Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Tám
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH
BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẦN TÁM
Biết được cõi chúng sinh
Và vì pháp giới không
Mọi chúng sinh không thật
Đó gọi A Na Hàm.
Tâm ấy lại chẳng cầu
Chấp đắm tưởng ba cõi
Đã đến chỗ vô tướng
Đó gọi A Na Hàm.
A Nan! Do lẽ ấy
Gọi là A Na Hàm.
Đem pháp không chỗ trụ
Nên trụ trong Phật Pháp.
Cho nên, này A Nan! Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng năng lực phương tiện vì hàng Thanh Văn nói các Đại Bồ Tát là A Na Hàm.
Lại nữa, này A Nan! Vì sao Như Lai nói các Đại Bồ Tát là A La Hán?
A Nan nên biết! Đại Bồ Tát lìa những tạo tác phân biệt mà tu tập theo hạnh Phật, cứu giúp tất cả chúng sinh, dứt bỏ các phiền não, nên vì các chúng sinh bị phiền não làm khổ mà cởi mở sự trói buộc của phiền não cho họ, nhưng chúng sinh không thật có nên cũng không bị phiền não trói buộc.
Đạt đến như vậy gọi là A La Hán. Lìa bỏ sở đắc trụ trong vô sở đắc, rõ tất cả là không, mà cái không ấy cũng là không nên thông đạt vô tướng, lìa bỏ các tướng, lìa bỏ các tưởng. Biết tưởng chúng sinh là pháp lỗi lầm, nên bỏ vô trí để đạt được pháp vô tâm, hiểu rõ pháp không nên được bồ đề, nên sinh bồ đề Phật không thể suy nghĩ bàn luận do đạt được như thế nên gọi là A La Hán.
Đại Bồ Tát nên giảng nói pháp như các Phật ba đời đã nói, đang nói sẽ nói. Pháp được giảng nói thảy đều vắng lặng, không có đùa bỡn, thanh tịnh không nhơ. Người thông đạt việc ấy gọi là A La Hán.
Nên giúp cho chúng sinh an trụ trong bồ đề, rõ tất cả pháp và bồ đề là không thật có mà cũng không đáng chấp, nên tu theo tâm từ bi của Phật, không mê đắm lòng từ bi đối với chúng sinh, đem tinh thần từ bi ấy duyên khắp các chúng sinh, nhưng chúng sinh không thật có, đã được lòng Từ đối với chúng sinh không thật có, nên gọi là A La Hán.
Đại Bồ Tát nên nói các pháp lợi ích cho chúng sinh, mà cũng không dấy tưởng về pháp và phi pháp, đối với các pháp ấy nên thực hành trước, đó gọi là A La Hán. Nên vì chúng sinh mà nói về các phẩm Căn, Lực, Giác, Đạo, nhưng đối với pháp ấy không nhiễm, không đắm, nên gọi là A La Hán.
Nên giúp cho chúng sinh nhận biết nẻo giác ngộ thanh tịnh, khiến chúng sinh ấy sinh khởi sự giác ngộ, như thế nên gọi là A La Hán. Không nên tham đắm lợi dưỡng của chúng sinh ở thế gian, nên vì chúng sinh nói không tham đắm pháp lợi dưỡng, vì nói pháp này nên gọi là A La Hán.
Đại Bồ Tát nên đến Thế Giới của các Đức Phật, nên thấy các Đức Phật như Phật thấy Phật, thấy Thế Giới Phật như thế rồi thì nên phát tâm dốc cầu đạt được Thế Giới như thế. Đó chính là Thế Giới không thể suy nghĩ bàn luận, Thế Giới không thể tính lường, Thế Giới không gì so sánh được, Thế Giới vô biên.
Thế Giới không đùa bỡn, Thế Giới không thể dùng lời để diễn tả, Thế Giới không, Thế Giới vô tướng, Thế Giới vô tác, Thế Giới không thoái chuyển, Thế Giới lìa người nữ, Thế Giới không có dâm dục, Thế Giới không có phiền não, Thế Giới biện tài vô ngại của Phật, Thế Giới Bồ Tát, Thế Giới không chướng ngại, Thế Giới vô nhiễm, Thế Giới hàng ma, Thế Giới không có kẻ thù, Thế Giới Niết Bàn rốt ráo.
Những Thế Giới này là trên hết trong tất cả các Thế Giới. Cầu được Thế Giới như thế, gọi là A La Hán. Các pháp chưa sinh thì nên sinh khởi, nên gọi là A La Hán.
Đối với cảnh dục không nhiễm, đối với trường hợp đáng sinh giận tức mà không sinh giận tức, nên gọi là A La Hán.
Đối với trí Tập và trí Diệt vô thượng mau chóng thông đạt nên gọi là A La Hán. Vì là A La Hán nên gọi là giác ngộ và do đã giác ngộ nên gọi là A La Hán.
Bồ Đề là bất động, vì cõi chúng sinh bất động khiến cho trăm ngàn muôn ức chúng sinh an trụ trong đạo bồ đề, vì trụ trong đạo bồ đề nên gọi là A La Hán. Tất cả chúng sinh và bồ đề đều sinh ra từ chỗ không phân biệt, nên dùng pháp bình đẳng này giáo hóa các chúng sinh, pháp bình đẳng này trong tất cả pháp không gì sánh được.
Bồ Đề bình đẳng này từ không phân biệt sinh ra. Nên thông tỏ pháp ấy, đã được thông tỏ thì giảng nói cho chúng sinh nghe không thêm, không bớt, thành tựu pháp không thêm không bớt nên gọi là A La Hán. Nên nói như thế, lìa pháp âm thanh nên gọi là A La Hán.
Đại Bồ Tát nên cơi mở sự chấp đắm của nhiều chúng sinh như thế. Đó là chấp đắm về chúng sinh không thật có. Chấp đắm chúng sinh đoạn, thường. Chấp đắm về thân kiến của chúng sinh. Chấp đắm về pháp không ai hơn. Chấp đắm về nhận thức các pháp là bất sinh bất diệt, vô vi vô tác.
Chấp đắm về sắc không bị hủy hoại. Chấp đắm về thọ, tưởng, hành, thức không bị hủy hoại. Chấp đắm về pháp lìa bỏ pháp phàm phu. Chấp đắm về việc xây dựng pháp Phật. Chấp đắm về tưởng đối với bốn quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Chấp đắm ý tưởng đối với quả Bích Chi Phật. Chấp đắm về tưởng đối với Như Lai Đẳng Chánh Giác. Chấp đắm về tưởng đối với tâm bồ đề.
Chấp đắm về thực hành bố thí vì bồ đề. Chấp đắm về tưởng giữ giới vì bồ đề. Chấp đắm tưởng thực hành nhẫn nhục. Vì bồ đề chấp đắm về tưởng dứt bỏ biếng nhác thực hành Tinh tấn. Chấp đắm về tưởng đối với việc dứt tâm loạn tu tập Thiền định.
Chấp đắm về tưởng đối với việc dứt trừ tuệ xấu ác, tu tập Trí tuệ. Chấp đắm đối với những người thân thương yêu mến như cha mẹ, vợ con, gái trai, anh chị em. Chấp đắm về việc muốn thấy những người thân yêu mến. Chấp đắm về việc thích bàn luận. Chấp đắm về việc phân biệt giữa pháp phiền não và pháp giải thoát. Chấp đắm về tham đắm lợi dưỡng.
Chấp đắm về nhận thức tại gia, xuất gia. Chấp đắm các pháp hơn thua. Chấp đắm về xa lìa pháp phàm phu. Chấp đắm về việc duyên theo Phật Pháp. Chấp đắm về việc thấy các pháp có trên dưới. Chấp đắm về đầy đủ các tướng phương tiện. Chấp đắm về tưởng đối với Thế Giới của Phật và chúng sinh.
Dứt trừ tất cả mọi thứ chấp đắm của chúng sinh như vậy nên gọi là A La Hán, cũng không phân biệt chúng sinh này là pháp Niết Bàn, hay chúng sinh này chẳng phải pháp Niết Bàn, chúng sinh này có khả năng tạo ra các pháp, chúng sinh này không có khả năng tạo ra các pháp.
Chúng sinh này thực hành bồ đề, chúng sinh này chẳng có khả năng thực hành bồ đề. Chúng sinh này giữ giới, chúng sinh này phá giới. Chúng sinh này phước nhiều, chúng sinh này phước ít. Không sinh hai kiến chấp như vậy nên gọi là A La Hán.
Cũng không phân biệt: Chúng sinh này là ruộng phước, chúng sinh này chẳng phải là ruộng phước. Chúng sinh này tinh tấn, chúng sinh này chẳng tinh tấn. Chúng sinh này thấp kém, chúng sinh này thông minh, đây là người nữ, đây là người nam, đây là chẳng phải nam chẳng phải nữ, đây là pháp, đây là phi pháp. Không sinh hai kiến chấp như vậy gọi là A La Hán.
Cũng không phan biệt: Chúng sinh này lui sụt bồ đề chúng sinh này không lui sụt bồ đề, chúng sinh này tự tại đối với bồ đề, chúng sinh này không được tự tại đối với bồ đề, chúng sinh này gần gũi bồ đề, chúng sinh này xa lìa bồ đề.
Phát tâm như vậy: Ta sẽ đạt đến bồ đề, nhập vào Niết Bàn vô dư. Tóm lại, vì bỏ tất cả các chấp đắm của chúng sinh nên gọi là A La Hán.
Này A Nan! Bậc A La Hán dứt bỏ các chấp đắm của chúng sinh như thế, lại vì chúng sinh mà nói thật tánh của chúng sinh. Vì nói pháp như thế nên các vị Đại Bồ Tát được gọi là A La Hán.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu nên nói kệ rằng:
Đã bỏ được tất cả
Tất cả các phân biet
Vì bỏ được phân biệt
Nên gọi A La Hán.
Dứt được các phiền não
Trói buộc chúng sinh khổ
Đều giúp được giải thoát
Đó gọi A La Hán.
Xa lìa có sở tắc
Trụ pháp vô sở đắc
Biết tất cả pháp không
Đó là A La Hán.
Đã nhận rõ pháp không
Cũng thông đạt vô tướng
Xa lìa tất cả tướng
Đó gọi A La Hán.
Nên hành hạnh tối thắng
Là việc làm các Phật
Độ thoát các chúng sinh
Sinh tử hiểm nạn lớn
Đã lìa tất cả tướng
Biết lỗi tưởng chúng sinh
Vì bỏ được các tưởng
Đó gọi A La Hán.
Bỏ các tưởng vô tri
Thông đạt pháp vô tâm
Nhờ đã biết pháp không
Đó gọi A La Hán.
Nên đạt được bồ đề
Chẳng nghĩ bàn của Phật
Nên siêng hành tinh tấn
Đó gọi A La Hán.
Nên giảng nói các pháp
Thanh tịnh không đùa bỡn
Giúp chúng sinh trụ đạo
Đó gọi A La Hán.
Nên dùng từ duyên khắp
Giúp chúng sinh an vui
Nhưng chúng sinh không thật
Đó gọi A La Hán.
Nên giảng nói các pháp
Là bậc nhất trong chúng
Không tưởng pháp, phi pháp
Đó là A La Hán.
Nên vì các chúng sinh
Nói căn, lực, giác, đạo
Chẳng nhiễm đắm pháp này
Đó là A La Hán.
Nên giúp chúng sinh khác
Tỏ ngộ pháp thanh tịnh
Cũng sinh được bồ đề
Đó là A La Hán.
Chẳng nên sinh tham đắm
Mọi lợi dưỡng ở đời
Vì không tham lợi dưỡng
Đó là A La Hán.
Nên đến các Thế Giới
Nghiêm tịnh của các Phật
Nơi các Phật an trụ
Nói pháp cho chúng sinh.
Phải nên phát tâm này
Cầu cõi trang nghiêm này
Phải nên cầu cõi này
Đó là A La Hán.
Đối dục chẳng đắm nhiễm
Đáng giận cũng chẳng giận
Rõ bồ đề bình đẳng
Đó là A La Hán.
Đối trí diệt, trí tập
Thông đạt tướng vắng lặng
Vì được đạo bồ đề
Đó gọi A La Hán.
Đối cõi các chúng sinh
Không dời động chúng sinh
Khiến nhiều ức chúng sinh
Đều trụ đạo bồ đề
Chúng sinh và bồ đề
Từ không phân biệt sinh
Biết được bình đẳng này
Đó gọi A La Hán.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Bảy - Kinh Kẻ Cướp Chia Của
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Hai - Trụ Ly Cấu
Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Như Pháp Trụ Sanh Bồ đề địa - Phần Hai