Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Mười Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP MƯỜI HAI  

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, nói láo nên rơi vào ngục Như phi trùng đọa thuộc địa ngục Đại khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của việc sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu đã nói ở trước.

Nay nói về vọng ngữ. Có người lấy vật của Chúng Tăng như là lúa hoặc y đem đi mua bán, mua rẻ bán mắc kiếm được lời, không đưa cho Chúng Tăng và nói dối với Chúng Tăng là không có lời.

Do tâm tham người ấy nói dối là: Tôi chỉ thu được chừng này chớ không có gì khác. Việc mua bán của tôi chỉ được bao nhiêu đó thôi. Vì tham nên người ngu si ấy đã nói láo để kiếm sống.

Do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào ngục Như phi trùng đọa thuộc địa ngục Đại khiếu hoán chịu khổ não lớn, bị chó sắt cắn xé bụng rồi ăn ruột, ăn lưng, bị ngục tốt cầm búa rìu bốc lửa hừng hực róc thịt trên thân, bỏ lên cân cân rồi đem cho chó ăn.

Ngục tốt lại dùng búa rìa rất bén chặt xương, lấy tủy cho chó ăn, dùng móc sắt phát lửa móc rách bên dưới cằm, rồi dùng kềm sắt phát lửa rứt dứt lưỡi ra. Tội nhân bị xua đuổi đứng dậy và bị móc sắt bốc lửa móc thân thể khiến thịt đều bị rách nát, bị rút gân, tất cả các bộ phận trên thân đều bị móc.

Người gây nghiệp ác nói láo tự tạo nghiệp ác, tự chịu quả báo như vậy.

Khi được thoát khỏi cảnh khổ ấy, người mắc tội vọng ngữ lại bị ngục tốt dắt vào nơi có lửa lớn đầy khắp. Như con thiêu thân, tội nhân thường bị thiêu, thiêu rồi sống trở lại, sống rồi lại bị thiêu, suốt vô lượng năm như vậy. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì sinh trong gia đình nghèo khổ, hạ tiện, vừa sinh liền bị đốt, giả sử có nhiều người bảo vệ kỹ lưỡng thì họ vẫn bị thiêu. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Tử hoạt đẳng là vùng thứ tám thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu và nói dối nên bị đọa vào ngục Tử hoạt đẳng thuộc địa ngục Đại khiếu hoán. Như đã nói ở trước, tất cả các khổ não mà những địa ngục trước có thì địa ngục này đều có đủ.

Ngoài ra, ở đây còn có khổ não khác, tội nhân bị ngục tốt dùng gậy đập chết, vừa rút gậy lên liền sống trở lại. Suốt vô lượng năm, họ chết rồi sống lại, sống rồi lại chết, họ bị như vậy là do nghiệp ác.

Được thoát nỗi khổ ấy rồi, họ thấy rừng hoa sen và vội vàng chạy đến để mong được cứu giúp, che chở.

Họ thấy trong ấy đầy hoa xanh. Do nghiệp ác gì họ mắc quả báo này?

Đó là có người chẳng phải người xuất gia nhưng để ăn cướp bèn mặc y phục của người xuất gia.

Có nhiều người muốn đi vào vùng hoang vắng gặp người ấy và hỏi: Nơi hoang vắng đó có cướp không?

Người ấy biết là có cướp, nhưng đáp là không có. Những người kia đến đó và bị giặc cướp đoạt hết của cải.

Do nghiệp nói dối và người kia tin như vậy nên họ chịu quả báo tương ưng với nghiệp thấy hoa sen phát ánh sáng xanh thật ra là lửa. Ngục tốt bắt tội nhân trói trong hoa sen rồi lấy lửa đốt. Do không có chân nên họ không xuống được. Vì nghiệp ác nên tội nhân không có tay, chân, mắt. Suốt vô lượng năm, tội nhân thường bị thiêu nấu trong hoa sen đầy lửa, chết rồi sống trở lại.

Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì nói năng không dựa vào đạo lý, chỉ nói quanh co theo ý ngĩa của chính mình, giả sử được của cải thì bị Vua tịch thu, bắt bỏ vào ngục cho đến chết. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Dị dị chuyển là vùng thứ chín thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu và nói láo nên bị đọa vào ngục Dị dị chuyển thuộc địa ngục Đại khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của việc sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu đã nói ở trước.

Còn vọng ngữ là gì?

Có người nói láo, nịnh hót quanh co để khiến người khác thắng hoặc thua, được lợi ích hoặc bị suy kém, được sống hoặc bị chết… Hoặc là có người làm thầy bói, giỏi việc coi bói, bói việc chi cũng đúng?

Hoặc là có người có đức, thường nói lời chân thật được người đời tin tưởng.

Đến một lúc nọ có người hỏi về một việc gì đó, người này mới nghĩ rằng: Ta không nói láo, mọi người đều biết và đều tin, nay ta nói láo chắc mọi người đều cho là thật.

Nghĩ như vậy rồi, họ liền nói láo khiến cho cả đất nước đều bị mất mát. Nếu người cầm đầu chết thì kẻ thù của họ sẽ cướp đoạt lẫn nhau, lấy hết của cải. Tuy nói láo mà người ấy được mọi người tin. Người ấy bề ngoài có vẻ chân chánh nhưng thật ra là kẻ cướp. Do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào ngục Dị dị chuyển thuộc địa ngục Đại khiếu hoán, chịu khổ não lớn.

Nỗi khổ đó là: Ở địa ngục ấy, từ đằng xa tội nhân thấy cha mẹ, tôi tớ, bạn bè anh em kết nghĩa là những người họ đã gặp trước kia và được những người ấy an ủi vỗ về.

Nghe lời thân ái, tội nhân vội chạy mau lại mong được cứu giúp, che chở, nhưng thành ra chạy đến nơi khác, rơi vào sông tro như đá rơi xuống nước, chìm xuống rồi lại trồi lên, toàn thân chịu khổ não lớn, kêu gào thật to. Tội nhân lại thấy cha mẹ, vợ con, anh em kết nghĩa nên vội vàng chạy lại.

Do có nghiệp ác, đường đi sinh ra móc sắt, móc thân thể của họ. Khi đến nơi lại bị ngục tốt bắt và dùng cưa sắt phát lửa cưa xẻ thân họ như là cưa gỗ. Thoát được nơi ấy thì tội nhân chỉ còn trơ xương, tất cả các bộ phận của thân đều bị rách nát.

Khi chạy đến nơi khác, tội nhân lại bị ngục tốt bắt bỏ vào bánh xe đao bằng sắt phát lửa. Do nghiệp ác bánh xe sắt đó được gắn đầy đao bén ở cả trên lẫn dưới, bánh xe ấy quay nhanh, lửa ngọn bùng cháy mài xát người mang nghiệp nói láo nát như cám, nát rồi họ sống trở lại.

Khi thoát khỏi bánh xe đao ấy, tội nhân lại thấy cha mẹ, vợ con, bạn bè kết nghĩa nên vội vàng chạy lại để mong được cứu giúp, che chở. Trong khi họ chạy, trên đường cái sinh ra nhiều móc sắt phát lửa, có con sư tử hung dữ do nghiệp ác sinh ra, bắt tội nhân đặt giữa hai hàm răng trong miệng.

Ngục tốt dùng móc sắt phát lửa móc tội nhân ra, ra rồi, họ nhớ lại và chạy tiếp khiến đôi chân bị rách nát, lửa cháy dữ dội làm toàn thân không dừng. Khắp thân họ đều có mụt nhọt, xương, mạch đều rã hết. Đó là quả báo tương ưng với nghiệp vọng ngữ.

Người ấy tự xưng: Ta là người nói thật mà lại nói láo với tâm quanh co nịnh hót, làm sai lệch và vu khống lời của người khác. Thấy cha mẹ, vợ con, anh em kết nghĩa nhưng người nói láo ấy bị khổ não cùng cực. Suốt vô lượng năm, họ thường bị thiêu, nấu, xẻ, đánh như vậy.

Hễ nghiệp ác chưa hết là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì nghèo khổ hạ tiện, các căn thiếu hụt, thường đau ốm, mọi người đều ghét, ganh và không tin tưởng, mọi thứ đều dơ bẩn, làm việc gì cũng đều thất bại, cầu mong gì cũng không được. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Mất hy vọng là vùng thứ mười thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết có người nào thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu và nói láo thì bị đọa vào ngục Mất hy vọng thuộc địa ngục Đại khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của việc sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu đã nói ở trước. Nay nói về vọng ngữ.

Người nào đối với người đau khổ, người bệnh, người đói khát, nghèo khổ, cô độc, hạ tiện, ngu si, cùng khốn, không có lúa gạo, đồ nấu ăn, đồ ăn uống, y phục, giường nằm, nhà ở, hoặc họ xin hoặc không xin, người ấy hứa cho mà cuối cùng không cho, khiến người kia thường chờ mong trong thời gian dài, thì do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào ngục Mất hy vọng thuộc địa ngục kia chịu khổ não lớn.

Vì nghiệp ác trước kia hứa cho người khác thức ăn mà không cho, nên người ấy thấy trong địa ngục có đủ loại thức ăn chính hoặc thức ăn phụ ngon lành, đặt ở nơi rất xinh đẹp. Quá đói khát, người ấy chạy vội đến chỗ để thức ăn. Từ xa, họ thấy thức ăn ấy rất là ngon lành, đáng ưa, rất sạch sẽ, nhưng khi đến nơi thì chỉ thấy nước sắt sôi bốc lửa hừng hực.

Do nghiệp ác, trong lúc họ chạy đến nơi ấy, móc sắt nổi lên đầy đường móc lấy thân thể, cho đến khi họ chạy tới nơi. Đến nơi ấy rồi, thức ăn mà họ thấy đều là nước sắt sôi, bốc lửa phừng phực, hôi thối và có màu xấu xí. Đó là do nghiệp ác nói láo của họ gây ra.

Khi đến gần và thấy vậy, họ liền bị rơi vào trong ấy, nếu ngửi phải hơi ấy, mũi liền bị thiêu và rơi xuống, nếu thân đụng vào nước ấy thì toàn thân đều bốc cháy như con thiêu thân. Nước sắt sôi lần lượt thiêu các bộ phận như môi, cổ họng, tim, lá lách, ruột, sinh tạng, thục tạng rồi đi ra ngoài theo đường phía dưới.

Người nào hứa cho người khác quần áo, tọa cụ, ngọa cụ, nhưng sau đó không cho thì người nói láo ấy bị nóng lạnh công kích chịu khổ não lớn không ai cứu giúp, phải ngồi trên giường bằng đồng nóng khiến toàn thân đều tan chảy, tan rồi lại bị đốt nóng. Sau đó tội nhân sống trở lại.

Người nào hứa cho người khác nhà ở mà không cho thì do nghiệp nói láo đó bị đặt vào trong vạc hoan hỷ, vạc tùy hỷ rộng năm mươi do tuần, chứa đầy nước sắt sôi.

Tội nhân đầu bị chúc ngược xuống đất, khi đã vào trong vạc thì bị chín rục từ trên xuống dưới, phần nào chưa chín thì chìm, phần nào chín rồi thì nổi, phần đã nổi lên lại chìm xuống dưới. Khi đã chín rục rồi, thịt trên toàn thân đều bị tróc, gân da xương đều rã rời, tất cả các bộ phận đều bị hao mòn.

Vạc ấy rất tối, bên trong chứa đầy nước sắt sôi đốt thân tội nhân khiến họ kêu gào la khóc. Sau khi bị nấu, tội nhân vào vạc khác và lại bị nấu chín, chín rồi thì nổi lên và đi ra. Quá trình thiêu nấu xảy ra trong vạc này cũng giống như ở vạc đầu tiên, tội nhân lên xuống, ra vào, lúc hợp, lúc tan.

Lúc bị bỏ vào vạc, tội nhân phải tiếp xúc với nhiệt độ rất nóng, khiến họ nhào lộn trăm ngàn lần, thân thể bị chia thành trăm ngàn khúc, rồi sống trở lại và cùng các tội nhân khác tiếp xúc với nhiệt độ rất nóng, khiến họ nhào lộn trăm ngàn lần, thân thể bị chia thành trăm ngàn đoạn.

Do nghiệp ác nói dối trói buộc, nên họ chịu khổ trong mọi lúc. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì bị làm nô lệ cho người mà đời trước họ đã lừa dối, hứa mà không cho, hoặc là làm nô lệ cho người khác do nghiệp khác.

Nghiệp khác là do từ vô thỉ đến nay đời đời bị trôi lăn, tạo đủ loại nghiệp ác, bị tùy thuộc vào thế gian sinh tử lưu chuyển khắp nơi, do đó khó mà gặp nhau, bị dây nghiệp ưa thích trói buộc nên trôi lăn ở các nơi khác, không thể gặp nhau, thường không có đồ ăn uống, giường nằm, nhà cửa, thuốc trị bệnh, thường bị mọi người làm nhục. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Song bức não là vùng thứ mười một thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, nên bị đọa vào ngục Song bức não thuộc địa ngục Đại khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của chúng đã nói ở trước. Nay nói về vọng ngữ. Khi tụ tập ở trong làng hoặc xã, với tâm ngã mạn hoặc sân hận, hoặc ganh ghét, hoặc tranh đua, người ấy nói láo, lừa dối, phá hoại cả mình lẫn người.

Do người ấy nói láo nên những người ở đó bắt phạt người kia và người ấy lấy đó làm vui. Vì tích tụ nhiều nghiệp ác như vậy nên khi chết, người ấy bị đọa vào ngục Song bức não thuộc địa ngục Đại khiếu hoán chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó nặng nề hơn tất cả các nỗi khổ mà tội nhân ở các địa ngục Hợp, Hắc Thằng, Khiếu hoán phải chịu.

Do nghiệp ác, nơi đó có sư tử răng phát lửa bắt tội nhân khiến họ phải chịu đủ thứ khổ não như đã nói ở trước. Thoát được rồi, họ lại bị sư tử đưa lên ăn thịt. Khi đưa lên ăn thì họ chết, nhưng vừa bỏ xuống thì họ sống trở lại và bị ăn tất cả các bộ phận của thân.

Bị ăn xong, họ sống trở lại và tiếp tục bị ăn. Bên trong hàm răng của sư tử chứa đầy lửa và sư tử dùng răng đó ăn thịt tội nhân. Ở trong miệng sư tử, tội nhân chịu hai loại khổ là bị nhai và bị thiêu. Suốt vô lượng năm, tội nhân thường bị thiêu, bị ép rất khổ não.

Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì do nghiệp ác nên bị rắn cắn chết, hoặc bị sư tử, cọp, gấu giết và ăn thịt. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Điệt tương áp là vùng thứ mười hai thuộc địa ngục ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần