Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI NĂM

PHÁP HỘI HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT  

PHẦN TÁM  

Này A Nan! Ma Vương Ba Tuần nay dầu phát tâm vô thượng bồ đề mà vẫn do dự bất định chút ít. Dầu vậy ông ấy sẽ lần lần thành tựu vô lượng công đức làm bậc Thế Tôn như Phật hiện nay.

Lúc bấy giờ trong đại chúng có vô lượng vô biên Chư Thiên, thế nhân đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Thiên Vương nghe Đức Phật thọ ký cho Ma Vương Ba Tuần sẽ được thành vô thượng bồ đề, tất cả đều vui mừng hớn hở than chưa từng có đồng chắp tay hướng lên Phật bạch rằng: Thật là hi hữu, ai được thấy Phật ắt được thành tựu vô lượng khối pháp bảo công đức.

Tại sao, hoặc có chúng sanh chẳng tin muốn làm nhiễu loạn Như Lai mà được thấy Phật, hoặc có chúng sanh gặp gỡ thấy Phật, thì làm nhân lành cho kẻ ấy nhẫn đến làm nhân khiến họ được Niết Bàn.

Bạch Đức Thế Tôn! Trừ ngoài Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, còn có ai có thể phân biệt biết rõ căn chúng sanh như vậy?

Đức Phật bảo hàng Chư Thiên và thế nhân rằng: Như lời các người đã nói, có ai được thấy Phật thì đều nhờ lợi ích cả. Các người nên biết rằng hoặc có chúng sanh thiện căn đều hết, trong vô lượng vô số na do tha kiếp không có phần được thân ngưới, các chúng sanh này thấy Phật bèn làm nhân lành nhẫn đến khiến họ được Niết Bàn.

Đức Như Lai có thể làm phước điền vô thượng vô lượng bất tư nghì như vậy.

Này Chư Thiên Nhân! Tâm tánh thường thanh tịnh mà phàm phu chúng sanh chẳng thể như thiệt thấy. Vì chẳng thể như thiệt thấy biết được nên nói là cấu. Còn người có thể chân chánh thấy biết thì nói là tịnh. Nhưng trong đệ nhất thiệt nghĩa không có một pháp nào là khả tịnh khả ố cả.

Các người nên biết các phiền não không có phương không có xứ chẳng nội chẳng ngoại, do vì chẳng thiện thuận tư duy nên sanh phiền não, còn thiện thuận tư duy thì không có phiền não.

Người tăng giảm chẳng bình đẳng thì sanh phiền não, còn không tăng giảm thì không phiền não. Hư ngụy vọng tưởng thì sanh phiền não, không vọng tưởng thì không phiền não.

Vì vậy mà Phật nói như thiệt biết tà kiến thì là chánh kiến, mà tà kiến cũng chẳng tức là chánh kiến. Người có thể như thiệt biết thì không hư vọng tăng giảm thủ trước, vì vậy nên gọi là chánh kiến.

Này Chư Thiên Nhân! Như Đại Địa thủy giới phong giới y nơi hư không mà trụ. Hư không không có chỗ y trụ, như vậy thì Đại Địa cũng không chỗ y trụ mà giả có tên là y trụ. Các người nên biết như vậy. Khổ y nơi nghiệp nghiệp y nơi kiết sử, mà khổ nghiệp kiết sử đều không có sở y, vì tâm tánh thường thanh tịnh vậy.

Do đó mà biết rằng tất cả các pháp không có căn bổn đều không có chỗ trụ, do giả ngôn thuyết mà nói là có, thiệt thì không có vậy. Do cớ này nên nói tất cả pháp bổn tánh thường tịnh cứu cánh vô sanh vô khởi.

Này Chư Thiên Nhân! Pháp môn ấy gọi là tánh thường tịnh pháp môn. Bồ Tát thông đạt pháp môn này thì không bị các phiền não làm nhiễm ô, cũng chẳng cậy dựa pháp môn thanh tịnh ấy, vì đã xả bỏ tất cả các cậy dựa động lay vậy.

Do đây mà được đạo bình đẳng quá ma giới nhập vào Phật Giới, cũng có thể nhập vào được chúng sanh giới mà chẳng động Pháp Giới. Biết tất cả pháp không có giới không có phi giới, có thể mau đến nhất thiết trí giới.

Lúc Đức Phật nói pháp ấy, có năm trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ Trưởng Giả Thân Việt ở trong chúng rời chỗ ngồi đứng vậy đến lễ chân Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật vì chúng tôi mà nói Kinh Điển thậm thâm này.

Trước kia tôi vì xúc não Phật nên làm hầm lửa lớn và dâng cơm có độc. Nhưng Đại Thánh Như Lai là đấng chẳng thể làm hại được, do đó nên tôi đối với Phật sanh lòng kính trọng. Từ ngày ấy đến nay, lòng nghi hối của tôi còn chưa có thể trừ dứt.

Hôm nay từ nơi Đức Phật được nghe Kinh Điển thậm thâm vi diệu này lòng nghi hối liền trừ tâm không chướng ngại được hạnh an lạc. Vì vậy mà nay tâm kính tin của tôi càng thêm tăng trưởng. Nay trong nhà tôi có nhiều của cải châu báu sẽ mang cúng dường Phật Pháp và Tăng cùng các Sa Môn, Bà La Môn kẻ nghèo cùng hạ tiện xin ăn.

Bạch Đức Thế Tôn! Có ai được nghe Kinh Điển dứt tất cả kiết phược thậm thâm này mà còn tham lấy các thứ của cải vật chất!.

Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hi hữu, Chư Phật Như Lai vô thượng bồ đề rất là thậm thâm khó lường biết được. Nếu có Bồ Tát ở đời vị lai xả thân mạng mình và lợi dưỡng danh dự mà có thể thọ trì Phật bồ đề rất là khó có.

Trong đại chúng có sáu mươi tám ức Bồ Tát đứng dậy chắp tay hướng lên Phật đồng nói kệ rằng:

Thế Tôn diệt độ rồi

Chúng tôi có thể nhẫn

Xả thân thọ mạng mình

Để hộ trì chánh pháp

Xả lợi dưỡng danh dự

Rời lìa các tham trước

Nguyện hộ trì chánh pháp

Vì được Phật trí vậy

Bị mắng chửi quở trách

Và lời khinh chê chọc

Vì có hộ chánh pháp

Sẽ nhẫn nhịn nhận đó

Bị khi dễ phá cợt

Xướng nói kêu ác danh

Sẽ dùng lòng từ nhẫn

Để hộ trì Kinh này

Tỳ Kheo đời vị lai

Chấp trước ham các cõi

Cùng ma làm bè đảng

Phỉ báng Phật chánh pháp

Phá cấm giới làm ác

Chuyên nghiệp thế tục lụy

Bị danh lợi che trùm

Nên chẳng thích chánh pháp

Cậy biết các tục điển

Kiêu mạn và phóng dật

Cao khoe mình hay giỏi

Khinh miệt người chánh hạnh

Thường bỏ chỗ nhàn tĩnh

Thích ở chốn ồn ào

Học văn từ thế tục

Chấp chặt lấy ngô ngã

Chẳng biết giáo hóa người

Chẳng trao giồi trí huệ

Bỏ Tọa Thiền niệm Phật

Chẳng gần kề Tam Bảo

Người không có trí huệ

Kết bè đảng cầu lợi

Siêng cùng chung kiết sử

Thích thọ người dâng cúng

Thấy người từ tâm thí

Tham tiếc như của mình

Thường qua đến chỗ người

Luận nói những thế sự

Ruộng nhà và nghề nghiệp

Cùng những sự bán buôn

Siêng ham cầu lợi tức

Còn tự sưng Sa Môn

Ngạo mạn chấp lấy có

Dựa cậy nơi tà kiến

Nghe nói pháp tánh không

Sẽ kinh hoàng sợ hải

Họ lánh xa chánh pháp

Chỉ biết cầu hiện báo

Họ sẽ hư vọng nói

Phi pháp nói là pháp

Tai hoạn lớn như vậy

Các Tỳ Kheo tệ ác

Ma cùng với ma tử

Lại sẽ tá trợ nhau

Kinh Văn thì là một

Nói nghĩa đều riêng khác

Đều luận theo ý mình

Kẻ ngu sẽ như vậy

Các Kinh Điển thâm diệu

Hay làm cho giải thoát

Họ sẽ ngăn trở đó

Trái lại nói sự cạn

Ta thắng còn ngươi liệt

Do thắng nên đắc quả

Ở trong các Phật Pháp

Sẽ tranh cạnh như vậy

Lúc cạnh tranh như vậy

Chúng sanh bị phá hoại

Bị phi pháp tri thức

Làm cho phải não bức

Vị lai mạt thế ấy

Lòng rất đáng lo sợ

Chúng tôi trì chánh pháp

Đấng cứu thế chỗ nói

Chúng tôi thường từ tâm

Chẳng rời bỏ pháp luật

Sanh khởi chánh đại bi

Để thủ hộ cho đời

Phá giới thích làm ác

Chẳng an trụ chánh pháp

Sa đọa nơi đạo nào

Chúng tôi thường lo thương

Thấy cố ý làm ác

Hủy báng nơi chánh pháp

Chúng tôi trọn chẳng cùng

Chung làm thân bạn đảng

Thường dùng sức chúng tôi

Khéo thủ hộ lỗi miệng

Thấy những người vô dụng

Chẳng nói lỗi của họ

Chúng tôi trụ dồng thánh

Đầu đà hộ tịnh giới

Ở chánh định tu huệ

Thường siêng năng tu hành

Lìa ồn náo thế gian

Thích ở chỗ nhàn tĩnh

Không tham trước như nai

Khéo điều phục tri túc

Nếu lúc đến tụ lạc

Nhiếp các căn ít nói

Thấy người diễn thuyết pháp

Cùng nhau luận chánh pháp

Ái ngữ làm lợi ích

Để giáo hóa chúng sanh

Lại thuyết pháp cho họ

Khiến họ dứt ác hạnh

Chúng tôi vì chánh pháp

Kẻ ở xa tôi đến

Vì họ mà thuyết pháp

Để lợi ích cho họ

Nếu thấy hàng phàm ngu

Có người kém mất ấy

Tôi chỉ nên tự hộ

Trụ chánh pháp hành nhẫn

Hủy nhục hay cung kính

Tôi sẽ vững như núi

Chẳng nhiễm pháp thế gian

Làm Đạo Sư cho đời

Các Tỳ Kheo phạm giới

Nếu đến quở trách họ

Bảo tự xét lỗi mình

Đó sẽ là nghiệp báo

Sẽ vì các hạng ấy

Những chúng sanh ganh ghét

Trước tỏ lời thân thiện

Hiện làm cách cung kính

Người ấy liền quan niệm

Ta cũng là Sa Môn

Thành tựu đức hạnh ấy

Không bị tiếng xấu chăng

Các người phạm cấm giới

Như là người thất chí

Nghe Kinh này lo sợ

Như sứt mũi soi gương

Những phương tiện phải làm

Họ chẳng muốn nghe theo

Lại còn bảo người khác

Rằng chẳng phải chánh pháp

Họ còn bảo Quốc Vương

Phá lòng tin thần dân

Phỉ báng pháp chân chánh

Rằng chẳng phải Phật nói

Chúng tôi ở lúc này

Do thần lực của Phật

Vì hộ trì chánh pháp

Nên chẳng tiếc thân mạng

Thế Tôn biết chúng tôi

Lời nói không hề sai

Sẽ kiên trì thủ hộ

An trụ chánh pháp ấy

An trụ lời thành thiệt

Đúng như lời mà làm

Vui đẹp Chư Như Lai

Mới thành tựu bồ đề.

Hư Không Tạng Bồ Tát khen đại thừa rằng: Lành thay lành thay, này Chư Đại Sĩ! Các Ngài có thể phát nguyện thành thiệt thọ trì đại pháp vô thượng thậm thâm vi diệu của Như Lai, thật là rất tốt vậy.

Hư Không Tạng Bồ Tát bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Có thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng Kinh Điển này thì được bao nhiêu phước?

Đức Phật nói: Này Hư Không Tạng! Ví như cả mười phương mỗi phương đều có mười đại thiên Thế Giới, đem nghiền nhỏ tất cả đại thiên Thế Giới ấy thành vi trần họp chung thành một đống.

Giả sử có người thành tựu thần túc vô lượng oai đức thọ mạng lâu dài, người này mang đống vi trần ấy đi phương đông quá số Thế Giới bằng số đống vi trần ấy mới bỏ rơi xuống một vi trần.

Cứ như vậy đi qua phương Đông mãi đến bỏ rơi hết số vi trần ấy, nhưng các Thế Giới vẫn chẳng hết. Như đi qua phương Đông bỏ rơi vi trần, đi qua chín phương kia bỏ rơi hết số vi trần cũng như vậy, nhưng các Thế Giới cũng chẳng hết.

Này Hư Không Tạng! Các Thế Giới như vậy chừng có nhiều chăng?

Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Số Thế Giới ấy rất nhiều rất nhiều vô lượng vô biên chẳng thể đếm biết được.

Đức Phật nói: Này Đại Sĩ! Các Thế Giới ấy hoặc có dính vi trần hay không dính vi trần đều đem họp cả lại làm một thành cao rộng bằng nhau, trong thành chứa đầy hột đình lịch. Số hột đình lịch này có thể đếm biết được chăng?

Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Giả sử dùng thí dụ còn chẳng rỏ được huống là có thể đếm biết, chỉ trừ Đức Như Lai, không ai có thể đếm biết được.

Đức Phật nói: Này Đại Sĩ! Đúng như vậy, đúng như vậy, như lời ông nói, chỉ có Như Lai biết được số hột đình lịch ấy.

Này Đại Sĩ! Nếu như có người thành tựu thần túc vô lượng oai đức có thể dùng miệng thổi những hột đình lịch ấy rải tan mười phương, một hột đình lịch rơi xuống một Thế Giới, trong chẳng quá một hột.

Này Đại Sĩ! Theo ý ông nghĩ thế nào?

Những Thế Giới được hột đình lịch rơi xuống ấy chừng có nhiều không?

Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những Thế Giới ấy chẳng phải tâm lực có thể phân biệt được. Giả sử có phân biệt khiến tâm người phải mê loạn.

Đức Phật nói: Này Đại Sĩ! Nay Phật bảo với ông, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hành Bồ Tát đạo, ngày ngày đem vô lượng trân bảo đầy cả những Thế Giới ấy để bố thí không hề thôi nghỉ cũng chẳng làm việc khác.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng thơ tả Kinh Điển thậm thâm này, chẳng cầu lợi dưỡng, vì bồ đề mà diễn nói cho người, nhẫn đến chỉ làm cho một người sau khi nghe rồi khuyên ở nơi vô thượng bồ đề nhẫn đến phát một niệm lành, vì muốn khiến chánh pháp được còn lâu ở thế gian

vậy. Công đức của người này hơn người bố thí kia cả trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn vạn lần, nhẫn đến chẳng phải toán số thí dụ biết được. Huống là có thể khiến người nghe pháp này an trụ nơi vô thượng bồ đề. Tại sao, vì có thể diễn nói vô lượng thiện căn thành tựu Đại Thừa như vậy để hộ trì chánh pháp.

Này Đại Sĩ! Phật chẳng thấy Bồ Tát còn có pháp nào khác có thể hơn chánh hạnh kiên cố nhiếp các thiện pháp giáo hóa chúng sanh này.

Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hi hữu, Như Lai bất khả tư nghị, đại pháp của Như Lai cũng bất khả tư nghị. Như đại pháp của Như Lai bất khả tư nghị, người thọ trì Kinh Điển này được công đức cũng bất khả tư nghị.

Ngưỡng mong Đức Như Lai hộ trì Kinh này vì đời đương lai khiến các thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì chánh pháp tay được Kinh này ôm ở trong lòng chẳng rời lìa.

Nếu là người đáng lìa khỏi sanh tử thì chẳng từ người khác nghe pháp mà tự nhiên được khai ngộ bồ đề. Ngộ bồ đề rồi lại rộng vì người mà diễn nói.

Đức Phật nói: Này Đại Sĩ! Lắng nghe lắng nghe, khéo suy nghĩ đó, Phật sẽ vì hộ Kinh Điển này mà nói chương cú triệu thỉnh Hộ Thế Tứ Thiên Vương, Thiên đế Thích, Phạm Thiên Vương các vị Thần Thiên.

Do vì được chương cú này triệu thỉnh nên Chư Thiên chư Thần ấy sẽ ủng hộ các thuyết pháp Sư thọ trì Kinh này lúc diễn nói Kinh Điển thậm thâm khó được đời tin ấy, làm cho không ai làm trở ngại được.

Đó là hoặc bị Quốc Vương đại thần đuổi ra khỏi nước, hoặc bị bịnh nặng, hoặc lúc đấu tranh nổi lên, hoặc Quốc Độ có tật dịch. Lúc các sự tai nạn ấy phát khởi do sức Thần Chú làm cho liền tiêu diệtchẳng trở ngại được.

Những gì là Thần Chú chương cú?

Liền nói Chú rằng:

Đầu đầu lệ, đề đề lệ, đà dạ ki đế, đà dạ la già la, ni đế đề, Tỳ Bà tri, xa mế, xa di đa tỳ, mục xí, chiên đế đê, ni kỳ noa nễ, a nâu đa lệ, minh da la ni, bà ki tư, bát tha thâu đà ni, bát đà nâu chỉ, bát đà tán đề, bát nhã mâu lệ, a bà cứu lệ, phù đà lặc sai, luật na tát chi, đa bà tát chi, đa bà bát đê.

Tùy Phật ý, thuận pháp tánh, cung kính Tăng, thế chủ tín hộ thế Tứ Vương vì các Phật Tử thọ Trì Chú này hộ trì người thuyết pháp.

Lúc ấy Tứ Thiên Vương liền đứng dậy chắp tay hướng lên Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi sẽ hộ trì các Phật Tử thọ trì Kinh này.

Liền nói Chú rằng:

Thủ tì, thủ bà bát đê, thủ đề đế, mục đa ủng, đà lê ủng, Đà La Ni, phả đam mế, a kỳ ủng khiếp ti, a mục xí, Đà La Ni đà ủng, tẩu thủ sái hê na, tì đề tì đà lại tán đề, tam mế, bà dạ mế, ma lại di, ba phiến đa đề, hưu hưu, hê hê, khưu lâu khưu lâu lệ.

Lúc Tứ Đại Thiên Vương nói Chú bất khả phạm ấy rồi, Thiên đế Thích liền đứng dậy tâm tịnh vui vẻ chắp tay hướng lên Phật mà nói kệ rằng:

Lúc đời mạt đói kém

Các Đại Sĩ lớn rộng

Thọ trì nói Kinh này

Tôi sẽ hầu hạ họ.

Nói kệ xong, Thiên đế Thích liền nói Chú rằng:

Di đê, thủ tì, ma ha di đê, đạt ma di đê, thiên đa già lệ, ma di đê, tát giá di đê, na đề mế, a nâu đa lệ, a nâu đầu ủng, a nâu lặc sai, tát bà tát đỏa a nâu già hê, a na nâu đa ti, tu ký đê, a tỳ lô đề, a tỳ già hê, phù đề bồ xá mế, nhị ly, yết tha ni đê, nê đề la ni, a na tha bà sai đế, mế đê, mế đê xà gia tư, tu sa la.

Các Ngài khởi thiền lạc

Đến hộ người trì pháp

Các Thế Giới Thế Tôn

Thảy đều đồng thọ trì.

Phạm Tự Tại Thiên Vương đứng dậy khen Thích Phạm Hộ Thế Chư Thiên rằng: Lành thay, lành thay! Các Ngài bèn có thể vì hộ chánh pháp, vì trì pháp, vì người thuyết pháp mà phát đại trang nghiêm. Các Ngài đúng là phải nên như vậy rất được tiện nghi tùy theo pháp luật của Như Lai trụ thế lâu hay mau, trong thời gian ấy sẽ có người hiểu biết chánh hành pháp hành.

Trong bao nhiêu thời gian ấy hàng Chư Thiên và thế nhân sẽ rất hưng thạnh cung điện nhà cửa dẫy đầy. Sau khi chánh pháp này diệt, hàng Chư Thiên và thế nhân trở lại giảm ít, cung điện nhà cửa trống hoang.

Đức Phật nói với Di Lặc Bồ Tát rằng: Này Di Lặc! Ông thọ trì Kinh Điển thậm thâm này đọc tụng biên chép rộng vì người mà diễn nói.

Này Di Lặc! Nay Phật đem Kinh Điển thậm thâm như đây phó thác ông để đại pháp này còn lâu ở thế gian, để hàng phục các chúng ma, để lợi ích tất cả chúng sanh, để tất cả ngoại đạo chẳng được tiện lợi, để dạy bảo đại thừa gần kề Kinh này chẳng xa rời, vì muốn khiến Phật Pháp đại minh còn lâu ở thế gian mà chẳng suy diệt vậy, vì khiến giống Phật Pháp Tăng chẳng đoạn tuyệt vậy.

Di Lặc Bồ Tát liền bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Lúc Đức Như Lai còn tại thế và sau khi diệt độ, tôi sẽ thường thọ trì Kinh Điển thậm thâm này rộng tuyên lưu bố. Tại sao, vì người thọ trì pháp này thì là thọ trì chánh pháp của tất cả Chư Phật quá khứ vị lai hiện tại, chớ chẳng phải chỉ thọ trì chánh pháp của một Đức Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi cũng vì tự hộ pháp của mình vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi thường cùng đại chúng Chư Thiên câu hội ở Đâu Suất Thiên cung thường vì họ mà rộng diễn nói Kinh Điển thậm thâm này. Tôi còn sẽ làm cho người thọ trì đọc tụng Kinh này tay họ được Kinh này ôm giữ trong lòng chẳng rời quyển Kinh.

Bạch Đức Thế Tôn! Đời mạt thế sau, nếu lúc pháp muốn diệt, có ai thọ trì Kinh này rồi vì người mà diễn nói, nên biết đó là do oai thần của Di Lặc kiến lập vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong lúc ấy dầu có nhiều ma sự nhiễu loạn hành nhân, các người thuyết pháp vì dựa nơi phiền não ma nên bị ma nhiếp trì mà chẳng thích Kinh này chẳng siêng tu tập tranh cạnh thị phi lẫn nhau, chúng tôi sẽ đồng siêng làm phương tiện khiến người thuyết pháp ưa thích Kinh này thường siêng tu tập đọc tụng thông thuộc rộng vì người mà diễn nói.

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay, này Di Lặc! Ông có thể vì hộ trì chánh pháp mà làm sư tử hống. Chẳng phải chỉ hôm nay ông ở trước ta làm sư tử hống, mà ông cũng ở trước vô lượng A tăng kỳ Chư Phật quá khứ làm sư tử hống hộ trì chánh pháp.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Ông có thọ trì Kinh này chăng?

Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Do thần lực của Phật nên tôi đã thọ trì.

Đức Phật nói: Này A Nan! Ông thường nên vì hàng tứ chúng mà rộng phân biệt giải nói Kinh này. Nếu có người trước đã vun trồng thiện căn thích pháp thù thắng, những người như vậy được nghe Kinh này rồi có thể tin hiểu thọ trì đọc tụng rộng diễn nói cho mọi người. Người ấy sẽ được vô lượng vô biên bất khả tư nghị khối đại công đức.

Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Sẽ gọi tên Kinh này là gì và phải phụng trì thế nào?

Đức Phật nói: Này A Nan! Kinh này tên là Khuyến Phát Đại Thừa Trang Nghiêm bồ đề. Phải phụng trì như vậy.

Lúc ấy Công đức Trang Nghiêm Bồ Tát ở trong đại chúng đứng dậy gối hữu chấm đất chắp tay hướng lên Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hi hữu, Đức Như Lai vì ủng hộ chánh pháp và người thuyết pháp nên khéo có thể tán thán Kinh này như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Hàng tân học bồ Tát vì bồ đề nên vun trồng thiện căn, đem các thứ hoa hương, anh lạc, hương bột, hương xoa siêng cúng dường Phật mà chẳng thọ trì Kinh này, người ấy có thành tựu đệ nhất cúng dường mà cúng dường Như Lai chăng?

Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Chẳng thành đệ nhất cúng dường Như Lai, cũng chẳng thể dùng nhân duyên ấy để được vô lượng công đức. Chẳng bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Kinh này công đức rất nhiều.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Như Lai dùng Phật nhãn

Những Phật độ được thấy

Cùng khắp cả mười phương

Đều rộng lớn vô biên

Bao nhiêu Thế Giới ấy

Đựng đầy những trân bảo

Bồ Tát đem báu này

Thường dùng để bố thí

Nếu có người ở nơi

Kinh vi diệu thậm thâm

Chánh pháp vô sở đắc

Được Chư Như Lai nói

Mà có thể thọ trì

Vì người rộng diễn thuyết

Công đức của người này

Còn nhiều hơn người kia

Hoa hương và anh lạc

Hương xoa và hương bột

Lọng báu với tràng phan

Những y phục thượng diệu

Mang những món cúng này

Đầy khắp các Thế Giới

Cúng dường Chư Như Lai

Hồi hướng về Phật Đạo

Nếu đời mạt thế sau

Lúc chánh pháp sắp diệt

Nơi chánh pháp cứu thế

Siêng tu tập hộ trợ

Thọ trì nơi chánh pháp

Thường hành bất phóng dật

Khối công đức người này

Còn nhiều hơn người kia

Mười phương các Thế Giới

Tất cả những đại hải

Hương du tối thượng diệu

Đựng đầy tất cả biển

Làm tim đèn rất lớn

Dường như núi Tu Di

Thắp sáng để cúng dường

Tất cả Chư Như Lai

Đời mạt thế sau này

Lúc chánh pháp sắp diệt

Biết chúng sanh thế gian

Bị vô minh che trùm

Nếu người có thể thắp

Cây đuốc chánh pháp lớn

Người này được công đức

Còn hơn người trước kia

Chỗ được thấy của Phật

Vô lượng Chư Như Lai

Dầu trong ức ngàn kiếp

Mang các thứ cúng dường

Các y phục Cõi Trời

Món vừa ý cúng dường

Mà chẳng hay thọ trì

Kinh Điển thâm diệu này

Nếu người ở Chư Phật

Biết là có ơn nặng

Nên ủng hộ Tam Bảo

Để báo đáp ơn Phật

Vì muốn lợi chúng sanh

Nên thọ trì đọc tụng

Rộng nói Kinh Điển này

Phước nhiều hơn người kia

Ta dùng sức Phật nhãn

Những chúng sanh được thấy

Nếu có thể dạy bảo

Đều thành Trời Thích Phạm

Người này được công đức

Chẳng bằng người biên chép

Thọ trì Kinh Điển này

Được công đức rất nhiều

Toàn đại thiên Thế Giới

Có bao nhiêu chúng sanh

Nếu người hay giáo hóa

Đều thành Thánh Nhị Thừa

Nếu có người hay phát

Tâm bồ đề vô thượng

Hộ trì Kinh Điển này

Công đức lại hơn kia

Công đức thọ trì Kinh

Nếu là có hình sắc

Sẽ đầy khắp tất cả

Mười phương các Thế Giới

Chỉ trừ trí vô thượng

Của Chư Phật Như Lai

Không còn ai biết được

Công đức người thọ trì

Như trí của Như Lai

Rộng khắp vô biên tế

Hư không và pháp giới

Cũng rộng vô biên tế

Có thể thọ trì được

Kinh Pháp này của Phật

Được công đức vô biên

Cũng như hư không kia.

Nghe Phật nói kệ ấy xong, Công Đức Trang Nghiêm Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi tin hiểu nghĩa thú được Như Lai nói, năm trăm năm sau lúc pháp sắp diệt, các chúng sanh phát tâm đại thừa mà có người chẳng thọ trì Kinh Pháp này, nên biết là bị ma nhiếp sa ra ngoài Phật Pháp.

Bạch Đức Thế Tôn: Nay tôi có khả năng sau khi Đức Như Lai diệt độ thọ trì Kinh này để Phật Pháp còn lâu ở thế gian.

Lúc bấy giờ vì phó chúc Kinh Điển thậm thâm này nên Đức Thế Tôn phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương vô lượng A tăng kỳ Chư Phật Thế Giới.

Chư Như Lai ở các Thế Giới ấy cũng vì phó chúc Kinh Pháp này nên đồng phóng ánh sáng nơi lông trắng giữa chân mày chiếu khắp cả mười phương Thế Giới không đâu là chẳng chiếu khắp.

Lúc nói Kinh này rồi, Đức Như Lai dùng thần lực phóng ánh sáng lớn ấy, vô lượng A tăng kỳ Chư Phật Thế Giới chấn động sáu cách.

Có vô lượng A tăng kỳ chúng sanh phát tâm vô thượng đạo. Có vô lượng A tăng kỳ Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Còn có vô lượng A tăng kỳ Bồ Tát được thiện căn Nhất sanh bổ xứ. Lại còn có quá vô lượng A tăng kỳ chúng sanh được Thanh Văn thừa trụ bậc học vô học.

Đức Phật nói Kinh này rồi, Hư Không Tạng Bồ Tát, Tôn Giả A Nan, đại chúng Đại Thừa, Chư Thanh Văn, Chư Thiên thế nhân nghe lời Phật nói đều rất vui mừng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần