Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Như Lai Tánh - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Hiển, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Hiển, Đời Đông Tấn
PHẨM MƯỜI BA
PHẨM NHƯ LAI TÁNH
PHẦN HAI
Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay!
Này thiện nam tử! Chư vị Bồ Tát nên học lợi trí thậm thâm như vậy.
Lại nữa thiện nam! Ta sẽ nói thêm về việc thể nhập tạng tính Như Lai.
Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Có ngã trường tồn thì
Trọn không bị khổ hoạn
Giả sử không có ngã
Không ai tu phạm hạnh.
Hết thảy pháp vô ngã
Đây là thuyết đoạn diệt.
Ai nói ngã trường tồn
Đó là thuyết chấp thường.
Hết thảy pháp vô thường
Cũng là thuyết đoạn diệt
Hết thảy pháp thường hằng
Đó là thuyết chấp thường.
Hết thảy pháp là khổ
Chính là thuyết đoạn diệt
Hết thảy pháp là lạc
Đó là thuyết chấp thường
Tu tưởng tất cả thường
Thì mau được thuyết đoạn
Tu tất cả vô thường
Thì mau đắc thường tưởng.
Thí như chặt trùng lâu
Được một mong thành hai.
Cũng vậy, tu thường tưởng
Thì mau được đoạn diệt
Nếu tu thuyết đoạn diệt
Cũng mau được thường tưởng
Như thí dụ đã nói
Được một lại mong nhiều.
Ngoài ra tu pháp khổ
Là nói điều bất thiện
Tu pháp thường an vui
Chính là nói điều thiện
Tu các pháp vô ngã
Quán vô lượng phiền não
Tu các pháp thường tồn
Phật tính và Niết Bàn
Tu các pháp vô thường
Là thân chẳng kiên cố
Tu các pháp thường hằng
Như Lai và Tam Bảo
Cùng bình đẳng, giải thoát
Là các pháp chân thật
Những điều Như Lai dạy
Chẳng giống ví dụ kia.
Phải biết trừ nhị biên
Ở trung đạo thuyết pháp
Chấp thường và đoạn diệt
Phải xa hai thuyết đó.
Bọn phàm ngu thế gian
Hiểu lầm lời Phật dạy
Ví như người bệnh gầy
Vội uống lầm sữa tô
Có, không thêm bệnh ấy?
Thí như người bệnh nặng
Bốn đại xung đột nhau
Mà không được hòa hợp
Đàm uẩn tăng không ngừng
Gió thổi càng như đốt
Phong uẩn đã trái nhau
Đàm dãi lại càng tăng
Tứ đại không điều hòa
Nên thân thể phát cuồng
Thầy thuốc khéo trị bệnh
Tùy thuận an bốn đại
Trừ diệt tất cả bệnh
Toàn thân khỏe, an vui
Như bốn rắn độc lớn
Vô lượng phiền não, hoạn
Thầy thuốc khéo trị bệnh
Tính bình đẳng, an ổn
Và tính bình đẳng đó
Gọi là Như Lai tạng
Được nghe Như Lai tính
Xa lìa tất cả giới
Thường trụ, không thay đổi
Có, không đều chẳng vướng
Kẻ ngu chỉ vọng thuyết
Không hiểu pháp bí mật.
Như Lai vì chúng sinh
Phương tiện nói thân khổ
Kẻ ngu không thể biết
Bảo thân ta đoạn diệt
Người trí mới hiểu rõ
Không thụ hết tất cả
Biết được trong thân ta
Có hạt giống an lạc.
Nghe ta vì chúng sinh
Phương tiện nói vô thường
Kẻ ngu bảo thân ta
Như đồ bằng đất nung
Người trí tuệ biết rõ
Không nhận hết tất cả
Biết được thân ta có
Là pháp thân vi diệu.
Nghe ta vì chúng sinh
Phương tiện thuyết vô ngã
Kẻ ngu bảo pháp Phật
Hết thảy đều vô ngã
Người trí mới hiểu rõ
Đó giả danh, phi tận
Chẳng mê nơi thanh tịnh
Như Lai chân pháp tánh.
Nghe Phật vì chúng sinh
Phương tiện thuyết giáo không
Kẻ ngu không hiểu được
Bảo rằng ngôn ngữ đoạn
Người trí thì hiểu rõ
Không gồm thâu tất cả
Biết pháp thân Như Lai
Trường tồn không thay đổi.
Nghe ta vì chúng sinh
Phương tiện thuyết giải thoát
Người ngu không hiểu được
Bảo giải thoát là hết
Người trí thì hiểu rõ
Không hẳn đến chỗ đoạn
Như Lai, nhân Sư Tử
Bậc tự tại độc hành
Ta vì chúng sinh thuyết
Vô minh duyên các hành
Người ngu không hiểu được
Bảo đó là hai pháp
Nhưng người trí hiểu rõ
Minh, vô minh tuy khác
Pháp giải thoát chân thật
Thì chẳng có hai tướng.
Duyên các hành sinh thức
Kẻ ngu bảo là hai
Người trí biết hành, duyên
Tuy hai mà chẳng hai.
Thập thiện và thập ác
Kẻ ngu theo hai tướng
Người trí mới hiểu rõ
Tuy hai mà chẳng hai.
Có tội và vô tội
Kẻ ngu bảo là hai
Người trí khéo hiểu rõ
Tự tính vốn chẳng hai.
Tướng thanh tịnh, bất tịnh
Kẻ ngu bảo là hai
Người trí khéo hiểu rõ
Tự tính vốn chẳng hai.
Tạo tác, chẳng tạo tác
Nói tất cả mọi pháp
Kẻ ngu không thể biết
Bảo đó là hai pháp
Người trí khéo hiểu rõ
Tự tính vốn chẳng hai.
Nói tất cả các pháp
Là có khổ và lạc
Kẻ ngu không thể biết
Bảo đó là hai pháp
Người trí khéo biết rõ
Tự tính vốn chẳng hai.
Ta vì chúng sinh thuyết
Tất cả hành vô thường
Kẻ ngu chẳng thể biết
Thuần tu Như Lai tính
Người trí khéo hiểu rõ
Tự tính vốn chẳng hai.
Ta vì chúng sinh thuyết
Tất cả pháp vô ngã
Kẻ ngu không thể biết
Nói Phật thuyết vô ngã
Người trí hiểu tự tính
Ngã, vô ngã chẳng hai.
Vô lượng vô số Phật
Đều thuyết Như Lai tạng
Ta cũng nói tất cả
Kinh tích tụ công đức
Ngã, vô ngã chẳng hai
Các ông khéo thụ trì.
Này thiện nam tử! Phải luôn ghi nhớ Kinh Điển tích tụ tất cả công đức. Ta cũng đã thuyết Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, là Kinh bất nhị.
Kinh đó nói rằng ngã và vô ngã vốn là không hai. Thí như từ sữa mà có được lạc, từ lạc có tô, từ tô có thục, rồi từ thục tô mới có đề hồ, trước sau là một.
Nếu như lạc, tô… từ thứ khác sinh, thì là thứ khác tạo ra thứ này. Nếu sữa là lạc, vậy thì tại sao lúc còn là sữa chẳng thấy tướng lạc. Như vậy là do nhân duyên xoay vần đắp đổi cùng sinh, chẳng phải tự sinh, nên nói xoay vần.
Nếu từ thứ khác sinh ra thì nó ở chỗ nào đến?
Ngay lúc là sữa không thấy lạc, tô, thục tô, đề hồ từ khỗ khác đến. Tất cả mỗi thứ, sữa, lạc, sinh tô… đều có tự tính của chất đề hồ, nhưng bị nhiều thứ tạp nhiễm che đậy cho nên mới có những chất khác nhau. Nếu bò ăn nhiều, sữa sẽ như máu. nếu ăn cỏ ngọt, sữa sẽ ngọt thơm. nếu ăn cỏ đắng, sữa có vị đắng.
Dưới chân núi Tuyết có đầm cỏ ngọt, nếu bò ăn được loại cỏ ngọt này sẽ cho đề hồ, không có màu khác. Nếu bò ăn nhiều loại cỏ khác nhau thì sữa cũng sẽ có nhiều màu khác.
Minh và vô minh là pháp bất nhị, cũng giống như vậy, do những hành nghiệp lỗi lầm cho nên minh thành vô minh. Hết thảy pháp thiện và pháp bất thiện đều chẳng phải hai.
Cho nên phải biết, tính của Như Lai giống như đề hồ, tự tính thanh tịnh bị vướng phiền não cho nên có những hình tướng khác nhau. Như người ta nói nước biển vị mặn, không phải tất cả nước biển thuần mặn, mà trong nước biển cũng có đầy đủ tám vị của nước.
Như trong núi Tuyết có nhiều cỏ độc, nhưng mà trước đây núi Tuyết cũng có rất nhiều thuốc hay. Thân của tất cả chúng sinh cũng vậy, bốn đại hòa hợp thí như rắn độc, nhưng trong thân này trước có Phật tính, như thuốc hay kia, tự tính Như Lai trước sau thường có, chẳng phải là do tạo tác mà có, nhưng vì trong đó vô lượng phiền não đua nhau nổi dậy.
Tất cả chúng sinh muốn cầu thành Phật, phải trừ vô lượng phiền não kết hoạn. Thí như mùa xuân nổi mây sấm lớn nhưng mà chưa mưa, cỏ cây, hoa quả đều chưa nảy mầm. khi mùa hạ đến, mưa lớn đổ xuống, hết thảy nương nhờ.
Tự tính Như Lai cũng y như vậy, vô lượng phiền não kết hoạn che đậy, tuy nghe Khế Kinh và các tam muội nhưng vẫn chẳng biết tự tính Như Lai. Do vì không biết cho nên khởi tưởng ngã và vô ngã. Khế Kinh Phương Đẳng Đại Bát Nê Hoàn Pháp Tạng Mật Giáo dạy ở thế gian, chúng sinh nghe rồi tự tính Như Lai thảy đều nảy mầm, có thể nuôi lớn, vì vậy gọi là Đại Bát Nê Hoàn.
Như vậy, thiện nam! Nếu chúng sinh nào học Kinh Phương Đẳng Bát Nê Hoàn này thì đã đền đáp ân Đức Như Lai.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Hay thay, Thế Tôn! Các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật rất là khó thấy, khó được bảo vật tự tính Như Lai.
Phật bảo Ca Diếp: Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam tử! Ta cũng thường nói rất là khó thấy. Thí như một người bị bệnh màng mắt che khuất con ngươi, chẳng thấy năm sắc, đến chỗ thầy thuốc trị bệnh màng mắt. Thầy thuốc cắt được chút ít màng mây, rồi lấy một vật để ở trước mặt kêu người bệnh nhìn. Người ấy nhìn thấy, nhưng thấy loạn xạ, nói hai hoặc ba. Từ từ nhìn kỹ thấy được lờ mờ.
Cũng vậy, thiện nam! Bậc Đại Bồ Tát tu pháp Mật Giáo, thành tựu Thập Trụ, quán sát thể tính Như Lai chân thật ở nơi tự thân, vậy mà vẫn còn mê hoặc mập mờ trong pháp vô ngã, huống nữa là hàng Thanh Văn, Bích chi có thể biết được!
Này thiện nam tử! Phải nên biết rằng tự tính Như Lai khó thấy như vậy. Lại như một người ngước nhìn chim bay, vì xa nên không biết đúng hay sai, phải nhìn thật kỹ mới thấy lờ mờ. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân vẫn còn mê lầm, lâu sau mới thấy chỉ được lờ mờ, huống là Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Lại như một người do đàm uẩn tăng, lầm lẫn phương hướng, muốn đến chỗ nào, trong tâm liên tục chuyên niệm, ghi nhớ, vậy mà vẫn còn bị quên mất đường. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân, phương tiện chuyên tâm vẫn còn mê lầm, huống là Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Lại như một người đi xa qua vùng đồng không nhà trống, cơn khát bức loạn, từ xa trông thấy một bầy ngựa hoang, hoặc tưởng lầm nước, hoặc bảo rừng cây, hoặc nói thôn làng. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng sinh mê lầm.
Lại nữa, thí như một người lên cao nhìn xuống đằng xa thấy ngôi Tháp Phật, hoặc tưởng là nước, hoặc bảo hư không, hoặc nói nhà cửa, hoặc bảo ngựa hoang, núi đá, cỏ cây… khi có phương tiện quán sát kỹ càng mới biết là Tháp. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân vẫn còn mê lầm, phương tiện quán sâu mới biết chân thật.
Lại nữa, như người đi thuyền trên biển, từ xa trông thấy thành ấp nhưng lầm tưởng là hư không, hoặc bảo loài vật. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm.
Lại như Vương Tử suốt đêm coi hát, đến mặt trời mọc nhìn thấy người thân tưởng lầm người lạ. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm.
Lại nữa, thí như Đại Thần đến chỗ của Vua hỏi bàn việc nước, đến khuya về nhà, trong luồng ánh chớp thấy con trâu trắng, nghĩ tưởng sai lầm cho là nhà cửa, hoặc tưởng gò mả. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân, cũng còn mê lầm.
Lại nữa, thí như Tỳ Kheo tự lọc nước sạch, sau đó nhìn kỹ thấy chút mảy lông, tưởng là vi trùng, hoặc là bụi bặm. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm.
Lại như có người nhìn đỉnh núi cao, thấy có người đi, tưởng là cầm thú. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm. Như người bệnh mắt, ban đêm xem tranh, hoặc bảo hình người, hoặc nói tượng thần, hoặc nói Tượng Phật, hoặc bảo hình tượng Thích, Phạm, Bồ Tát. Bồ Tát Thập Trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng sinh mê lầm.
Cũng vậy, thiện nam! Tự tính Như Lai rất khó thấy được, là cảnh giới Phật, không phải cảnh giới của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật có thể thấy biết.
Như vậy, thiện nam! Giáo Pháp Như Lai người trí biết được phải nên tin nhận.
Bồ Tát Ca Diếp bạch Đức Phật rằng: Như Thế Tôn dạy, tự tính Như Lai rất là vi diệu, những người mắt thịt làm sao thấy được?
Phật bảo Ca Diếp: Như Cõi Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Thiên, cảnh giới của Phật, hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật làm sao thấy được?
Nhưng họ tùy thuận Khế Kinh Như Lai, tín tâm phương tiện, rồi sau bình đẳng quán sát nghĩa lý.
Như vậy, thiện nam! Hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật, phải nương Kinh Điển Phương Đẳng Nê Hoàn mà sinh tín tâm, biết được tự thân có tính Như Lai. Cho nên phải biết, tự tính Như Lai là cảnh giới Phật, chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Ca Diếp bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng sinh thế gian đều nói có ngã, so với tự tính, nghĩa nó thế nào?
Phật bảo Ca Diếp: Thí như thuở xưa, có hai người bạn, một người Vương Tử, người kia bần cùng, kết giao qua lại. Vương Tử có nuôi huấn luyện con hủy, anh bạn nhà nghèo đã từng thấy qua. Sau đó hai người cùng đi nước khác, gặp lúc Trời tối cùng thuê phòng nghỉ.
Anh bạn nhà nghèo trong mộng nói mớ: Hủy đến, hủy đến! Tiếng la vang ra thấu cả bên ngoài. Lúc ấy có người nghe được tiếng ấy, liền đến chỗ Vua, kể lại đầy đủ những gì nghe được.
Vua liền bắt anh bạn nghèo thẩm vấn: Hủy ở chỗ nào?
Bấy giờ anh bạn nhà nghèo trả lời: Tôi không có hủy. Người bạn tôi có, tôi từng thấy qua.
Vua liền hỏi kỹ: Hình dáng thế nào?
Anh lại trả lời: Sừng của con hủy giống sừng con dê.
Nghe lời đó xong, Vua bảo người nghèo: Ngươi hãy trở về chỗ có con hủy, nếu tìm không có, là lời nói dối. Thế rồi lời nói hủy giống con dê truyền trong thiên hạ. Sau đó không lâu, Vua ấy mạng chung, thái tử nối ngôi, cũng dò tìm hủy, nhưng mà chẳng thấy. Lần lượt đời sau con của Thái Tử lên nối ngôi Vua cũng y như vậy, tìm hủy chẳng được.
Xoay vần tương truyền lâu dần về sau từ chuyện con hủy nhớ thành con dê. Bậc Đại Bồ Tát cũng y như vậy, lúc mới ra đời, vì chúng sinh thuyết tự ngã chân thật. Trong đó có người vô tri nghe được tất cả chúng sinh đều có Phật tính, không biết là thật bèn nói vọng tưởng.
Tự ngã giống như tim đèn ở giữa vô số chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng, như lời của người nằm mộng kia nói xoay vần truyền nhau thành ra tà kiến, chấp có ngô, ngã, tìm tính ngô, ngã, chẳng được thật ngã, tạo thuyết vô ngã. Nhưng mọi chúng sinh ở giữa thế gian thường khởi vọng tưởng chấp có ngô, ngã và tưởng vô ngã.
Cũng vậy, thiện nam! Ta nói tự tính Như Lai chân thật tuyệt đối bậc nhất.
Nếu ở thế gian ai nói lời rằng: Ta tùy thuận pháp. Phải biết người này đã lìa thế tục, họ đều là bậc Bồ Tát hóa hiện đồng như người đời.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thánh Mặc Nhiên
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Di Lặc Lai Thời
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Di Giáo
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Mười Một - Phẩm Ba Tiểu Kiếp
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Hai - Phẩm Chư Thiên Nữ Hỏi Về Bốn đại
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Thuật Phật - Thí Dụ Bốn Mươi Bảy