Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chấm Dứt Lậu Hoặc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BI ĐẠI ÁI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI CHÍN
PHẨM CHẤM DỨT LẬU HOẶC
Phật nói: Thiện nam!
Như Lai Chí Chân trừ hết lậu hoặc. Với tâm vô lậu, Phật tu giải thoát.
Với trí tuệ Ba la mật, Phật chứng đắc thần thông, làm mọi việc, đoạn sinh tử, hành hạnh thanh tịnh, mọi việc đã làm xong, biết nguồn gốc của danh sắc. Với trí tuệ vô lậu, thanh tịnh không ô uế, thuần khiết hiển hiện, Như Lai vượt mọi chướng ngại. Thanh Văn tuy hết lậu hoặc nhưng còn hạn hẹp, chưa đạt cứu cánh.
Duyên Giác tuy hết lậu hoặc nhưng còn trở ngại trong hạnh từ bi, không đủ biện tài. Như Lai hết lậu hoặc, đủ các hạnh, vượt mọi trở ngại, trọn tâm từ bi, đầy đủ biện tài, dũng mãnh không sợ, thần thông khôn lường, không ai biết được, không thể so sánh, bình đẳng chuyên nhất.
Như Lai chí chân không bị nghiệp tội gây trở ngại, đầy đủ mọi oai nghi đức hạnh, thanh tịnh như hư không, tất cả quân ma ngoại đạo không thể sánh nổi, trọn vẹn công đức, danh xưng. Như Lai không lậu hoặc, dục trần không trở ngại được nhưng Phật hòa hợp tất cả.
Với trí vô lậu kiên cố, Như Lai giảng pháp vô lậu để trừ hết hoặc lậu của chúng sinh. Chúng sinh không trí tuệ, tạo nên lậu hoặc thọ thân ấm, nhập.
Các Thiện Nam! Hãy suy xét Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy, thị hiện thuyết giảng, trừ hết dục trần, giúp chúng biết rõ, thọ trì Pháp Phật.
Thiện Nam! Đó là hạnh thứ mười của Phật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Như Lai Thế Tôn
Đủ trí vô lậu
Thông tỏ tất cả
Thanh tịnh vô lượng.
Trọn vẹn mười lực
Siệu vượt, thù thắng
Lãnh thọ Pháp Phật
Dốc tín tuân hành.
Đạt trí vô lậu
Đó là Thanh Văn
Nhưng chưa hết chấp
Còn bị trở ngại.
Thế Tôn trong đời
Đạo Sư mọi cõi
Trừ hết chấp xứ
Không còn trở ngại.
Các hàng Bồ Tát
Cũng đạt lậu tận
Nhưng không lòng từ
Và thiếu biện tài.
Chư Phật Thế Tôn
Chấm dứt lậu hoặc
Nhưng đủ từ bi
Biện tài không lường.
Thế Tôn thanh tịnh
Trụ trí vô lậu
Biết rõ chúng sinh
Bị các lậu hoặc.
Tham đắm tất cả
Nhưng các chúng sinh
Không thể biết được
Quả báo phải chịu.
Như Lai Thế Tôn
Thương xót chúng sinh
Giảng pháp vô thường
Khổ, không, vô ngã.
Tất cả các pháp
Vốn không thật có
Hiểu được như thế
Thành tựu quả Phật.
Không thấy ta người
Nào đâu thọ mạng
Được gọi là người
Cũng chỉ như thế.
Tất cả chúng sinh
Chấp chặt vào đó
Như Lai thương xót
Giảng pháp giải thoát.
Đức Phật an trụ
Không hề mệt mỏi
Nhưng trí của Phật
Không có thêm bớt.
Vì thế Như Lai
Luôn hành từ bi
Thương xót tất cả
Thuyết giảng Kinh Pháp.
Hạnh Phật là thế
Không ai sánh bằng
Rộng khắp mười phương
Hàng phục ngoại đạo.
An trụ mười lực
Mạnh mẽ kiên cường
Xoay chuyển xe pháp
Thù thắng khó lường.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nói Về Mười Hai Phẩm Sinh Tử
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Bảy - Phẩm Tổng Trì Môn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Ba - Phẩm Vô Sự
Phật Thuyết Kinh Năm Trăm đệ Tử Tự Nói Về Bổn Khởi - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm La Vân Mười Bài Kệ
Phật Thuyết Kinh A Soa Mạt Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Tôn Giả Ca Chiên Diên Nói Về Vô Thường
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bát Niết Bàn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Mười Tám - Kinh Lên Lầu Mài Dao