Thanh Văn.
Thọ thần nữ của núi ấy tên là Vô Thắng, có La Sát nữ tên là Thiện Hành, đều có năm trăm quyến thuộc. Hai nữ nhân cùng đồng thường cúng dường ba thứ ấy.
Ngoài Diêm Phù Đề phương Nam trong biển có núi pha lê cao hai mươi do tuần, có hang tên là Thượng Sắc cao rộng cũng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong hang ấy có một di hầu tu tâm từ Thanh Văn.
Còn có một hang tên Thệ Nguyện cao rộng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong ấy có một con gà tu tâm từ Thanh Văn.
Còn có một hang tên là pháp Sàng cao rộng như trước, cũng là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong ấy có một con chó tu tâm từ Thanh Văn.
Núi ấy có Hoả Thần nữ và La Sát nữ tên là Nhãn Kiến đều riêng có năm trăm quyến thuộc. Hai nữ nhân thường cùng đồng cúng dường hai thú một chim ấy.
Phương Tây ngoài Diêm Phù Đề, trong biển có núi bạch ngân tên là Bồ Đề Nguyệt cao hai mươi do tuần. Trong ấy có hang tên là Kim Cương, cao rộng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong ấy có một con heo tu tâm từ Thanh Văn. Còn có một hang tên là Hương Công Đức, cao rộng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong hang ấy có một con chuột tu tâm từ Thanh Văn.
Còn có một hang tên là Cao Công Đức, cao rộng như trước, cũng là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong ấy có một con bò tu tâm từ Thanh Văn.
Núi ấy có Phong Thần nữ tên là Động Phong và La Sát nữ tên là Vô Hộ, đều riêng có năm trăm quyến thuộc. Hai nữ nhân thường cùng đồng cúng dường ba thú ấy.
Diêm Phù Đề ngoài biển phương Bắc có núi hoàng kim tên là Công Đức Tướng cao hai mười do tuần. Trong núi có một hang tên là Minh Tinh, cao rộng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong hang ấy có một sư tử tu tâm từ Thanh Văn.
Còn có một hang tên là Tịnh Đạo ngang rộng cao thấp cũng như trước, là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong ấy có một con thỏ tu tâm từ Thanh Văn.
Còn có một hang tên là Hỉ Lạc ngang rộng cao thấp như trước cũng là chỗ ở xưa của Bồ Tát, trong hang này có một rồng tu tâm từ Thanh Văn.
Núi Công Đức Tướng ấy có một thuỷ thần nữ tên là Thuỷ Thiên và có La Sát nữ tên là Tu Tàm Quí, đều riêng có năm trăm quyến thuộc.
Hai nữ nhân ấy thường cùng đồng cúng dường ba thứ đó. Mười hai thú và chim như vậy ngày đêm thường đi trong Diêm Phù Đề được Nhân Thiên cung kính công đức thành tựu.
Các chim thú ấy đã ở chỗ Chư Phật phát thâm trọng nguyện: Một ngày một đêm thường khiến một thú du hành giáo hoá, mười một thú còn lại an trụ tu tâm từ, luân lưu nhau chung nhi phục thỉ.
Tháng bảy ngày một, chuột du hành đem pháp Thanh Văn thừa giáo hoá tất cả chúng sanh thân chuột khiến lìa ác nghiệp siêng tu thiện sự.
Như vậy đến ngày mười ba đến ngày mười ba thì chuột lại tuần hành: Luân lưu đến hết tháng mười hai, đến mười hai năm cũng như vậy thường để điều phục các chúng sanh.
Này Vô Thắng Ý! Do cớ ấy nên cõi này có nhiều công đức, nhẫn đến các loài thú chim cũng hay diễn nói giáo hoá đạo vô thượng bồ đề, nên Chư Bồ Tát phương khác đều nên cung kính Thế Giới này.
Trong đại hội có một Bồ Tát tên là Tịnh Đức bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có thể thấy được mười hai thú ấy chăng?
Đức Phật nói: Này Tịnh Đức! Nếu có ai trong hàng tứ chúng muốn được thấy mười hai thú ấy, muốn được đại trí đại niệm đại thần thông lực, muốn học tất cả sách vở nói về tứ vô lượng tâm, muốn hành chánh đạo được Xa Ma Tha, muốn được tịch tĩnh, muốn tăng trưởng pháp lành, người này nên lấy đất trắng đắp thành núi ngang rộng bảy xích, cao mười hai xích, dùng các thứ hương làm bùn trét, vàng mỏng thếp bốn phía, giáp vòng hai mười xích rải hoa chiêm bặc. Dùng đồ đựng bằng đồng đựng các thứ nước uống phi thời để bốn mặt núi ấy.
Người này trì giới thanh tịnh, mỗi ngày ba lần tắm gội, kính tin lễ lạy Tam Bảo rồi đứng cách núi ấy ba trượng về phía Đông mà tụng Chú này:
Chiến a la ha, tu lợi xà tỉ ma, kỳ la phiếm, Phật dĩ mâu lã, nhã xà mâu lã, ha ha hi, ba ha ra hi, nhã xà ha hi, tát bà phục đa ha hi, lê tha bà ha hưu, ma sa xa bà mâu lê, ca bà phù, lã xa phù, tu lã xà mâu, khê ca na, ma hi xoa bà, Ca Sa ma ha, a xoa tỉ bà lã, đa ba tỉ bà, sa trì nhân trì lợi xà Tỳ Bà, a xà mâu thâu bà, bà lô bà xoa, bàn đà đá, giá la xoa bà hi, ha ca tỉ mâu, đá tỉ lặc sưu, tán giá lặc sưu, bà bà phù, bà la bà xoa sưu, Phật dĩ giá, đá sá lại sa, dà xoa lã sa, ba lợi ba giá, tu lã tu, sưu bà sa di, hi lã, bà la mâu sa la sa, mâu sa lã tư, lã bà lã bà, tần bà tư lã sa, bà lã sa, đà ma lô giá na lã sa, phú nan toả lan ha la bà, thủ đà lô giá na lã sa, bà ma ma lã sa, tỉ ma lô giá na khê già, tát điên ma lã sa, a lợi na giá na nhục nhục, tỉ ma mâu, bà lã ha man bà ha lã tư miễn miễn, a do tỉ mục hê, mâu ni lã đề trí sa, sá ha.
Đứng ở đó tụng Chú mười lăm ngày, thường thấy trên núi có hình tượng mặt nguyệt lưỡi liềm, lúc ấy biết rằng thấy mười hai thú. Thấy rồi sở nguyện tuỳ ý liền được.
Này Tịnh Đức! Nếu người có thể khổ hạnh tu hành như vậy thì được mắt thấy mười hai thú ấy.
Tịnh Đức Ưu Bà Tắc nói với Minh Tinh Thiên Tử rằng: Thưa Đại Sĩ! Ngài hay giáo hoá điều phục chúng sanh, điều phục thế nào?
Là dùng thân hay dùng khẩu dùng ý?
Thiên Tử đáp: Ta không dùng thân khẩu mà chỉ dùng tâm nghiệp.
Tịnh Đức hỏi: Nếu Ngài dùng tâm nghiệp, vậy tâm ấy thuộc quá khứ hay vị lai hay hiện tại?
Thiên Tử đáp: Chẳng phải quá khứ vị lai, chỉ là hiện tại. Ta chế phục tâm hiện tại chẳng cho làm ác.
Tịnh Đức nói: Ngài còn chẳng khiến được tâm hiện tại được giải thoát thì làm sao điều phục chúng sanh?
Minh Tinh Thiên Tử đáp: Nay ta thọ trì tứ vô ngại trí, do thế lực của Tịnh Mục Đà La Ni nên có thể điều phục tất cả chúng sanh.
Tịnh Đức nói: Tứ vô ngại trí Tịnh Mục Đà La Ni ấy cũng còn chẳng thể điều phục chúng sanh được, tại sao, vì không có giác quán vậy.
Sao lại nói có thể điều phục chúng sanh?
Thiên Tử nói: Nay ta hỏi Ngài, tuỳ ý Ngài đáp cho. Nhiếp nhập hệ phược, giải thoát, thanh tịnh đạo và tịch tĩnh, dầu là bình đẳng mà cũng là bất bình đẳng. Bình đẳng và bất bình đẳng như vậy, do nhân duyên gì sanh, do nhân duyên gì xuất, nhân duyên gì tăng trưởng.
Chẳng biết Ngài có rõ chăng?
Tịnh Đức nói: Các sự như vậy do nơi ngã và ngã sở mà có sanh xuất và có tăng trưởng.
Thiên Tử hỏi: Ngã ngã sở ấy do nhân duyên gì sanh?
Tịnh Đức nói: Ngã ngã sở ấy do nhân duyên phong sanh.
Thiên Tử hỏi: Phong trụ ở chỗ nào?
Tịnh Đức đáp: Phong trụ ở hư không.
Thiên Tử hỏi: Hư không trụ ở chỗ nào?
Tịnh Đức đáp: Hư không trụ ở chí xứ.
Thiên Tử hỏi: Chí xứ lại trụ ở chỗ nào?
Tịnh Đức đáp: Chí xứ trụ ở chỗ nào không thể tuyên nói được.
Tại sao?
Vì xa lìa tất cả xứ sở vậy, vì tất cả nơi chỗ chẳng nhiếp thuộc vậy, vì chẳng phải đếm chẳng phải cân chẳng phải lường vậy, vì chẳng phải giác quán chẳng phải hữu vô, chẳng phải hành chẳng phải sanh xuất, chẳng phải diệt.
Chẳng phải có tăng trưởng, chẳng phải chữ, chẳng phải niệm, chẳng phải tác, chẳng phải thọ, chẳng phải minh ám, chẳng phải tăng giảm, chẳng phải trẻ già, tánh chân thiệt, là môn tất cả pháp vô quái ngại. Vì vậy nên chí xứ không có chỗ ở.
Minh Tịnh Thiên Tử nói: Như vậy tức là vô ngại trí Tịnh Mục Đà La Ni. Nếu có Bồ Tát tu tập Tịnh Mục Đà La Ni ấy thì tất cả phiền não bị hư rã mà nhập vào pháp duyên từ, ở trong tất cả pháp không có lòng nghi.
Lúc nói pháp ấy, thập phương Thế Giới có vô lượng chúng sanh được Pháp Duyên từ, vô lượng chúng sanh được gần vô ngại trí Tịnh Mục Đà La Ni.
Đức Thế Tôn khen hai người rằng: Này các thiện nam tử! Các ông có thể như pháp hỏi, có thể như pháp đáp. Do thế lực nhân duyên Tịnh Mục Đà La Ni ấy, nên sau khi Phật diệt độ, Tứ Thiên Vương có thể thủ hộ chánh pháp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Hai - Phẩm Bốn Pháp điên đảo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ Kheo - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thân Thứ
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Chư Thiên Khen Ngợi
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ðoạn Giảm - Phần Bảy - Pháp Môn Giải Thoát