Phật Thuyết Kinh Quang Minh đồng Tử Nhân Duyên - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

QUANG MINH ĐỒNG TỬ NHÂN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN BA  

Bấy giờ Tôn Giả Thập lực Ca Diếp đi đến chỗ để bát, thấy việc này rồi, đến nhà trưởng giả Quang Minh, hỏi trưởng giả rằng: Ông để bát báu ở bên trái đường làm gì?

Trưởng giả Quang Minh đem nguyên nhân trước thưa với Tôn Giả.

Thập lực Ca Diếp suy nghĩ: Ta nghe trước kia trưởng giả Thiện Hiền gây nghiệp giết hại vì tin ngoại đạo. Nay ở đây trưởng giả Quang Minh làm việc phước, ta không nên bỏ đi bát này, nên hiện sức thần làm cho trưởng giả Quang Minh tròn đầy chí nguyện.

Nghĩ xong, dùng thần lực duỗi cánh tay phải, giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, chỉ trong khảnh khắc, lấy bát báu kia đem về chỗ mình.

Các Bí Sô thấy Thập lực Ca Diếp mang bát báu đến đều cùng thưa rằng: Tôn Giả! Ngài được bát này ở đâu?

Thập lực Ca Diếp đem việc trước nói lại cho các Bí Sô.

Các Bí Sô thưa: Tôn Giả! Ngài vì bát này mà hiện thần lực, có đúng nghi pháp không?

Thập lực Ca Diếp nói với các Bí Sô: Ví như nghi pháp, không như nghi pháp.

Ta đã làm rồi, vậy biết làm sao đây?

Khi ấy, các Bí Sô đem việc này bạch Phật.

Phật bảo các Bí Sô: Nếu không đúng lúc và không đúng nơi, không lợi ích, không được tự tiện hiện tướng thần lực. Hiện không đúng pháp sẽ sanh lỗi lầm.

Bấy giờ Thế Tôn dùng thần lực hóa ra bốn bát:

1. Bát bằng vàng.

2. Bát bằng bạc.

3. Bát bằng phệ Lưu Ly.

4. Bát bằng Pha Để Ca.

Hóa bốn bát rồi, lại hóa thêm bốn bát:

1. Bát thứ nhất bằng đá nhũ.

2. Bát thứ hai bằng đồng đỏ.

3. Bát thứ ba bằng đồng trắng.

4. Bát thứ tư bằng gỗ.

Hóa xong, lần lượt đem bốn bát trước xếp bày. Bốn bát sau cũng xếp như vậy. Trong mỗi bát có đầy đủ thức ăn thơm ngon hảo hạng, đem đặt một chỗ, các Bí Sô tùy ý mà lấy, tùy người nên nhận.

Sau khi Phật thu thần lực, bát lại biến mất. Sau đó, trưởng giả Quang Minh hưởng phước Cõi Trời, hiện tướng an lành. Những việc kỳ lạ luôn luôn xuất hiện.

Khi ấy, ở giữa hai cõi nước Chiêm Ba và thành Vương Xá có cây trụ ranh giới, trang sức bằng dây lụa, dưới có hai bát: Một bát bằng thiếc, một bát bằng đất. Bát này trước đã chú nguyện, đặt ở giữa ranh giới hai nước. Không xa, có một trạm thu thuế.

Các người buôn bán đem các vật đến nạp thuế cho Vua. Có một người coi lấy thuế, có đầy đủ con cái quyến thuộc, của cải tơ lụa nhưng không tu thiện. Bỗng người ấy chết ở chỗ thu thuế, làm Dạ Xoa lớn ác, cũng ở nơi ấy giữ gìn trạm thuế.

Một đêm, các người con nằm mộng thấy Dạ Xoa nói: Hãy treo một cái linh lớn trên trụ ranh giới ấy. Các người buôn đi qua trạm thuế, nếu có vật thuế mà giấu không nạp, linh ấy tự nhiên kêu lên, người lấy thuế biết được liền giữ họ lại kiểm soát, lấy được thuế rồi mới cho họ đi.

Các người con thấy mộng rồi, sáng sớm cùng với thân thuộc đến chỗ trạm thuế, tìm thấy cây trụ ranh giới, bèn y theo mộng treo cái linh ở trên.

Bấy giờ trong nước Chiêm Ba có một nhà Bà La Môn tên Mạn Ninh Đát Mộ, làm nghề mua bán. Một hôm nọ ngồi cùng vợ ở một chỗ.

Vợ bảo chồng rằng: Em ở nhà lo liệu việc trong nhà. Tiền bạc của chàng làm ra chỉ đủ tiêu dùng.

Chẳng lẽ cứ như vậy hoài hay sao?

Anh nên vào trong chợ, mua sợi bông vải thật tốt đẹp.

Em sẽ dệt thành tấm vải tốt đẹp cho anh đem ra chợ bán, không lợi hơn hay sao?

Bà La Môn theo lời vợ nói, mua được sợi vải đem về. Vợ bèn sắp đặt khung dệt để dệt thành tấm vải mềm mại, tốt đẹp không thể bì. Đường chỉ ngang dọc kỹ, đều tinh xảo.

Người vợ chăm chỉ dệt thành một tấm vải tốt, bèn bảo chồng rằng: Tấm vải đã dệt xong, tốt đẹp mềm mại, giá đáng ngàn vàng. Anh có thể đem ra chợ bán. Nếu có ai trả đúng giá ngàn vàng thì bán cho họ.

Nếu không trả đủ giá ngàn vàng, tùy theo trường hợp, nên nói dịu dàng rằng: Ở đây không ai làm được tấm vải tốt đẹp, tinh xảo này. Xướng lên vậy rồi, đem đến chỗ khác mà bán.

 Bấy giờ Bà La Môn Mạn Ninh Đát Mộ như lời vợ dặn, đem tấm vải tinh xảo này vào bán trong chợ. Rốt cuộc không có người nào trả đúng ngàn vàng.

Nhớ lời vợ, ông bèn xướng rằng: Trong đại thành Chiêm Ba, không ai làm được tấm vải tinh xảo như vậy.

Nói xong đem về bàn với vợ: Không có người nào trả đúng giá này. Nên đem đến nước khác sẽ có người biết giá trị của nó. Nói rồi cùng nhau từ biệt.

Khi ấy, Bà La Môn đem một tấm vải đã từng mặc qua, cùng với tấm vải mới dệt giấu trong cán cây lọng, âm thầm đi theo những người buôn, dần dần ra khỏi nước mình.

Vừa đến thành Vương Xá, những người buôn đi qua giữa hai chỗ có trạm thuế. Đến chỗ ấy rồi, gom các vật lại để một chỗ. Lúc ấy người lấy thuế lần lượt kiểm soát. Các người buôn đem các vật đóng thuế nạp lên cho Vua.

Trong đó chỉ có Bà La Môn Mạn Ninh Đát Mộ trước đã cất dấu tấm vải trong cái cán lọng, đứng ở một bên không chịu đem nạp thuế. Một bên của trạm thuế trước đó đã trồng cây trụ ranh giới, trên có treo cái linh tự nhiên phát ra tiếng.

Người thu thuế liền biết trong đoàn có người trốn thuế, bèn nói với chủ buôn rằng: Cái linh trên cây trụ này không phải gió thổi động, không phải người lay đánh, mà tư nhiên phát ra tiếng.

Tôi biết trong đoàn của ông có người giấu vật, không đem nạp thuế phải không?

Người thu thuế liền giữ họ lại kiểm soát, thấy trong đoàn này không có người nào giấu trốn không nộp thuế. Các người buôn biết chắc không còn vật chưa nạp thuế đều muốn tiếp tục đi. Cái linh lại phát ra tiếng bốn lần như vậy, lại kiểm soát kỹ, cũng không tìm được người nào trốn thuế.

Chủ buôn nói với người lấy thuế rằng: Trong đoàn của tôi không có người nào trốn thuế, chắc là đoàn người khác đã lén đi trước rồi.

Nói xong, liền cùng bàn với nhau: Trong này có một Bà La Môn cất giấu vật không đóng thuế. Cuối cùng, người lấy thuế kia đến chỗ người Bà La Môn Mạn Ninh Đát Mộ nắm lại không thả ra, cố tìm vật trốn thuế.

Bà La Môn nói: Vì sao ông nắm tay tôi?

Ông đã thấy rõ thật không có vật trốn thuế. Tôi không giấu chút vật nào không nạp. Nếu có thì đã đem đóng thuế rồi. Nói xong, cái linh lại phát ra tiếng.

Khi ấy, người thu thuế nhắm vào Bà La Môn kiểm soát thật kỹ, rồi nói rằng: Bà La Môn ơi! Vì sao ông cố giấu vật, không chịu nạp thuế?

Nay cái linh này phát ra tiếng nhiều lần là việc kỳ lạ. Ông nên biết, dưới cây trụ ranh giới này có Thiên Thần ủng hộ, ông nên đem vật ra nạp thuế, đừng gây làm việc xấu như vậy.

Bà La Môn nói: Tôi tin là thật có Thiên Thần ủng hộ.

Nói xong, lấy tấm vải tốt trong cán lọng ra, đưa cho người thu thuế, nói rằng: Đây là vật tôi trốn thuế. Ông hãy lấy nó đi.

Người thu thuế nhận tấm vải này rồi nói với Bà La Môn: Không phải tôi nhận đem nạp cho Vua, cũng không lấy cho tôi, mà là đem dâng cúng Thiên Thần.

Nói rồi đem tấm vải treo lên cây trụ và nói với Bà La Môn rằng: Tôi đã treo tấm vải dâng cho Thần linh rồi.

Nếu ông muốn lấy hãy tự lấy đi! Bà La Môn liền lấy tấm vải đó đem đến một chỗ vắng, cũng cất dấu trong cán lọng như trước, rồi tiếp tục đi dần vào thành Vương Xá. Bà La Môn đem tấm vải đó bày bán trong chợ, mong có người trả đúng giá ngàn vàng. Đi khắp, rốt cuộc không có ai trả đúng giá như vậy.

Bà La Môn xướng lên rằng: Trong đại thành Vương Xá không có người nào biết được giá trị của tấm vải tốt đẹp này.

Lúc xướng như vậy, trưởng giả Quang Minh cỡi voi báu, từ cung Vua trở về nhà mình, bỗng nghe nói như thế, rất kinh ngạc, bèn dừng lại hỏi Bà La Môn rằng: Vì sao ông nói lời chê bai trong thành này?

Bà La Môn ấy không trả lời.

Trưởng giả Quang Minh nói: Ông nên nói rõ nguyên nhân việc này.

Bà La Môn nói: Tôi từ nước mình đem hai tấm vải tốt đẹp đến đây bán. Nếu có người trả đúng giá ngàn vàng thì tôi bán. Tôi đã đi khắp mà không có người nào trả đúng giá ấy.

Trưởng giả Quang Minh nói: Ông có thể đem đến để tôi xem kỹ. Bà La Môn liền theo trưởng giả về đến nhà, rồi lấy tấm vải đó cho trưởng giả xem.

Trưởng giả xem rồi liền nhận biết giá trị, bảo Bà La Môn rằng: Hai tấm vải này một mới một cũ. Cái cũ tôi trả ông giá năm trăm tiền vàng.

Bà La Môn nói: Giá trưởng giả trả chưa bán được.

Trưởng giả Quang Minh nói: Ta thấy tấm vải này cũ, phải giặt tẩy mới trở thành mới. Trưởng giả liền đem tấm vải cũ, ở trên lầu cao quăng từ trên không xuống, tấm vải ấy nặng, liền rơi xuống đất.

Trương giả Quang Minh nói với Bà La Môn: Tôi muốn xem kỹ tấm vải mới còn lại. Bà La Môn lấy tấm vải mới đem trao trưởng giả. trưởng giả xem xong, cũng làm như trước. Từ trên không dải xuống, tấm vải ấy nhẹ tốt nên từ từ mới xuống đến đất.

Bà La Môn sanh lòng tin trọng, nói rằng: Trưởng giả Quang Minh có oai lực lớn. Tấm vải tốt đẹp này, mới cũ tôi đều dâng cho ông, không lấy giá ấy. Ông nên nhận lấy cho.

Trưởng giả đáp: Nhà tôi giàu có. Ông đã trải qua gian khổ, không thể vô cớ nhận vật này của ông. Nay tôi trả cho ông mỗi tấm ngàn vàng, ông đưa cho tôi hai tấm vải này.

Bà La Môn nhận được tiền vàng rồi mang trở về nhà. Trưởng giả Quang Minh lấy tấm vải cũ đem cho đứa ở. Sau lấy tấm vải mới làm khăn mới mà dùng thường ngày. trưởng giả dùng khăn rồi, sau đó đem phơi nắng.

Bấy giờ Vua Tần Bà Sa La cùng người hầu cận mới vừa lên cung điện, bỗng nhiên có gió mạnh thổi khăn ấy rơi xuống trước mặt Vua Tần Bà Sa La bảo người hầu cận: Tấm vải tốt đẹp này từ đâu bay đến?

Chỉ có hàng Vương giả mới sử dụng nó.

Người hầu cận tâu: Tâu Đại Vương, Thần từng nghe rằng: Chuyển Luân Thánh Vương bảy ngày sắp sửa lên ngôi, Trời mưa vàng. Nay Ngài đã lên ngôi, Trời mưa tấm vải tốt đẹp, không lâu sau cũng sẽ mưa vàng.

Vua nói: Các ngươi không biết.

Ta nghe Phật thọ ký: Trưởng giả Quang Minh ở trong cõi người hưởng thọ phước Trời. Tấm vải tốt đẹp này là vật của Quang Minh dùng, gió bay đến đây, có thể mời người ấy đến đây trao trả lại. Trưởng giả Quang Minh liền đến trước Vua.

Vua nói: Trưởng giả! Trước kia Phật thọ ký cho ông ở trong cõi người hưởng thọ phước Trời. Tấm vải tốt đẹp này là của ông, ta trả lại cho ông. Trưởng giả Quang Minh cúi mình đưa tay đón nhận tấm vải ấy.

Nhận rồi xem đúng là của mình, liền tâu Vua rằng: Đây là khăn sạch tôi dùng ở nhà, mới vừa đem phơi nắng, gió bay đến đây. Việc ấy đúng là thật.

Vua bảo trưởng giả: Phật thọ ký cho ông hưởng thọ phước Trời, hiện tướng an lành. Lời Phật chắc thật, việc ấy như vậy.

Lại nói với trưởng giả: Bây giờ tướng tốt của ông như vậy, sao không thỉnh Vua đến nhà ông xem qua một lượt?

Trưởng giả tâu rằng: Nay tôi may mắn, xin được thỉnh Vua đến nhà.

Vua nói: Trưởng giả! Ông nên về trước chuẩn bị các thức ăn uống.

Trưởng giả tâu: Đại Vương! Người hưởng thọ phước Trời, không cần làm mà tự nhiên có, rất may mắn thỉnh Vua đến nhà. Vua Tần Bà Sa La cùng quần thần thân cận đến nhà trưởng giả Quang Minh. trưởng giả dẫn đường cho Vua đến nhà mình. Vua thấy ở ngoài cửa có đứa tớ gái giữ cửa, tướng mạo rất xinh đẹp, bèn dừng lại giây lát.

Trưởng giả tâu: Vì sao Đại Vương dừng lại đây mà không đi tiếp?

Vua nói: Trưởng giả! Ta thấy vợ ông nên mới dừng lại đây.

Trưởng giả đáp rằng: Đây là tớ gái giữ cửa, không phải vợ tôi.

Vua đi tiếp đến cửa giữa, thấy một tớ gái giữ cửa, Vua cũng dừng lại không đi tiếp.

Trưởng giả tâu: Vì sao Vua lại dừng, không đi?

Vua trả lời như trước.

Trưởng giả tâu: Đó không phải là vợ tôi, mà là đứa tớ gái giữ cửa giữa. Vua lại tiến vào cửa bên trong, thấy trên đất có báu Ma Ni, nước chảy, cá và các loại côn trùng. Vua cho đó là cái ao, cũng dừng lại giây lát.

Trưởng giả tâu: Sao Đại Vương dừng ở đây không đi?

Vua đáp: Nơi đây có nước nên ta không đi tiếp.

Trưởng giả tâu: Đại Vương! Nơi đây không có nước, chỗ đất này bằng báu Ma Ni.

Vua nói: Trưởng giả! Nếu là đất báu, sao có các tướng nước chảy, có cá và côn trùng?

Trưởng giả tâu: Đại Vương, trên có chạm khắc hình bánh xe quay, cá, côn trùng v.v…

Do ánh sáng của báu Ma Ni phản chiếu cho nên thấy như vậy. Tuy Vua nghe vậy nhưng chưa tin, liền rút chiếc nhẫn đeo tay của mình ném xuống đất. Chiếc nhẫn va vào đất phát ra tiếng, Vua mới tin đó là đất báu Ma Ni. Vua Tần Bà Sa La vào nhà, ngồi trên Tòa Sư Tử, vợ của trưởng giả ra bái chào Vua, bỗng nhiên rơi nước mắt.

Vua hỏi: Trưởng giả! Vì sao vợ ông thấy Vua lại rơi nước mắt?

Trưởng giả tâu: Đại Vương, vợ tôi bái chào Vua, đâu dám rơi nước mắt. Do vì Vua mặc áo có hơi khói củi nên cay mắt mà chảy nước mắt. Đại Vương, vậy nên người hưởng phước Trời muốn ăn uống gì đều có báu như ý tự nhiên hiện ra. Vua Tần Bà Sa La ở nhà trưởng giả đã bảy ngày, quên trở về cung Vua.

Khi ấy, các quan đồng liêu cùng đến chỗ Thái Tử A Xà Thế tâu rằng: Đã bảy ngày Vua ở nhà của trưởng giả Quang Minh. Việc triều chính trong nước bị bỏ phế. Thái Tử nên đến thỉnh Vua trở về cung.

Thái Tử A Xà Thế liền đến nhà trưởng giả Quang Minh, tâu Vua cha rằng: Sao Phụ Vương quên trở về cung?

Chính sự trong nước bị bỏ phế.

Vua nói: Ta ở một ngày nơi nhà này, việc chính sự trong nước ngươi há không thể trị thay ta sao?

Thái Tử tâu: Phụ Vương nên biết, đã bảy ngày ở nhà này rồi.

Vua nghe nói, nhìn trưởng giả Quang Minh, hỏi: Có thật vậy không?

Trưởng giả tâu: Đúng vậy Đại Vương! Đã qua bảy ngày rồi.

Vua nói: Trưởng giả! Trong nhà của ông xem vào hiện tượng gì để phân ngày đêm?

Trưởng giả đáp: Theo hoa khép, hoa nở để phân ngày đêm.

Theo tiếng chim lạ hót và chim không hót để phân ngày đêm.

Theo ánh sáng của châu báu Ma Ni hiện và không hiện để phân ngày đêm.

Hoặc có hoa khép lại nhưng không phải đêm, có hoa nở nhưng không phải ngày.

Ánh sáng châu ẩn nhưng không phải đêm, có ánh sáng châu hiện mà không phải ngày.

Chim lạ yên lặng mà không phải đêm, có tiếng chim lạ hót nhưng không phải ngày.

Vua tần Bà Sa La nghe việc này rồi, nói với trưởng giả Quang Minh: Ta tin lời Phật chân thật không dối.

Phật đã nói: Ông ở trong loài người hưởng thọ phước Trời. Việc ấy đúng như thật. Vua tần Bà Sa La nói xong, ra khỏi nhà trưởng giả. Lúc Thái Tử A Xà Thế sắp ra khỏi nhà, lén lấy một hạt châu Ma Ni tên Phiến hằng, đưa cho người hầu giữ.

Về cung Vua rồi kêu người ấy đến bảo rằng: Ta đã dưa hạt châu Ma Ni cho ngươi, ngươi nên mang đến đây. Ta muốn xem kỹ.

Người hầu mở tay muốn dâng lên Thái Tử, nhưng không thấy hạt châu ấy, liền tâu rằng: Không biết hạt châu ấy mất ở nơi nào! Lúc đó Thái Tử liền lấy chùy đánh người hầu.

Trưởng giả Quang Minh dùng phước lực Cõi Trời biết được việc ấy, bèn đến hỏi Thái Tử rằng: Vì sao lại lấy chùy đánh người hầu này?

Thái Tử đáp: Vừa rồi ở nhà ông, tôi lén lấy hạt châu ma ni đưa cho kẻ hầu này, nay bỗng mất đi. Tôi đã lấy trộm, người này còn trộm lại. Tội ấy càng nặng, cho nên đánh bằng chùy.

Trưởng giả tâu: Ông lấy châu của tôi, không gọi đây là trộm. Nay đã không thấy, cũng không phải người khác trộm. Hạt châu này trở lại ở nhà tôi.

Vì sao?

Người hưởng phước Trời mới có thể dùng được. Nếu Thái Tử muốn cần điều gì, tôi sẽ dâng cho Ngài không tiếc gì cả.

Thái Tử A Xà Thế sinh lòng nghi ngờ, nghĩ: Hiện nay đối với trưởng giả này, ta chưa muốn lấy gì cả. Sau khi cha ta Vua Tần Bà Sa La băng hà, ta mới mong cầu các tài sản vật báu của ông ta. Nghĩ rồi, Thái Tử A Xà Thế cấu kết với Đề Bà Đạt Đa lập mưu hại chết Vua cha. Sau khi giết cha rồi, tự làm lễ quán đảnh lên ngôi.

Khi lên ngôi Vua, bèn triệu trưởng giả Quang Minh đến, nói rằng: Trưởng giả là anh ta. Ta muốn đến nhà ông và hễ có chỗ nào cần, ông nên cung cấp cho ta.

Trưởng giả Quang Minh suy nghĩ: Vua Tần Bà Sa La dùng chánh pháp trị đời. Người này hung ác, lại bạo ngược, giết Phụ Vương của mình. Tự mình làm quán đảnh để lên ngôi Vua. Giờ ở trước ta nói ra lời kiêu mạn, muốn ở nhà ta, ta cũng nên thuận theo. Nếu làm trái, người này sẽ nhân đó hại gia tộc của ta.

Nghĩ rồi, tâu rằng: Đại Vương! Tôi biết lòng Ngài có điều mong muốn. Mong rằng Ngài đến nhà tôi, hễ có cần gì tùy ý lấy dùng. Sau tôi sẽ đến cung Vua.

Vua A Xà Thế nói: Nếu được như vậy rất là tốt. Khi Vua nghị bàn rồi, đến nhà trưởng giả trước. trưởng giả lại trở về cung Vua. Trưởng giả có thắng tướng an lành của Trời người. trưởng giả đi đến nơi nào, các kho vật báu cũng đều theo đến. Vua A Xà Thế ở nhà trưởng giả, thấy kho trân bảo bảy lần hiện ra, bảy lần biến mất.

Thái Tử nghĩ: Các kho báu vật trong nhà này đều đi theo ông ấy, ta không thể có được.

Ta nên bày mưu kế khác: Lén sai một số người hung ác chở một xe đưa đến nhà trưởng giả Quang Minh lấy trộm trân bảo. Số người ấy đến nơi rồi, bày kế gian xảo để rình lấy trộm trân bảo.

Lúc ấy trưởng giả Quang Minh ở trên lầu cao có các hầu gái thân cận. Khi đó các hầu gái thấy những người trong xe ấy, họ đã biết là kẻ hung ác, đến rình lấy trộm trân bảo.

Các hầu gái thấy rồi, cười chỉ họ mà nói: Đây là kẻ trộm cắp hung ác. Trưởng giả nghe cười nói, bỗng hiểu rõ việc ấy. Các người trộm kia ẩn núp suốt đêm.

Đến sáng sớm, nhiều người cùng thấy họ, đồng nói rằng: Vua A Xà Thế là người nghịch ác, giết hại Phụ Vương. Nay lại sai các người ác đến trộm cắp trân bảo nhà trưởng giả.

Khi Vua A Xà Thế biết việc này, sai người đến chỗ trưởng giả Quang Minh nói rằng: Vì sao trưởng giả khinh chê nhiều người của ta?

Trưởng giả Quang Minh biết ý Vua, liền sai đuổi các người ác đi khỏi hết.

Trưởng giả nghĩ: Vua Xa Xà Thế rất nghịch ác, giết hại Phụ Vương.

Có phải sau này cũng làm việc giết hại với ta không?

Nhớ lời trước Phật đã thọ ký: Ở trong Pháp Phật xuất gia học đạo, dứt các phiền não, chứng A La Hán. Ta nên xuất gia theo Phật. Nghĩ xong, liền đem kho báu làm các việc từ bi bố thí lợi lạc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần