Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bảy Mươi Chín - Phẩm Kết Khuyến

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI ĐẦU  

PHẨM BẢY MƯƠI CHÍN

PHẨM KẾT KHUYẾN  

Này Thiện Hiện! Nên biết, do lý thú như thế oai đức bát nhã Ba la mật đa sâu xa thù thắng, khiến các Bồ Tát có thể mau dẫn phát được trí nhất thiết trí.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn học sáu phép Ba la mật đa mau được viên mãn, muốn thông đạt đầy đủ cảnh giới Chư Phật, muốn đắc thần thông tự tại của Chư Phật, muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, muốn có thể lợi ích an lạc tất cả hữu tình một cách rốt ráo thì nên học bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế.

Nên đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, rốt ráo thông suốt, như thuyết tu hành, như lý tư duy nghĩa thú sâu xa, biên chép truyền bá, vì người giải nói.

Nên dùng các loại tràng hoa, các thứ hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc thượng diệu và các vật quí hiếm khác cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã thuyết này là mẹ chính sanh thành dưỡng dục, là thầy mô phạm chân chánh. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng tôn trọng cung kính khen ngợi. Tất cả chúng Đại Bồ Tát đều cúng dường, tinh cần tu học. Đó là giáo huấn chân thật của Như Lai.

Bấy giờ, Phật Bảo A Nan Đà: Đối với Như Lai, ông có ái kính chăng?

A Nan Đà thưa: Bạch Thế Tôn! Dạ có!

Bạch Thiện Thệ! Dạ có! Con thật có ái kính Phật, Như Lai tự biết.

Phật Bảo Khánh Hỷ: Đúng vậy! Đúng vậy! Ông đối với ta, thật có ái kính. Từ trước đến nay ông thường dùng nghiệp thân, ngữ, ý từ hòa, tốt đẹp, cung kính cúng dường, theo hầu bên ta, chưa từng trái ý.

Này Khánh Hỷ! Ông nên dùng sự chân thật cung kính cúng dường thân Ta khi ta còn ở đời. Sau khi ta Niết Bàn ông cũng nên dùng sự ái kính như thế mà cúng dường tôn trọng bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Lần thứ hai, lần thứ ba, Đức Phật đem bát nhã Ba la mật đa sâu xa giáo huấn Khánh Hỷ như thế, khiến cho vô cùng ái kính tôn trọng cúng dường hơn là cúng dường thân Như Lai.

Lại bảo: Này Khánh Hỷ! Ta đem bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, trước đại chúng hôm nay phó chúc cho ông, ông nên thọ trì. Sau khi ta Niết Bàn cho đến một chữ chớ để quên mất. Bát nhã Ba la mật đa như thế, tùy theo thời gian, nơi chốn mà nó lưu bố ở thế gian, nên biết tức là có Chư Phật Thế Tôn hiện trụ thế gian, vì chúng thuyết pháp.

Khánh Hỷ nên biết: Nếu có ai đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa này, cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng rốt ráo thông suốt, như thuyết tu hành, như lý tư duy, nghĩa thú sâu xa, biên chép truyền bá, vì người giải nói.

Lại dùng các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc thượng diệu và các vật quý hiếm khác cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, thì nên biết người ấy thường gặp Chư Phật, lắng nghe chánh pháp, tu các phạm hạnh.

Khi ấy, đức Bạc Già Phạm nói Kinh này xong, vô lượng chúng Đại Bồ Tát, Bồ Tát Từ Thị là Thượng Thủ, Đại Ca Diếp Ba, Xá Lợi Phất, A Nan Đà v.v… các đại Thanh Văn và Trời, Rồng, Người chẳng phải người, phi nhơn khác v.v… tất cả đại chúng, nghe Phật nói rồi, đều rất hoan hỷ, tin thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần