Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu - Pháp Hội Bất động Như Lai - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Bồ Tát Chúng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ SÁU

PHÁP HỘI BẤT ĐỘNG NHƯ LAI  

PHẨM THỨ BỐN

PHẨM BỒ TÁT CHÚNG  

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất nghĩ rằng: Đức Thế Tôn đã nói về chúng Thanh Văn ở nước Diệu Hỷ đầy đủ công đức rồi, tôi lại muốn nghe Chư Bồ Tát đầy đủ công đức ở nước ấy.

Tại sao vậy?

Vì tất cả công đức đều từ đây phát sanh.

Đức Thế Tôn biết tâm niệm ấy liền phán rằng: Này Xá Lợi Phất! Trong nước Diệu Hỷ của Đức Bất Động Như Lai có vô lượng trăm ngàn ức chúng Bồ Tát đều tập họp đến. Những Bồ Tát xuất gia, do thần lực của Đức Phật, theo Pháp được nghe đều lãnh ngộ và thọ trì đọc tụng được cả.

Này Xá Lợi Phất! Ở cõi này ta nói pháp rất ít, so sánh với Pháp Tạng của Đức Bất Động Như Lai nói trăm phần ngàn phần cho đến Ưu Ba Ni Sa Đà Phần cũng chẳng bằng một.

Này Xá Lợi Phất! Đó là Đức Bất Động Như Lai lúc tu Bồ Tát Đạo có phát nguyện rằng lúc tôi thành Phật, trong nước tôi Chư Bồ Tát do thần lực của tôi theo Pháp mà họ được nghe đều lãnh ngộ thọ trì đọc tụng được cả.

Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát ở nước Diệu Hỷ do bổn nguyện thần lực của Đức Bất Động Như Lai, nghe Pháp của Đức Phật ấy nói đến có thể lãnh thọ đọc tụng thông thuộc.

Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát ở nước Diệu Hỷ, nếu lòng họ muốn đến cõi nước của Chư Phật khác, liền khởi tâm thì liền qua đến, thân hình y phục ngôn ngữ âm thanh đều khéo đồng với người địa phương ấy. Sau khi đến, đảnh lễ và cúng dường Chư Phật và lắng nghe chánh pháp, khéo thưa hỏi. Việc xong họ trở về Bổn Quốc.

Này Xá Lợi Phất! Trong kiếp hiền này sẽ chín trăm chín mươi sáu Đức Phật Như Lai xuất thế. Nếu có Bồ Tát nào thích thấy Đức Bất Động Như Lai thì nên nguyện sanh về nước Diệu Hỷ của Đức Như Lai ấy.

Này Xá Lợi Phất! Nếu Thiện Nam Thiện Nữ nào từ cõi này và những cõi khác mạng chung hoặc đã sanh hoặc đang sanh hoặc sẽ sanh về nước Diệu Hỷ của Bất Động Như Lai thì ắt chẳng tin ở bậc Thanh Văn.

Tại sao vậy?

Vì họ thực hành Phật Đạo thường gặp Đức Như Lai, Thiên Ma Ba Tuần chẳng có dịp tiện lợi. Với bậc nhị thừa Thanh Văn và Bích Chi Phật, họ đã dứt hẳn quan niệm, họ thường ở tại các đại hội Như Lai và quyết định sẽ được vô thượng bồ đề.

Này Xá Lợi Phất! Ông cần phải biết nếu ở tại nước thanh tịnh của Đức Bất Động Như Lai, các chúng sanh ấy trọn không thối chuyển, chẳng thể dẫn nhiếp thối trở lại được. Họ an trụ vô thượng bồ đề có thế lực lớn chẳng bị lay động, trọn không thối chuyển.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Thiện Nam Thiện Nữ cõi này hay ở Thế Giới khác lúc mạng chung sanh về nước Diệu Hỷ ấy, thì lúc sanh được ý nghĩ rằng tôi đã vào nhà Như Lai ở an trong thành vô úy.

Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát nước Diệu Hỷ có chuyện vãn luận bàn đều tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật. Họ tôn kính lẫn nhau tưởng là bậc Đạo Sư của nhau.

Lại này Xá Lợi Phất! Ở nước Diệu Hỷ, các Chúng Bồ Tát, người tại gia rất ít, xuất gia thì đông, tất cả đều do thần lực của Đức Bất Động Như Lai, ở nơi pháp được nghe đều có thể lãnh ngộ thọ trì đọc tụng.

Này Xá Lợi Phất! Hàng tại gia Bồ Tát ở nước ấy dầu chẳng thường ở trong Pháp Hội, nhưng do thần lực của Đức Phật, lúc đứng lúc ngồi đều nghe được pháp và liền lãnh hội thọ trì đọc tụng thông thuộc. Hàng xuất gia Bồ Tát dầu ở phương sở khác cũng được như vậy.

Chư Bồ Tát ấy bỏ thân lấy thân, với Kinh Pháp đã được nghe trọn chẳng quên mất, tùy ý nguyện Vãng Sanh về các Cõi Phật. Đây cũng là sự trang nghiêm do công đức bổn nguyện của Đức Bất Động Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát nào muốn trong một đời thấy vô lượng trăm ngàn ức na do tha Chư Phật thì nên nguyện sanh về nước của Đức Bất Động Như Lai.

Nếu Bồ Tát nào được sanh về nước ấy thì liền thấy vô lượng Chư Phật trồng các cội lành, lại có thể vì vô số trăm ngàn chúng sanh mà diễn Thuyết Pháp yếu khiến các chúng sanh tăng trưởng gốc lành.

Này Xá Lợi Phất! Trong kiếp hiền này Chư Phật sắp xuất thế, nếu các Bổ Tát đem y phục, ẩm thực, ngọa cụ và y dược các thứ đồ cần dùng cúng dường Chư Phật ấy rồi xuất gia.

Xuất gia xong, tịnh tu phạm hạnh. Đem căn lành ấy so sánh với phước đức tương ưng Ba La Mật của Chư Bồ Tát ở chỗ Bất Động Như Lai tu trong một đởi, chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn cho đến Ưu Ma Ni Sa Đà phần cũng chẳng bằng một. Đây cũng là công đức thanh tịnh trang nghiêm Phật Quốc của Đức Bất Động Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát từ cõi này hay cõi khác khi mạng chung hoặc đã sanh hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh về nước của Đức Bất Động Như Lai, tất cả đều được bậc bất thối chuyển.

Tại sao vậy?

Ở nước ấy, Thiên Ma Ba Tuần chẳng làm chướng ngại cũng không có ma nghiệp làm nhiễu loạn.

Này Xá Lợi Phất! Ví như loài rắn độc bị Thần Chú chế phục chẳng làm hại được, tất cả những trùng vật khác thấy rắn độc này cũng chẳng lo sợ, những rắn độc này cũng chẳng lo sợ. Những rắn độc này dầu không độc hại, nhưng vì bổn nghiệp mà thọ thân rắn ấy.

Thiên ma Ba Tuần ở nước Diệu Hỷ cũng như vậy, do Đức Bất Động Như Lai lúc tu Bồ Tát đạo bổn nguyện thiện căn hồi hướng như vậy: Lúc tôi thành Phật sẽ điều phục các ma chẳng làm chướng não, các ma cũng chẳng làm chướng não Chư Bồ Tát, chư Thanh Văn và tất cả phàm phu ở nước tôi.

Nhưng các ma ấy, do nghiệp đời trước chiêu cảm mà thọ lấy thân hình ma sanh vào Cõi Trời nước Diệu Hỷ để tự trách tự ăn năn tội nghiệp từ vô thỉ của họ. Được có thân và tên Thiên Ma ấy, dầu được tự tại, nhưng họ thường sanh lòng chán khổ.

Lúc Đức Bất Động Như Lai thuyết pháp, các quyến thuộc ma thường dự nghe. Nghe xong lòng họ thanh tịnh mến luyến chúng Thanh Văn, mà tự nghĩ rằng làm thế nào an trụ được cảnh tịch tĩnh thiểu dục tri túc.

Chúng sanh ấy thường sanh lòng xuất gia mà không có ý tưởng làm chướng ngại. Vì thế nên ở nước Diệu Hỷ tất cả Bồ Tát, Thanh Văn và phàm phu do oai lực của Đức Bất Động Như Lai lúc hành Đạo Bồ Tát mà thường được an lạc. Đây cũng là sự trang nghiêm thù thắng của nước Diệu Hỷ vậy.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Thiện Nam Thiện Nữ đem bảy báu đầy cả Cõi Đại Thiên để bố thí cầu nguyện sanh về nước Diệu Hỷ. Do hạnh nguyện này mà họ trọn chẳng sa vào bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật. Từ một nước đến một nước Phật, họ tuần tự cúng dường phụng sự Chư Phật Như Lai và nghe pháp.

Dầu chưa chứng vô thượng bồ đề, nhưng được thấy muôn ngàn ức cho đến vô lượng na do tha Chư Phật, ở chỗ Chư Phật họ trồng những cội lành.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thiện nam thiện nữ do phương tiện này, đem bảy báu đầy Cõi Đại Thiên ra bố thí, nương căn lành ấy mà Vãng Sanh nước Diệu Hỷ.

Đức Phật phán: Đúng như vậy!

Này Xá Lợi Phất! Họ khéo sanh khéo về, những Bồ Tát như vậy đầy trong nước ấy.

Này Xá Lợi Phất! Ví như vàng mỏ nấu luyện tinh thuần loại bỏ cặn bợn chỉ toàn chất vàng rồi đem làm thành đồ trang sức. Ở nước Diệu Hỷ, Chư Bồ Tát an trụ ở chân thật cũng như vậy. Nhưng Chư Bồ Tát thanh tịnh ấy, nay ông cần phải biết.

Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát ở nước Diệu Hỷ hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, tất cả đều thực hành nhất hạnh, đó là an trụ nơi Phật hạnh.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Phật hạnh, đó là hạnh siêu quá bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật. Nơi thực hành nhất hạnh là giả danh của hạnh ấy.

Vì thế nên Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát thích thực hành nhứt hạnh ấy, phải nguyện sanh về nước Diệu Hỷ của Đức Bất Động Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát được ta thọ ký bất thối chuyển nên sanh về nước của Đức Bất Động Như Lai. Chư Bồ Tát sanh về nước ấy, ta chẳng rời bỏ họ.

Này Xá Lợi Phất! Ví như Quốc Vương Quán Đảnh dòng Sát Đế Lợi, có nước địch xâm lăng, Vua nghe tin nghĩ rằng những phi hậu và các con của ta chẳng kham chống lại quân địch và những của cải châu báu nên thâu vào cung thành, chẳng bị địch quân xâm hại.

Quốc tợ của vua an tịnh vững vàng, oai chấn địch quân chẳng lo tai nạn. Ta chẳng rời bỏ Chư Bồ Tát cũng như quốc vương kia đối với các phi hậu Vương Tử và tài bảo vậy. Người tu hạnh Bồ Tát cần phải biết.

Trong nước Diệu Hỷ không có sự lo sợ như cung thành. Vua nước địch như Ba Tuần khó làm chướng ngại cho người tu Bồ Tát hạnh ở nước ấy.

Quốc Vương Quán Đảnh chẳng bị quân địch xâm nhiễu, cũng vậy, Đức Như Lai chẳng bị Thiên Ma nhiễu não.

Này Xá Lợi Phất! Ví như có người sợ chủ nợ đi qua nước khác thì không bị chủ nợ lăng đoạt.

Tại sao?

Vì chủ nợ và người nhà chẳng đến đó được. Chư Bồ Tát sanh về nước Diệu Hỷ thì tuyệt đường theo dõi của ma Ba Tuần cũng như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Ở Ta Bà này, Thiên Ma Ba Tuần thường làm chướng ngại cho Chư Bồ Tát và Thanh Văn. Ở nước Diệu Hỷ, các chúng Thiên Ma chẳng làm nghiệp ma. Chư Bồ Tát ở nước ấy hoặc đã sanh, đang sanh, hoặc sẽ sanh, thường không bố úy.

Tại sao vậy?

Ở Đức Bất Động Như Lai lúc hành Đạo Bồ Tát có bao nhiêu căn lành hồi hướng như vậy: Khi tôi thành Phật, ở nước tôi Chúng Thiên Ma chẳng làm chướng ngại và không làm ma sự.

Này Xá Lợi Phất! Ví như có trượng phu giỏi uống thuốc độc có thể làm cho tiêu hóa làm sự ăn không có độc hại. Thiên Ma ở nước ấy cũng như vậy thường làm lợi ích mà chẳng làm tổn hại.

Này Xá Lợi Phất! Nước Diệu Hỷ của Đức Bất Động Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy. Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất nghĩ rằng tôi mong muốn được thấy nước Đức Bất Động Như Lai và chúng Bồ Tát Thanh Văn.

Đức Phật biết tâm niệm của Tôn Giả Xá Lợi Phất, liền chẳng rời chỗ ngồi dùng thần lực đều làm cho thấy tất cả, rồi hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Ông có thấy chăng?

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch rằng: Vâng tôi đã thấy bạch Thế Tôn!

Đức Phật hỏi: Này Xá Lợi Phất! Ông thấy Chư Thiên và chư nhân ở nước ấy có tướng sai khác nhau chăng?

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi chẳng thấy có chút tướng nào khác nhau.

Tại sao vậy?

Tôi thấy người nước Diệu Hỷ từ y phục uống ăn cho đến đồ trân ngoạn đều là những thứ mà Chư Thiên cần dùng. Đức Bất Động Như Lai ở chỗ đại chúng thuyết pháp dường như tòa núi hoàng kim chói sáng, Chúng Thanh Văn đông vô lượng vô biên.

Ví như có người đi ra giữa biển lớn trông ra bốn phía chẳng biết bờ mé, tôi nhìn ngó Chúng Thanh Văn ấy cũng như vậy. Chúng Thanh Văn ấy ở chỗ nghe pháp thân tâm họ chẳng động lay như nhập thiền định, chẳng phải như người cõi này nhập định có lúc lay động.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thiện nam thiện nữ đem bảy báu đầy cả đại thiên ra bố thí, do thiện căn ấy, họ khéo được vãng sanh về Diệu Hỷ Thế Giới.

Tại sao vậy?

Vì họ cũng được chẳng thối chuyển như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Ví như Vương Sứ cầm ấn phù đi qua nước khác, dọc đường các quan trấn phòng chẳng làm trở ngại.

Tại sao vậy?

Vì thế lực của ấn Vua nên không bị người ngăn trở. Chư Bồ Tát ấy cũng vậy, hoặc từ cõi này, hoặc từ Thế Giới khác sau khi mạng chung, hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh về nước Diệu Hỷ ấy, tất cả đều được chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề, từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật thường chẳng xa rời Chư Phật Thế Tôn, họ sẽ mau chứng vô thượng bồ đề.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát sanh ở nước ấy cùng với bậc Tu Đà Hoàn quả ở cõi này không khác nhau.

Tại sao vậy?

Như bậc Tu Đà Hoàn quả chẳng còn đọa vào ác đạo, Chư Bồ Tát hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh về nước Diệu Hỷ ấy, tất cả chẳng còn đọa ác đạo, cũng chẳng sa vào bậc Thanh Văn và bậc Bích Chi Phật, cho đến trong lúc chưa chứng vô thượng bồ đề, từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật chẳng rời Chư Phật và Chúng Thanh Văn.

Đức Phật phán: Đúng như vậy!

Này Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát sanh về nước ấy chẳng sa vào bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật, cho đến trong lúc chưa chứng vô thượng bồ đề, từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật thường được hiện tiền cúng dường Chư Phật và sẽ chứng được Phật Quả.

Này Xá Lợi Phất! Như người chứng quả Tu Đà Hoàn thì quyết định sẽ được Thanh Văn Bồ Đề trọn chẳng đọa ác đạo. Cũng vậy, Chư Bồ Tát ở cõi này hay ở cõi khác sanh về nước ấy thì quyết định sẽ chứng vô thượng bồ đề. Từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật, thường được hiện tiền cúng dường Chư Phật trọn chẳng xa rời vô thượng bồ đề.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ở Cõi này có bậc Tư Đà Hàm hướng và Tư Đà Hàm quả nhẫn đến những bậc A La Hán hướng và A La Hán quả cùng với Chư Bồ Tát sanh ở nước ấy đồng nhau không khác.

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất! Ông chớ nói như thế.

Tại sao vậy?

Chỉ có Chư Bồ Tát ở cõi này được Phật thọ ký mới không khác với Chư Bồ Tát sanh ở nước ấy.

Lại này Xá Lợi Phất! Bồ Tát ngồi Đạo Tràng ở cõi này cùng với Bồ Tát sanh ở nước ấy không khác.

Vì Chư Bồ Tát ở nước ấy thật hành Phật hạnh chẳng bị Thiên ma phá hoại, trọn chẳng sa vào bậc nhị thừa, từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật, họ thường cúng dường tất cả Chư Phật, nhẫn đến chứng quả vô thượng bồ đề. Bấy giờ Tôn Giả A Nan nghĩ rằng, tôi nên xét sức biện tài của Trưởng Lão Tu Bồ Đề.

Nghĩ xong Tôn Giả hỏi Trưởng Lão Tu Bồ Đề rằng: Bạch Trưởng Lão! Chúng tôi nên nhìn xem Đức Bất Động Như Lai và chúng Thanh Văn cùng nước Diệu Hỷ ấy.

Trưởng Lão Tu Bồ Đề bảo Ngài A Nan rằng: Ông muốn thấy Đức Bất Động Như Lai nay ông nên nhìn lên phương Trên.

Ngài A Nan nhìn phương Trên rồi thưa rằng: Tôi nhìn tột phương Trên đều trống không, vắng lặng.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Đức Bất Động Như Lai, Chúng Thanh Văn và nước ấy cũng như vậy, như là thấy phương Trên.

Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật đã dạy, Bồ Tát ở cõi này được Đức Phật thọ ký cùng với Bồ Tát sanh ở nước Diệu Hỷ không khác.

Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi chẳng rõ đồng nhau ở chỗ nào?

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất! Vì pháp giới bình đẳng nên được không có khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần