Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm đại Diệt - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BỔN HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI CHÍN
PHẨM ĐẠI DIỆT
TẬP MỘT
Thời, Phật cùng đại chúng
Đi đến rừng Song Thọ
Phật sai A Nan đến
Song Thọ bày giường nằm
Thế Tôn liền lên võng
Nằm nghiêng hông bên phải
Mặt hướng về phương Tây
Đầu hướng Bắc, gác chân.
Thời Hiền Giả Tu Bạt
Tu nhân, dứt tháo tánh
Muốn gặp Phật xin độ
Đến thưa với A Nan:
Tôi biết thầy Trời người
Sắp đến lúc Niết Bàn
Nên nay đến khó gặp
Biết rõ tất cả pháp
Nay muốn xin làm lễ
Làm sao dứt gốc khổ?
Nếu nay không được gặp
Như mặt trời vào tối
Xin A Nan thông báo.
Tâm A Nan buồn phiền
Liền bảo với Tu Bạt:
Giờ không phải lúc gặp
Phật dùng nhất thiết trí
Chiếu suốt người đáng độ
Tướng mạo trăm phước đức
Tâm từ nhìn Tu Bạt
Phật dùng lời êm dịu
Bảo với A Nan rằng:
Hãy cho người đó vào
Ta ra đời vì thiện.
Tu Bạt được thỏa nguyện
Rất vui mừng hớn hở
Liền đến chỗ Đức Phật
Nhất định được giải thoát.
Lúc bấy giờ, Tu Bạt
Khiêm kính tôn Phật đức
Cúi mình làm lễ Phật
Từ tốn bạch Thế Tôn:
Thầy trước biết thế gian
Rằng Ngài từ đắc đạo
Mình đã được giải thoát
Lại còn độ chúng sinh
Nguyện gặp xin chỉ bày
May ra được giác ngộ
Nên đến lễ kính Ngài
Chẳng dám xưng trí lực.
Phật thấy Tu Bạt đến
Với lòng rất kính vui
Đem đường Hiền Thánh nói
Diệt khổ, bày vô vi.
Bấy giờ Tu Bạt nghe
Tức thời được giải thoát
Ý tà mê giác ngộ
Liền được đạo, giải thoát
Kiến chấp điên đảo xưa.
Vì từ sinh tử mê
Sáu mươi hai đảo kiến
Bị thế tục nhận chìm
Vị ấy hết không thừa.
Bạch y được đắc đạo
Lậu hết thành La Hán
Vượt bờ, không lại qua.
Biết Phật sắp ra đi
Sinh yêu thương khắp đời
Khát ái, cả hai diệt
Diệt ý, các khổ kết
Hiểu những điều Phật nói
Lời dạy sâu chân chánh
Để dứt tâm nhiễm đắm
Tâm định không còn lậu,
Biết sinh tử cõi thế
Tu Bạt tư duy kỹ
Cho thế gian đoạn diệt
Nhãn kiến này trừ ngay.
Đời vốn là diệt vong
Ý biết như vậy rồi
Thế gian có thường kiến
Tà nghi chợt dứt bỏ
Điều chấp giữ trước đây,
Bỏ tà kiến điên đảo
Nghe lời Phật chân thiện
Mở từ tâm thọ trì.
Nhân vì ở đời trước
Các căn lành đã tu
Nguyện vào thành Nê Hoàn
Nên mau chóng giải thoát,
Đã được lành vô vi
Trừ tối, giác chánh chân
Hiểu mãi pháp cam lộ
Trừ hết các trần lao.
Thời, thấy Phật Thế Tôn.
Muốn bỏ vào vắng lặng
Với lòng từ nhìn Phật
Trong tâm liền nghĩ rằng:
Đáng lẽ ta không nên
Nhìn Phật xả thọ mạng
Đuốc sáng khắp thế gian
Chỗ chúng sinh nương tựa
Ban lành cho tất cả.
Con nguyện xả thân trước
Xin Đấng Trời trong Trời
Ngưng xả thọ giây lát.
Thiện tâm phát vô lượng
Năm vóc gieo xuống đất
Cúi đầu lễ chân Phật
Sinh tâm định như núi
Tức thời liền chóng diệt
Giống như mây lớn giăng
Mưa cam lộ tuôn khắp
Tắt ngấm lửa đồng nhỏ.
Phật truyền bảo Tỳ Kheo
Cúng dường thân Tu Bạt
Đệ tử Phật sau rốt
Độ vào thành Nê Hoàn.
Nhân đó tựa hông phải
Nằm lên trên giường đây
Muốn xả bỏ thân Phật
Đã hết số tuổi thọ.
Lúc ấy vào đầu đêm
Trăng sao dần bớt sáng
Chim thú trong rừng lặng
Phật bảo các đệ tử:
Các thầy kính trọng giới
Như ngọn đèn Tôn Sư
Sau khi ta rời thế
Thuận theo chớ trái phạm
Nhiếp tịnh thân, miệng, ý
Xả lợi cầu an ổn
Ruộng vườn, chứa tôi tớ.
Không kho lẫm, làm vườn
Không trồng các cây cối
Cũng chớ gây tổn thương.
Không được vì thân mình
Xây vách cao, tường nổi
Không ngước xem lịch số
Không hòa hợp thuốc thang
Biết thời hạn, tiết thực
Sửa mình, không mong kính.
Không tự giấu lỗi xấu
Không sống bằng bùa chú
Không làm sứ cho Vua
Không xem tướng, tốt xấu.
Sau các thầy sẽ đủ
Y thực và thuốc thang
Thường nhiếp tâm biết đủ
Chịu khổ, giữ tiết hạn
Các thầy chỉ siêng năng
Vâng giữ giới cấm này
Cội gốc giới cụ túc
Nê Hoàn đều chuyên chở.
Từ đó sinh định tuệ
Giới cấm đủ hài hòa
Giữ gìn cho đầy đủ
Trí tuệ càng tăng thêm.
Dứt bỏ các trần lao
Duyên này đến Nê Hoàn.
Lời này ấn phong giới
Vì người biết giữ giới
Giới ấy đủ không thiếu
Đầy đủ không sai sót
Thì kia lành thanh tịnh
Thoát trần lao vắng lặng.
Người không có giới cấm
Thì không phải Sa Môn
Vì lập giới cấm địa
Thành Sa Môn khéo mầu.
Đã đầy đủ tịnh giới
Tâm không theo các dục
Cố gắng giữ tâm trụ
Nhẫn nhục, không khởi sân,
Như trâu đành bỏ cỏ
Buông lung nghĩ theo tà
Sai mất giới cấm tịnh
Điên đảo rất suy hao.
Nếu gặp phải giặc dữ
Một đời thân chịu khổ
Nếu chạy theo các dục
Đời này và đời sau
Chịu đủ các khổ độc,
Cho nên chớ theo dục
Kẻ mừng khi được dục
Sau ắt gặp khổ to.
Người không nên sợ hãi
Lửa hừng hực đốt cháy
Chớ sợ hổ mang độc
Và giặc ác hung bạo
Hại đoạt mạng con người
Phải sợ ý ngu si
Như ngu thấy núi mật
Không nghĩ nạn nát thân.
Như voi say không móc
Nhảy nhót như khỉ vượn
Tâm ngày đêm theo dục
Không theo các pháp mầu
Người không dứt tâm ấy
Chân chẳng được nghỉ ngơi.
Đã điều phục được tâm
Chẳng tà lệch Nê Hoàn.
Được ăn như uống thuốc
Không nên nghĩ chán ưa
Có được thức ăn ngon
Cũng cho thân khỏi đói.
Cũng như ong hút hoa
Lấy tinh vị của hoa
Xin ăn nên vừa phải
Không để mất kính tin
Không phiền người ưa thí
Chớ nên chứa để nhiều
Kẻ cho nhiều thì chán
Chứa của nhiều thì mệt.
Các thầy ngày đêm siêng
Phương tiện nên gắng lên
Chớ buông lung ngủ nghỉ
Tổn hao mạng khó được
Khắp đời bị chết thiêu
Ai suốt đêm ngủ yên
Kẻ thù luôn vây hãm
Khủng bố đâu yên được.
Nên bỏ cấu trần lao
Được ngủ yên đêm dài
Trần lao che yên ngủ
Tỉnh ngủ diệt trần lao.
Hổ thẹn là y phục
Chuỗi ngọc móc giữ voi
Người không tâm hổ thẹn
Các đức lành bỏ đi
Người có tâm hổ thẹn
Đó mới gọi là người
Mặt dày không biết thẹn
Thì đó là súc vật.
Nếu cắt rời chi thể
Tâm cũng không rối loạn
Cũng không trái giới cấm
Miệng chửi mắng tục tằn
Thì giới là nhẫn nhục
Sức mạnh giới là đây.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai - Phẩm Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Ba - Pháp Môn Trị Ngu Si